Thái Hà
Hậu Nguyễn Phú Trọng là Tô Lâm, điều này đã chắc chắn đến 99%, còn 1% là khả năng Tô Chủ tịch có thể đột quỵ, hay ngộ độc gì đó, thì mới tới lượt kẻ khác. Nếu không có gì bất ngờ, tương lai gần sẽ là thời của Tô Lâm.
Việc Tô Lâm lên ngôi, được xem là “cướp ngôi” hơn là truyền ngôi. Bởi trong dự định của Tổng Trọng trước đó, không có Tô Lâm. So với lúc ông Trọng lên ngôi vào năm 2011, thì cách lên ngôi của ông Tô Lâm khác hẳn. Ông Nguyễn Phú Trọng được chọn mặt gửi vàng, và cứ thế đến hẹn lại lên, còn Tô Lâm thì gây từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Khi Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư, dư luận không đánh giá cao năng lực của ông, bởi trước đó, khi ông ngồi trên ghế Chủ tịch Quốc hội, thì không hề gây nên sóng gió gì. Trong gần hết thời gian của nhiệm kỳ đầu, ông Trọng luôn chịu lép vế trước ông Thủ tướng thời đó, là Nguyễn Tấn Dũng. Phải gần hết nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trọng mới khiến cho đối thủ sừng sỏ nhất trên chính trường lúc đó, phải buông tay giã từ cuộc chơi. Đến lúc đó, dư luận mới thấy, trong Tổng Trọng có sự đáng sợ như thế nào. Ông vượt lên đối thủ cùng thời, nhưng với bề ngoài mang hình tướng của một “quan văn” yếu đuối.
Trái ngược với Tổng Trọng, Tô Lâm tỏ ra nguy hiểm ngay từ đầu. Ông Tô Lâm dùng võ lực để đánh đông dẹp tây, mới đoạt được ngôi báu. Dù chưa chính thức ngồi vào ghế Tổng Bí thư, nhưng Tô Lâm đã làm cho biết bao nhiêu đối thủ phải khiếp sợ. Vậy, câu hỏi đặt ra là, liệu Tô Lâm có làm nên chuyện lớn, như ông Trọng đã làm trước đây hay không?
Bước đầu, Tô Lâm đã gây ra nỗi khiếp sợ trong Đảng nhiều hơn Nguyễn Phú Trọng, ở thời kỳ đầu nắm quyền. Tuy nhiên, không ít người đánh giá, thời của Tô Lâm khó có thể kéo dài như thời của ông Nguyễn Phú Trọng, bởi nhiều nguyên do.
Tô Lâm tỏ ra nguy hiểm hơn Nguyễn Phú Trọng, nên ông sẽ bị chống đối nhiều hơn, so với ông Nguyễn Phú Trọng. Dưới thời ông Trọng, ông nuôi các nhóm Nghệ An, Hà Tĩnh và Hà Nội lớn mạnh. Trong khi đó, Tô Lâm chỉ dám tin tưởng vào người Hưng Yên, và một vài người ngoài Hưng Yên có quan hệ hệ ân nghĩa sâu đậm với gia đình ông. Nghĩa là, ông Tô Lâm khó quy tụ được lực lượng đông đảo dưới trướng, như Tổng Trọng đã làm.
Đối với ông Trọng, không ít quan chức dưới trướng mến mộ ông thực sự. Còn với Tô Lâm, hầu hết đều sợ chứ không phải yêu mến ông. Cả thuộc hạ lẫn đối thủ của Tô Lâm, đều rất sợ ông. Điều này cũng dễ hiểu, bởi Tô Lâm xuất thân từ ngành Công an, ông không có lợi thế nào khác ngoài việc đe dọa.
Cách lên nắm quyền của Tô Lâm cho thấy, Đảng Cộng sản Việt Nam đang bước sang giai đoạn mới – giai đoạn khủng bố. Ngay trong Đảng, Tô Lâm cũng sẽ dùng công cụ “bạo lực cách mạng” để củng cố quyền lực. Đây là con dao 2 lưỡi, chính cách cai trị này cũng sẽ khiến Tô Lâm có nhiều kẻ thù hơn, so với ông Trọng.
Trước đây, lực lượng Công an luôn gắn liền với khẩu hiệu “còn Đảng còn mình”. Giờ đây, Tô Lâm đã biến Bộ Công an thành “Bộ Hưng Yên”, có lẽ khẩu hiệu phải là “còn Tô còn mình”, thì sẽ thích hợp hơn.
Có người so sánh, bề ngoài Tô Lâm nguy hiểm hơn, nhưng thực chất, Nguyễn Phú Trọng mới thực sự nguy hiểm. Ông Trọng như con sóng ngầm khó lường, còn Tô Lâm như con sóng lớn nổi trên mặt nước.
Tô Lâm tỏ ra rất hung hãn, nhưng cũng vì thế mà đối thủ dễ tính đường tránh né hơn, so với ông Nguyễn Phú Trọng.
Tô Lâm tạo ra sóng gió cho không biết bao nhiêu người, thì có thể, ông cũng sẽ nhận lại bấy nhiêu cơn sóng dữ từ những đối thủ. Khi mà cả Bộ Chính trị liên kết lại để chống Tô Lâm, thì lúc đấy, Tô Lâm cũng khó mà chống đỡ. Với cách cai trị như hiện nay, hứa hẹn một tương lai không bình yên cho ông Tô Lâm.
Thái Hà – Thoibao.de
Leave a Comment