Quảng Cáo

Kỳ vọng gì vào chuyến đi Mỹ của Tô Lâm

Quảng Cáo

Nguyễn Công Bằng

Chiều ngày 19/9/2024, báo chí Việt Nam đã thông tin chính thức về chuyến đi New York của ông Tô Lâm. Theo đó, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết: “… từ 21 đến 27/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Phu nhân cùng Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Tương lai, Đại hội đồng Liên hợp quốc (LHQ) khóa 79; làm việc tại Mỹ và thăm cấp Nhà nước tới Cuba.”[1]

Tin đồn cách đây cả tháng đã cho biết là sau chuyến đi Trung Quốc, ông Tô Lâm sẽ tiếp tục có chuyến đi Mỹ. Nhiều người hồ hởi nghĩ rằng, chắc Việt Nam dưới thời ông Tô Lâm sẽ tiếp tục “chính sách ngoại giao cây tre”, tức là uốn theo chiều gió, nhằm cân bằng quan hệ giữa hai cường quốc đang đối địch nhau là Mỹ – Trung.

Lúc ông Nguyễn Phú Trọng còn sống, cụm từ “chính sách ngoại giao cây tre” do ông Trọng đưa ra, nhằm tô đậm dấu ấn cá nhân của ông ta đối với chính sách đối ngoại của Việt Nam. Tuy nhiên, sau khi ông Trọng qua đời, cách đây không lâu lắm, báo chí Việt Nam đã tịnh không nhắc tới cụm từ “chính sách ngoại giao cây tre” nữa. Có lẽ, ông Trọng mất thì “cây tre” cũng đã chết theo.

Một điều mà giới quan sát rất trông ngóng là liệu ông Tô Lâm sang Mỹ lần này, có cuộc gặp chính thức với Tổng thống Biden, nhân dịp ông ta nắm chức vụ cao nhất của quốc gia Đông Nam Á này, đồng thời cũng là dịp kỷ niệm một năm hai nước Việt – Mỹ nâng cấp quan hệ lên mức độ cao nhất: Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, theo thông báo của Người phát ngôn Bộ ngoại giao Phạm Thu Hằng thì sẽ không có chuyến thăm chính thức cấp nhà nước của ông Tô Lâm đến Mỹ dịp này, vì thế nếu có gặp ông Biden thì chỉ là cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà thôi.

Nhiều người quá lạc quan khi cho rằng ông Tô Lâm là người thực dụng, nên sẽ cân bằng quan hệ Mỹ – Trung, chứ không chỉ nghiêng về phía Trung Quốc. Thế nhưng thực tế lại cho thấy không phải như vậy.

Cách đây chưa đầy một tháng, kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam đã đưa một clip nói về “cách mạng màu” và liên hệ tới Việt Nam và trường đại học Fulbright. Mặc dù sau đó hai ngày, clip này đã bị gỡ nhưng một làn sóng chỉ trích trường Fulbright đã lan rộng trên các mạng xã hội, đặc biệt Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Đà Nẵng đã đưa một status lên tài khoản Facebook của họ, nhắc tới việc Mỹ luôn sử dụng cách mạng màu, Trung Quốc và Việt Nam trong Tuyên bố chung tháng 8/2024 ghi rõ là hai bên Việt – Trung cùng nhau bảo vệ chế độ, chống lại cách mạng màu.

Chưa biết clip do Quốc phòng Việt Nam thực hiện với mục đích gì? Chỉ là do vô tình nhằm câu view hay giới quân đội vẫn thường ôm tâm lý thù địch đối với Mỹ? Hay là điệp báo Trung Quốc đã tạo ra sự kiện này một cách “vô tình”. Đặc biệt một điều là an ninh Việt Nam xưa nay vỗ ngực rất giỏi, nhưng chớ hề đưa ra một thông tin nào bất lợi cho Trung Quốc, mặc dù họ để mặc cho các dư luận viên cứ chửi Mỹ ào ào, cho dù cả Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang và Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đều có chuyến thăm Mỹ sau đó không lâu. Cũng không biết clip của Quốc phòng Việt Nam và phong trào đấu tố trường Fulbright có ảnh hưởng gì đến việc ông Tô Lâm không có chuyến thăm chính thức đến Nhà Trắng để gặp ông Biden hay không?

Việc ông Tô Lâm sang New York dự Hội nghị thượng đỉnh của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc mà lại không gặp chính thức ông Biden thì rõ ràng cho thấy cái gọi là chính sách ngoại giao cân bằng Mỹ – Trung thực chất là cân bằng lệch. Chỉ nửa tháng sau khi nhậm chức Tổng bí thư, ông Tô Lâm đã yết kiến Bắc Triều ngay lập tức, trong khi có chuyến qua Mỹ, nhưng ông Tô Lâm lại vẫn chưa thể gặp ôn Biden một cách chính thức. Điều gì đã cản trở hai người gặp nhau một cách đàng hoàng, công khai, với tư cách hai người đứng đầu của hai quốc gia mới vừa nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất cách đây một năm?

Có lẽ khó có ai có câu trả lời chính xác và thuyết phục cho câu hỏi này được cả. Chỉ biết thế là một cơ hội nữa lại bị bỏ qua trong chuyến tàu tiến về tương lai của hai quốc gia cựu thù này.

Những hy vọng vừa nhen nhóm của nhiều người về việc Việt Nam sẽ thực hiện việc đa dạng hoá nguồn cung cấp vũ khí đồng thời với việc giảm thâm hụt thương mại Việt – Mỹ qua các hợp đồng mua vũ khí Mỹ, chắc có lẽ sẽ gặp hụt hẫng ít nhiều. Người ta đã thấy chuyến thăm của Bộ trưởng Phan Văn Giang trước đó khá dài ngày, thậm chí có chuyên gia Trung Quốc cảm thấy thắc mắc khi chuyến đi của Phan Văn Giang có vẻ không bình thường, hàm ý là Việt – Mỹ sẽ có hoạt động hợp tác quốc phòng quan trọng nào đó. Tuy nhiên, chắc là khó có thoả thuận đặc biệt nào diễn ra, khi Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã không thể có chuyến thăm chính thức tới Nhà Trắng.

Ngoài ra, hôm nay cũng là ngày họp thứ hai của Hội nghị Trung ương 10, có lẽ ngày mai sẽ có thông báo chính thức khi Hội nghị này kết thúc. Một số đồn đoán về thay đổi nhân sự sẽ sớm được xác nhận.

Có lẽ, chúng ta chỉ có thể cảm nhận trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm là ông ấy đang cố gắng ổn định nội bộ, tập trung quyền lực, đó mới là mục tiêu lớn nhất của ông ta lúc này. Còn câu chuyện đối ngoại hay cân bằng, chắc có lẽ sẽ để từ từ, hạ hồi phân giải./.

[1] https://dantri.com.vn/xa-hoi/thong-tin-ve-chuyen-cong-tac-tai-my-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-to-lam-20240919161546875.htm

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux