Nguyễn Ngọc Bảo
Vào ngày 14/4/25, ông Tập Cận Bình, Chủ Tịch và Tổng Bí Thư đảng CS TQ sẽ viếng thăm Việt Nam, Mã Lai, Cambodia. Đây là chuyến công du đầu tiên tại Đông Nam Á, sau chuyến công du Việt Nam vào cuối năm 2023. Chuyến viêng thăm này diễn ra trong một bối cảnh tình hình chiến tranh tại Ukraina, giao tranh giữa Do Thái và các chư hầu của Iran (Hamas tại Gaza, Hezbollah tại Nam Liban, Youthi tại Yemen), chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới, đặc biệt đối với các quốc gia có mức thặng dư kỷ lục trong giao thương đối với Hoa Kỳ. Đó là Trung Cộng (thặng dư 295 tỷ MK), Liên Âu (236 tỷ MK), Mexico (172 tỷ MK), Việt Nam (123 tỷ MK), trong lúc Mã Lai (thặng dư 28 tỷ MK) và Cambodia (thặng dư 12,3 tỷ MK). Cán cân thương mại giữa TC và Việt Nam mang một thặng dư 82,5 tỷ MK cho TC, 27 % số thặng dư củaTC đối với Hoa Kỳ. Đối với một quốc gia đang phát triển như Việt Nam, tỷ số này nói lên sự lệ thuộc nặng nề vào TC, về các mặt hàng nhập cảng, hậu quả của việc TC đã thành công trong việc khống chế lãnh đạo CSVN.
Mục tiêu của ông Tập là về chính trị, kinh tế, cần bằng ảnh ưởng của Hoa Kỳ tại quốc gia mà TC có ảnh hưởng sâu đậm trong vùng Đông Nam Á với Lào, Cambodia. Đồng thời tìm thị trường để sản xuất và xuất cảng hàng hóa TC, hầu né tránh thuế quan của Hoa Kỳ, trong lúc kinh tế lục địa đang gặp nhiều khó khăn. Từ nhiều năm, các hãng xưởng TC đã gia tăng đầu tư vào Việt Nam, mở các hãng xưởng về trung tâm dữ kiện (data center), máy điện toán, thiết bị điện tử, về máy móc kỹ nghệ, đo lường, dụng cụ sản xuất, về điện thoại di động, các thiết bị liên hệ, về may mặc. Trong năm 2023, Việt Nam đã nhận một tổng số FDI (Foreign Direct Investment) đầu tư trực tiếp từ ngoại quốc lên đến 38,9 tỷ Mk (cao nhất là Singapore, Nhật, Hong Kong, TC), trong đó có 4,6 tỷ đến từ TC. Với các vùng ưu tiên như Sàigòn, Bình Dương, Vũng Tàu, kế đến là vùng Hải phòng và Quãng Ninh, Bắc Giang, Thái Bình. Đây là những con số chính thức được Việt Nam công bố, nhưng con số thật chắc chắn còn cao hơn qua số tiền tham nhũng, mua chuộc khổng lồ, các dự án «không công khai» qua trung gian đối tác quốc tịch Việt Nam.
Đây cũng là một cơ hội thuận lợi để giảm bớt sự khống chế của TC trên lãnh đạo CSVN và nội tình chính trị, kinh tế. Tổng Bí Thư Tô Lâm đã viết thư cho TT Hoa Kỳ đề nghị không áp thuế (0%) lên hóa Hoa Kỳ nhập cảng vào Việt Nam, nhưng không thông qua các thủ tục hành chánh, tạo điều kiện cho các mặt hàng của Hoa Kỳ như máy bay, xe hơi, thiết bị về giao thông, hàng không, nông phẩm, … nhập cảng nhiều hơn vào Việt Nam, thay vì dành ưu đãi cho hàng TC. Cụ thể, Hoa Kỳ cần yêu cầu Việt Nam chấm dứt cho phép hàng hóa TC mang nhãn made in Vietnam nhập cảng vào Hoa Kỳ, ngưng ưu tiên cho các nhà thầu TQ trong các dự án công trình xây dựng hạ tầng cơ sở giao thông, xa lộ, đường sắt, điện lực, viễn thông lớn, để đổi lấy việc giảm mức 46 % thuế.
Ngoài ra TC rất quan tâm đến sự gia tăng hợp tác quân sự giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Phi Luật Tân, các quốc gia trong Bộ Tứ (QUAD, Nhật, Ấn Độ), trong cuộc tranh chấp trên Biển Đông, trong bối cảnh một cuộc xâm lăng Đài Loan qua các tuyên bố cứng rắn của ông Tập và các cuộc tập trận quy mô lớn chung quanh hòn đảo này, một vị trí chiến lược cho nền an ninh của Nhật và tuyến vận chuyển hàng hóa từ Ấn Độ Dương qua eo biển Malacca. Liên quan đến khai thác dầu trên Biển Đông, đã đến lúc, Việt Nam cần kêu gọi các hãng dầu Hoa Kỳ tiến hành khai thác các lô trong vùng lãnh hải thuộc chủ quyền VN được công nhận qua Công Ước Quốc Tế về Luật Biển (UNCLOS), bất chấp các đòi hỏi phi lý của TC qua đường lưỡi bò 9 điểm, đã bị các quốc gia ven biển Đông (Philippines, Mã Lai, Indonesia) và quốc tế bác bỏ.
Muốn giảm bớt mức thuế 46 %, CSVN cần nhanh chóng ngăn chặn các hàng TC sản xuất tại VN, xuất cảng sang Hoa Kỳ, đồng thời dễ dàng thủ tục hành chánh, thuế quan nhằm nhập cảng nhiều sản phẩm Hoa Kỳ, thay vì ưu tiên cho TC. Xa hơn, cần lợi dụng lúc kinh tế TC đang gặp khó khăn, tiến hành một số biện pháp thoát trung.
[Tin giờ chót] : Hoa Kỳ tạm ngưng thuế phụ trội (phần cao hơn 10%) trong vòng 90 ngày, cho tất cả các quốc gia trừ đối với TC. Đây là một chính sách có chủ đích, nhằm trực tiếp phá thế trật tự trong thương mại toàn cầu, và chuỗi cung ứng của TC. Một phần quan trọng các mặt hàng TC xuất cảng (gia dụng, thiết bị nhỏ rẻ tiền) qua Hoa Kỳ đều thay thế bởi hàng hóa sản xuất bởi nhiều quốc gia khác như Ấn Độ, các quốc gia ĐNÁ, … Trong đó, có VN, và đây cũng là đòn cảnh báo sau cùng, nếu trong vòng 90 ngày hay xa hơn, Hoa Kỳ khám phá ra hàng hóa TC vẫn dán nhãn made in VN để xuất cảng vào Hoa Kỳ, thì lúc đó, có thể không phải là 46% cho VN mà hơn 100%. Đây là một đòn rất nặng đánh vào TC.
Nguyễn Ngọc Bảo
Leave a Comment