Phải chăng có “bàn tay vô hình” đứng sau những chiêu trò này? Trong khi ông Tô Lâm chuẩn bị tham dự LHQ và có thể thăm Mỹ, với những cam kết lớn đang được mong đợi, việc kêu gọi “chống diễn biến hòa bình” liệu có phải cố gắng cản trở nỗ lực hội nhập, ngăn cản VN bước vào một kỷ nguyên mới?
Ai “chống diễn biến hòa bình”?
Ngày 6/9/2024, báo Quân đội Nhân dân “trưng” một bài mới trong “sô diễn” của mình: “Quân đội tăng cường đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình…” (1) Động thái này tại Hội nghị được dư luận đánh giá là nỗ lực của “Quân ủy Trung ương” nhằm gỡ lại uy tín bị tổn hại sau vụ việc “Truyền hình Quân đội” lỡ cáo buộc sai rằng Đại học Fulbright là “cái nôi ươm cách mạng màu” để “đổi màu giáo dục” (2). Việc “Quân ủy Trung ương” kêu gọi “chống diễn biến hòa bình” lúc này chẳng khác nào những kẻ “chơi bài me” bị thua (khi vu cáo Fulbright), giờ phải chuyển sang “chơi bài cào” (chống diễn biến hòa bình), với hy vọng gỡ gạc danh tiếng. Thật ra, đề án của Quân đội chẳng qua là thực thi Chỉ thị 24 do Bộ Chính trị ban hành ngày 13/7/2023 được cho là để “đảm bảo vững chắc an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế…” Chỉ thị 24 đánh giá mọi hình thức hợp tác quốc tế và thương mại là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia. Theo VOA, Chỉ thị ấy ra đời trong hoàn cảnh Việt Nam đàn áp mạnh tay các nhà hoạt động, giới bất đồng chính kiến và xã hội dân sự, một chiến dịch được bắt đầu từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lên nắm quyền vào năm 2016 (3).
Làn sóng “chống diễn biến hòa bình” rộ lên hiện nay giữa hai khuynh hướng đối chọi nhau chan chát kể từ ngày tân Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm “lên ngôi” mấy tháng nay. Ông Tô Lâm đang tất bật lo việc lựa chọn nhân sự mới, kiện toàn các vị trí xung yếu trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Có dư luận cho rằng, dưới “triều đại” mới, dường như Tô Lâm có một vài dấu hiệu muốn lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là của quần chúng nhân dân trong việc chọn nhân sự cho đại hội đảng sẽ diễn ra đầu năm 2026 (4). Trong khi đó, một “trend” chủ lưu khác, mạnh mẽ không kém đang đang đối nghịch với xu hướng này. Hãy bắt đầu bằng câu chuyện vừa đáng xấu hổ, vừa đáng nguyền rủa cho “những hiệu ứng đám đông” đầy nguy hiểm. Có thể chia sẻ với nhà văn từ Hoa Kỳ, Trần Trung Đạo, đã gửi lời động viên đến em Chu Ngọc Quang Vinh sau khi em bị đám đông cuồng nộ lên án. “Điều quan trọng là họ không thể tiêu diệt được niềm hi vọng trong lòng em,” ông Trần Trung Đạo viết (5).
Phải có một “bàn tay vô hình” đằng sau tất cả những chiêu trò cực đoan mấy tháng gần đây. Đầu tiên là chỉ đạo dấy lên “phong trào yêu nước” của thanh niên cờ đỏ tràn ngập trên mạng xã hội. Sau đó hướng dẫn nhà nhà, người người “bôi” cờ khắp mọi nơi, phần lớn là ảo đến nhức mắt trên các trang mạng, dùng hình ảnh cờ đỏ sao vàng để lôi cuốn chú ý của đám đông. Tiếp đến là cao trào “phong sát” các văn nghệ sỹ nổi tiếng. Chủ trương “tìm và diệt” những ca sỹ có những vụ việc trong quá khứ dù vô tình hay do hoành cảnh, để làm mục tiêu triệt hạ, nhằm thể hiện cái uy của đảng và chế độ (6). Tại sao lại có chủ trương khủng bố từ trẻ vị thành niên đến các văn nghệ sĩ nổi tiếng? Tại sao chỉ dạy thanh thiếu niên căm thù thực dân, đế quốc mà không dám đề cập đến tội ác của quân xâm lược Trung Quốc trên 6 tỉnh biên giới phía Bắc, cũng như vai trò của Bắc Kinh trong việc chống lưng cho chế độ diệt chủng Pol Pot trước đây, và cả việc ủng hộ cha con Hun Sen hiện nay khi Phnom Penh tỏ thái độ hai mặt với Việt Nam, gây tổn hại đến quan hệ láng giềng Việt Nam – Campuchia? (7)
“Boomerang” từ những trò cực đoan
Đúng là “cọc đèn tối chân!” Một bộ phận trong Đảng đã có sự tỉnh táo về tác hại của trò “boomerang” (gậy ông đập lưng ông) của loại “hồng vệ binh” rơi rớt từ thời “cách mạng văn hóa” của Mao Chủ tịch. Vậy tại sao “Quân ủy trung ương” và “Ban Văn hóa tư tưởng” vẫn cho diễn lại những trò cũ mèm nói trên. Không nhẽ các nhà lí luận ấy không lường được sự nguy hại của chủ nghĩa dân tộc cực đoan như chính “Tạp chí Cộng sản” từng cảnh báo: Chủ nghĩa dân tộc cực đoan dễ dẫn đến xu hướng biệt lập, cục bộ, vị kỷ, chống lại xu hướng hợp tác, kết nối và hội nhập quốc tế, thậm chí có thể đi đến thỏa hiệp với chiến tranh xâm lược (8). Xu hướng “cuồng Putin” – từ chỗ thần phục chủ nghĩa sô-vanh Nga đến việc làm ngơ trước cuộc chiến tranh xâm lược của Moscow đối với Ukraine – lắm khi gây khó khăn cho chính các Cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài! (9) Chính xu hướng này cản trở sự giao thoa và hợp tác quốc tế, làm suy giảm lòng tin chiến lược giữa các quốc gia. Những việc làm của đám dư luận viên từ “lực lượng 47” ấy sẽ còn gây ra nhiều chuyện lợi bất cập hại khác.
Tại sao tinh thần “chống Mỹ cứu nước” – vốn đã được Tổng bí thư Tô Lâm “giản lược” ngay trong diễn văn nhậm chức đầu tiên (10) – lại vẫn được dấy lên vào đúng thời điểm đoàn của ông chuẩn bị sang New York dự khóa họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và kết hợp có thể là thăm (chính thức) Hoa Kỳ. Chuyến thăm Hoa Kỳ trong tháng 9 này sẽ có sự bàn bạc rất nhiều các biện pháp cụ thể để triển khai khuôn khổ đối tác chiến lược toàn diện trong thời gian tới, nhằm duy trì đà phát triển của hợp tác kinh tế – thương mại – đầu tư, đồng thời thúc đẩy các lĩnh vực hợp tác mới nổi như đổi mới sáng tạo, bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch. Tuy nhiên, vấn đề bãi bỏ dán nhãn Việt Nam có quy chế kinh tế phi thị trường vẫn đứng trước những quyết định khó khăn. Nếu chúng ta nhớ lại các quan điểm cứng rắn của các thượng nghị sĩ Mỹ. Đặc biệt là lời cảnh báo, việc trao cho Việt Nam quy chế kinh tế thị trường chỉ tạo thêm nhiều cơ hội cho hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc lách thuế của Mỹ (11).
Cuối cùng, vấn đề Biển Đông có thể cũng sẽ là một nội dung quan trọng khác trong nghị trình cuộc gặp Biden – Tô Lâm sắp tới, mà nhiều người tin là sẽ diễn ra. Trong những diễn tiến mới nhất gần đây, Hoa Kỳ dường như quan tâm tới việc vì sao Bắc Kinh lại gây sức ép lên Manila nhiều hơn đối với Hà Nội trên Biển Đông? (12) Theo ý kiến các chuyên gia, Bắc Kinh muốn lợi dụng tình hình bầu cử ở Mỹ để tìm cách đẩy Philippines khỏi Bãi Cỏ Mây và cũng muốn chia rẽ Manila với Hà Nội, trong khi mối quan hệ giữa hai Đảng Cộng sản cầm quyền giúp Bắc Kinh dễ “ép” Hà Nội so với Manila vốn là đồng minh của Mỹ. Như vậy, xét từ phương diện cả kinh tế lẫn an ninh, tân Tổng bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm rất cần sự hợp tác ngang tầm “đối tác chiến lược toàn diện” với Hoa Kỳ. Những cam kết lớn đang được mong đợi! Việc kêu gọi “chống diễn biến hòa bình” lúc này liệu có phải là cố gắng cản trở nỗ lực hội nhập, ngăn cản Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới?
Tham khảo:
(2) https://www.youtube.com/watch?v=SJ09mczz64E
(5) https://www.voatiengviet.com/a/tran-trung-dao-chu-ngoc-quang-vinh/7775200.html
(9) https://vn.ambafrance.org/Hai-nam-sau-cuoc-chien-tranh-xam-luoc-cua-Nga-Phap-tiep-tuc-ung-ho-Ukraine
Leave a Comment