Hiếu Chân
Một năm mới lại đến mang theo bao niềm hy vọng. Ở Việt Nam, cứ bổn cũ soạn lại, mỗi lần đất trời chuyển sang Xuân thì guồng máy tuyên truyền hùng hậu của đảng và nhà nước lại to giọng cổ vũ người dân bằng những lời hứa hẹn thật sướng tai chỉ để che lấp cái thực trạng đáng buồn của đất nước, kinh tế sa sút trầm trọng, đa số nhân dân vẫn điêu đứng dưới ách độc tài. Năm nay, báo chí như một đàn vẹt đồng ca phát biểu của ông Tô Lâm, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN), về cái gọi là “kỷ nguyên mới,” “kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” (!!!).
Giở bất kỳ trang báo nào cũng thấy hai nhóm từ trên chễm chệ trên đầu trang nhất, in chữ to, đập vào mắt người đọc. Trang tìm kiếm của Google cho ra tới 11,6 triệu bài viết, video cùng một giọng bưng bô sáo rỗng: “Khát vọng vươn mình trong kỷ nguyên mới” (baochinhphu.vn), “Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam” (dangcongsan.vn), “Hà Nội gương mẫu đi đầu trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” (HTV), “Sứ mệnh dẫn đầu của TP.HCM trong kỷ nguyên vươn mình” (VOV), “Người Việt Nam ở nước ngoài đồng hành cùng kỷ nguyên vươn mình của dân tộc” (VTV4)…
Tất nhiên người Việt Nam nào cũng muốn đất nước được phát triển và thịnh vượng. Người Việt ở nước ngoài, sống trong các xã hội văn minh, càng khao khát quê hương sớm được dân chủ tự do, hòa nhập vào cộng đồng các quốc gia tiến bộ trên thế giới. “Kỷ nguyên mới” do vậy là mong ước có thật, không chỉ của người trong nước. Nhưng đó không phải là thứ bánh vẽ, lừa bịp mà ông Tô Lâm và đồng đảng của ông hô hào.
Ước vọng của người Việt trong và ngoài nước là Việt Nam phải thay đổi thể chế chính trị, đảng CSVN phải trả đất nước lại cho người dân để toàn dân chung tay xây dựng. “Điểm nghẽn của điểm nghẽn” mà ông Tô Lâm vẫn thường đề cập trong các bài diễn văn của ông từ khi nhậm chức không gì khác hơn là “thể chế chính trị,” là sự tập trung quyền lực tuyệt đối vào tay một đảng chỉ chiếm chưa đầy 5% dân số.
Gần năm thập niên kể từ khi thâu tóm được miền Nam vào tháng 4/1975, đảng CSVN kiểm soát toàn diện mọi lĩnh vực từ chính trị, kinh tế đến xã hội và can thiệp sâu rộng vào mọi mặt đời sống người dân. Đảng đứng trên pháp luật, không chịu trách nhiệm giải trình và không có cơ chế độc lập nào giám sát quyền lực của đảng. Chính sự tập trung quyền lực tuyệt đối này là nguồn gốc sinh ra mọi tệ nạn có tính hệ thống, từ tham nhũng “ăn của dân không từ thứ gì,” kìm hãm nền kinh tế đến bất bình đẳng khủng khiếp về lối sống và thu nhập giữa cán bộ đảng viên và thường dân. Có điều ông Tô Lâm và đảng của ông chưa bao giờ dám nhìn thẳng vào gốc rễ, nguyên nhân của mọi nguyên nhân đó để tìm cách thay đổi.
Không kiểm soát được quyền lực tuyệt đối của đảng Cộng Sản bằng một thể chế chính trị dân chủ, nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập và truyền thông tự do thì mọi tuyên bố về cải cách thể chế chỉ là những lời mị dân. “Kỷ nguyên mới,” “kỷ nguyên vươn mình”… mà ông Tô Lâm hô hào chỉ là những khẩu hiệu mòn vẹt, sáo rỗng, không còn lừa được ai.
Nhưng cho đến nay, đảng CSVN chưa có dấu hiệu chấp nhận cải cách từ một đảng toàn trị sang một đảng cầm quyền, lãnh đạo bằng việc đề ra và chịu trách nhiệm về chủ trương chính sách chiến lược, nhường việc điều hành cho chính quyền thực thi theo luật pháp. Ngược lại, càng ngày người dân càng thấy đảng CSVN cố bám lấy quyền lực qua những cuộc đàn áp xã hội quy mô lớn, kéo dài.
Năm 2024 vừa qua chứng kiến những vụ đàn áp ngày càng khốc liệt. Hầu hết các tổ chức nhân quyền, kể cả Liên Hiệp Quốc, đều xác nhận vi phạm nhân quyền ở Việt Nam “tồi tệ hơn” trong năm 2024, theo tường trình của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) ngày 31/12/2024. Quyền sống, quyền tự do của người dân càng ngày càng bị teo tóp, méo mó đến tội nghiệp.
Gần đây, với việc ban hành Nghị Định 147/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 25/12/2024, làm “một chiếc vòng kim cô” lên không gian mạng ở Việt Nam. Nghị định không chỉ bắt buộc người dân sử dụng mạng xã hội phải kê khai tên tuổi, xác thực bằng giấy tờ tùy thân mà còn buộc các nền tảng mạng như Facebook, TikTok, YouTube… phải chấp hành lệnh của chính quyền gỡ bỏ hoặc xóa danh khoản có những thông tin mà nhà cầm quyền không thích.
Không có báo chí tự do, không có đối lập chính trị, không gian biểu đạt ở Việt Nam chỉ còn trông cậy vào các mạng xã hội, nay thì khoảng không chật hẹp đó cũng bị bít lại; người dân không còn chỗ nào để bày tỏ ý kiến, thực hiện quyền được mở miệng của một con người dù quyền đó đã được khẳng định tại Điều 25 bản Hiến Pháp do chính đảng CSVN ban bố.
Một số “trí thức” trong nước quen thói nịnh hót lãnh đạo, đã cố công so sánh thời gian cầm quyền mới vỏn vẹn vài tháng của ông Tô Lâm với 13 năm cai trị của ông Nguyễn Phú Trọng mới qua đời để cho rằng ông Tô Lâm đã có những “bước đột phá” về đối ngoại, về “tinh gọn bộ máy,” hứa hẹn “kỷ nguyên phát triển bứt phá, tăng tốc dưới sự lãnh đạo của đảng, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, phồn vinh, hạnh phúc; đuổi kịp, tiến cùng, sánh vai với các cường quốc năm châu” như lời ông Lâm (!!!).
Họ lờ đi thành tích bất hảo của chính ông Tô Lâm cùng những “nghị định” quái gở, những cuộc bắt bớ và trừng trị khốc liệt những tiếng nói bất đồng mà ông Tô Lâm thực hiện trong vài tháng qua.
Đảng CSVN chưa cho thấy họ thật tâm thay đổi nhằm tận dụng vị trí chiến lược của quốc gia cùng tài trí của hàng trăm triệu đồng bào trong và ngoài nước để đưa đất nước tiến lên. Tất cả những hành động, phát ngôn của các nhà lãnh đạo, từ viếng thăm, ký kết đối tác chiến lược toàn diện với một số nước lớn, chống tham nhũng và làm tinh gọn bộ máy cai trị ở trong nước mà ông Tô Lâm thực hiện gần đây đều chỉ nhằm mục đích cao nhất là chính danh hóa và củng cố quyền cai trị tuyệt đối của đảng CSVN, thâu tóm quyền lực vào tay một nhóm chóp bu của đảng vây quanh ông Tô Lâm và Bộ Công An.
Chưa có dấu hiệu nào cho thấy đảng của ông Tô Lâm sẵn sàng lắng nghe tiếng nói phản biện của người dân hoặc dung nạp vào guồng máy quản trị quốc gia những người không cùng “lý tưởng Cộng Sản” vốn đã lạc hậu và đã phá sản.
Tưởng nên để ý rằng dưới thời ông Đặng Tiểu Bình, đảng Cộng Sản Trung Quốc không chỉ thâu nạp những người bất đồng chính kiến mà còn thực hiện chiến lược “hải quy” (hải ngoại quy hương), mời gọi hàng ngàn người Trung Hoa tài giỏi khắp thế giới quay về kiến quốc, có người từ Mỹ về làm đến chức bộ trưởng Bộ Năng Lượng, phó thống đốc Ngân Hàng Trung Ương dù không phải là đảng viên Cộng Sản. Thành tích phát triển kinh tế ấn tượng của Hoa Lục mấy chục năm trước có phần lớn nhờ chính sách cởi mở của ông Đặng. Cùng là cộng sản nhưng Việt Nam và Trung Quốc có tầm nhìn khác xa nhau.
Bất kỳ một cuộc thay đổi lớn nào của đất nước đều phải dựa vào dân, người dân là động lực trung tâm đưa xã hội tiến lên. Nhưng đảng CSVN đẩy người dân ra rìa, thủ tiêu vai trò chủ thể quốc gia của dân, bóp nghẹt tiếng nói của dân, coi dân như “thế lực thù địch,” như cỗ máy trả tiền tự động ATM để bóc lột và vơ vét thì làm thế nào đất nước “vươn mình,” bước vào “kỷ nguyên mới” như ông Tô Lâm ảo tưởng.
Có điều vạn vật tuần hoàn, Đông đi thì Xuân đến. Ở Việt Nam, mùa Đông độc tài đảng trị đã không còn lý do tồn tại, đã thất bại trong công cuộc phát triển quốc gia, và nhất thiết phải được thay thế bằng mùa Xuân dân chủ. Hiện đảng CSVN chỉ có thể tiếp tục cai trị nhờ bộ máy đàn áp tàn bạo và rộng khắp, nhờ hệ thống tuyên truyền tẩy não tinh vi. Nhưng chế độ độc tài nào rồi cũng có lúc sụp đổ, có khi nhanh chóng không ngờ như gia tộc của Bashar al-Assad ở Syria mới đây, làm le lói niềm hy vọng cho Việt Nam trong mùa Xuân mới.
“Kỷ nguyên mới” thật sự rồi sẽ đến khi đất nước Việt Nam không còn là tài sản riêng của đảng Cộng Sản mà là của toàn dân, mọi người đều có quyền và nghĩa vụ đóng góp để đất nước phồn thịnh và hạnh phúc.
Hiếu Chân
Leave a Comment