Thế trận đại hội XIV: Xáo bài cho cả thời kỳ “hậu kế”

Hoàng Thuyên

Vị “tổng công trình sư” cao nhất trong đảng đang triển khai một thế trận vừa tái thiết vừa củng cố quyền lực bài bản, trong đó có cả kế hoạch sau đại hội…

Chỉ còn nửa năm nữa là tới đại hội XIV – sự kiện chính trị lớn nhất của ĐCSVN trong 5 năm tới – nhưng những bước đi dồn dập gần đây từ nội bộ hệ thống cho thấy, Tổng Bí thư Tô Lâm đã không đợi đến sát đại hội mới “ra đòn.” Vị “tổng công trình sư” đầy quyền lực đang triển khai một thế trận vừa tái thiết vừa củng cố đội ngũ một cách bài bản, đồng bộ và đa tầng, nhằm đảm bảo toàn bộ hệ thống chính trị không chỉ tinh gọn về đội hình, mà còn trung thành tuyệt đối với cá nhân tổng bí thư.

1. “Then chốt của then chốt”: Dựng vững tuyến nhân sự

Tại phiên họp thứ tư của Tiểu ban Nhân sự, Tổng Bí thư Tô Lâm khẳng định công tác nhân sự là “then chốt của then chốt.” Không dừng ở phát ngôn, các định hướng nhân sự then chốt cho đại hội XIV đã cơ bản được thông qua: từ số lượng, cơ cấu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư, đến tỷ lệ đổi mới – tái cử – trẻ hóa – chuyên môn hóa (1).

Đặc biệt nhấn mạnh là chiến lược nhân sự tại TP.HCM – trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, nơi sản sinh nhiều nhân vật “tứ trụ.” Ghế bí thư Thành ủy TP.HCM hiện là tâm điểm của cuộc cờ lớn, với hai ứng viên sáng giá:

Nguyễn Thanh Nghị – Từ đầu năm đã được Ban Bí thư chỉ định tham gia Ban chấp hành, Ban Thường vụ Thành ủy, giữ chức phó bí thư thường trực Thành ủy TP.HCM. Ông Nghị con trai nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vừa là biểu tượng cho “sự hòa giải với thế hệ cũ,” vừa là tiềm năng cho vị trí thủ tướng tương lai (2).

Trần Lưu Quang – Cũng từ đầu năm được bầu bổ sung vào Ban Bí thư và được Bộ Chính trị phân công giữ cương vị trưởng ban Kinh tế Trung ương từ tháng 8/2024 đến nay. Ông Quang từng giữ vai trò phó bí thư TP.HCM, một con người kỹ trị, trung thành và đang được “trao cơ hội thứ hai” (3).

Điểm then chốt ở đây: cả Nghị lẫn Quang đều là “thợ ruột” của Tô Lâm. Điều này cho thấy TBT không chỉ cầm chốt nhân sự đại hội XIV, mà còn cài cắm sẵn các phương án thay thế Thủ tướng Phạm Minh Chính về lâu dài. Và ngay cả trong trường hợp này, Tô Lâm cũng không “đặt cược tất tay” – ông chia rủi ro bằng cách dựng hai lối ra, cho thấy sự tính toán kỹ lưỡng của “một kiến trúc sư” quyền lực đúng nghĩa.

2. Tái cấu trúc hệ thống: Tinh gọn để kiểm soát

Đi song song với chiến lược nhân sự là kế hoạch sáp nhập bộ máy toàn diện. Theo phương án đã được bàn kỹ: Chính phủ giảm 4 bộ, Quốc hội giảm 2 ủy ban (4):

– Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhập với Bộ Tài chính

– Bộ Giao thông Vận tải nhập với Bộ Xây dựng

– Thông tin và Truyền thông nhập với Bộ Khoa học – Công nghệ

Đây không chỉ là cải cách hành chính thông thường. Đằng sau là chiến lược “một người – một việc – một quyền chỉ huy”: thu gọn để tránh chồng chéo, và đặc biệt là dễ quản, dễ kiểm soát. Mỗi lần sáp nhập cũng đồng nghĩa với việc loại bỏ một nhóm quyền lực cũ hoặc “khó kiểm soát” – một cách tái thiết âm thầm nhưng hiệu quả.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng buộc phải phụ họa rằng, việc tinh gọn và sáp nhập phù hợp với hạ tầng giao thông, hạ tầng số ngày càng phát triển, nhưng đằng sau những lời phát biểu ấy là sự chấp nhận một thực tế chính trị: quyền điều phối nhân sự trong chính phủ nay cũng không còn tuyệt đối trong tay ông (5).

3. TP.HCM – “cửa ngõ quyền lực” được gia cố kỹ lưỡng

Việc chuẩn bị cho vị trí bí thư thành ủy TP.HCM được Tô Lâm đặc biệt quan tâm không phải ngẫu nhiên. Sài Gòn luôn là điểm tựa quyền lực, không chỉ về kinh tế mà còn là bàn đạp để vào Bộ Chính trị – hoặc leo cao hơn. Trong bối cảnh hiện tại, lựa chọn giữa Nguyễn Thanh Nghị và Trần Lưu Quang là cách để Tô Lâm “điều hòa các vùng ảnh hưởng”: vừa giữ sự trung thành tuyệt đối với “bố già” Nguyễn Tấn Dũng, vừa thỏa mãn được các lobby quyền lực từ Nam chí Bắc, từ cũ đến mới.

Việc chuẩn bị tới hai nhân sự cho một ghế – và cả hai đều có thể “xuất ra Hà Nội” – cho thấy Tô Lâm đã tính đến khả năng thay thế nhân sự cấp cao như thủ tướng bất cứ lúc nào. Một thế trận nhân sự không chỉ chắc cho hiện tại, mà còn mở đường cho toàn bộ chuỗi kế tiếp.

4. Sáp nhập tỉnh: “Thời cơ vàng” trước đại hội

Theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính, một tiếng nói mạnh mẽ ủng hộ TBT, việc sáp nhập tỉnh cần thực hiện ngay trước đại hội XIV, tận dụng “thời cơ vàng” để vượt qua rào cản chính trị. Mục tiêu: tạo dư địa phát triển mới, tiết kiệm ngân sách, tăng hiệu quả quản lý và – quan trọng không kém – giảm lực cản vùng miền trong cơ cấu quyền lực (6).

5. Rút ngắn nhiệm kỳ Quốc hội: Khớp nhịp cho đảng dễ “điều khiển”

Một chi tiết kỹ thuật nhưng mang tính chiến lược: nhiệm kỳ đại biểu Quốc hội đang được tính toán rút ngắn để đồng bộ với thời gian đại hội đảng. Lý do? Tránh chồng lấn quyền lực, như trường hợp trước đây từng có hai phó thủ tướng thường trực song song (Phạm Bình Minh và Trương Hòa Bình). Tô Lâm không chấp nhận “bộ đôi quyền lực” – ông chọn mô hình duy nhất, dễ điều hành, dễ xử lý nếu cần loại bỏ (7).

6. “Chiếc bánh tàu cao tốc” cho Tập Cận Bình – và cú cảnh báo kín đáo

Để tránh nguy cơ can thiệp như những gì Trung Quốc từng gián tiếp gây ảnh hưởng tại đại hội XII, XIII, Tô Lâm đã “dâng” chiếc bánh tàu cao tốc Bắc – Nam cho Tập Cận Bình trong chuyến thăm Hà Nội vừa rồi của Tập. Tuy nhiên, đại dự án ấy vẫn “lửng lơ con cá vàng” – chưa chính thức, chưa ký vốn, chưa khởi công. Việc VinSpeed bị cạnh tranh trong dự án này bởi một tập đoàn khác (THACO) là dấu hiệu cho thấy Tô Lâm vẫn giữ thế kiểm soát cao độ, không để bất kỳ phe nhóm nào “một mình một chợ” (8).

Cùng lúc đó, việc Phan Văn Giang mới đây vừa trình Dự luật “tình trạng khẩn cấp” tại kỳ họp Quốc hội không chỉ là giải pháp cho thiên tai hay xung đột – mà là đòn cảnh báo chiến lược. Đêm trước đại hội có thể rất dài và có thể xuất hiện nhiều “mộng mị” (đêm dài lắm mộng). Rõ ràng, Tô Lâm và phe nhóm muốn gửi đi thông điệp: bất kỳ lực lượng nào có ý định gây rối, từ trong hay ngoài nước, đều sẽ bị “khóa cờ” ngay trước khi nhập trận (9).

7. Đòn thâm hậu: Khóa miệng từ lề trái đến lề phải

Song song với công cuộc tái thiết bộ máy, Tô Lâm không quên “bịt miệng” mọi khả năng tạo nhiễu loạn từ xã hội dân sự hay giới phản biện – kể cả những tiếng nói đối lập trong chính hệ thống. Dưới thời ông làm bộ trưởng Công an, không gian phản biện gần như bị triệt tiêu: các luật sư, nhà báo độc lập, thậm chí cả những cựu quan chức lên tiếng theo hướng cải cách đều bị “xử lý,” không cần cảnh báo. Điển hình là việc truy tố và biệt giam cựu Luật sư Trần Vũ Hải – người từng được xem là “phản biện có kiểm soát” (10).

Tuy nhiên, đòn hiểm nhất có lẽ là việc khóa miệng cả những tiếng nói “lề phải” – tức các cựu cán bộ, tướng lĩnh hay học giả từng là người trong cuộc, nhưng nay dám đề xuất cải cách ôn hòa. Họ không bị bắt ồ ạt, nhưng bị “cắt sóng,” khóa mạng xã hội, rút lại các đặc quyền chính trị, thậm chí bị cô lập bằng các biện pháp nghiệp vụ. Cách làm “không đổ máu” nhưng triệt để này phản ánh đúng bản lĩnh và bản chất của Tô Lâm: kiểm soát không cần ồn ào, nhưng luôn đầy toan tính.

Lời của Luật sư – Bị can Trần Đình Triển trước phiên tòa phúc thẩm hôm 30/5 mới đây thật hùng hồn: “Cuộc đời tôi không lấy một cây kim sợi chỉ của ai và tôi không có gì phải hổ thẹn với quê hương, với gia đình, dòng họ. Tôi không có tội!” (11)

Rõ ràng, bằng những “cái khóa vô hình,” ông Tô Lâm đang dọn sạch mặt bằng cho một đại hội XIV hoàn toàn không có tiếng nói đối kháng, không có dư âm dân chủ – dù chỉ là tượng trưng.

Kết luận: Một bàn cờ đã và đang được dựng lên cả thế lẫn lực

Tổng Bí thư Tô Lâm đang không chỉ điều hành, ông thiết kế lại toàn bộ trận đồ chính trị. Các bước đi về nhân sự, tổ chức bộ máy, đối nội – đối ngoại đều cho thấy một điều: ông đã sẵn sàng kiểm soát tuyệt đối tại đại hội XIV, và cả thời kỳ sau đó (hậu kế). Việc có tới hai ứng viên thân tín cho vị trí có thể kế vị thủ tướng là minh chứng rõ nhất: Tô Lâm không chỉ giữ quyền lực cho hiện tại, mà có thể còn chuyện tính cả đường xa: người sẽ kế vị mình để vận hành lâu dài bộ máy.

Tham khảo:

(1) https://baochinhphu.vn/nhan-su-van-de-then-chot-cua-then-chot-phai-duoc-chuan-bi-tu-som-102250410120744955.htm

(2) https://baochinhphu.vn/bo-truong-bo-xay-dung-nguyen-thanh-nghi-giu-chuc-pho-bi-thu-thuong-truc-thanh-uy-tphcm-102250125131321993.htm

(3) https://vnexpress.net/ong-tran-luu-quang-duoc-bau-bo-sung-vao-ban-bi-thu-4842604.html

(4) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjdey5x7kgno [Tinh gọn bộ máy: Chính phủ giảm 4 bộ, Quốc hội giảm 2 ủy ban]

(5) https://chinhsachcuocsong.vnanet.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-bao-dam-thong-suot-lien-tuc-trong-qua-trinh-sap-xep-don-vi-hanh-chinh/60456.html

(6) https://znews.vn/thoi-co-vang-de-sap-nhap-tinh-post1535095.html

(7) https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=94213

(8) https://nguoiquansat.vn/vinspeed-va-thaco-deu-muon-lam-du-an-duong-sat-cao-toc-bac-nam-67-ty-usd-bo-xay-dung-len-tieng-222476.html

(9) https://danviet.vn/de-xuat-thu-tuong-de-nghi-chu-tich-nuoc-dieu-dong-luc-luong-vu-trang-trong-tinh-trang-khan-cap-d1335205.html

(10) https://tuoitre.vn/vu-an-ls-tran-vu-hai-ai-da-tu-van-che-giau-gia-tri-that-cua-nha-dat-20200214192022869.htm

(11) https://baotiengdan.com/2025/06/02/bien-ban-phien-toa-hinh-su-phuc-tham-doi-voi-ong-tran-dinh-trien/