Quảng Cáo

Ngoại giao cây tre bị gậy sắt của Trung quốc đập gãy

Quảng Cáo

Nguyễn Công Bằng

Ngày 29/9, báo chí Việt Nam cho biết, một số ngư dân Quảng Ngãi đã bị tấn công và cướp ngư cụ khi họ đang đánh cá tại khu vực quần đảo Hoàng Sa. Tuy nhiên vào thời điểm này, báo chí Việt Nam không nêu rõ lực lượng đã tấn công ngư dân Quảng Ngãi là ai, mà chỉ nói là hai tàu nước ngoài, khiến mọi người bán tín bán nghi.

Ngư dân là người trực tiếp trong cuộc có tường thuật lại: “2 tàu sắt nước ngoài tiếp cận từ đuôi tàu cá. Họ bước lên tàu cá là lập tức đánh các ngư dân từ đằng sau ra đằng trước, đánh xối xả. Ngư dân Công bị đánh vào hai tay và hai chân bằng gậy dài khoảng 1m, loang loáng như gậy inox.“Họ đánh xối xả, đánh chỗ nào mình cũng không biết, không dám kháng cự chỉ biết nằm chịu trận… Khi đánh xong, họ dồn các ngư dân còn lại lên mũi tàu, bắt hai tay ôm đầu, quỳ xuống, rồi dùng bạt che tàu trùm các ngư dân đó lại, không thấy gì cả”.[1] Ngư dân khác cũng kể lại: “Lúc này khoảng 10 giờ, lực lượng trên 2 tàu sắt, mang đồ rằn ri, khoảng 40 người leo lên tàu, mỗi người cầm một típ sắt rồi đánh xối xả… gặp đâu đánh đó. Lúc này tôi cố gắng chạy về phía trước mũi tàu, tuy nhiên có 2 người kẹp tôi lại đánh tới tấp vào người khiến tôi bất tỉnh không biết gì nữa, khoảng 1 giờ sau tôi mới tỉnh lại.”[2]

Ngày 2/10, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam mới nói rõ ràng các tàu tấn công ngư dân Quảng Ngãi là tàu Trung Quốc. Sau đó, báo chí thông tin rõ hơn đó là hai tàu của Hải cảnh Trung Quốc, Tam sa Chấp pháp 101 và Tam Sa Chấp pháp 301.

Ông Ray Powell, Giám đốc Dự án SeaLight (chương trình thuộc Đại học Stanford của Mỹ, chuyên nghiên cứu về chiến lược vùng xám của Trung Quốc), đánh giá: “Việc khẳng định các yêu sách biển của Trung Quốc ngày càng trở nên bạo lực. Các tàu chấp pháp của họ thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, được phép sử dụng mọi phương tiện sẵn có để buộc các nước láng giềng phải phục tùng. Việc sẽ có người thiệt mạng trong một trong những cuộc chạm trán như vậy dường như chỉ là vấn đề thời gian”.[3]

Một số chuyên gia nước ngoài cảm thấy ngạc nhiên trước động thái của Bộ Ngoại giao Việt Nam “đã giao thiệp nghiêm khắc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội”, mạnh mẽ phản đối hành động nói trên của lực lượng thực thi pháp luật Trung Quốc, khẩn trương điều tra và thông báo kết quả cho phía Việt Nam, không tái diễn các hành động tương tự.[4]

Nhiều người hẳn còn nhớ, hồi nửa cuối tháng 8 năm nay, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có chuyến thăm kéo dài 3 ngày tới Trung Quốc từ ngày 20/8. Chuyến đi này được thực hiện khi ông Tô Lâm mới giữ chức vụ Tổng bí thư được khoảng nửa tháng. Những tưởng rằng với chuyến thăm lần này, những mâu thuẫn giữa Việt Nam và Trung Quốc trong thời gian gần đây sẽ giảm đi rất nhiều, đặc biệt là mâu thuẫn giữa hai bên ở Biển Đông.

Về việc ông Tô Lâm chọn Trung Quốc làm chuyến công du nước ngoài đầu tiên sau khi nhậm chức, đã có hãng thông tấn nhận xét: “Chuyến thăm của nhà lãnh đạo mới Việt Nam đến Trung Quốc cho thấy mối quan hệ đối ngoại quan trọng của Việt Nam, mặc dù nước này cũng đã thiết lập quan hệ với Mỹ. Điều này cho thấy quốc gia Đông Nam Á này đang tăng cường quan hệ với cả Mỹ và các quốc gia khác, nhưng vẫn rất coi trọng quốc gia láng giềng to lớn này”.[5]

Việt Nam dưới thời Nguyễn Phú Trọng vẫn hay rêu rao về chính sách “ngoại giao cây tre”. Đến nay, chả có khái niệm nào rõ rệt về chính sách “ngoại giao cây tre” của Việt Nam cả. Một số người hình dung bản chất “ngoại giao cây tre” của Việt Nam là nghiêng về cả 2 phía, tuy nhiên bản chất của kiểu ngoại giao này là: Duy trì quan hệ tốt đẹp với tất cả các bên, dù có đối mặt với nhiều khó khăn thì vẫn có nhiều bạn bè. Xét từ tình hình ở trong và ngoài nước Việt Nam hiện nay, bản chất của “ngoại giao cây tre” nằm ở việc cân bằng các nước lớn, duy trì mối quan hệ hợp lý với tất cả các bên và được hưởng lợi từ tình hình này.

Báo đảng đã tự bốc thơm chuyến đi này của ông Tô Lâm: “Qua chuyến thăm lần này khẳng định, Việt Nam coi phát triển quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu và là sự lựa chọn chiến lược; đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; tiếp tục xác định nền ngoại giao toàn diện, hiện đại gồm ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân…”[6]

Với hành động tấn công ngư dân ngày 29/9 vừa qua đã cho thấy, chính sách ngoại giao uốn éo của Việt Nam gần như vô dụng trước lòng tham của Trung Quốc. Có lẽ, nhà nước Việt Nam cần phải thực tế hơn và bớt “chém gió” đi. Chỉ có nhìn thẳng vào sự thật mới giúp Việt Nam thay đổi mình để cường thịnh, từ đó mới chống lại được tham vọng điên cuồng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

[1] https://tienphong.vn/tau-ca-ngu-dan-quang-ngai-bi-danh-dap-da-man-tren-bien-da-ve-den-dat-lien-post1678127.tpo

[2] https://tienphong.vn/tau-ca-ngu-dan-quang-ngai-bi-danh-dap-da-man-tren-bien-da-ve-den-dat-lien-post1678127.tpo

[3] https://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-phan-doi-hai-canh-trung-quoc-tan-cong-lam-ngu-dan-bi-thuong/7808295.html

[4] https://dantri.com.vn/xa-hoi/bo-ngoai-giao-len-tieng-viec-ngu-dan-viet-nam-bi-phia-trung-quoc-tan-cong-20241002203658257.htm

[5] https://apnews.com/article/vietnam-to-lam-china-leader-guangzhou-a5b19f05ddf3da8b36d62d9cf378a8e3

[6] https://dangcongsan.vn/tieu-diem/dua-quan-he-viet-trung-vao-giai-doan-phat-trien-moi-675298.html

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux