Reuters – VOA
Quân đội cầm quyền của Myanmar ngày 25/7 loan báo đã xử tử 4 nhà hoạt động dân chủ với cáo buộc tiếp tay cho ‘các hoạt động khủng bố’, khơi dậy lên án từ cộng đồng quốc tế.
Bị kết án tử hình trong các phiên tòa bí mật vào tháng 1 và tháng 4, những người đàn ông này bị buộc tội hỗ trợ một phong trào phản kháng dân sự từng chiến đấu chống lại quân đội kể từ cuộc đảo chính năm ngoái và từ cuộc đàn áp biểu tình đẫm máu trên toàn quốc.
Trong số những người bị xử tử có nhà vận động dân chủ Kyaw Min Yu, được biết đến nhiều hơn với tên Jimmy, và cựu nghị sĩ kiêm nghệ sĩ hip-hop Phyo Zeya Thaw, đồng minh của nhà lãnh đạo bị lật đổ Aung San Suu Kyi. Hai người còn lại bao gồm Hla Myo Aung và Aung Thura Zaw.
Truyền thông nhà nước cho biết “lệnh trừng phạt đã được thi hành,” nhưng không cho biết khi nào, hoặc bằng phương pháp nào. Các vụ xử tử trước đây ở Myanmar đã được thực hiện bằng cách treo cổ.
Người đứng đầu nhân quyền Liên hiệp quốc Michelle Bachelet gọi đây là một “bước tàn nhẫn và thoái trào” sẽ “chỉ làm cho nước này lún sâu vào cuộc khủng hoảng tự tạo.”
Hoa Kỳ lên án hành động này và nói rằng mọi chuyện sẽ không còn bình thường nữa đối với nhà cầm quyền quân sự Myanmar.
Cố vấn về án tử hình thuộc Tổ chức Ân xá Quốc tế, Chiara Sangiorgio, nói các vụ xử tử này là “một bước lùi rất lớn” và chính quyền quân sự Myanmar sẽ “không dừng lại ở đó.”
Quyền Giám đốc khu vực châu Á thuộc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Elaine Pearson nói đây là “một hành động cực kỳ tàn ác” nhằm “giảm bớt phong trào biểu tình chống đảo chính.”
Một đoạn video cho thấy một số người biểu tình đeo mặt nạ hô vang khẩu hiệu và mang theo một biểu ngữ lớn xuống đường ở Yangon với nội dung “Chúng tôi sẽ không bao giờ sợ hãi” trước khi quay đầu bỏ chạy.
‘Xử tử dã man’
Hoa Kỳ ngày 25/7 cho biết sẽ làm việc với các đồng minh trong khu vực để buộc chính quyền quân sự Myanmar phải chịu trách nhiệm và kêu gọi ngừng bạo lực và trả tự do cho tù chính trị.
Phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc nói: “Hoa Kỳ lên án bằng những ngôn từ mạnh mẽ nhất việc chế độ quân sự Miến Điện xử tử dã man các nhà hoạt động dân chủ và các nhà lãnh đạo dân cử”.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price nói trong một cuộc họp báo rằng Washington đang xem xét các biện pháp tiếp theo để đáp trả nhà cầm quyền quân sự Myanmar và cho biết thêm rằng “tất cả các giải pháp” đều được tính tới.
Ông kêu gọi các nước cấm bán thiết bị quân sự cho Myanmar và chớ làm bất cứ điều gì có thể giúp cho họ có uy tín quốc tế.
Pháp lên án các vụ xử tử này và kêu gọi đối thoại giữa tất cả các bên, trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói rằng các vụ hành quyết này sẽ cô lập Myanmar hơn nữa.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên ở Myanmar giải quyết xung đột một cách hợp lý trong khuôn khổ hiến pháp của mình.
Những nước khác kêu gọi các chế tài nhanh chóng.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên hiệp quốc về nhân quyền Myanmar, Tom Andrews, nói với Reuters rằng Liên hiệp quốc nên “thông qua một nghị quyết mạnh mẽ không chỉ lên án không thôi mà phải có hành động chiến lược rõ ràng, chế tài, chế tài kinh tế và cấm vận vũ khí.”
Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Hoa Kỳ Bob Menendez thúc giục Tổng thống Mỹ chế tài Công ty Dầu Khí của Myanmar cùng các công ty khác.