Mỹ – Việt: Từ phòng họp kín đến bàn cờ lớn

Vũ Quốc Sách

Tổng Bí thư [TBT] Tô Lâm gọi điện câu giờ và các cuộc đàm phán Mỹ – Việt sắp tới hứa hẹn sẽ khá quyết liệt… Việt Nam ứng biến thế nào dưới thời Trump 2.0?

***

Việc TBT Tô Lâm trực tiếp gọi điện thoại di động, gửi thư cá nhân cho Tổng thống Donald Trump, cùng với việc cử các phái đoàn cấp cao, các phó thủ tướng (1), ngoại trưởng (2)…, lần lượt đến Hoa Kỳ, cho thấy Việt Nam đang chủ động tái điều hướng cách tiếp cận với Washington – không chỉ để bảo vệ lợi ích chiến lược, mà còn nhằm xây dựng lại vị thế trong một giai đoạn đầy biến động bất thường.

Như xã luận The Wall Street Journal ngày 6/4/2025 đã phê phán – Hãy lật “con bài tẩy” của Trump (Calling Trump’s Bluff on ‘Reciprocal’ Tariffs). Tổng thống Trump không nhất quán trong việc ông thực sự muốn gì từ các mức thuế khổng lồ mới của mình và điều đó có thể là cơ hội để các đối tác thử thách tuyên bố của ông về việc muốn đạt một thương mại “có qua có lại” (3). Hãy đề nghị mức thuế bằng zê-rô cho tất cả hàng hóa và dịch vụ song phương! (Như cách ông Tô Lâm đã đề xuất!)

Dưới đây là các trục nội dung cốt lõi có thể làm cơ sở để dự báo về các cuộc đàm phán sắp tới. Mỗi trục đều gắn liền với những thách thức và cơ hội mà Hà Nội không thể xem nhẹ.

Cú đánh kép: Thu ngân sách và định hình lại trật tự toàn cầu

Nhưng từ một góc nhìn khác, chính sách thuế quan của ông Donald Trump, ngay từ nhiệm kỳ đầu, không đơn thuần là phương tiện để thu ngân sách, mà là vũ khí chiến lược. Khi Trump khởi động cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, ông không chỉ nhắm vào cán cân thương mại, mà còn tạo ra một “luật chơi” mới – trong đó Mỹ không còn cam chịu vai trò “người tiêu dùng cuối cùng,” hay nói cách khác làm “con bò sữa” cho các nền kinh tế xuất khẩu lợi dụng.

Theo một phân tích trên The New York Times ngày 3/4/2025, bằng cách kích hoạt một cuộc chiến thương mại trên toàn thế giới, Tổng thống Trump có nguy cơ từ bỏ tầm nhìn về lợi ích chung và thay thế bằng tầm nhìn cho rằng xung đột kinh tế gay gắt là không thể tránh khỏi. Sẽ không còn những lời kêu gọi về mục đích lớn hơn, các thỏa thuận chung hoặc các giá trị chung. Trong trật tự mới này, các quốc gia mạnh nhất sẽ xác định các quy tắc và thực thi chúng thông qua sự đe dọa và sức mạnh không thể cưỡng lại (4).

Trong danh sách những quốc gia được cho là hưởng lợi quá mức từ thị trường Mỹ, Việt Nam từng nhiều lần bị Trump chỉ đích danh. Với thặng dư thương mại trên trăm tỷ USD mỗi năm, Hà Nội đã nằm trong tầm ngắm của chiến lược “Make America Great Again” – vốn đặt lợi ích kinh tế của Hoa Kỳ lên trên hết.

Việc Tổng Bí thư Tô Lâm lựa chọn phương thức ngoại giao trực tiếp – không chỉ qua các kênh ngoại giao chính thức mà cả thông qua tiếp xúc cá nhân với Trump – mang hàm ý chiến lược rõ rệt. Trump là người thích những cuộc thương lượng song phương, nơi ông có thể thể hiện vai trò người ra quyết định tối cao. Trong logic đó, Việt Nam nay đang cố gắng “đi trước một bước” – vừa để thể hiện thiện chí, vừa để kiểm soát rủi ro trong trường hợp Trump “chơi rắn.”

Khác với các nhà lãnh đạo trước đây thường né tránh đề cập tới các vấn đề gai góc, TBT Tô Lâm lại làm ngược lại. Ông trực tiếp nói về các mối đe dọa hiện hữu, kể cả việc nên đối phó như thế nào trước việc Mỹ tuyên bố áp thuế 46%, nhằm tạo lập tư thế chủ động trên bàn đàm phán. Không chỉ dừng lại ở lý thuyết “tinh gọn bộ máy,” ông nhấn mạnh rằng Việt Nam sẵn sàng “vươn mình” để hội nhập sâu với thế giới, được hiểu là với Mỹ và phương Tây (5). Một Việt Nam quyết tâm ra biển lớn, nơi đang là tâm điểm cạnh tranh quyền lực toàn cầu.

Mỹ – Trung: Hài lòng bên này, mất lòng bên kia?

Một trong những bài toán khó nhất với Việt Nam hiện nay là làm sao tăng cường quan hệ với Mỹ mà không khiến Trung Quốc phản ứng thái quá. Quan hệ tay ba Mỹ – Trung – Việt chưa bao giờ dễ dàng, và trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường ngày càng gay gắt, Việt Nam bị đẩy vào vị trí “thế cờ trung gian” mà mỗi bên đều muốn kéo về phía mình.

Lần này, người đảm nhận mặt trận ngoại giao không phải là các lãnh đạo quen thuộc như chủ tịch nước, thủ tướng, hay ngoại trưởng, mà là Tổng Bí thư Tô Lâm. Việc một nhân vật đứng đầu đảng Cộng sản đảm nhiệm vai trò ngoại giao cao cấp cho thấy sự chuyển dịch chiến lược chưa từng có. Đây là minh chứng rõ ràng rằng Việt Nam đang dùng những kênh cả truyền thống lẫn phi truyền thống để giải quyết các vấn đề chưa từng có tiền lệ.

Khi Việt Nam yêu cầu kéo dài thời gian đàm phán, đồng thời đề nghị sắp xếp chuyến thăm chính thức tới Mỹ, đó không chỉ là bước đi chiến thuật nhằm “mua thời gian,” mà còn là cách làm dịu cả hai phía. Với Mỹ, đây là dấu hiệu thiện chí, sẵn sàng điều chỉnh chính sách. Với Trung Quốc, đây là nỗ lực để tránh bị gắn mác “ngả hẳn về phương Tây.”

Tuy nhiên, theo The New York Times, câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ: Liệu việc Việt Nam đã giảm mạnh thuế quan xuống gần bằng zê-rô có đủ làm hài lòng Trump? Có thể là “chưa.” Với một người theo chủ nghĩa cá nhân như Trump, những nhượng bộ về thương mại nếu thiếu đi “hào quang chiến thắng” thì vẫn chưa đủ. Điều ông tìm kiếm là xây dựng mình thành hình ảnh một người có thể khiến quốc gia khác phải điều chỉnh vì Mỹ – và vì chính ông (6).

Do đó, những nhượng bộ ban đầu như giảm thuế hay tăng nhập khẩu có thể chỉ là bước khởi đầu. Việt Nam cần chuẩn bị cho các yêu cầu sâu hơn và cao hơn – bao gồm cả cam kết chiến lược và chính trị, điều mà các chính quyền Việt Nam từ trước đến nay vốn rất thận trọng.

Bài toán 100 tỷ USD – Bước đi bắt buộc nhưng nhạy cảm

Áp lực từ Washington về việc “quân bình” cán cân thương mại gần 100 tỷ USD đang đè nặng lên Hà Nội. Trong ngắn hạn, không có nhiều lựa chọn khả thi ngoài việc tăng mua các mặt hàng giá trị cao từ Mỹ – nổi bật nhất là vũ khí, thiết bị quốc phòng và công nghệ lưỡng dụng. Chiến lược này không mới. Mỹ từng áp dụng với Ả Rập Xê Út, Ấn Độ và Nhật Bản – các nước có quan hệ phức tạp với Mỹ nhưng đều “mua sự yên ổn” bằng các hợp đồng quốc phòng hàng chục tỷ USD.

Ngoài ra, Washington muốn hạn chế việc trung chuyển hàng hóa Trung Quốc qua Việt Nam để né hàng rào thuế quan của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc, hiện ở mức 54% bao gồm cả các mức thuế quan trước đó. Nikkei Asia đưa tin rằng các quan chức cấp cao của Nhà Trắng đã cáo buộc cụ thể Việt Nam và Campuchia đóng vai trò là trung tâm trung chuyển để Trung Quốc trốn thuế của Hoa Kỳ (7).

Tuy nhiên, với Việt Nam, đây là lĩnh vực cực kỳ nhạy cảm. Các chỉ đạo về quốc phòng thường không được công bố rộng rãi. Nhưng lần này, Liệu Tô Lâm có dám công khai rằng, đảng sẽ chủ trương rõ ràng: nếu cần, Việt Nam sẵn sàng dùng ngân sách để đổi lấy ổn định chiến lược. Điều này đồng nghĩa với việc các cơ quan vốn ít khi “ra mặt” như trên cương vị tổng bí thư, Tô Lâm sẽ phải đảm nhận vai trò điều phối chiến lược tổng thể – thay vì chỉ để một số bộ ngành bên hành pháp đề xuất như trước đây.

Thế trận đang mở – Việt Nam đi tiếp thế nào?

Thật ra, ngay cả trước khi ông Trump công bố mức thuế, Việt Nam đã nỗ lực giành được sự ủng hộ từ chính quyền mới của Mỹ. Hà Nội đã ký các thỏa thuận tạm thời để nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Mỹ, cắt giảm một số thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Mỹ và cho phép SpaceX mở một công ty để triển khai dịch vụ Internet vệ tinh Starlink ở Việt Nam. Trump Organization đang đầu tư một dự án sân golf và khách sạn trị giá 1,5 tỷ đô la tại tỉnh Hưng Yên, miền bắc Việt Nam, quê hương của ông Tô Lâm.

Nay khi thế trận đã mở, cả Mỹ và Trung Quốc đều coi Việt Nam là một quân cờ quan trọng trong bàn cờ châu Á – Thái Bình Dương. Mỗi bước đi của Việt Nam giờ đây đều có thể trở thành đòn quyết định. Ngày 14 – 15/4 tới đây, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ sang Hà Nội, những yêu cầu mới từ Bắc Kinh sẽ khiến Hà Nội sẽ phải đối mặt với một loạt thách thức mới – từ nhân nhượng trên Biển Đông đến các yêu cầu mang tính ép buộc song phương.

Theo nhiều nguồn tin nội bộ, trong số các vấn đề sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của ông Tập, có tuyến đường sắt nối miền Bắc Việt Nam với Trung Quốc, mà hai nước đã nhất trí phát triển để thúc đẩy kết nối và thương mại. Chuyến đi của ông Tập diễn ra trong bối cảnh “các nước lớn đang điều chỉnh chiến lược,” lấy chính sách mới của ông Trump làm cớ để thúc ép các nước phải thay đổi chính sách. Việt Nam cũng đang trong quá trình phê duyệt việc sử dụng máy bay Comac của Trung Quốc. Theo một nguồn tin tại Việt Nam cho biết thỏa thuận chính thức có thể sẽ được công bố nhân chuyến thăm của ông Tập (8).

*

Việt Nam vẫn hy vọng duy trì nghệ thuật “đi dây” giữa các cực quyền lực toàn cầu – một phong cách ngoại giao mềm dẻo đã phát huy hiệu quả suốt hàng chục năm qua. Nhưng trong bối cảnh cán cân toàn cầu dịch chuyển sang trạng thái đối đầu trực diện như hiện nay, chiến lược này đang tỏ ra khó khăn hơn bao giờ hết.

Sự linh hoạt giờ đây không chỉ đến từ Bộ Ngoại giao, mà còn cần đến sự dấn thân của cả những lực lượng vốn chỉ quen hoạt động sau hậu trường. Các cuộc đàm phán sắp tới không đơn thuần là cuộc gặp cấp cao – mà là một bài kiểm tra tổng thể về năng lực điều phối chiến lược của cả hệ thống chính trị Việt Nam – từ lý thuyết đến hành động, từ nội trị đến ngoại giao. Và trong thế trận ấy, vai trò của Tổng Bí thư Tô Lâm đang vượt xa giới hạn truyền thống. Ông đang thể hiện một cách tiếp cận mới: quyết liệt, chủ động – và sẵn sàng “chơi cờ lớn.”

Tham khảo thêm:

(1) https://viettimes.vn/chuan-bi-ky-phuong-an-dam-phan-voi-my-ve-mc-thue-doi-ung-46-post184326.html
(2) https://thanhnien.vn/viet-nam-de-nghi-my-lui-thoi-han-ap-thue-dam-phan-doi-ben-cung-co-loi-185250406163902245.htm
(3) https://www.wsj.com/opinion/calling-trumps-bluff-on-reciprocal-tariffs-trade-economy-vietnam-70bdc47b
(4) https://www.nytimes.com/2025/04/03/business/trump-tariffs-dollar.html
(5) https://vov.vn/ky-nguyen-vuon-minh/tieu-diem/bai-viet-cua-tong-bi-thu-to-lam-vuon-minh-trong-hoi-nhap-quoc-te-post1189266.vov
(6) https://www.nytimes.com/2025/04/06/world/asia/vietnam-trump-tariff-delay.html
(7) https://nghiencuuquocte.org/2025/04/05/viet-nam-se-ung-pho-the-nao-voi-muc-thue-quan-gay-soc-cua-trump/
(8) https://www.straitstimes.com/asia/se-asia/vietnam-to-host-china-eu-leaders-in-coming-weeks-amid-us-tariff-risks-sources-say

Leave a Comment
whatsapp
line
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux