Đinh Hoàng Thắng
Phải chăng “muốn nói mà sợ lòng đau/ Muốn gieo mà sợ đất màu chẳng ưa”? Thơ phú dường như không hợp với Tô Đại tướng, nhưng rõ ràng, các diễn ngôn của Tổng bí thư – Chủ tịch nước gần đây cứ phải “rào trước đón sau”. Như vậy là sao?
Không dùng phương pháp cũ!
Kết thúc bài viết dài trên 2.700 chữ (1), Tổng bí thư – Chủ tịch nước (TBT – CTN) Tô Lâm nhắc đến di huấn của những bậc tiền bối: “Khi tình hình đã thay đổi và chúng ta phải giải quyết các nhiệm vụ thuộc loại khác thì không nên nhìn lại đằng sau và sử dụng những phương pháp của ngày hôm qua” (Lê Nin). “Không bao giờ được lung lay trước những khó khăn, thử thách của cách mạng” (Lê Duẩn). Cái hồn cốt nổi bật từ các di sản quý báu này: Không dùng các phương pháp cũ (của ngày hôm qua) để “giải quyết nhiệm vụ thuộc loại khác” của ngày hôm nay, khi sự lãnh đạo của Đảng phải đối mặt với những vấn đề mới, những thách thức mới! TBT nhận thức rất rõ rằng, không được áp dụng các cách làm cũ, lối mòn cũ, hoặc phương pháp đã quen thuộc, vì có thể chúng không còn phù hợp nữa. Thay vào đó, cần có sự sáng tạo, linh hoạt và tìm ra cách tiếp cận mới mẻ, hiện đại hơn để giải quyết vấn đề trước mắt. Và khi đã hạ quyết tâm như thế rồi, thì ý chí của những người trong cuộc không được phép lung lay trước mọi khó khăn và thử thách!
Thiết tưởng không thể có diễn ngôn chính trị nào rõ ràng hơn khi hệ thống truyền thông trong nước nhất loạt đăng “bài phông” của TBT – CTN để định hướng không chỉ cho cuộc họp Trung ương 10 (TW-10) trong 3 ngày, từ 18 đến 20/9. Nhiều khả năng là cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương trong ba ngày này sẽ có nội dung về kiện toàn các chức danh lãnh đạo cấp cao và điều động một số cán bộ. Đồng thời, Trung ương Đảng cũng sẽ tập trung cho việc chuẩn bị cương lĩnh và phê duyệt quy hoạch nhân sự Đại hội Đảng 14, dự kiến diễn ra vào quý 1 năm 2026 (2). Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) lần này liệu có tái diễn lại cái không gian – thời gian của Đại hội 6 năm 1986? Khi ông Trường Chinh lên làm TBT, báo cáo chính trị trình Đại hội 6 (tài liệu quan trọng nhất trong các văn kiện) đã đưa xuống đại hội đảng bộ các cấp. Qua phản ảnh từ dưới lên, nhiều ý kiến cho rằng nội dung chưa đáp ứng được tình hình thực tế đang diễn ra rất phức tạp, đòi hỏi phải có những đổi mới trong chủ trương, chính sách. TBT Trường Chinh quyết định: Phải viết lại báo cáo chính trị trình Đại hội 6! Trong báo cáo đó, nội dung quan trọng nhất là phải đưa Quan điểm và Nội dung Đổi mới Kinh tế vào (3).
Nhìn về phía trước bằng cách nào?
Toàn văn phát biểu khai mạc Hội nghị TW-10 sáng 18/9 của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm tại Hà Nội ngắn gọn và súc tích một cách bất ngờ. Chỉ lướt qua 1.800 chữ có thể nắm bắt được hai nội dung căn bản nhất của khóa họp ba ngày: Thứ nhất, các công việc để tăng tốc “về đích” thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội 13. Thứ hai, về công tác chuẩn bị Đại hội 14 của Đảng gồm có 3 vấn đề: Các văn kiện trình Đại hội; Chuẩn bị nhân sự cho Đại hội và Công tác xây dựng Đảng. Đằng sau mỗi nội dung có thể nhìn thấy cả một núi công việc, nhưng được trình bày khá logic và gọn ghẽ. Hy vọng, cả đảng viên lẫn người dân thường đều có thể nắm bắt! Đúng với tinh thần “quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt…” như một tiêu đề được “giật” trên trang “Đại biểu Nhân dân” (4). Không đọc thấy bất cứ một dòng lý luận nào về chủ nghĩa Mác – Lê nin, về “độc lập dân tộc gắn với chủ nghĩa xã hội”, một thứ chủ nghĩa xã hội mà chính cố TBT Nguyễn Phú Trọng cũng buộc phải thú nhận, không biết đến cuối thế kỷ này có được nhìn thấy không! Nhưng tinh thần “những việc cần làm ngay” của TBT Nguyễn Văn Linh thì đều toát lên sau mỗi câu, mỗi chữ trong diễn văn khai mạc của ông Tô Lâm. Vấn đề là, những việc nào “cần làm ngay”?
Sự giải bày của TBT – CTN Tô Lâm tại diễn đàn chính thức của Đảng nói rõ: “Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến, chúng ta sẽ làm việc cả ngoài giờ hành chính…” Rồi nữa: “Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất đặc biệt… cơn bão số 3 gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc”. Trong cảnh tang thương và nóng bỏng như thế, TW-10 sẽ nhìn về phía trước bằng cách nào? Hội nghị sẽ thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể. Các tài liệu thảo luận tại Hội nghị cũng được gửi trước 1 tuần, để các các Ủy viên Trung ương có đủ thời gian nghiên cứu và chuẩn bị những ý kiến thật xác đáng, phản ánh đúng thực tiễn của bộ, ngành, địa phương mình. Hướng về phía trước với tinh thần “Nhìn thẳng vào sự thật”, Hội nghị lần này liệu có kết nối được Đại hội 14 vào “mạch ngầm” của Đại hội 6 cách đây 40 năm? Đặt vấn đề một cách rốt ráo: Tổng bí thư Tô Lâm có dám đưa nội dung quan trọng nhất, “Đổi mới Chính trị” vào báo cáo chính trị của Đại hội tới?
Từ chuyện xưa nói về chuyện nay
Nhớ lại, tháng 12 năm 1998, khi trình Quốc thư lên Nữ Hoàng Hà Lan – Queen Beatrix, để nhậm chức đại sứ, một phần nội dung hội kiến diễn ra xung quanh câu chuyện Đổi mới Kinh tế và Đổi mới Chính trị ở Việt Nam. Bà nhìn thẳng vào mắt tôi, giọng “Royalis English” dịu dàng: “Can one walk on one leg, Mr. Ambassador?” (Con người ta có thể đi bằng một chân không, thưa ngài Đại sứ?) Hẳn nhiên đáp án trả lời đã được chuẩn bị trước và thông tin này chắc chắn đã được giải mật (declassified), nhưng nó vẫn đeo bám người kể chuyện suốt phần tư thế kỷ qua. Hy vọng vào một tương lai không xa, tại chuyến thăm đang được tái thúc đẩy của Nhà Vua Willem-Alexander với Hoàng hậu Maxima (5), Ngài sẽ chứng kiến, người dân Việt Nam hạnh phúc khi được đi bằng hai chân, đúng như lời chúc phúc của Mẫu Hậu Nhà Vua gửi đến những con dân đất Việt! Kể lại chuyện này với Thủ tướng Phan Văn Khải khi thăm con đê Afsluitdijk ở Tây Bắc Hà Lan, ông Sáu lắc đầu: “Cái xứ mình nó khổ thế đấy, Đại sứ à! Chuyện xưa như trái đất, ai cũng biết, quốc tế góp ý nhức cả tai, nhưng thể chế vẫn ì ra, không ai làm gì được!” Cựu sinh viên Plekhanov giơ hai tay lên nền trời tím sẫm “Vùng Đất Thấp (Les Pays-Bas), nhưng có tầm nhìn cao”, như một lời cầu cứu!
Kể từ ngày ngồi vào ghế “cửu trùng”, ông Tô Lâm khá kiệm lời, nhưng mỗi lần đăng đàn, giới quan sát đều thấy lóe lên vài ba tia hy vọng. Trong diễn văn nhậm chức ngày 4/8/2024, Tổng bí thư của ĐCSVN lần đầu tiên đã không nhắc đến cụm từ “chống Mỹ cứu nước”… (6). Giới quan sát cũng chú ý, tại Hội thảo 40 năm về Đổi mới Ngoại giao, không thấy giới chuyên gia nhắc tới “ngoại giao cây tre”, vốn được “suy tôn” bao lâu nay (7). Giới phân tích chú ý tới các động thái này khi Việt Nam và Hoa Kỳ đang tương nhượng nhau, liên quan đến việc Mỹ chưa công nhận Hà Nội có kinh tế thị trường và vào thời điểm ông Tô Lâm đang chuẩn bị qua Mỹ, sau chuyến đi được cho là thành công của Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Đó là nguyên nhân Hội nghị Trung ương lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến. Đó cũng là lý do TBT – CTN gấp rút thăm Trung Quốc sau khi vừa nhậm chức, để kịp cho kỳ họp này và trước khi ông bay qua bên kia Tây Bán Cầu. Cuộc hội kiến với Tổng thống Biden đang chuẩn bị rời nhiệm sở cũng không hề đơn giản, khi chưa biết từ sang năm, bà Harris hay ông Trump, ai sẽ là chủ nhân ngôi Nhà Trắng? Sức ép ngoại giao tới đây chắc không hề dễ chịu trong một thế giới vừa kết nối vừa phân mảnh và cạnh nhau nhau quyết liệt!
Tham khảo:
(2) https://www.bbc.com/
(3) https://tuoitre.vn/nho-
(5) https://www.voatiengviet.
(7) https://dav.edu.vn/hoi-
Leave a Comment