Cảnh Chân (VNTB)
Trong ngày đầu quốc tang, hầu hết các quan chức cao cấp nhất đều có mặt đầy đủ, từ những đương kim lãnh đạo tới những người đã về hưu. Các phe phái thắng thua trong cuộc chiến tranh giành quyền lực từ trước tới nay như Nguyễn Tấn Dũng, Vương Đình Huệ, Võ Văn Thưởng, Nguyễn Xuân Phúc đều đến viếng ông Trọng.
Thế nhưng cái khiến dư luận quan tâm nhất là nụ cười của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và thái độ vui vẻ của ông Nguyễn Sinh Hùng (cựu chủ tịch quốc hội) khi đứng trước linh cữu ông Nguyễn Phú Trọng. Trong khi ông Dũng cười tươi như hoa thì ông Hùng quay qua quay lại, lúc thì trò chuyện với bà Nguyễn Thị Kim Ngân, lúc thì tán dóc với Nguyễn Tấn Dũng. Còn ông Nguyễn Xuân Phúc cũng vui vẻ cười đùa với ông Nguyễn Minh Triết. Đây rõ ràng không phải là thái độ phù hợp trong một tang được cho là long trọng nhất từ trước tới nay.
Cần nhớ rằng những ngày qua đảng cộng sản đã ép những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên phải phát tang trên mạng xã hội. Bất kỳ ai có thái độ cợt nhả đều bị dư luận viên “phong sát”, chỉ trích, miệt thị thậm tệ. Bên cạnh truyền thông thì lễ tang cho ông Trọng cũng được tổ chức ở khắp nơi và những người dân tới đốt nhang cho ông Trọng đều phải tỏ ra thành kính, buồn rầu tiếc thương…
Nếu ai biết việc đấu đá của Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Tấn Dũng trong giai đoạn 2011-2016 thì có lẽ không khó hiểu khi chứng kiến nụ cười của ông Dũng trong đám tang ông Trọng. Với gần một phần tư thế kỷ cầm quyền, từ bí thư Hà Nội, tới chủ tịch quốc hội rồi tổng bí thư kiêm chủ tịch nước, chắc chắn ông Trọng đã tạo ra một danh sách dài những kẻ thù trong bộ máy chính trị.
Trong số những người đến viếng tang hôm nay, không chỉ Nguyễn Tấn Dũng hả hê ra mặt, mà còn nhiều kẻ thù từng là đồng chí của ông Trọng cũng vui trong bụng nhưng có lẽ không dám công khai cười cợt như ông Dũng. Nó chẳng khác gì câu chuyện “Hạnh phúc của một tang gia” của Vũ Trọng Phụng viết trong tiểu thuyết “Số đỏ” cách đây gần 90 năm.
“Hạnh phúc của một tang gia” là câu chuyện kể về đám tang của ông Cố tổ, người sống tới hơn 80 tuổi. Cái chết của ông Cố tổ lại là niềm hạnh phúc cả đại gia đình, cả một bầy con cháu ai cũng vui mừng hớn hở vì ông Cố tổ đã chết. Những người đi đưa tang ông Cố tổ ai cũng làm ra vẻ mặt nghiêm túc, buồn rầu nhưng lại bàn tính chuyện chia gia tài, nhà cửa, chuyện vợ con, dòng họ… Ngay trong lúc hạ huyệt ông Cố tổ thì họ cũng tranh thủ sắp xếp người nhà đứng sao cho đẹp để chụp hình.
Vũ Trọng Phụng đặt tựa đề “Hạnh phúc của một tang gia” tuy mâu thuẫn nhưng lại đầy mỉa mai. Vì đám đang luôn gắn liền với sự mất mát, đau thương nhưng đám tang của ông Cố tổ thì cả nhà lại hạnh phúc, với cảm giác rằng đây là điều mà họ khát khao chờ đợi từ lâu mà mãi tới hôm nay mới thành hiện thực.
Câu chuyện ở thế kỷ trước, khi đảng cộng sản còn chưa cướp được chính quyền. Cho tới nay, sau 80 năm cầm quyền thì lại xảy ra ngay trong lễ quốc tang của một quan chức cao cấp nhất. Không có bất kì một sự thương xót nào cho người đồng đảng, mà mỗi người tới viếng đều có một toan tính riêng, bàn bạc nói chuyện rôm rả, cười cợt chẳng khác nào đám trẻ lớp một vui đùa trong lúc cô giáo giảng bài.
Như ông Trọng từng nói “mình phải có thế nào thì người ta mới thế chứ”. Nhìn các đồng chí của ông hớn hở vui đùa trong lễ quốc tang thì chắc ông Trọng cũng phải sống thế nào thì người ta mới “láo lếu” như thế chứ!
Leave a Comment