Chánh Thành (VNTB)
Các quan tranh nhau mua ghế phó thủ tướng bằng tiền tham nhũng, hàng ngàn tấn tiền sẽ đổ về nhà họ Tô.
Vậy là ngày 26 tháng 8 quốc hội sẽ họp bất thường để bỏ phiếu theo chỉ định của Tô Lâm cho các vị trí còn khuyết hiện nay. Gọi “bỏ phiếu theo chỉ định” tức là biểu diễn cho dân xem, chứ thật ra các vị trí đã được Tô Lâm chọn lựa sẵn rồi. Dự kiến sẽ có nhiều thay đổi ở các vị trí bộ trưởng, và đặc biệt là bổ sung hai ghế phó thủ tướng còn khuyết. Chính vì vậy cuộc đua vào hai ghế này đang khá gây cấn và phải đợi tới phút chót mới biết kết quả.
Hai ghế phó thủ tướng còn trống
Trong chính phủ Việt Nam thường có 4 phó thủ tướng. Gồm: một người lo về Đặc xá, xây dựng Nhà nước, Thể chế, Tư pháp, Khoa giáo – Văn xã; một người phụ trách Ngoại giao và hội nhập quốc tế, nội chính, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc; một phó thủ tướng phụ trách về Kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; và một chuyên lo Kinh tế ngành.
Trong 4 phó thủ tướng này thì có 1 ông sẽ được chỉ định làm phó thủ tướng thường trực, với điều kiện phải nằm trong nhóm uỷ viên bộ chính trị. Ghế thường trực này bị bỏ trống từ tháng 1 năm 2023 sau khi ông Phạm Bình Minh bị phế truất do liên quan tới vụ bê bối chuyến bay giải cứu.
Ghế phụ trách Ngoại giao và hội nhập quốc tế, nội chính, tổ chức bộ máy, tôn giáo, dân tộc do ông Trần Lưu Quang đang giữ cũng sẽ được thay thế vì ông này đã được Tô Lâm đẩy qua làm trưởng ban Kinh tế trung ương từ giữa tháng 8. Cuối cùng là ghế phụ trách về Kinh tế tổng hợp và thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo của ông Lê Minh Khái để lại sau khi bị kỷ luật từ ngày 13 tháng 8 năm 2024.
Theo quy định của đảng cộng sản thì độ tuổi trước khi bổ nhiệm chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ phải không quá 55 tuổi. Đồng thời là uỷ viên trung ương đảng trọn một nhiệm kỳ, từng giữ chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc chủ chốt các ban, bộ, ngành, đoàn thể tại trung ương.
Ai đang là ứng viên tiềm năng?
Nhà báo Lê Trung Khoa đưa tin được cho là nguồn tin nội bộ rằng chánh án toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình nằm trong danh sách ứng viên. Vợ chồng cựu chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã biếu 11 triệu đô la Mỹ kim cho bà Phùng Thị Hà (vợ Nguyễn Hoà Bình) để ông Bình lo lót việc lên chức phó thủ tướng. Nếu ông Bình lo được chức này thì có thể hỗ trợ chạy án giúp gia đình Nguyễn Xuân Phúc thoát nạn vụ Việt Á và Vạn Thịnh Phát.
Một thế mạnh của Nguyễn Hoà Bình là đang sẵn chân trong nhóm uỷ viên bộ chính trị. Nên ông Bình hoàn toàn có thể lên thẳng chức phó thủ tướng thường trực theo đúng nguyên tắc. Bất lợi là ông Bình đã 66 tuổi, lố tuổi vào ghế phó thủ tướng (55 tuổi). Nhưng nếu lo đủ tiền và được sự chấp thuận của Tô Lâm thì không nguyên tắc nào không thể phá vỡ.
Ứng viên tiềm năng tiếp theo là Nguyễn Thanh Nghị, con trai cả của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông Nghị sinh năm 1976, là uỷ viên trung ương đảng từ năm 2016, từng có 5 năm làm bí thư tỉnh Kiên Giang và hiện đang là bộ trưởng bộ Xây dựng từ năm 2021 tới nay. Như vậy Nguyễn Thanh Nghị có đầy đủ các điều kiện để trở thành phó thủ tướng.
Cũng cần nói thêm, cái chết của Nguyễn Phú Trọng chính là yếu tố mấu chốt khiến Nguyễn Thanh Nghị trở thành ứng viên nặng ký trong cuộc đua này. Khi còn sống, ông Trọng coi Nguyễn Tấn Dũng là kẻ thù chính trị lớn nhất trong sự nghiệp, lật đổ được phe phái ông Dũng chính là chiến thắng lớn nhất trong sự nghiệp của Nguyễn Phú Trọng. Nhưng ông Dũng đã vô cùng khôn khéo khi lui về làm người tử tế nhưng vẫn âm thầm giúp cho các con được thăng tiến trên chính trường.
Ngay trong đám tang ông Trọng, người ta phát hiện Nguyễn Tấn Dũng cười mỉm chi, nụ cười của kẻ chiến thắng cuối cùng. Cần biết rằng Tô Lâm từng là thuộc hạ dưới trướng ông Dũng, từ năm 2016, tuy tỏ ra quy hàng ông Trọng, nhưng năm 2024, Tô Lâm lại chính là người lật đổ ông Trọng.
Chỉ trong 3 ngày trung tuần tháng 8, Nguyễn Tấn Dũng đã xuất hiện ngay bên cạnh Tô Lâm trong hai sự kiện lớn. Ngày 15 tháng 8, Nguyễn Tấn Dũng đứng kế Tô Lâm trong hội nghị gặp gỡ các cựu lãnh đạo. Ngày 17 tháng 8, ông Dũng ngồi kế ông Lâm trong chương trình kỷ niệm của lực lượng công an ở Sài Gòn.
Những sự xuất hiện công khai theo kiểu kề vai sát cánh với Tô Lâm này khiến dư luận nghi ngờ về khả năng quay lại chính trường của Nguyễn Tấn Dũng. Nếu ông Dũng không trực tiếp quay lại chính trường, thì các con của ông Dũng hoàn toàn có thể trở thành các lãnh đạo cao cấp trong Bộ Chính trị trong tương lai gần. Không loại trừ khả năng con trai cả của ông Dũng sẽ trở thành phó thủ tướng rồi sau đó được bầu bổ sung lên uỷ viên bộ chính trị. Theo cách Tô Lâm cho Lương Tam Quang lên làm bộ trưởng bộ công an trước khi ông Quang được đưa vào bộ chính trị.
Ngoài ra, một ứng viên có thể trở thành phó thủ tướng nữa là ông Hồ Đức Phớc, đang là Bộ trưởng Bộ tài chính. Ông Phớc 61 tuổi, tuy quá tuổi “đầu vào” ghế phó thủ tướng, nhưng với kinh nghiệm làm trong lĩnh vực kinh tế, tài chính thì ông này có thể được “trám” tạm vào vị trí của ông Lê Minh Khái để lại trong 2 năm.
Như vậy nếu 2 trong 3 người trên lên được ghế phó thủ tướng, thì sẽ có 2 ghế trống (Bộ trưởng hoặc Chánh án). Đó là chưa kể những vị trí quan trọng khác cũng sẽ được sắp xếp trong thời gian tới để chuẩn bị cho nhiệm kỳ 2026-2031. Cuộc đua tiếp theo cũng sẽ không kém phần gây cấn. Người hưởng lợi nhiều nhất chắc chắn là Tô Lâm, hàng ngàn tấn tiền sẽ đổ về nhà họ Tô. Số tiền đó ở đâu mà ra? Chỉ có dân là khổ!
Leave a Comment