Trần Quốc Sách
Ngày 9/6/2025 sắp tới, tập đoàn VinFast tổ chức hội nghị nhằm tăng nội địa hóa lên đến 80% sang năm 2026 (1). Nhưng Dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam không chỉ có vấn đề nội địa hóa!
Chúng ta đang sống trong một thời đại mà lòng tin của người dân vào những dự án “quy mô quốc gia” ngày càng trở nên mong manh, đặc biệt khi các dự án ấy được trao cho những tập đoàn tư nhân với quá khứ nhiều tai tiếng. Lần này, cái tên được nhắc tới là VinSpeed, công ty con của một tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam. Câu hỏi đặt ra là: Những dự án khủng của quốc gia nên tuân thủ những nguyên tắc căn bản nào, trước khi giao cho một công ty nào đó?
Hãy cùng nhau mổ xẻ 7 điểm quan trọng:
1. Dự án quốc gia phải được nhận trên cơ sở vốn tự có
Một tập đoàn tư nhân, dù lớn mạnh đến đâu, cũng không thể và không nên trông chờ vào sự “nâng đỡ” vô điều kiện của nhà nước. Khi nhận dự án lớn – đặc biệt là các dự án mang tính huyết mạch như đường cao tốc Bắc–Nam – thì điều đầu tiên phải chứng minh được là khả năng tài chính độc lập, bằng vốn tự có, không thể “chạy vòng” để hợp thức hóa nguồn lực vay mượn hoặc huy động rủi ro (2 & 3).
2. Vay vốn là trách nhiệm doanh nghiệp – không phải gánh nặng của dân
Nếu cần vay vốn, đó là quan hệ giữa doanh nghiệp với ngân hàng, hoàn toàn không được “lấy cớ vì dự án trọng điểm quốc gia” để nhà nước phải đứng ra bảo lãnh, hoặc hậu thuẫn về chính sách tài khóa. Sự hỗ trợ từ nhà nước, nếu có, chỉ nên là ưu đãi thuế cho những sản phẩm đặc thù phục vụ dự án, chứ không thể là bảo hiểm cho rủi ro của doanh nghiệp.
3. Phải minh bạch giữa đất đai công và dự án kinh doanh bất động sản
Khi triển khai một dự án công như đường cao tốc Bắc–Nam, doanh nghiệp không được lợi dụng đất được cấp phục vụ hạ tầng để biến tướng thành các siêu đô thị, khu nghỉ dưỡng, bất động sản cao cấp. Đất công không phải công cụ tạo siêu lợi nhuận, còn nếu dự án thất bại, thì không thể để ngân sách – tức là tiền thuế của nhân dân – gánh hậu quả. Nhập nhèm khâu này là đẻ ra “móc ngoặc” công – tư, tham nhũng (4).
4. Không được “ôm dự án” rồi sang tay bán lại
Những dự án chiến lược như đường sắt cao tốc đòi hỏi doanh nghiệp phải có năng lực thực sự, đặc biệt là năng lực kỹ thuật, công nghệ và thi công nội địa (5). Cấm tuyệt đối kiểu “nhận cho có,” rồi bán lại cho đối tác nước ngoài, nhất là những quốc gia có hành động đe dọa an ninh – chủ quyền lãnh thổ Việt Nam.
5. Ưu tiên nội địa hóa ít nhất 70%
Một dự án lớn như đường sắt cao tốc không chỉ là chuyện vận tải, mà còn là cơ hội phát triển ngành công nghiệp trong nước. Ít nhất 70% khối lượng phải do doanh nghiệp trong nước thực hiện, từ thiết kế, vật liệu, công nghệ đến vận hành (6). Không thể để nước ngoài “thầu trọn,” còn Việt Nam chỉ là bên đứng tên trên danh nghĩa.
6. Hãy ôn bài học, dự án làm xong vẫn không đưa vào sử dụng
Bộ Công an xây xong trụ sở khủng, nhưng khánh thành xong thì không thấy đem vào sử dụng. Tuy nhiên, truyền thông nhà nước cho dư luận viên thanh minh rằng, trụ sở ấy không phải do Trung Quốc xây (!?) (7). Nhưng theo VOA thì rõ ràng có sự nghi ngờ tòa nhà đó bị Trung Quốc “cài rệp” (lắp máy nghe trộm) (8)…
Vậy, nên đặt vấn đề: Cao tốc Bắc Nam liệu có phải là một cấu thành của BRI (Vành đai con đường đang thất bại của Trung Quốc). Nếu quả thế, một khi dự án đội vốn, mà theo tính toán, đội lên đến 100 tỷ USD là cái chắc. Lúc ấy Trung Quốc sẽ mua lại với giá khoảng 20 tỷ USD (giá trị thực lúc ấy của một dự án dang dở). Trung Quốc sẽ mua lại và ngang nhiên điều hành việc xây đường sắt cao tốc trên đất Việt Nam, còn dân Việt sẽ è cổ trả 80 tỷ USD nợ. So sánh nào cũng khập khiểng, nhưng Cao tốc Bắc-Nam tương lai sẽ là một “Hải cảng Ream Campuchia” ở Việt Nam.
7. Có nhất thiết phải làm đường sắt cao tốc?
Cuối cùng, một câu hỏi rất cần được đặt ra: Liệu Việt Nam đã thực sự cần đường sắt cao tốc chưa? Trong số top 10 quốc gia phát triển hàng đầu thế giới, không phải nước nào cũng có loại hình này. Họ tập trung vào hiệu quả – bền vững – và cân bằng chứ không chạy đua theo hình thức. Hãy tỉnh táo, lắng nghe thực tiễn và nhu cầu quốc gia, thay vì bị cuốn vào tham vọng “làm dự án để ghi dấu ấn nhiệm kỳ.”
VinSpeed vừa thành lập được mấy tuần. Nhưng VinSpeed xin đảm nhận dự án thế kỷ, thuộc hàng lớn nhất trong lịch sử các dự án kinh tế của Nhà nước CHXHCNVN cho đến thời điểm hiện tại. Phải chăng nên có cái nhìn toàn cục về vấn đề đường sắt cao tốc trên thế giới ? (9)
Kết luận:
Vingroup từng có tham vọng gây tiếng vang khi “mang chuông đi đánh đất người” nhưng sau bao lần “chuông xịt,” họ đành lặng lẽ rút lui không kèn trống, từ xe máy, điện thoại, đến ô tô… Lần này, nếu không thành công, thì ai sẽ đứng ra chịu trách nhiệm?
Bất cứ dự án nào, của tư nhân hay nhà nước, đều không thể vượt ngưỡng chịu đựng của nền kinh tế quốc dân. Nền kinh tế Việt Nam đang đứng trước hàng loạt thách thức và có nhiều biểu hiện của một đợt khủng hoảng. Liệu Dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam có phải là cú đánh “Knock-Out,” một khi chưa triển khai đã có thể tính trước xác suất thất bại?
Chúng ta không cần một tập đoàn hô khẩu hiệu giỏi – mà cần một doanh nghiệp trung thực, minh bạch, và biết tôn trọng tiền thuế của dân. VinSpeed, nếu còn tự trọng và khát vọng vươn lên thực sự, hãy chứng minh mình là một tập đoàn lương thiện – bằng hành động, không phải chiêu trò “nội địa hóa” bằng các hội nghị quốc gia.
Tham khảo:
(1) https://laodong.vn/kinh-doanh/vinfast-se-nang-ti-le-noi-dia-hoa-len-80-vao-nam-2026-1515958.ldo
(3) https://www.facebook.com/chinh.duong.quoc.kts/posts/ph%C3%A2n-t%C3%ADch-r%E1%BB%A7i-ro-khi-vinspeed-%C4%91%E1%BA%A7u-t%C6%B0-d%E1%BB%B1-%C3%A1n-%C4%91sct-b%E1%BA%AFc-nam%C4%91%E1%BB%81-xu%E1%BA%A5t-c%E1%BB%A7a-c%C3%B4ng-ty-c%E1%BB%95-ph/3231767583642849/ [Phân tích rủi ro khi VinSpeed đầu tư dự án ĐSCT Bắc-Nam]
(5) https://www.facebook.com/phuongngo3.vn/posts/vingroup-th%E1%BA%BF-b%C3%AD-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-c%C3%B9ng-v%C4%83n-b%E1%BA%A3n-%C4%91%E1%BB%81-xu%E1%BA%A5t-c%E1%BB%A7a-vinspeed-m%E1%BB%99t-c%C3%B4ng-ty-con-c%E1%BB%A7a-ving/1844390313082254/ [VinGroup “Thế bí đường cùng”]
(7) https://www.facebook.com/thuongdancom/posts/tr%E1%BB%A5-s%E1%BB%9F-b%E1%BB%99-c%C3%B4ng-an-do-trung-qu%E1%BB%91c-x%C3%A2y-d%E1%BB%B1ngt%C3%B4i-xin-gi%E1%BA%A3i-%C4%91%E1%BB%99c-th%C3%B4ng-tin-tr%C3%AAn-b%E1%BA%B1ng-c%C3%A1c/2417746355183254/
[Trụ sở Bộ công an do Trung Quốc xây dựng???]
(8) https://www.voatiengviet.com/a/mat-canh-giac/2979418.html
(9) https://thuymyrfi.blogspot.com/2025/05/nguyen-ngoc-chu-uong-sat-cao-toc-bac.html