Làn sóng bắt bớ và đàn áp đầu năm không phải là vấn đề của riêng cá nhân nào, mà là hồi chuông cảnh báo cho toàn xã hội. Nếu không có sự phản kháng, nếu không có tiếng nói từ cộng đồng trí thức, nhà hoạt động và các tổ chức quốc tế, tình trạng đàn áp này sẽ chỉ ngày càng leo thang.
Đầu năm mới 2025 này, Đài VOA có phóng sự dài: “Nhà phản biện Đoàn Bảo Châu “sốc”, phải “đi lánh nạn” vì bị công an kiến nghị khởi tố” (1). Cuối năm cũ, ngày 30/12/2024, theo RFA, ông Đoàn Võ Châu, 59 tuổi, người được biết đến sau cuộc thượng đài với chuẩn võ sư Flores (Canada) hồi năm 2017, cho biết Cơ quan an ninh điều tra của Công an thành phố Hà Nội mời ông lên làm việc vào ngày 21/6 liên quan đến tin báo về tội phạm của Phòng an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao. Trong buổi làm việc, sĩ quan an ninh đưa ra văn bản cấm xuất cảnh đối với ông và hồ sơ kiến nghị khởi tố ông, vì có dấu hiệu sản xuất và phát tán thông tin chống chính quyền, xúc phạm lãnh đạo, xuyên tạc, gây hoang mang dư luận… trong sáu đoạn băng hình, phần nhiều do ông phỏng vấn nhiều người hoạt động khác về nhân quyền hay những vụ việc nổi cộm của xã hội, trong số này có buổi phỏng vấn của BBC Tiếng Việt với ông vào năm 2016 (2).
Sự bất an trong một chính thể độc tài
Như vậy là, võ sư Đoàn Bảo Châu, một gương mặt được biết đến không chỉ qua các hoạt động võ thuật mà còn qua những đóng góp trong lĩnh vực báo chí và văn học, đang đối mặt với áp lực gia tăng từ phía công an Hà Nội. Mặc dù cơ quan an ninh khẳng định vụ việc “không nghiêm trọng”, nhưng các hành động thực tế của họ lại tạo ra bầu không khí ngột ngạt cho ông và gia đình (3). Trong khi báo chí Việt Nam, cho đến nay vẫn “biệt vô âm tín” về Đoàn Bảo Châu thì ngày 4/1/2025, chính bản thân võ sư đã “tự bạch” một “Lời cảm ơn” rất vi diệu trên trang mạng “Tiếng Dân” có khá nhiều độc giả bằng cả tiếng mẹ đẻ lẫn tiếng Anh. Trong “Thank you!” – tên bài viết khá dài, trên 3.000 chữ – ông Châu kết luận: “Tại sao tôi phải bỏ trốn? Bởi tôi tin rằng một hệ thống hỏng thì cần rất nhiều thời gian để cải thiện. Số phận, sinh mạng của tôi là thiêng liêng với tôi, tôi không thể để mấy lời hứa của một lực lượng nhiều khuyết tật mà có thể mạo hiểm tính mạng của mình” (4).
Vụ việc võ sư Đoàn Bảo Châu bị công an Hà Nội kiến nghị khởi tố đã phơi bày bản chất đàn áp của chế độ độc tài, công an trị ở Việt Nam, nơi quyền tự do ngôn luận và phản biện ôn hòa bị bóp nghẹt dưới danh nghĩa bảo vệ an ninh quốc gia. Võ sư Châu không phải là một cái tên xa lạ. Ông không chỉ được biết đến với những cống hiến trong lĩnh vực võ thuật mà còn nổi danh trong vai trò một nhà báo, một cây bút văn chương, và gần đây là một nhà phản biện thẳng thắn. Tuy nhiên, sự thẳng thắn ấy đã trở thành “tội danh” trong mắt công an. Chỉ vì những đoạn video phỏng vấn về các vấn đề xã hội nhức nhối, ông bị gán ghép với cáo buộc “phát tán thông tin chống chính quyền”, một lý do mà Hà Nội thường xuyên sử dụng để trấn áp những người dám nói lên sự thật. Trong khi đó, thực tế cho thấy chính những áp lực từ phía công an đã tạo ra một bầu không khí ngột ngạt, không chỉ với ông Châu mà còn đối với nhiều bộ phận xã hội.
Công an Bình Phước lập hồ xử lý hai Facebooker vì đăng thông tin xúc phạm công an và cơ quan quản lý (5). Bắt Facebooker vì cái gọi là “lợi dụng tự do dân chủ”, “xúc phạm lãnh đạo…” (6). Tất cả điều này không chỉ thể hiện sự bất an của một hệ thống đang rệu rã mà còn gửi đi một thông điệp cần được cảnh tỉnh rằng, bất kỳ ai dám lên tiếng, dù là trí thức, võ sư hay người dân bình thường, đều có thể trở thành mục tiêu của bộ máy đàn áp. Hệ quả của sự bất an này là một xã hội ngày càng mất niềm tin, một hệ thống pháp lý mất đi tính chính danh và một chế độ bị cô lập hơn trên trường quốc tế. Đầu năm mới đáng ra là dịp chính quyền phải khởi đầu những chính sách mang tính hàn gắn và đồng thuận xã hội. Nhưng thay vì đối thoại và lắng nghe, chế độ lại chọn cách khởi đầu bằng những đợt đàn áp nhắm vào những lĩnh vực nhạy cảm nhất: trí thức, tôn giáo, và thậm chí cả võ thuật. Điều này không chỉ làm tổn thương những giá trị văn hóa, đạo đức mà còn gây ra làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng, cả trong và ngoài nước (7).
Hãy cùng ngăn chặn làn sóng đàn áp!
Việc kiến nghị khởi tố một cá nhân như Đoàn Bảo Châu – người có uy tín trong cộng đồng võ thuật quốc tế – đáng tiếc không phải là một hiện tượng bất thường ở trong nước nhưng mức độ nguy hiểm tăng cao. Việt Nam, lẽ ra cần tập trung vào việc xây dựng hình ảnh một quốc gia cởi mở và tiến bộ, lại tự làm xấu mình bằng cách đàn áp những người có tư tưởng đổi mới và dân chủ. Tổng Bí thư Tô Lâm từng là “sếp cũ” và hiện ông luôn đứng sau các lực lượng công an, cần hiểu rằng việc dùng bạo lực và luật pháp để dập tắt những tiếng nói bất đồng sẽ chỉ làm tăng thêm sự nghi ngờ và phản đối từ cả cộng đồng quốc nội lẫn quốc tế. Thay vì làm xói mòn lòng tin của người dân, ông cần khởi đầu năm 2025 bằng việc thừa nhận rằng tự do tư tưởng và sự phản biện là những yếu tố cần thiết cho sự đổi mới của đất nước. Thiếu những điều này, Việt Nam khó có thể hòa vào “xu thế chung của thế giới và nền văn minh nhân loại” như ông từng tuyên bố (8).
Làn sóng bắt bớ và đàn áp đầu năm không phải là vấn đề của riêng cá nhân nào, mà là hồi chuông cảnh tỉnh cho toàn xã hội. Nếu không có sự phản kháng, nếu không có tiếng nói từ cộng đồng trí thức, nhà hoạt động và các tổ chức quốc tế, tình trạng đàn áp này sẽ chỉ ngày càng leo thang. Điều này không chỉ đe dọa những cá nhân như ông Châu, mà còn hủy hoại tiềm năng phát triển của đất nước trong dài hạn. Các tổ chức quốc tế cần có những hành động mạnh mẽ hơn để yêu cầu Việt Nam tuân thủ các cam kết về nhân quyền mà nước này đã ký kết. Trong nước, cộng đồng trí thức và người dân cần đoàn kết để lên tiếng bảo vệ những giá trị cốt lõi của tự do và phẩm giá con người. Đối với chế độ, việc duy trì ổn định không thể đạt được thông qua sự sợ hãi và đàn áp. Sự ổn định bền vững chỉ có thể đến từ việc xây dựng lòng tin và tạo cơ hội để mọi người cùng đóng góp vào sự phát triển của xã hội.
Võ sư Đoàn Bảo Châu đã đưa ra một thông điệp rất sâu sắc qua bài viết “Thank you!” của mình: “Tôi không thể để mấy lời hứa của một lực lượng nhiều khuyết tật mà có thể mạo hiểm tính mạng của mình.” (9) Câu nói này không chỉ phản ánh thực trạng cá nhân ông, mà đó còn là một khái quát cho cả một hệ thống cần được cải cách. Bước vào năm 2025, thay vì bắt đầu bằng những vụ khởi tố đầy bức bối, Việt Nam cần một hướng đi mới, nơi quyền tự do ngôn luận được bảo đảm, nơi những tiếng nói độc lập cần được xem là các đóng góp tích cực đối với xã hội, thay vì đe dọa. Nếu không, những vụ việc như trường hợp võ sư Đoàn Bảo Châu sẽ chỉ làm sâu sắc thêm sự chia rẽ, bất mãn và mất niềm tin vào chính quyền. Hãy để năm 2025 không phải là khởi đầu của đàn áp, mà là sự mở ra của một tương lai tốt đẹp hơn, công bằng hơn cho tất cả!
Nếu Hà Nội tiếp tục bức hại võ sư Đoàn Bảo Châu thì đây là một hồi chuông đáng báo động! Hãy cùng nhau lên tiếng bảo vệ giá trị văn hóa, nhân quyền và lòng tin xã hội!
Chú thích:
(1) https://www.voatiengviet.com/a/doan-bao-chau-soc-di-lanh-nan-cong-an-kien-nghi-khoi-to/7920636.html
(4) https://baotiengdan.com/2025/01/04/loi-cam-on-2/
(6) https://www.voatiengviet.com/a/7923736.html
Leave a Comment