Hoàng Trường
Thái độ cứng rắn trên phản ánh rõ sự bất bình của Việt Nam trước những hành động của Trung Quốc liên tiếp vi phạm chủ quyền và quyền lợi của ngư dân Việt Nam tại vùng biển Hoàng Sa (1). Dự án Đại Sự Ký Biển Đông nói với BBC Tiếng Việt, căn cứ những gì Dự án này tổng hợp được, đã có ít nhất hai vụ tấn công tàu cá Việt Nam xảy ra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa trong ngày 29/9. Vụ thứ nhất xảy ra tại khu vực Đá Chim Én là vụ tàu của thuyền trưởng Nguyễn Thanh Biên vào khoảng 9, 10 giờ sáng, làm bốn ngư dân bị thương, trong đó có người bị đánh gãy tay. Tàu cá bị cướp hết máy móc, ngư cụ và vài tấn cá, thiệt hại sơ bộ khoảng 500 — 600 triệu đồng. Vụ thứ hai là đối với tàu Quảng Ngãi mang số hiệu QNg 90659 TS do ông Võ Thành Tân làm chủ tàu. Vụ việc xảy ra vào lúc 15 giờ, cách Đá Chim Én hơn 22 hải lý (2). “Các tàu chấp pháp của Trung Quốc trên thực tế đã biến thành một lực lượng bán quân sự, được phép sử dụng mọi phương tiện sẵn có để buộc các nước láng giềng phải phục tùng”, nhà nghiên cứu Raymond Powell, người sáng lập và giám đốc của SeaLight, Dự án về minh bạch hàng hải, nhận xét với với VOA qua tin nhắn ngày 2/10 (3).
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn tìm cách duy trì ảnh hưởng đối với Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh Hà Nội ngày càng mở rộng quan hệ với các nước phương Tây và Hoa Kỳ. Bắc Kinh đã đẩy mạnh chiến lược “cái gậy và củ cà rốt,” nhằm kiềm chế Việt Nam. Thời gian gần đây, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước (TBT — CTN) Tô Lâm tới thăm các nước Mỹ, Pháp, Ireland… và tham gia các diễn đàn quốc tế càng khiến Bắc Kinh tăng cường các động thái quân sự và ngoại giao để tạo sức ép đối với Việt Nam. Theo Reuters, từ ngày 30/9 đến 1/10, Trung Quốc đã triển khai các cuộc tuần tra sẵn sàng chiến đấu tại Biển Đông, thể hiện rõ ràng sự phản ứng của họ trước những nỗ lực ngoại giao “hướng Tây” của Việt Nam (4). Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khẳng định tàu cá Việt Nam “đã vi phạm vùng biển Hoàng Sa”, nhằm giảm nhẹ tầm quan trọng của vụ tấn công này trong mắt công luận quốc tế (5).
Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang, câu hỏi “Trung Quốc sẽ làm gì tiếp?” không chỉ đơn giản là một lời cảnh báo mà còn là một dự đoán có cơ sở về những hành động tiếp theo của Bắc Kinh. Các hành vi hung hăng của Trung Quốc đối với ngư dân Việt Nam không phải là những sự cố riêng lẻ, mà là một phần trong chiến thuật “vùng xám” mà Bắc Kinh áp dụng ở Biển Đông (6). Tương lai, Trung Quốc có thể tiếp tục kết hợp các biện pháp quân sự và ngoại giao để gia tăng áp lực lên Việt Nam, đặc biệt trong giai đoạn nhạy cảm khi Hà Nội đang có những thay đổi trong ban lãnh đạo cấp cao. Bắc Kinh có thể lợi dụng thời điểm này để làm chậm lại hoặc thậm chí ngăn chặn nỗ lực của Việt Nam trong việc thắt chặt quan hệ với phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ. Trung Quốc có khả năng sử dụng sức mạnh kinh tế và các đòn bẩy ngoại giao nhằm cô lập Việt Nam trên trường quốc tế, từ đó buộc Hà Nội phải điều chỉnh chiến lược đối ngoại để tránh rơi vào tình thế bất lợi. Câu hỏi quan trọng đặt ra là Trung Quốc sẽ điều chỉnh chiến lược “vừa đánh vừa đàm” ra sao trong tương lai gần?
Dù hai bên Việt Nam và Trung Quốc từng có những thỏa thuận mang tính nhượng bộ như Hà Nội chia sẻ “tương lai chung” với Bắc Kinh và tuyên bố ủng hộ các sáng kiến về “an ninh – phát triển – văn minh toàn cầu” của Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn không từ bỏ những động thái nhằm gây sức ép cả về ngoại giao lẫn quân sự với Hà Nội. Đặc biệt, giới phân tích chú ý đến thời điểm nhạy cảm khi TBT — CTN Tô Lâm chuẩn bị gặp gỡ TBT — CTN Tập Cận Bình. Ngày 19/8/2024, Trung Quốc cho tàu cố tình va chạm vào tàu Philippines gần bãi cạn Sabina Shoal thuộc quần đảo Trường Sa (7). Nhiều chuyên gia nhận định, đây không chỉ là hành động nhắm đến Philippines, mà còn là cách Trung Quốc gửi thông điệp cảnh cáo gián tiếp đến Việt Nam: Việc thắt chặt quan hệ với Hoa Kỳ hay phương Tây sẽ không làm thay đổi chính sách cứng rắn của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Sự kiện này xảy ra ngay trước khi ông Tập và ông Tô Lâm cùng duyệt đội quân danh dự tại Đại sảnh đường Nhân dân ở Bắc Kinh (19/8), cho thấy Trung Quốc luôn biết cách sử dụng thời điểm nhạy cảm để gia tăng áp lực đối với Việt Nam (8).
Dựa vào các động thái gần đây của Bắc Kinh, có thể dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục duy trì một chiến lược kết hợp giữa sức mạnh cứng và mềm nhằm đạt được các mục tiêu của mình trong khu vực Biển Đông. Về mặt quân sự, việc Bắc Kinh tiến hành các cuộc tuần tra và tập trận gần khu vực tranh chấp với các nước láng giềng sẽ tiếp tục được tăng cường, tạo ra áp lực liên tục lên các nước Đông Nam Á, bao gồm cả Việt Nam. Về mặt ngoại giao, Trung Quốc có khả năng sẽ tìm cách chia rẽ ASEAN, khai thác các mối quan hệ không đồng đều giữa các thành viên của khối này để làm suy yếu lập trường chung của ASEAN đối với các vấn đề tranh chấp trên biển. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có thể gia tăng sức ép kinh tế, thông qua các biện pháp như hạn chế xuất nhập khẩu hoặc sử dụng đòn bẩy tài chính, nhằm gây khó khăn cho Việt Nam trong việc duy trì các quan hệ đối tác chiến lược với phương Tây. Tuy nhiên, với sự chủ động và kiên định của Việt Nam trong việc củng cố các mối quan hệ với Hoa Kỳ và châu Âu, Trung Quốc có thể sẽ phải điều chỉnh chiến lược của mình, tạo ra sự cân bằng giữa việc gây sức ép và duy trì mối quan hệ hợp tác cần thiết với Việt Nam.
Nhân dịp Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự kỳ họp lần thứ 13 Ủy ban Hợp tác Kinh tế Thương mại Việt Nam – Trung Quốc ở Bắc Kinh, ngày 30/9, Bộ trưởng Công nghiệp và Công nghệ Trung Quốc đã kêu gọi Việt Nam hợp tác với Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất và chế tạo máy bay. Trước bối cảnh Trung Quốc mong muốn tăng cường hợp tác kinh tế và công nghệ với Việt Nam, Hà Nội sẽ phải đối mặt với áp lực không nhỏ từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là từ Hoa Kỳ. Chính quyền Washington, trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Trung Quốc và mối quan hệ căng thẳng ngày càng gia tăng về công nghệ, sẽ theo dõi chặt chẽ các bước đi của Việt Nam. Bất kỳ sự hợp tác quá gần gũi nào với Bắc Kinh trong các lĩnh vực công nghệ cao, chẳng hạn như vũ trụ và hàng không, có thể gây ra những hệ quả đối với quan hệ Việt – Mỹ (9). Trong bối cảnh ấy, Việt Nam cần duy trì một chiến lược “ngoại giao cân bằng bền”, tiếp tục thu hút đầu tư và hỗ trợ từ phương Tây, đồng thời không để mối quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng quá mức. Khả năng quản lý mối quan hệ này sẽ đóng vai trò quyết định trong việc bảo vệ lợi ích quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến an ninh và chủ quyền tại Biển Đông. Tương lai gần sẽ chứng kiến những quyết định quan trọng của Hà Nội trong việc điều hướng mối quan hệ song phương phức tạp này.
Tham khảo:
(2) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cdxr44z71lgo
(6) https://vnexpress.net/hoat-dong-vung-xam-nguy-co-phu-bong-len-hop-tac-o-bien-dong-4668976.html
(7) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cjdkj140em4o
(8) https://www.voatiengviet.com/a/tam-bao-quat-cua-cac-thoa-thuan-viet-trung/7751679.html
Leave a Comment