Chuyến công du Đông Nam Á của Macron: “Thực chiêu,” “hư chiêu” và bài học thời trật tự mới

Tổng thống Pháp Macron công du Việt Nam. Ảnh: AP
Tổng thống Pháp Macron công du Việt Nam. Ảnh: AP

TS. Đinh Hoàng Thắng

Chừng nào khát vọng về một xã hội đồng nguyên vẫn còn là một giấc mơ, thì các “thực chiêu” từ ngoại giao cũng chỉ là khí cụ để thi thố ngoài tường thành, không thể thay thế cho công cuộc cải tổ và thay đổi trong nội phủ.

Hôm 31/5/2025trong bài phát biểu quan trọng tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 22 của IISS, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói nhiều tới Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở (Free and Open Indo-Pacific – FOIP). Macron kêu gọi châu Âu và châu Á “đoàn kết chống lại những kẻ bắt nạt,” lập luận rằng các quốc gia không nhất thiết phải chọn phe giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ, mà có thể hướng tới một “con đường thứ ba” – ông gọi đó là khối “liên minh độc lập mới.”

Sự kiện trên đây đã kết thúc chuyến công du lịch sử sang châu Á của Macron từ ngày 25 đến ngày 31/5/2025. Chuyến công du qua ba nước: Việt Nam, Indonesia và Singapore nhằm khẳng định vai trò của Pháp như một đối tác đáng tin cậy trong khu vực, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng Mỹ–Trung leo thang.

Các nhà quan sát ví ông như một kiếm khách phương Tây, bước vào đấu trường Á châu đầy biến động. Với phong thái quyết đoán và ngôn từ nặng tính biểu tượng, Macron đã truyền đi thông điệp: Nước Pháp vẫn là một lực lượng toàn cầu đáng gờm, dù trật tự thế giới đang dần định hình lại không theo những mô thức cũ.

Tuy nhiên, trong con mắt của giới quan sát Hà Nội – lấy minh triết làm la bàn, căn cứ vào thực địa làm chỗ đứng – thì điều quan trọng là phải phân biệt giữa “thực chiêu” và “hư chiêu” qua chuyến công du, không chỉ để thấy nước cờ của người Pháp, mà để hiểu cách ứng xử của lãnh đạo Đông Nam Á giữa thời cuộc mịt mù sương khói. 

“Thực chiêu” – Pháp vẫn còn năng lực mềm và trí tuệ biểu tượng

Pháp là quốc gia châu Âu đầu tiên xây dựng chiến lược FOIP cho khu vực vào năm 2018, với nội hàm là tự do hàng hải, chủ quyền và xây dựng các mối quan hệ hợp tác đa phương. Pháp chủ trương trở thành “cường quốc cân bằng” (puissance d’équilibre), không liên kết cứng nhắc với Mỹ hay đối đầu trực diện với Trung Quốc.

Nếu nhìn tổng thể, cả ba nước Macron đến thăm lần này đều giáp Biển Đông, Singapore và Indonesia còn kết nối với Malacca, do vậy ở đây còn có giá trị chiến lược của eo biển Malacca. Trong cả ba trường hợp, Pháp đang phát triển mối quan hệ kinh tế và quân sự với các đối tác của mình và điều này chắc chắn sẽ củng cố năng lực gây ảnh hưởng gián tiếp của Paris trong khu vực.

Không thể phủ nhận, Macron đã mang theo những “thực chiêu” trong túi khôn ngoại giao của mình. Hơn 19 văn kiện được ký kết với Việt Nam, với nội dung trải rộng từ chuyển đổi năng lượng (JETP), giáo dục, đào tạo, văn hóa, cho đến hạ tầng và công nghệ cao. Dự án “An ninh Cảng biển Ấn Thái Dương” (Indo-Pacifc Port Security Project) ký kết với Indonesia… Với tư cách là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Singapore… Tất cả những thỏa thuận này đều cụ thể, chạm vào thực tiễn phát triển – và nếu được thực thi nghiêm túc, chúng mang lại ích lợi thiết thân.

Điều có ý nghĩa lớn lao trong cuộc họp báo ở Hà Nội, Tổng thống Pháp đã đề cập “quan hệ đối tác về chủ quyền” giữa hai quốc gia như là trục trung tâm của chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Đánh giá vai trò Việt Nam như một “trục kết nối Đông Nam Á và châu Âu,” cho thấy cái nhìn chiến lược mới từ Paris, không chỉ về địa lý mà cả về tầm vóc chính trị của Hà Nội.

Ngoài ra, việc đưa các doanh nghiệp lớn như EDF, TotalEnergies hay Bouygues vào bàn đàm phán – những tín hiệu cụ thể hơn là những lời xã giao thông thường. Trong chuyến đi dài ngày của tổng thống Pháp, giới quan sát nhận định chặng đầu tiên tới Việt Nam có thể như là một bài trắc nghiệm cho chiến lược Indo-Pacific của Pháp.

Song, điều đáng nói hơn cả là sự kiên định của Paris trong việc duy trì di sản chiến lược của mình tại châu Á: Nhấn mạnh trật tự dựa trên luật lệ, kêu gọi tôn trọng UNCLOS 1982, khẳng định lập trường độc lập trước sự cạnh tranh Mỹ – Trung. Từ lâu, Pháp là một “cường quốc về văn hóa chính trị” – một đế chế từng đặt trọng tâm vào tinh thần Cộng hòa, vào giá trị phổ quát. Những điều ấy vẫn phảng phất trong chuyến công du này.

Cái khéo của Macron nằm ở chỗ, ông biết vận dụng “khí chất Âu châu” để đối thoại với một “châu Á đang chuyển mình.” Việt Nam, Indonesia và Singaore – từng trải qua thời kỳ thuộc địa – đã đón tiếp ông bằng nghi lễ trang trọng bậc nhất. Điều này cho thấy, cả ba quốc gia đều biết cách “lấy lễ để hóa quyền” vừa thể hiện sự trọng thị, vừa khéo léo tạo thế đòn bẩy ngoại giao. 

“Hư chiêu” – Biểu tượng bị bào mòn dễ dẫn đến thiếu nhất quán

[12] Nhưng trong giới hoạch định minh triết, chiêu càng hoa mỹ càng dễ để lộ khoảng cách giữa diễn ngôn và thực chất. Cho nên nếu soi kỹ, nhiều động thái của ông Macron bộc lộ sự vênh nhau giữa tuyên bố và hành động.

Trước hết là giấc mơ “con đường thứ ba”: Pháp muốn đứng ngoài lằn ranh Mỹ – Trung, thể hiện mình như một quyền lực trung gian văn minh. Nhưng như giới phân tích cũng đã chỉ rõ, thiếu thực lực quân sự, thiếu hiện diện kinh tế đủ tầm, chiến lược ấy dễ rơi vào dạng thức “thiền sư nói đạo lý, kẻ mạnh cười khẩy.” Nếu so với Nhật hay Hàn – những đối tác đã đưa ra các gói đầu tư cụ thể, liên minh an ninh rõ ràng – thì nước Pháp hiện vẫn đang ở vùng mờ của chiến lược khu vực ngay tại không gian Đông Nam Á.

Và trong thông điệp gửi tới các nước, cũng thấy rõ dấu vết của chiêu “mượn thế mà chưa xuống tay”: Đề cao hợp tác chiến lược nhưng không có bảo chứng cụ thể về bảo vệ chủ quyền biển đảo; nói về chuyển đổi năng lượng nhưng chưa giải bài toán tài chính công bằng cho các nước đang phát triển.

Tiếp đến, đó là sự im lặng của Tổng thống Macron trước các vấn đề thể chế, nhân quyền, cải cách – từng là bản sắc trong chính sách đối ngoại của Pháp thời hậu Khai sáng. Không một lời nhắc đến các vấn đề mà xã hội dân sự quan tâm, không một phát biểu nào mang tinh thần kiểm soát và cân bằng quyền lực – điều này khiến giới quan sát đặt câu hỏi: Pháp đang vì nguyên tắc, hay vì lợi ích nhất thời mà hy sinh di sản Cộng hòa?

Đối với đất nước từng tôn vinh Voltaire, Rousseau, Camus – đây là “hư chiêu” đầy hụt hẫng. Và với các nước trong khu vực, trong đó có Việt Nam, đang bế tắc trên con đường tìm mô hình phát triển hài hòa giữa cường quyền và nhân bản, sự ngoảnh mặt làm ngơ của Paris là một cử chỉ đáng suy ngẫm hơn là đáng ngưỡng mộ. 

Việt Nam: “Thượng chiêu” nằm ở chỗ biết tiếp “thực” và gác “hư”

[17] Việt Nam, giữa bàn cờ lớn, đang thi triển một lối ứng xử không mới, nhưng ngày càng tinh luyện: “Đi dây chiến lược” và không lún sâu vào trò chơi quyền lực của các đại quốc. Việc tiếp Macron với bản tuyên bố chung dài kỷ lục, đồng thời không cam kết gì về thay đổi thể chế và dân chủ hóa là một thế “thái cực”: Vừa đẩy năng lượng mềm lên cao, vừa giữ nội chính bất động.

[13] Việc phân định rành mạch “thực chiêu” để tiếp, “hư chiêu” để gác – đó là nghệ thuật kềm chế quyền lực bằng lối ứng xử của bản địa. Nhưng như trong sách thánh hiền xưa từng dạy: Đạo trị quốc không chỉ ở chỗ biết quyền biến, mà ở chỗ biết khi nào phải dừng quyền biến để làm điều chính đáng.

Nếu cứ “xuống tấn” ở vị thế ứng phó khôn ngoan mà không tiến tới “hành động khai minh,” thì ngoại giao có tinh xảo đến đâu, cũng chỉ là “hư chiêu trong đại cục.” Một đất nước muốn trường tồn phải tự hỏi: Liệu mình chỉ là trạm trung chuyển, hay là nơi tạo ra mô hình? Là đất đứng chỉ để kết nối – hợp tác, hay là điểm sáng của cải cách?

Ván cờ chưa ngã ngũ – nhưng thời gian không chờ đợi

Macron đến và đi như một làn gió, mang theo hương thơm của biểu tượng. Pháp vẫn giữ giá trị đặc thù, các nước Macron đến thăm vẫn khẳng định được vị thế. Nhưng điều đang thiếu hiện nay không nằm ở số lượng văn kiện, mà ở chiều sâu cải cách. Thực tế là Biển Đông không phải là trung tâm không gian Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Pháp, mà là nằm rìa “chân trời địa chiến lược.” Bởi vì lợi ích của Paris tập trung xa hơn về phía tây nam, xung quanh các vùng lãnh thổ thuộc chính quốc Pháp như Nouvelle Calédonie, Polynesie, hoặc đảo Réunion…

Một trong những bài học lớn từ chuyến công du vừa qua của ông Macron không phải là nước Pháp muốn gì, mà là Đông Nam Á cần chuẩn bị gì để có thể tham gia vào trật tự hậu Tây phương? Ấy là mô hình phát triển dựa trên tri thức nội sinh, tam quyền phân lập, xã hội dân sự lành mạnh, với tinh thần “đồng nguyên” giữa đạo lý Nho gia, từ bi Phật giáo và ôn hòa của Hồi giáo, cùng các nguyên lý cốt lõi của pháp quyền hiện đại (rule of law). Tức hội tụ giữa tự trị cá nhân, chính danh quyền lực và hợp đạo lý trong hành động.

Nhưng chừng nào các khát vọng trên vẫn là giấc mơ, thì “thực chiêu” từ ngoại giao cũng chỉ là khí cụ thi triển ngoài tường thành – không thể thay thế cho công cuộc cải tổ và thay đổi trong nội phủ.-