Cảnh Chân (VNTB)
Ông bộ trưởng phải là trùm cuối trong đường dây thao túng giá sách giáo khoa, nhưng ông thách ai dám chỉ mặt gọi tên ông ấy!
Sách giáo khoa giá thì cao, mà chất lượng thì thấp, mỗi năm mỗi đổi vô cùng lãng phí. Năm nào tới mùa tựu trường là dư luận lại xôn xao phản đối, hàng trăm hàng ngàn bài báo chỉ trích việc tận thu của bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT). Nhưng các quan chức lãnh đạo của bộ này thì vẫn chứng nào tật nấy, sai không chịu sửa mà còn thách thức người dân và Quốc hội.
Mới đây nhất là tại phiên thảo luận kinh tế – xã hội, ngày 4/11, bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn nói “Một số cá nhân liên quan đã bị khởi tố, bắt giam để điều tra. Mong đại biểu chỉ rõ còn những nhóm nào theo đuổi lợi ích không hợp pháp, chỉ rõ nhóm này ở đâu để chúng tôi phối hợp với Bộ Công an, Viện Kiểm sát lại bắt tiếp”.
Nguyễn Kim Sơn cũng đang là Đại biểu Quốc hội, Phó chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về trẻ em, từng là Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội. Với kinh nghiệm và chức vụ như vậy, đúng ra ông Sơn phải là người tìm cách giảm giá sách giáo khoa cho trẻ em và học sinh chứ không thể đổ cho Quốc hội theo kiểu thách thức như vậy.
Ông Sơn chỉ cần rà soát lại coi ai là người ký thông qua các quyết định nghiên cứu, xuất bản sách, bảng giá sách, chênh lệch chiết khấu, những khoản thu chi nào hợp lý và bất hợp lý là sẽ dễ dàng tìm ra được kẻ nào hưởng lợi ích từ sách giáo khoa. Nếu ông Sơn không làm được, thì cả cái hệ thống bộ GD&ĐT dưới quyền ông Sơn chẳng lẽ ngu hết, là những giáo sư tiến sĩ, nhà giáo ưu tú… mà chẳng ai biết cách rà soát, thanh tra kiểm tra hay sao mà lại đứng lên “nhờ” Quốc hội.
Hay là chính Nguyễn Kim Sơn cũng là người nằm trong “nhóm lợi ích” đó? Bất cứ quyết định lớn nào liên quan tới giáo dục và đào tạo ở Việt Nam mà không qua tay bộ trưởng bộ GD&ĐT. Bộ trưởng nói không biết, hay bộ trưởng là trùm cuối và thách các ĐBQH chỉ mặt gọi tên?
Bàn về tham nhũng trong bộ GD&ĐT thì bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phải là người đầu tiên chịu trách nhiệm khi để xảy ra các nhóm lợi ích như vậy. Nhưng có “con mối chúa” nào chịu đứng ra nhận mình là “trùm cuối” đâu! Quốc hội thì chắc ai cũng rành chuyện này, mà có ai dám đứng lên chỉ thẳng mặt yêu cầu bộ trưởng chịu trách nhiệm đâu? Nói vậy rồi thì làm sao mà sống yên với bộ trưởng?
Về sự lươn lẹo, xảo trá thì ông Sơn cũng thuộc hàng top đầu trong các lãnh đạo CSVN. Còn nhớ năm 2022, khi các ĐBQH đặt câu hỏi về việc tại sao sách giáo khoa lại đắt gấp 2-3 lần, ông Nguyễn Kim Sơn giải thích là “vì khổ lớn, giấy tốt”. “So sánh với sách cũ thì thấy khác nhau, nhưng so với sách chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý hơn. Nếu so giá sách mới với các bộ sách cũ được Nhà nước tổ chức trước đây để nói SGK tăng giá thì không tương đồng”. Ông Sơn nói trước Quốc hội. (2)
Kiểu gì ông Sơn cũng nói được, cũng giải thích lấp liếm được. Để rồi hồi tháng 9 này, Bộ Công an đã truy tố 8 người do hối lộ, tham nhũng trong xuất bản sách giáo khoa. Số liệu công bố cho thấy, trong vòng 5 năm, có tới gần 2.400 tỷ đồng bị lãng phí do in sách giáo khoa dùng 1 lần, với hơn 300 triệu cuốn sách phải vứt bỏ dù còn rất mới, nhưng không thể dùng lại.
Thanh tra Chính phủ cho biết giá chiết khấu cao bất hợp lý, lên tới 25%, khiến giá xuất bản tăng 1,7 lần so với giá nhập. Chỉ tính riêng năm 2021, NXB Giáo dục đã đạt doanh thu tới 1.800 tỷ đồng, lãnh sau thuế gần 290 tỷ. Số tiền này chắc không thể thiếu phần ăn của ông bộ trưởng, chứ lợi nhuận hàng trăm tỷ mà không lẽ ông bộ trưởng không biết gì, không đớp được miếng nào?
Bây giờ muốn biết Nguyễn Kim Sơn có phải là mối chúa trong đường dây in ấn sách giáo khoa không thì chỉ cần công khai toàn bộ tài sản của ông bộ trưởng và người thân. Làm một phép so sánh với mức lương của cả họ nhà ông bộ trưởng là biết. Liệu Nguyễn Kim Sơn có dám không?
_____________________
Tham khảo:
(2) https://vnexpress.net/bo-truong-giao-duc-ly-giai-vi-sao-sach-giao-khoa-dat-gap-2-3-lan-4467891.html
Leave a Comment