Nguyễn Công Bằng
Tính từ đầu năm 2023 trở lại đây, Philippines và Trung Quốc đã rất căng thẳng với nhau trên Biển Đông. Trung Quốc đang dùng sức mạnh vượt trội của mình để uy hiếp quốc gia Đông Nam Á này.
Bên cạnh việc đối đầu với Trung Quốc khổng lồ trên biển, Philippines phải gồng mình lao vào một cuộc chiến khốc liệt khác với Trung Quốc, đó là cuộc chiến tình báo.
Quân đội Philippines đang tăng cường các biện pháp an ninh cũng như các quy định cho nhân viên về lòng trung thành trong nỗ lực ngăn chặn rò rỉ thông tin nhạy cảm cho đối thủ sau vụ một sĩ quan tình báo Mỹ gần đây đã nhận tội bán dữ liệu mật cho nước ngoài.
Tướng Romeo Brawner, tổng tư lệnh quân đội Philippines, đã tiết lộ thông tin liên quan đến các sĩ quan quân đội Philippines trước đây và hiện tại, bao gồm một số tướng lĩnh, đang được tiếp cận để ủng hộ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông.[1]
Theo các báo cáo tình báo quân sự được Tướng Brawner cho biết, Trung Quốc đã có những nỗ lực tuyển dụng người Philippines có lý lịch quân sự để tiến hành các hoạt động gián điệp ở Biển Đông (mà Philippines gọi là Biển Tây Philippines).[2]
Sự việc này được cho là liên quan tới một binh sĩ của quân đội Mỹ, gần đây đã nhận tội với cáo buộc rằng anh ta bán thông tin nhạy cảm cho Trung Quốc liên quan đến năng lực quân sự của Hoa Kỳ.
Trung sĩ Korbein Schultz, cũng là một nhà phân tích tình báo, đã nhận tội tại tòa án liên bang ở Nashville. Trước đó, anh ta đã không nhận tội, sau đó vào tháng trước đã yêu cầu một phiên điều trần để thay đổi lời nhận tội của mình.[3]
Các công tố viên cho biết Shultz đã nhận được ít nhất 14 khoản thanh toán với tổng số tiền là 42.000 USD.
Cách đây không lâu, Thượng viện Philippines cũng đã ban hành lệnh bắt giữ Alice Guo[4] – Cựu Thị trưởng Tarlac, tỉnh Bamban (cũng có tên khác là Guo Hua Ping) vì đã có vi phạm nghiêm trọng và hội đủ các yếu tố để bị tước bỏ mọi quyền lợi hưu trí, bị cấm vĩnh viễn không được quay lại làm việc cho chính phủ. Vào tháng 6 năm nay, bà Guo từng bị đình chỉ công tác sau khi cấp giấy phép cho một trung tâm Pogo – “Philippine Offshore Gambling Operator” (Trung tâm điều hành cờ bạc hoạt động ở nước ngoài của Philippines) – mà không đáp ứng các yêu cầu. Bà ta cũng đang đối diện với cáo buộc buôn người liên quan đến trung tâm này.
Nữ thị trưởng 35 tuổi này đã trở thành tâm điểm của vụ bê bối chấn động Phillippines trong những tháng qua khi bị cáo buộc là gián điệp Trung Quốc.
Ngày 23/4, cơ quan chức năng Đức cho biết đã bắt giữ một đối tượng có tên Jian Guo do tình nghi chuyển giao nội dung các cuộc thảo luận trong cơ quan lập pháp Liên minh châu Âu cho tình báo Trung Quốc.[5]
Tại Anh, ngày 22/4, hai đối tượng tình nghi 32 và 29 tuổi bị bắt giữ vì tội hoạt động gián điệp cho Trung Quốc, trong đó có một người từng làm nghiên cứu ở quốc hội cho một nghị sỹ có tiếng thuộc Đảng Bảo thủ cầm quyền. Hai đối tượng nêu trên bị buộc tội cung cấp thông tin cho Trung Quốc, gây thiệt hại và vi phạm Luật bảo mật của Anh.[6]
Ngày 18/4, Cơ quan tình báo quân sự Hà Lan (MIVD) cho biết gián điệp Trung Quốc đã nhắm mục tiêu vào các ngành công nghiệp bán dẫn, hàng không vũ trụ và hàng hải của Hà Lan để củng cố lực lượng vũ trang của Bắc Kinh.[7]
Ngày 20/12/2023, Thủ tướng Bỉ Alexandre de Croo mô tả Trung Quốc là quốc gia “đôi khi rất thù địch” sau khi có cáo buộc Bắc Kinh đã tuyển dụng một thành viên của đảng cực hữu Bỉ Vlaams Belang làm nhân viên tình báo.[8]
Năm 2019, Ba Lan đã bắt giữ một cựu nhân viên tình báo Ba Lan và một cựu nhân viên của Tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei do tình nghi hoạt động gián điệp cho Bắc Kinh. Ba Lan đã xét xử các đối tượng bằng phiên xử kín năm 2021.[9]
Richard Heydarian – Chuyên gia quan hệ quốc tế của Philippines cho biết tình hình hiện nay: “Một mặt, các cơ quan tình báo Philippines đang theo dõi và chống lại các hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng xấu của Trung Quốc tại quốc gia này. Mặt khác, Manila đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào các khoản đầu tư khai khoáng của Trung Quốc và tự coi mình là nhà cung cấp kim loại quý thay thế cho phương Tây, bao gồm cả lĩnh vực pin EV.”[10]
Nhìn sang Việt Nam, quốc gia “4 tốt, 16 chữ vàng” của Trung Quốc, cũng đang nằm trong vòng xoáy ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc cũng đã liên tục đe doạ Việt Nam trên Biển Đông, và cũng như đã làm với Philippines, Bắc Kinh cũng dùng mạng lưới tình báo bủa vây xã hội Việt Nam. Đã có rất nhiều quan chức Việt Nam bị vướng vào mạng nhện của tình báo Hoa Nam, nhưng báo chí Việt Nam thì chớ hề đề cập. Làm như Việt Nam có phép thần, miễn nhiễm trước vấn nạn tình báo Trung Quốc xâm nhập.
Những người ở Uỷ ban Biên giới Quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam hẳn còn nhớ, cách đây khoảng 3 năm, an ninh Việt Nam đã bắt giữ một Phó Trưởng ban Chính sách biển cùng hai nữ nhân viên, do đã có hành vi bán tài liệu liên quan đến đàm phán biển với Trung Quốc cho nhân viên tình báo Hoa Nam. Một trong các nữ nhân viên này tốt nghiệp đại học tại Trung Quốc. Có lẽ, trong thời gian cô này theo học ở Trung Quốc, đã được cơ quan tình báo Hoa Nam “tuyển mộ”, sau đó đã móc nối được với Phó ban để cùng nhau bán tài liệu mật của quốc gia.
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, vốn xuất thân và trưởng thành từ dân an ninh, Cục Bảo vệ Chính trị nội bộ, Tổng cục an ninh, Bộ công an. Hơn ai hết, ông Tô Lâm biết rất rõ các hoạt động và mánh khoé của tình báo Trung Quốc thâm nhập vào Việt Nam như thế nào?
Vậy không biết là Bộ Công an và nhà nước Việt Nam đã làm gì để ngăn chặn và đối phó với làn sóng hoạt động tình báo của Trung Quốc nhằm đánh cắp các bí mật quốc gia?
[1] https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3275230/philippine-military-steps-security-loyalty-protocols-prevent-data-leak-adversaries
[2] https://timesofindia.indiatimes.com/world/china/is-china-recruiting-sleeper-cell-military-members-in-the-philippines/articleshow/109290936.cms
[3] https://www.cbsnews.com/news/korbein-schultz-us-solider-pleads-guilty-selling-military-secrets-china/
[4] https://newsinfo.inquirer.net/files/2024/07/arrest-order-guo-13July2024.pdf
[5] https://www.reuters.com/world/europe/cases-suspected-chinese-espionage-europe-2024-04-23/
[6] https://www.reuters.com/world/europe/cases-suspected-chinese-espionage-europe-2024-04-23/
[7] https://www.reuters.com/world/europe/cases-suspected-chinese-espionage-europe-2024-04-23/
[8] https://www.reuters.com/world/europe/cases-suspected-chinese-espionage-europe-2024-04-23/
[9] https://www.reuters.com/world/europe/cases-suspected-chinese-espionage-europe-2024-04-23/
[10] https://asiatimes.com/2024/08/in-us-lockstep-philippines-derisking-from-china/
Leave a Comment