Chúng ta hay nghe và không ít lần mở miệng nói về “thế lực thù địch” cho dù đứng và diễn dịch trên biên kiến nào, chúng ta vẫn có đôi lần như vậy. Thế nhưng thế lực thù địch là ai và chúng ta thực sự nhận chân nó chưa? Câu chuyện tấm bằng của Thích Chân Quang cũng như hàng ngàn tấm bằng tiến sĩ khác, rồi các bằng cấp võ sư, giấy chứng nhận xác lập kỉ lục hay các huân, huy chương chứa đầy man trá lâu nay nói lên điều gì?
Điều đầu tiên muốn nói ở đây, đó là thế lực thù địch, chúng ta đã nuôi một thế lực thù địch trong tâm hồn, trong cá thể, trong gia đình, trong cộng đồng, trong quốc gia, trong dân tộc và chúng ta vỗ béo nó từng ngày để rồi đến khi nó đủ lớn, nó nuốt chửng chút lương tri và lòng tự trọng còn sót lại trong tâm hồn chúng ta, đó là Sự Dối Trá. Một sư dối trá có tính lịch sử và làm thay đổi tâm tính dân tộc.
Chúng ta vẫn luôn miệng beo bẻo về sự trung thực, lòng thật thà, tính nhân văn… không thiếu người trong chúng ta (xin hiểu chữ Chúng Ta ở đây theo nghĩa đại chúng Việt Nam và không phân biệt ranh giới hay biên kiến chính trị) viết sách dạy đạo đức cho người khác và sách in ra vẫn còn nóng, chưa kịp phát hành hết thì cũng chính con người ấy, con người đề cao đạo đức thành điển phạm và giáo khoa thư ấy đã tra tay vào còng vì những tội lỗi vì thiếu đạo đức và gian dối.
Sự gian dối bắt đầu từ khi lòng đố kị và tính ngạo mạn của những người có thể dẫn dắt xã hội bắt đầu phát sinh. Phát sinh đầu tiên là họ cố gắng sửa lịch sử cho đúng với tinh thần của họ, và lịch sử đi vào giáo dục, văn hóa, chính trị, bước sau cùng là nó đi vào kinh tế.
Điều đó cũng đồng nghĩa với việc sự dối trá đã có mặt trên mọi lĩnh vực xã hội, và con người dù muốn hay không cũng phải bắt đầu tồn tại với một tiến trình mới: Tiến trình nói dối.
Cái tiến trình nói dối có tính phổ quát và nắm quyền sinh sát ấy nhanh chóng đẩy mọi thế hệ đến chỗ bế tắc. Tuyệt vọng trong bế tắc, cố đấm ăn xôi trong bế tắc, vùng lên trong bế tắc, phản kháng dữ dội trong bế tắc, cơ hội, lọc lừa trong bế tắc… và cả hạnh phúc, nhảy múa trong bế tắc. Có một ngàn lẻ một các trạng thái phát sinh từ nỗi bế tắc này, nhưng nhìn chung, cơ chế thích nghi đã đẩy con người đến chỗ sống hòa nhập và tan vào sự bế tắc ấy. Và đến lúc này, mọi sự biểu hiện về tính gian dối không phải là hiện tượng xã hội, mà là hệ quả của xã hội đã muối mình trong sự dối trá.
Một Thích Chân Quang ngang nhiên mang bằng tốt nghiệp bổ túc trung học giả để lấy bằng cử nhân luật rồi sau đó tốt nghiệp thủ khoa tiến sĩ luật để rồi sau đó chính miệng ông ta nói rằng nghề luật sư là nghề gian dối… Điều đó dễ hiểu vì ông ta dù sao cũng nắm quá rõ cái qui trình đào tạo của các trường đại học luật cũng như các trường đại học khác. Một không gian tưởng chừng là của tri thức và tiến bộ, kì thực đó là cái chợ nhặng xị.
Trong một đất nước mà nơi đâu có sinh hoạt tri thức, nơi đó có những cái chợ nhặng xị cùng hàng loạt các tranh đoạt, kèn cựa và đố kị, thì cơ hội cho đồng tiền chi phối sẽ vô cùng lớn. Khi cái chợ đủ lớn, đủ mạnh thì mệnh giá trao đổi, mua bán sẽ tạo bất ngờ. Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua được bằng nhiều tiền và thật nhiều tiền, đó là chân lý của xã hội Cộng sản xã hội chủ nghĩa.
Câu chuyện tấm bằng tiến sĩ của Thích Chân Quang và hàng triệu tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ, cử nhân cũng như hàng ngàn học hàm giáo sư có tính chất thi đua, hình thức và hợp thức hóa đồng lương hiện nay không còn là gánh nặng xã hội như chúng ta nghĩ, mà nó là một lực đẩy rất mạnh để quả bom mâu thuẫn xã hội đủ công năng mà phát nổ, nhấn chìm tất tần tật.
Vụ Thích Chân Quang chỉ mang tính chất rò rỉ, bén lửa để rồi, sau đó hàng loạt vụ khác hiện ra trong ánh sáng của ngọn lửa mới lóe lên từ sự rò rỉ ngẫu nhiên ấy. Và không riêng gì lĩnh vực giáo dục, bất kì lĩnh vực nào cũng đều có sự man trá, giả dối, lừa lọc, không trung thực.
Lâu nay người ta luôn tin rằng con nhà võ phải có tinh thần thượng võ. Nhưng kì thực, nhà võ là nhà võ dưới thời nào không rõ chứ dười thời xã hội chủ nghĩa, các nhà võ xã hội chủ nghĩa còn cơ hội, trơ tráo và man trá gấp bội so với các nhà khác.
Chuyện mua bằng, man trá trong thi và cấp bằng đâu riêng lĩnh vực giáo dục tri thức, lĩnh vực giáo dục võ đạo cũng đầy rẫy ra đấy thôi. Thử xem lại Việt Nam có bao nhiều bằng võ sư, bao nhiêu bằng huấn luyện viên cao cấp và bao nhiêu bằng võ sư cao cấp có đủ thực lực cũng như trình độ sư phạm để dạy cho các học viên một cách nghiêm túc. Đó là chưa nói đến nhân cách méo mó, không thiếu huấn luyện viên lợi dụng buổi tập để sàm sở các nữ sinh.
Dường như cái xấu đã tràn lan trên mọi lĩnh vực, ngay cả chúng ta, những người còn sót lại chút lương tri cũng đang cố gắng tồn tại, ngoi ngóp trong cái xấu để giữ những gì còn sót lại trong tâm hồn. Và, ngay cả những con người từng mệnh danh đứng ra bảo vệ công lý, bảo vệ kẻ yếu, đến khi vãn kịch, họ lại hiện nguyên hình của cái xấu vĩ đại, điều này thật đáng sợ.
Nhưng, nói vậy thôi, không đến nỗi quá bi quan về xã hội, bởi thực sự, ngay trong những con người tưởng chừng như xấu toàn diện vẫn còn nhiều mặt tốt không có cơ hội phát triển. Hay nói khác đi, trong một xã hội mà cơ chế điều hành cũng như áp đặt chính trị của nó dựa trên nền tảng cái xấu, thì xã hội rất khó tồn tại bằng cái tốt. Tuy nhiên, cái tốt, lòng tốt, sự lương thiện không hoàn toàn mất đi mà chỉ bị đè nén, dồn đường cùng, thậm chí bức tử trong xã hội cái xấu. Có một điều, mọi cái có thể bức tử, trừ lòng tốt và sự thiện lương.
Chính vì vậy mà chỉ cần một tia sáng của thiện lương lóe lên như Thích Minh Tuệ thì liền sau đó, hiểu ứng xã hội của hiện tượng ấy gần như bao trùm xã hội. Điều đó cho thấy rằng năng lượng của thiện lương, của cái tốt rất mạnh mẽ, có thể bùng cháy bất kể giờ nào cho dù thực tại phũ phàng bao nhiêu chăng nữa!
Cho đến lúc này, người ta đặt hàng loạt câu hỏi và hoài nghi về thực lực của các vị trí chủ chốt trong hệ thống lãnh đạo Việt Nam, điều đó dễ hiểu và chẳng có gì là bi quan, bởi trong lúc hàng ngàn cái giả dối ấy tồn tại ung dung làm lãnh đạo và ăn trên ngồi trốc, ngồi mát ăn bát vàng thì vẫn còn hàng triệu tấm bằng thật, tri thức thật, năng lực thật đang chèo chống, vã mồ hôi với nghề chạy xe ôm, shipper, phụ hồ, thậm chí bán vé số ngoài đời.
Điều ấy thật đáng buồn khi xét trên khía cạnh công bằng xã hội nhưng lại là tín hiệu vui, lạc quan khi xét trên khía cạnh năng lượng thiện lương tồn tại ra sao. Cũng như trong lúc các trận đấu, các bằng cấp của liên đoàn võ thuật trở thành trò hề, man trá và bất chấp thì vẫn có những võ sĩ, võ sư âm thầm dạy dỗ lớp trẻ với đầy đủ nhân đức và tâm huyết. Trong lúc những tấm bằng giả như Thích Chân Quang đang làm mưa làm giò, lừa mị thiên hạ để làm giàu thì cũng có những trí thức trẻ âm thầm dạy cho học sinh nghèo từng con chữ để bù đắp vào khoảng trống tri đức nhân loại.
Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để tin rằng ngày mai trời sẽ sáng, bởi trời sáng là tất yếu sau đêm dài!
Leave a Comment