Lãng phí cái gì? Trước hết là lãng phí ngân sách. Ngân sách không phải từ trên giời rơi xuống, không do đảng và nhà nước đẻ ra, mà là tiền (ngân), từ mồ hôi, nước mắt, máu của nhân dân tạo thành; là tiền thuế do dân và doanh nghiệp đóng góp; tiền bán tài nguyên đất nước. Lãng phí là có tội. Tội nặng.
Chỉ có điều, các vị hô hào chống lãng phí, cần phải biến lời nói thành việc làm, thành hành vi cụ thể. Đừng có mồm nói tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng tay phung phí, coi máu mồ hôi nước mắt nhân dân như rác như bùn.
Ngày 26.10.2024, báo Tiền Phong có bài trong đó nêu ý kiến của bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Nội vụ. Bà Trà cho biết: “trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy.
Vì thế, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam, khi chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người chiếm đến 62%, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư.
Nhắc lại tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp lại bộ máy, trong đó có cả hệ thống hành chính nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính, bà Trà cho rằng các cấp các ngành cần tinh thần sẵn sàng, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã”.
Chính ông Tô Lâm, ngày 31.10 thảo luận tổ tại Quốc hội, ông khẳng định tiếp “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được”.
Đúng tinh thần ấy, được ông Tô Lâm và bà Trà chỉ dẫn, chúng ta có thể thấy sự lãng phí đang nhan nhản, tràn lan, khắp nơi, mọi cấp, diễn ra công khai, từ nhiều năm nay ở xứ này.
Điều dễ thấy nhất, đó là sự tồn tại của các tổ chức hội đoàn, tổ chức, lực lượng ngoại vi của đảng cầm quyền.
Trước hết là Mặt trận tổ quốc. Tôi thử hỏi các ông bà dân chúng, vậy Mặt trận tổ quốc làm nhiệm vụ gì cho đất nước này. Rất chung chung, mơ hồ. Cứ lâu lâu xuân thu nhị kỳ nó chỉ mần việc hiệp thương chọn người cho đảng để cơ cấu vào bộ máy cán bộ. Thế thôi, tôi chả thấy nó gánh việc gì khác. Nên giải tán cái đoàn thể chính trị-xã hội này. Nó là một phần của bộ máy cai trị tam trùng (đảng, nhà nước, mặt trận), ngốn ngân sách kinh khủng. Nó có bộ máy riêng từ trung ương tới tận cơ sở cấp xã. Tiền để nuôi nó cũng đủ hành dân lên bờ xuống ruộng. Cần dẹp.
Ngoài Trung Quốc, Lào, Cuba, Triều Tiên, chỉ còn xứ ra dung dưỡng thứ của nợ này. Những nước văn minh, giàu có, chả nước nào nuôi mặt trận mặt triếc. Những nước không có tổ chức mặt trận sẽ như thế nào? Khách quan mà nói, rất nhiều quốc gia nghèo, chậm phát triển không có tổ chức kiểu mặt trận. Nhưng không phải do không có mặt trận mà nghèo. Còn những quốc gia có mặt trận, hầu hết nghèo. Và dễ thấy nhất, tất cả những nước giàu có, phát triển vượt bậc, người dân sung sướng hạnh phúc đều không có mặt trận.
Muốn biết mặt trận cần hay không cần, mỗi người cứ tự hỏi trong cuộc đời mình đã khi nào mặt trận quan tâm, hỏi han, giúp đỡ chưa. Tôi khẳng định có, nhưng không đáng kể, có khi cả triệu người mới gặp một vài trường hợp. Những người hàng xóm nhà tôi thậm chí không biết mặt trận là gì, tồn tại hay không.
(Còn tiếp)
Leave a Comment