“Sở hữu toàn dân” về đất đai có thể đưa ra khỏi bàn thờ được không? Đất đai

- Quảng Cáo -

FB Hoàng Hải Vân

Có vẻ như các nhà chính trị và các nhà làm luật nước ta coi “sở hữu toàn dân” về đất đai là thứ đã đặt lên bàn thờ không được đụng chạm đến, nên mặc nhiên coi đó là thuộc tính xã hội chủ nghĩa, đụng đến sẽ bị quy là “chệch hướng” ngay.

Nhưng nếu ai chịu khó đọc Hồ Chí Minh toàn tập, sẽ không hề thấy cụ Hồ nói đất đai là sở hữu toàn dân. Không những vậy, 2 bản Hiến pháp thời cụ Hồ còn sống cũng tuyệt nhiên không có quy định này.

Hiến Pháp 1946 phần nói về Chính thể chỉ ghi “Nước Việt Nam là một nước dân chủ cộng hòa”, không đề cập đến chế độ kinh tế. Nhưng Điều 12 của bản Hiến Pháp này ghi rõ: “Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm”. Quyền tư hữu ở đây được hiểu là bao hàm tư hữu về ruộng đất.

- Quảng Cáo -

Hiến Pháp 1959, dù là bản Hiến pháp “xây dựng chủ nghĩa xã hội” ở miền Bắc, nhưng Điều 12 của nó chỉ ghi: “Các hầm mỏ, sông ngòi, và những rừng cây, đất hoang, tài nguyên khác mà pháp luật quy định là của Nhà nước, đều thuộc sở hữu của toàn dân”. Tức là đất đai không thuộc sở hữu toàn dân, chỉ có đất hoang là sở hữu toàn dân mà thôi. Và không chỉ có vậy. Điều 14 ghi thêm: “Nhà nước chiếu theo pháp luật bảo hộ quyền sở hữu về ruộng đất và các tư liệu sản xuất khác của nông dân”, có nghĩa rằng bản Hiến Pháp này vẫn bảo hộ quyền tư hữu về ruộng đất. (Cái tút ngắn này không bàn đến chuyện thực thi).

Giá trị của bản Hiến Pháp 1959 kéo dài mãi cho đến năm 1980, tức là 11 năm sau khi cụ Hồ tạ thế các nhà chính trị học trò của cụ vẫn không ai dám nói đất đai là sở hữu toàn dân. Quy định đất đai sở hữu toàn dân lần đầu tiên được xác lập là trong Hiến pháp 1980. Tôi không đề cập đến hoàn cảnh nào phải đưa quy định này vào vì sẽ rất dài dòng phức tạp, chỉ biết rằng nếu như cụ Hồ sống dậy chắc cụ cũng sẽ lấy làm lạ.

Từ đó, “sở hữu toàn dân” về đất đai được đưa lên bàn thờ. Hai bản Hiến Pháp tiếp theo được ban hành sau khi tiến hành công cuộc đổi mới và khi nước ta mở cửa hội nhập để tiến vào dòng chảy kinh tế thị trường, quy định này vẫn không ai dám gỡ bỏ. Trong một thời gian dài, nó trở thành con ngáo ộp đe dọa con đường tiến thân của những ai muốn động tới nó.

Phải có một ai đó, ở cấp rất cao không sợ trời không sợ đất, động tới thì nó mới có thể từ bàn thờ bước xuống nằm trên bàn nghị sự.

P/s : Trên đây là cái tút cũ viết từ 3 năm trước, nhưng vấn đề còn lâu mới hết tính thời sự. Và những gì diễn ra mới đây một lần nữa cho thấy vẫn chưa ai dám đưa nó từ bàn thờ xuống bàn nghị sự. Lịch sử lập pháp nước ta có nhiều bước tiến nhưng cũng có những bước thụt lùi, điều đáng buồn là không chỉ các nhà chính trị mà ngay cả các học giả cũng không dám động đến cái bàn thờ kia, dù nó mới được đưa lên thờ cúng 42 năm nay thôi.

H.H.V.

- Quảng Cáo -