David Hutt *
Cuộc bỏ phiếu quan trọng bầu chọn cho vị trí Chủ tịch nước trong tháng 10 sẽ đánh giá quyền lực của ông cựu bộ trưởng công an.
Khác với Trung Quốc nằm dưới sự lãnh đạo tối cao của ông Tập Cận Bình, Việt Nam – quốc gia Cộng sản anh em không bị cai trị bởi một nhà lãnh đạo duy nhất.
Trong bốn thập kỷ qua, Việt Nam đã được điều hành bởi hệ thống “tứ trụ”, bao gồm bốn vị trí: Tổng bí thư Đảng Cộng sản (ĐCS), Chủ tịch nước, Thủ tướng và Chủ tịch Quốc hội.
Cơ cấu này – được thiết kế để ngăn ngừa việc thể thâu tóm quyền lực vào một người – đã phục vụ tốt quốc gia độc Đảng cho đến tận hôm nay khi cụm từ “đảo chính cung đình” đang được xì xào khắp Hà Nội.
Cựu bộ trưởng công an Tô Lâm đã được bầu làm Chủ tịch nước vào tháng 4 năm nay sau khi ông này buộc hai người tiền nhiệm của mình là ông Nguyễn Xuân Phúc và Võ Văn Thưởng phải từ chức trong vòng hai năm.
Sau đó, ông trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) vào tháng 8 sau khi ông Nguyễn Phú Trọng – người giữ chức vụ này từ năm 2012 – qua đời.
Khi còn là Bộ trưởng Công an, ông Tô Lâm đã nhanh chóng nổi lên với vai trò là người thực thi các chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn của ông Trọng – một chiến dịch đã hạ bệ hàng chục ngàn quan chức, trong đó có rất nhiều lãnh đạo cấp cao trong hệ thống của Đảng.
Ông Lâm đã tập hợp các “hồ sơ bẩn” về các thành viên cấp cao khác của Đảng. Ông được ông Trọng cho quyền làm trong sạch Đảng nhưng đã dành phần lớn thời gian để dọn đường cho việc tiếp quản [chức Tổng bí thư] của mình.
Ông bước vào cuộc tranh giành quyền lực với một thứ mà ông Trọng không có, đó là quyền kiểm soát Bộ Công an – thể chế với quyền lực ghê gớm. Không có sự kiểm soát thể chế này, ông Trọng đã phải dựa vào sự thuyết phục.
Không giống như ông Trọng, người quan tâm nhiều đến đạo đức xã hội chủ nghĩa và đạo đức cá nhân, ông Lâm đã tập trung nhiều vào sự ổn định chế độ và quyền lực cá nhân.
Người chống tham nhũng cơ hội
Đối với ông Tô Lâm, các nỗ lực chống tham nhũng là một công cụ chứ không phải là một chiến dịch đạo đức. Tờ The Economist gần đây đã gọi ông là một “người cứng rắn, nhà tư bản, người theo chủ nghĩa khoái lạc” – có ý ám chỉ đến vụ tai tiếng khi ông này bị quay phim đang ăn bít tết dát vàng tại một nhà hàng cao cấp ở London.
Tuy nhiên một thuật ngữ có thể phù hợp hơn là “người có khả năng thay hình đổi dạng” hoặc thậm chí là “cơ hội.”
Người ta nói rằng cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện tại một buổi tụ họp riêng của các vị tai to mặt lớn để chúc mừng ông Lâm được bổ nhiệm làm Tổng bí thư.
Đối với những người thân cận với ông Trọng, họ rất không ưa ông Dũng – một người đứng đầu trục lợi, cho phép tham nhũng hoành hành và bỏ xó hệ tư tưởng.
Chiến thắng của ông Trọng đối với ông Dũng trong cuộc đấu tranh quyền lực năm 2016 đã đánh dấu một bước ngoặt, cho phép ông Trọng phát động các chiến dịch chống tham nhũng và củng cố hệ tư tưởng.
Tuy nhiên, trong ông Tô Lâm có vẻ giống ông Dũng nhiều hơn giống ông Trọng.
Từng là một cựu cảnh sát giống ông Tô Lâm, ông Dũng là một người thực dụng trong các vấn đề đối ngoại và kinh tế. Một cách cơ hội, ông nhìn thấy việc cho phép tham nhũng như một cách để củng cố đảng cầm quyền đang bị chia rẽ.
Các quan chức từ trên xuống dưới trong hệ thống quyền lực có thể gắn kết với nhau bởi cùng động cơ làm giàu cá nhân trong khi bộ máy trung ương của Đảng có thể gây ảnh hưởng tới các tỉnh thông qua những bảo trợ của mình.
Ngược lại, ông Trọng đã chứng minh rằng chống tham nhũng là một cách tốt hơn để gắn kết Đảng, thông qua sự sợ hãi và tấm gương đạo đức.
Trong khi ông Trọng được kính trọng vì sống giản dị và trung thực – đúng theo những gì ông áp đặt lên người khác – thì không thể nói điều tương tự về ông Tô Lâm.
Ông Tô Lâm hứa rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ tiếp tục. Nhưng thiếu vắng sự chính trực đạo đức của ông Trọng, tất cả những gì còn lại chỉ là nỗi sợ hãi.
Cuộc thanh trừng có hệ thống
Khi sức khỏe của ông Trọng giảm sút vào cuối năm 2022, ông Tô Lâm bắt đầu thanh trừng các đối thủ, loại bỏ một nửa số thành viên Bộ Chính trị được bầu chọn vào năm 2021. Ngay cả những người được ông Trọng bảo trợ cũng bị bật bãi.
Ông Vương Đình Huệ, người có thể kế nhiệm ông Trọng, đã bị bãi nhiệm khỏi vị trí Chủ tịch Quốc hội vào tháng 5 năm nay. Ông Võ Văn Thưởng, một ứng cử viên khác, đã bị miễn chức Chủ tịch nước vào tháng 3 và sau đó ông Tô Lâm đã ngồi vào chiếc ghế này.
Sự tích tụ quyền lực của ông Tô Lâm sau đó đã nhanh chóng tăng tốc. Hiện tại, 6 trong số 15 thành viên của Bộ Chính trị – cơ quan ra quyết định cao nhất của Đảng – đến từ Bộ Công an.
Tháng 6, ông Lâm đưa ông Lương Tam Quang, người được ông bảo trợ và cũng là đồng minh Hưng Yên, làm Bộ trưởng Bộ Công an, rồi dành một ghế ở Bộ Chính trị cho ông này.
Ông Lê Minh Hưng, hiện là Trưởng ban Tổ chức Trung ương và có chân trong Bộ Chính trị, là con trai của một cựu bộ trưởng công an – người đã nuôi dưỡng sự đi lên của ông Lâm.
Ông Nguyễn Duy Ngọc, một trong những cấp phó của ông Lâm ở Bộ Công an, giờ trở thành người đứng đầu Văn phòng Trung ương Đảng và đã được bầu vào Ban Bí thư, một cơ quan phụ trách công việc hàng ngày của Đảng.
Các cuộc thăng quan tiến chức khác được dành cho người thân hoặc các mối quan hệ thuộc phe cánh Hưng Yên – một tỉnh phía bắc Đồng bằng sông Hồng. Người ta nói rằng bố của ông Lương Tam Quang từng là vệ sĩ riêng của bố ông Lâm trong Chiến tranh Việt Nam.
Đã có một số phản ứng chống lại Lâm nhưng không thành công.
Trong khoảng thời gian sau khi được bổ nhiệm làm Chủ tịch nước và trước khi trở thành Tổng bí thư, ông Lâm đã tìm cách duy trì chức Bộ trưởng Công an. Phản ứng lại, một vài nhân vật trong Đảng đã cố gắng đưa ông Trần Quốc Tỏ, em trai của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang, một lãnh đạo phe cánh, vào vị trí này nhưng đã không thành công.
Chuyến đi Mỹ quan trọng
Cuộc tranh giành cho thấy ông Tô Lâm vẫn cần phải làm hài lòng các phe phái khác trong Đảng Cộng sản.
Trong chuyến thăm Trung Quốc vào tháng 8, trước khi đến Bắc Kinh, ông Tô Lâm đã đến thăm Quảng Châu – nơi cách đây một thế kỷ – ông Hồ Chí Minh đã khởi xướng tổ chức tiền thân của ĐCSVN. Điều này chắc chắn làm hài lòng các nhà tư tưởng của Đảng.
Ông Tô Lâm cũng sẽ đi thăm Mỹ vào cuối tháng này, làm hài lòng phe cánh ủng hộ mối quan hệ gần cận hơn với Washington trong Đảng.
Trong cuộc họp đầu tiên với tư cách Tổng bí thư, ông đã nói với các công chức tại các bộ và ủy ban kinh tế rằng chiến dịch chống tham nhũng sẽ không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – điều đã xảy ra trong những năm gần đây.
Theo lời đồn thổi về cuộc “đảo chính cung đình”, ông Tô Lâm vẫn còn các đối thủ, đặc biệt là từ các cơ quan, tổ chức khác.
Một trong số đó là Ủy ban Kiểm tra Trung ương do ông Trần Cẩm Tú đứng đầu.
Một số nhà phân tích cho rằng có sự “thù ghét” giữa ông Tô Lâm và ông Tú và tin rằng việc ông Tô Lâm gần đây dựng ông Vũ Hồng Văn – một thiếu tướng công an cũng xuất thân từ tỉnh Hưng Yên – làm cấp phó của ông Tú là nhằm gài “tai mắt” trong ủy ban này.
Một đối thủ mang tính thể chế khác là bộ máy chính quyền trung ương đứng đầu là Thủ tướng Phạm Minh Chính – người cũng từng là một quan chức công an.
Trước khi ông Trọng qua đời, ông Chính được cho là đối thủ chủ chốt của ông Tô Lâm trong cuộc đua giành chiếc ghế Tổng bí thư tại Đại hội Đảng toàn quốc sẽ diễn ra vào đầu năm 2026. Khó có ai có thể đánh bật được ông Tô Lâm vào lúc này nhưng các bộ kinh tế sẽ phản đối nếu việc tiếp quản Đảng của “nhà an ninh trị” này (ông Tô Lâm) ” gây hại cho nền kinh tế.
Sự chú ý dồn vào phía quân đội
Có lẽ thể chế mạnh nhất có thể kiểm soát quyền lực của ông Tô Lâm hiện giờ là quân đội – lực lượng từ lâu đã cạnh tranh với Bộ Công an của ông.
Quân đội hiện là khối lớn nhất trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng, chiếm khoảng 13% số thành viên.
Điều này cho thấy chúng ta có thể thấy một cuộc tranh giành quyền lực mới giữa Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương, giống như khi ông Trọng và Dũng so găng cách đây một thập kỷ.
Ông Tô Lâm gần đây đã cắt cử một số người thuộc phe Hưng Yên của mình vào các vị trí quân sự quan trọng ở phía Bắc, nhưng có tin đồn rằng phía quân đội đang thử thách quyết tâm và sự cứng rắn của ông.
Có một số cáo buộc lan truyền vào đầu tháng này rằng Đại học Fulbright Việt Nam do Hoa Kỳ tài trợ đang giảng dạy các khóa học về việc thay đổi chế độ.
Các cáo buộc này bắt đầu từ một kênh tin tức của quân đội và được tuyên truyền bởi Lực lượng 47, một lực lượng dư luận viên khổng lồ trên không gian mạng của quân đội.
Tin đồn tại Hà Nội cho rằng phía quân đội đang cố khuấy động tâm lý bài Mỹ trước chuyến đi New York dự họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc của ông Tô Lâm trong tháng này. Trong các cuộc họp song phương tại Hoa Kỳ, giới chức Hoa Kỳ dự kiến sẽ hối thúc tăng cường hợp tác an ninh mạnh mẽ – điều mà không phải ai trong quân đội cũng mong muốn.
Thử thách đầu tiên đối với quyền lực của ông Tô Lâm
Tháng tới sẽ là thử thách lớn đầu tiên đối với quyền lực của ông Tô Lâm khi Quốc hội dự kiến sẽ bầu chọn một tân Chủ tịch nước.
Hiện vẫn chưa rõ liệu ông Tô Lâm có bị gây áp lực phải từ bỏ một trong hai vị trí lãnh đạo cấp cao của mình hay không – hoặc ông có sẵn sàng từ bỏ vai trò Chủ tịch nước, vốn chủ yếu mang tính nghi lễ – một công việc đòi hỏi ông phải công du nước ngoài và điều này có thể ảnh hưởng đến việc củng cố quyền lực trong nước của ông.
Cho phép khôi phục hệ thống “tứ trụ” được Đảng ưa chuộng có thể là một nhượng bộ chiến lược ít gây thiệt hại mà lại khiến ông Lâm lấy được lòng của người trong Đảng. Mục tiêu chính của ông Tô Lâm là giữ được chức Tổng bí thư, chứ không phải chức Chủ tịch nước sau năm 2026.
Đã có những gợi ý rằng tướng Lương Cường, người đã rời khỏi quân ngũ và đang giữ chức Thường trực Ban Bí thư từ tháng 5 năm nay, có thể là ứng cử viên tốt cho chức Chủ tịch nước.
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang, người nhận được nhiều phiếu tín nhiệm nhất trong cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội vào tháng 10/ 2023, cũng có thể được phía quân đội hậu thuẫn.
Nhượng bộ chức Chủ tịch nước cho phía quân đội có thể là một cách thông minh để ông Tô Lâm làm hài lòng thể chế đầy quyền lực này. Nhưng cũng có thể ông đã trong đầu một ứng cử viên của riêng mình để duy trì quyền lực.
Các yếu tố tác động và các mối quan hệ phức tạp liên quan đến việc nắm giữ quyền lực của ông Lâm sẽ trở nên rõ ràng hơn khi Quốc hội đưa ra quyết định vào tháng 10.
*David Hutt là nghiên cứu viên tại Viện nghiên cứu Trung Âu về các vấn đề châu Á (CEIAS) đồng thời là một cây viết chuyên mục cho tờ The Diplomat. Ông viết bản tin Watching Europe In Southeast Asia. Các quan điểm trong bài viết là của riêng ông và không phản ánh quan điểm của RFA.
Leave a Comment