“Con đôminô cuối cùng” của Tô Lâm khi nào bị đốn ngã?

VŨ HOÀI NAM

Suốt gần 40 năm qua chưa có vị Tổng Bí thư nào dám đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo. Cho đến khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư. Đây là một mốc quan trọng nhưng chưa phải là sự đốn ngã “thành trì cuối cùng” của CNCS!

——————————–

Cách đây gần chục năm, thi bá Nguyễn Dy, bằng hồn thơ như tiếng Mẹ ru những ngày đảng Cướp đang giày xéo trên giải đất hình chữ S, tạc vào không trung những vần ca dao bất hủ. Có thể nói đây là những vần thơ hay nhất mọi thời đại: “Con ơi mẹ dặn câu này/ Cướp đêm là giặc cướp ngày là quan (Ca dao xưa!)/ Cướp xưa băng nhóm làng nhàng/ Cướp nay có Đảng có Đoàn hẳn hoi/ Có con dấu đóng đỏ tươi/ Có còng, có súng, dùi cui, nhà tù/ Cướp xưa lén lút tù mù/ Cướp nay gióng trống, phất cờ, phóng loa/ Con trời bay lả bay la/ Cướp trên bàn giấy cướp ra ngoài đồng…” [1]

Từ ghế cửu trùng, Đại tướng – Tổng bí thư Tô Lâm có đau lòng trước thảm cảnh điêu linh và tàn bạo ẩy? Đáng tiếc, chắc là không! Nhưng để tránh các trận “can qua” [Bao giờ dân nổi can qua?] Tô Lâm phải nghĩ đến chuyện cải tổ! Vì vậy, những chuyển dịch hiện nay về tư duy và chính sách trong nội bộ Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đang diễn ra với tốc độ khẩn cấp. Những gì đã và đang xảy ra không chỉ đơn thuần là một cuộc điều chỉnh vụn vặt mà là dấu hiệu của sự thay đổi mang tính nền tảng. Nếu nhìn kỹ, ta sẽ thấy đây không đơn thuần là việc thay thế chính sách mà là sự sụp đổ của từng “con đôminô”, vốn là những thành trì cốt lõi của chủ nghĩa cộng sản. Những “con đôminô” đang lần lượt bị đốn ngã đặt ra câu hỏi về tương lai của ĐCSVN và con đường mà ông Tô Lâm sẽ tiếp tục đi.

Hạ thấp kinh tế nhà nước có phải là phá bỏ thành trì cuối cùng của CNCS?

Năm 1986, ĐCSVN chưa công nhận kinh tế thị trường mà chỉ mới từ bỏ kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, bao cấp. Đến nay, họ vẫn kiên quyết giữ cái đuôi con thằn lằn “xã hội chủ nghĩa” sau nền kinh tế thị trường, khiến mô hình này trở nên “ba rọi”, chắp vá, nửa vời. Đến Đại hội 14 sắp tới, chưa chắc Tô Lâm đã dám cắt bỏ cái đuôi XHCN, vốn đang gây ra bao vấn nạn cho nền kinh tế. Bài viết trên RFA ngày 26/3/2025 có tiêu đề “Tổng Bí thư Tô Lâm phá bỏ thành trì cuối cùng của chủ nghĩa cộng sản”, có lẽ chưa hoàn toàn chính xác [2]. Vấn đề là quan niệm thế nào là “thành trì cuối cùng” của CNCS?

Nếu nói kinh tế nhà nước là nền tảng cuối cùng của CNCS, thì khi nó suy yếu hoặc bị thay thế, có thể xem đó là dấu chấm hết cho mô hình này. Nhưng nếu xét trên ý thức hệ, thì học thuyết Marx – Lenin mới là “con đô-mi-nô cuối cùng” – và khi nó bị chính ĐCS bác bỏ, thì đó mới là sự sụp đổ hoàn toàn. Hiện tại, ĐCSVN vẫn giữ kinh tế nhà nước, dù đã chuyển sang mô hình “kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Còn học thuyết Marx – Lenin tuy ít được nhắc đến trong thực tế điều hành, nhưng nó vẫn là nền tảng lý luận chính thống của Đảng.

Vấn đề là, nếu Tô Lâm thực sự “phá bỏ thành trì cuối cùng của CNCS”, thì ông không chỉ đề cao vai trò của kinh tế tư nhân, mà ông phải cho bỏ luôn cả học thuyết Marx – Lenin! Nhưng chưa rõ, kể cả khi các nhà “lú lẫn” Mác – Lênin trong Đảng “có bạo phổi” khuyên Tô Lâm bỏ và Tổng Bí thư trên thực tế cũng muốn “bức qua lời nguyền”, nhưng rồi có dám bỏ hay không lại là một câu chuyện khác.

Hiện nay, tương quan lực lượng trong ĐCSVN vẫn còn phức tạp: Phe bảo thủ (có thể bao gồm nhiều lãnh đạo kỳ cựu, nhóm lợi ích từ kinh tế nhà nước) vẫn muốn giữ “cái đuôi XHCN” để duy trì quyền lực và lợi ích. Phe cải cách [mà một bộ phân công luận cho rằng, Tô Lâm có thể thuộc về] muốn thay đổi, nhưng sợ “đụng trần” vì nếu đi quá xa, có thể mất quyền kiểm soát hoặc bị chính đồng chí của mình phản công.

Nguy cơ “rơi từ lưng hổ sẽ bị hổ ăn thịt” rất đúng với tình thế này. Nếu Tô Lâm muốn cải cách mà không có đủ lực lượng hậu thuẫn, ông ta có thể bị chính hệ thống quay lại nuốt chửng. Nhưng nếu ông ta không làm gì cả, ĐCSVN vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng “nửa vời”, kinh tế bị kìm hãm, mâu thuẫn xã hội ngày càng lớn. Đợi đến khi khủng hoảng nổ ra, có thể lúc đó không còn lựa chọn nào nữa.

“To be or not to be..”/ Đột phá hay không đột phá?

Tô Lâm muốn thoát khỏi thế “cưỡi lưng hổ” thì có thể khảo hướng một số kịch bản dưới đây, nhưng mỗi version đều có rủi ro lớn. Lần lượt thử phân tích từng con đường một để bạn đọc đánh giá:

a) Duy trì hiện trạng – “Kéo dài thời gian, kể cả sau Đại hội 14”. Mặt thuận của giải pháp này là không gây biến động lớn, và có thể giữ được quyền lực trước mắt. Nhưng nguy cơ nhỡn tiền là kinh tế tiếp tục trì trệ, tham nhũng hoành hành, mất lòng dân và nội bộ càng chia rẽ. Nếu Tô Lâm chỉ “kéo dài” theo cách này mà không cải cách thật sự, đến lúc tình thế mất kiểm soát, cả cái ghế lẫn tính mạng của ông ta cũng có thể “cuốn theo chiều gió…”

b) Cải cách từng bước – “Cắt dần cái đuôi XHCN”. Trong quá trình chuẩn bị cho Đại hội 14, Tô Lâm sẽ cho đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN), nhưng vẫn giữ một số tập đoàn lớn làm “công cụ điều tiết”. Cùng với quá trình này là tiến hành thay đổi Hiến pháp hoặc luật pháp để giảm dần vai trò kinh tế nhà nước. Tiếp tục giữ lý luận XHCN trên danh nghĩa để làm an lòng bộ phận bảo thủ trong Đảng, nhưng thực tế vận hành theo mô hình thị trường tự do hơn [theo kiểu Trung Quốc thời Đặng Tiểu Bình].

Lợi ích của phương pháp nói trên là vừa duy trì ổn định, vừa cải cách từ từ, tránh sốc. Tuy nhiên, nguy cơ xáo trộn vẫn tiểm ẩn: Phe bảo thủ có thể phản ứng dữ dội, sợ mất quyền lợi và có thể lật ngược thế cờ chống lại Tô Lâm. Một khi Tô Lâm quyết tâm đi theo hướng này, ông ta phải có phe cánh đủ mạnh để bảo vệ mình khi phản công xảy ra. Cuộc sáp nhập tỉnh thành và cái gọi là “tinh gọn bộ máy hiện nay” tại các cơ quan cả Đảng lẫn Chính quyền thực chất là phục vụ cho mục tiều này.

c) “Cách mạng từ trên xuống” – Phá vỡ hệ thống XHCN ngay lập tức

Cách tiến hành của phương pháp này là bỏ hẳn cái đuôi con thạch sùng “xã hội chủ nghĩa”, giảm tối đa vai trò của kinh tế nhà nước, công nhận và ưu tiên chính sách cho kinh tế thị trường đúng nghĩa. Giảm dần vai trò của Đảng trong kinh tế và xã hội, chấp nhận đa nguyên về kinh tế [Song song nếu tiến hành đa đảng ngay lập tức thì cảng tốt]. Tìm kiếm sự hỗ trợ từ phương Tây hoặc các tập đoàn tư bản để thúc đẩy cải cách mạnh.

Mặt thuận lợi của “giải pháp sốc” này là trước mắt sẽ giải phóng sự trì trệ của nền kinh tế, và Việt Nam sẽ có cơ phát triển mạnh như Hàn Quốc hay Đài Loan. Tất nhiên nguy cơ phải đối mặt với “giải pháp sốc” này là Tô Lâm và phe cảnh của ông sẽ đụng vào quyền lợi của quá nhiều yếu nhân và phe cánh có thế lực mạnh. Nếu không kiểm soát tốt, có thể gây hỗn loạn, sụp đổ nhanh như Liên Xô. Đây cũng là con đường nguy hiểm, nếu Tô Lâm đi theo, ông ta có thể bị chính phe bảo thủ lật đổ trước khi hoàn thành.

d) Cuối cùng là chuyển hướng theo mô hình Trung Quốc

Phương pháp này thì đương nhiên sẽ được “Thiên triều” chống lưng, tuy trên danh nghĩa vẫn giữ Đảng lãnh đạo nhưng thực tế kinh tế vận hành như tư bản. Mở rộng không gian cho doanh nghiệp tư nhân nhưng nhà nước vẫn kiểm soát các ngành chủ chốt. Cách này đương nhiên phải giữ chặt kiểm soát chính trị, không cho phép tự do hóa chính trị. Và cái lợi là đảm bảo tăng trưởng kinh tế mà không làm Đảng sụp đổ. Nhưng nguy cơ sẽ là nếu không khéo léo, có thể bị cuốn vào đấu đá nội bộ như Trung Quốc thời Tập Cận Bình. Đây là con đường an toàn, nhưng cũng dễ bị “nửa vời” như hiện nay.

TBT Tô Lâm nên chọn cách nào?

Nếu ông Tô Lâm đã chấp nhận sự suy tàn của nền kinh tế nhà nước và gián tiếp thừa nhận vai trò của kinh tế tư nhân, câu hỏi đặt ra là: ông có dám đi xa hơn? Liệu ông có dám thay đổi bản chất và tên gọi của ĐCSVN để biến nó thành một chính đảng chính trị có tính chính danh, cùng cạnh tranh với các đảng phái khác?

Vấn đề này có lẽ vẫn còn quá sớm để bàn, nhưng nếu nhìn vào logic của những thay đổi gần đây, ta có thể thấy khả năng này không hề nhỏ. ĐCSVN đang đứng trước một ngã rẽ lịch sử: hoặc tiếp tục duy trì bộ khung cũ với những mâu thuẫn ngày càng lớn giữa lý thuyết và thực tiễn, hoặc chấp nhận một sự cải tổ toàn diện để tồn tại trong một bối cảnh mới.

Nếu ông Tô Lâm thực sự muốn để lại dấu ấn của mình trong lịch sử, không gì có thể mạnh mẽ hơn việc biến ĐCSVN thành một đảng chính trị dân chủ, từ bỏ hoàn toàn mô hình độc đảng. Điều này không chỉ giúp ĐCSVN thích nghi với thời đại mà còn mang lại tính chính danh thực sự, khi mà quyền lực sẽ đến từ sự lựa chọn của nhân dân thay vì một hệ thống áp đặt từ trên xuống.

Tóm lại, Tô Lâm có thể chọn 4 hướng nói trên: a) Duy trì hiện trạng – dễ làm nhưng dẫn đến trì trệ và nguy cơ sụp đổ sau này. b) Cải cách từng bước – khó nhưng có thể giữ ổn định nếu làm đúng cách. c) Phá bỏ ngay hệ thống XHCN – đây là cách nguy hiểm nhưng triệt để. d) Đi theo mô hình Trung Quốc – an toàn nhưng có thể mắc kẹt trong cái “bóng đè” quá lớn.

Khi đã chấp nhận Đổi mới kinh tế năm 1986, ĐCSVN đã phải thừa nhận chủ nghĩa cộng sản là không tưởng. Nhưng suốt gần 40 năm qua chưa có vị Tổng Bí thư nào của ĐCSVN dám đưa kinh tế tư nhân lên vị trí chủ đạo của nền kinh tế. Cho đến khi ông Tô Lâm lên làm Tổng Bí thư. Đây là một quan trọng nhưng chưa phải là sự đỗn ngã “thành trì cuối cùng” của CNCS!

*

Những thay đổi đang diễn ra dưới thời ông Tô Lâm không chỉ là sự điều chỉnh chính sách mà là dấu hiệu rõ ràng của một sự chuyển biến mang tính nền tảng. Những “con đôminô” của chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam đang lần lượt đổ xuống, và nếu nhìn vào bức tranh tổng thể, có thể thấy rằng sự thay đổi không thể tránh khỏi.

Câu hỏi đặt ra không còn là “Liệu ĐCSVN có thay đổi không?” mà là “Thay đổi này sẽ diễn ra như thế nào và nhanh hay chậm?”. Và quan trọng hơn cả, liệu TBT Tô Lâm có đủ quyết tâm để đi đến cùng trong cuộc cải tổ này? Câu trả lời có lẽ sẽ sớm được hé lộ trong những năm tới.

—————————-

Xem thêm:

[1] https://xuandienhannom.blogspot.com/2018/10/cuop-tho-nguyen-duy.html

[2] https://www.rfa.org/vietnamese/thoi-su/2025/03/26/to-lam-kinh-te-tu-nhan-cong/

Bài Liên Hệ
Leave a Comment
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux