Năm 1966, tôi vô lớp 1. Ngày 20/11 năm ấy, tôi đến trường chúc mừng các thầy cô. Các thầy cô hết sức bất ngờ, vì ngoài các thầy cô, thì hầu như tất cả học sinh và phụ huynh học sinh ở khu vực đó chưa ai biết đến ngày này.
Kể từ đó, hàng năm, ngày Quốc tế hiến chương các nhà giáo được tổ chức trên miền Bắc, và từ năm 1975, ngày này được tổ chức trên cả nước. Có thể nói năm sau tổ chức lớn hơn năm trước. Càng về sau, càng có nhiều hình thức tri ân thiết thực hơn, màu mè hơn, tốn kém hơn.
Những năm trước dịch, có lẽ một trong những ngày hoa được bán nhiều nhất trong năm là ngày 20/11. Một trong những ngày kẹt xe nhiều nhất trong năm trên đường phố của TP Hồ Chí Minh, cũng là ngày 20/11. Thế nhưng, tỉ lệ nghịch với cách tổ chức ngày càng rình rang, tốn kém, ngày càng màu mè, kèm theo cả sự thực dụng, là sự xuống cấp của giáo dục.
Hồi tôi bắt đầu đi học, khi mà chẳng mấy người biết đến cái ngày Quốc tế Hiến chương các Nhà Giáo, thì lúc ấy, Thầy ra Thầy, trò ra trò. Chẳng cần ngày vinh danh nào, phụ huynh học sinh vẫn luôn tôn kính thầy cô. Ngay dưới mưa bom, đói khổ, thầy cô không bao giờ bỏ lớp. Còn bây giờ, khi mà ngày 20/11 nào cũng rình rang hoa, quà, phong bì… thì thầy hiếp dâm trò, trò đánh thầy, phụ huynh chửi mắng, nhục mạ thầy cô.
Khi tôi tốt nghiệp tiến sĩ, chuyên ngành của tôi ở phía Nam chỉ có vài tiến sĩ. Mặc dù ra tư nhân, bản thân tôi không bao giờ muốn ai gọi mình là thầy, nhưng vì trách nhiệm với đàn em, với những người đi sau, tôi tham gia các Hội đồng, tham gia hướng dẫn.
Đến một ngày, một em do tôi hướng dẫn xin trình luận văn. Luận văn của em ấy viết rất tệ, không thể nào chấp nhận được, ngay cả khi đó là một khóa luận tốt nghiệp đại học thông thường. Tôi yêu cầu em viết lại một số phần. Gần 1 năm sau, không thấy em ấy mang luận văn viết lại tới. Gọi cho em ấy nhiều lần không thấy trả lời. Tôi hỏi bộ môn.
Bộ môn cho biết, em ấy đã trình và được thông qua luận văn. Còn tôi, thầy hướng dẫn của em ấy, thì được cho là bận đi nước ngoài nên không tham dự được. Tôi nghĩ, em này đã lừa cả trường và bộ môn. Sau đó, gặp một người trong Hội đồng chấm thi cho em ấy, tôi hỏi rằng sao cái luận văn tệ như vậy mà lại thông qua. Bạn ấy cho biết, rằng cậu kia là học trò của tôi, tôi đã chấp nhận cái luận văn ấy, có đơn gởi nhà trường xin phép vắng mặt.
Tôi hiểu rằng, nếu có cái đơn đó được công bố trong buổi trình luận văn, thì chắc chắn cậu ấy không đơn độc. Bộ môn có thể gọi điện cho tôi xác nhận. Nhà trường, gần như tất cả đều biết tôi, đều có thể xác nhận trực tiếp từ tôi. Khi tôi bắt đầu chất vấn, thì được biết, có ai đó trên cao can thiệp vào.
Sau đó ít lâu, trong một buổi ngồi Hội đồng khác, tôi gặp một cậu trông rất quen, có thể cùng khóa hoặc nhỏ hơn tôi một vài năm. Cậu ấy khen luận văn của tôi quá xuất sắc. Cậu ấy chép lại (cậu ấy dùng từ copy – past) nguyên văn cho luận văn của cậu ấy, và được đánh giá xuất sắc. Cả Hội đồng của cậu ấy không chê chỗ nào cả.
Sau hôm đó, tôi suy nghĩ nhiều. Nếu mình im lặng và tiếp tục tham gia. Có thể vênh vang, khoe danh với thiên hạ, nhưng thực sự tôi trở thành đồng lõa với những kẻ phá hoại nền giáo dục. Đấu tranh thì thân cô thế cô, đấu không lại. Thôi thì ít nhất là giữ cho mình trong sạch, tôi lặng lẽ rút lui. Sau này, khi yêu cầu phải học lại chứng chỉ sư phạm (tôi đã có khi học tiến sĩ) mới được dạy, tôi đã không cập nhật.
Câu chuyện ông “Tiến sĩ” Vương Tấn Việt và cách hành xử của các thầy cô trường Đại học Luật Hà Nội, là một minh chứng khác cho nền giáo dục, cho vai trò người thầy, người trò trong xã hội ta ngày nay. Giá như Thầy ra Thầy, trò ra trò, Giáo dục ra Giáo dục, thì cần gì những cái ngày vinh danh./.
Leave a Comment