Nguyễn Công Bằng
Trung Quốc muốn mở rộng các căn cứ quân sự bên ngoài
Trung Quốc gây xôn xao khi xây dựng căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài, bệ phóng cho Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân (PLAN), tại Djibouti vào năm 2017. Trung Quốc sẽ xây dựng căn cứ tiếp theo ở đâu?
Cách đây không lâu, một Think tank hàng đầu của nước Mỹ là RAND đã công bố một báo cáo nêu chi tiết cách Trung Quốc đang thúc đẩy phạm vi quân sự toàn cầu của mình bằng cách đàm phán các thỏa thuận tiếp cận căn cứ để mở rộng dấu ấn an ninh và tạo điều kiện cho các hoạt động ở nước ngoài của Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) và Cảnh sát Vũ trang Nhân dân (PAP).[1]
RAND xác định các quốc gia mục tiêu bao gồm Campuchia, Guinea Xích đạo, Namibia, Quần đảo Solomon, UAE và Vanuatu. Báo cáo lưu ý rằng Trung Quốc đã vận hành một căn cứ hậu cần ở Djibouti và một tiền đồn bán quân sự ở Tajikistan.
Điều này cũng trùng hợp với dự báo của một nhóm nghiên cứu, công bố trên tờ Foreign Policy (FP) vào năm ngoái. Nhóm các tác giả này đã sử dụng bộ dữ liệu của AidData, tập trung vào các cảng và cơ sở hạ tầng được tài trợ bởi các thực thể thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc tại các nước thu nhập thấp và trung bình trong giai đoạn 2000-2021 và được triển khai từ năm 2000 đến năm 2023. Dữ liệu chi tiết tập hợp 123 dự án cảng biển tại 78 cảng ở 46 quốc gia, tổng trị giá 29,9 tỷ USD.[2]
Dựa trên việc tổng hợp và phân tích dữ liệu đó, nhóm tác giả của FP đã đưa ra danh sách gồm 8 ứng cử viên có khả năng nhất trở thành căn cứ của PLAN trong tương lai, bao gồm: Hambantota, Sri Lanka; Bata, Guinea Xích đạo; Gwadar, Pakistan; Kribi, Cameroon; Ream, Campuchia; Luganville, Vanuatu; Nacala, Mozambique; và Nouakchott, Mauritanie.
Sự phức tạp của căn cứ Ream
Hiện nay, về mặt chính thức, Trung Quốc chỉ có một căn cứ hải quân ở nước ngoài là căn cứ ở Djibouti, quốc gia nằm tại Đông Phi. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự hiện diện suốt hơn 5 tháng qua của tàu chiến Trung Quốc tại căn cứ hải quân Ream – một cơ sở mới được mở rộng ở Campuchia – cho thấy căn cứ thứ 2 nằm gần Trung Quốc hơn rất nhiều, ngay cả khi Phnom Penh “không thừa nhận” điều đó.
Sự hiện diện quân sự kéo dài của Trung Quốc lần đầu tiên được tổ chức Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington tiết lộ hồi tháng 4/2024, trong khi phân tích hình ảnh vệ tinh thương mại gần đây xác nhận 2 tàu này vẫn neo đậu tại một bến tàu mới ở căn cứ hải quân Ream, cơ sở được xây dựng bằng nguồn tài trợ của Trung Quốc.[3] Theo Bộ Quốc phòng Campuchia, 2 tàu Trung Quốc hiện diện tại nước này để tham gia cuộc tập trận thường niên Rồng Vàng, bắt đầu vào ngày 16/5 và có sự tham gia của hơn 2.000 binh sĩ hai nước.[4]
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu an ninh nghi ngờ rằng mục đích thực sự của việc Trung Quốc triển khai tàu chiến nhiều khả năng liên quan đến công tác đào tạo thủy thủ Campuchia, hướng tới các hợp đồng bán vũ khí cho quốc gia Đông Nam Á này trong tương lai cũng như việc thiết lập một điểm trung chuyển quân sự để tiếp liệu và tiếp viện.
Một báo cáo của Lầu Năm Góc được công bố vào tháng 11/2021 cho thấy Trung Quốc đang tìm cách thiết lập cơ sở hạ tầng đồn trú và hậu cần mạnh mẽ hơn ở nước ngoài nhằm hỗ trợ việc triển khai sức mạnh hải quân, không quân, lục quân, không gian mạng và không gian vũ trụ.[5] Báo cáo nêu tên Campuchia cùng một loạt quốc gia khác – bao gồm Indonesia, Myanmar, Thái Lan, Singapore và Sri Lanka – những địa điểm mà Bắc Kinh “có thể đã cân nhắc” để xây dựng cơ sở quân sự.
Gregory Poling, nhà nghiên cứu cấp cao và là Giám đốc AMTI thuộc CSIS, cho rằng 2 tàu hộ tống trên của Trung Quốc cho thấy hoạt động triển khai thường trực của Hải quân Trung Quốc tại Ream. Nhà nghiên cứu nhận định: “Campuchia không thể thừa nhận điều này vì nó là vi hiến, song dường như Ream hiện là đơn vị triển khai quân sự thường trực thứ 2 của Trung Quốc ở nước ngoài sau Djibouti. Lời giải thích đơn giản nhất thường là lời giải thích đúng. Nhà ở và các cơ sở khác ở nửa phía Bắc của căn cứ dường như được xây dựng theo tiêu chuẩn Trung Quốc, ngay sát sân bóng rổ và có khả năng là nơi cư trú thường xuyên của người Trung Quốc”.[6]
Mỹ và các nước khác từ lâu đã bày tỏ quan ngại rằng Ream có thể đóng vai trò là tiền đồn của Hải quân Trung Quốc ở vịnh Thái Lan. Campuchia từ lâu đã phủ nhận điều này, đồng thời nêu rõ rằng họ sẽ không cho phép điều đó xảy ra.
Việt Nam bất lực
Abdul Rahman Yaacob, nhà nghiên cứu chương trình Đông Nam Á thuộc Viện Lowy (Australia) chuyên về các vấn đề an ninh và quốc phòng khu vực, nhận định rằng: “Các nước trong khu vực sẽ lo ngại nếu tàu chiến Trung Quốc bắt đầu sử dụng Ream làm căn cứ tiếp tế để duy trì các hoạt động tuần tra ở vùng biển phía Nam của Việt Nam hoặc Biển Đông”.[7]
Mối quan hệ quốc phòng ngày càng tăng của Campuchia với Trung Quốc đã ảnh hưởng đến tính toán chiến lược của Việt Nam. Kể từ khi mối quan hệ quốc phòng của Campuchia với Hoa Kỳ trở nên tồi tệ vào năm 2010, Trung Quốc đã nhảy vào lấp đầy khoảng trống. Cùng năm đó, Bắc Kinh cung cấp xe tải và quân phục cho Campuchia.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc cũng hỗ trợ Campuchia phát triển năng lực hải quân. Điều này bao gồm việc phát triển cơ sở hạ tầng tại Căn cứ Hải quân Ream của Campuchia, đối diện với Vịnh Thái Lan và chỉ cách đảo Phú Quốc của Việt Nam 30 km. Việc làm sâu vùng nước xung quanh Căn cứ Hải quân Ream sẽ cho phép các tàu chiến lớn hơn, bao gồm cả các tàu của Trung Quốc, cập cảng và hoạt động trong khu vực.
“Ream sẽ cung cấp cho lực lượng PLAN một trục bổ sung để tấn công và tiếp tế trong trường hợp xảy ra xung đột ở Biển Đông. Hơn nữa, các căn cứ trên lục địa châu Á có thể dễ dàng được tiếp tế hơn, linh hoạt hơn và có năng lực hơn so với những căn cứ được thiết lập trên các thực thể cải tạo tương đối xa”, nhà phân tích Bradford cho biết.[8]
Điều đáng lo ngại hơn nữa là sự phát triển của radar và khả năng giám sát gần Căn cứ Hải quân Ream. Theo nguồn tin từ Việt Nam, Campuchia không chia sẻ thông tin chi tiết về việc xây dựng đang diễn ra tại Căn cứ Hải quân Ream với Việt Nam, mặc dù hai nước có quan hệ tốt. Lập trường chính thức của chính phủ Campuchia là sẽ không cho phép bất kỳ căn cứ quân sự nước ngoài nào hoạt động trên lãnh thổ Campuchia.
Bất chấp sự đảm bảo này từ Campuchia, các quan chức Việt Nam không mấy tin tưởng những lời nói suông từ Phnompenh. Cũng giống như trường hợp kênh đào Techo Phù Nam mới đây, Campuchia đã phớt lờ các lo lắng và yêu cầu từ phía Việt Nam.
Cùng với khả năng Trung Quốc có thể điều khiển các tàu hải quân của mình từ Căn cứ Hải quân Ream và nhắm vào lợi ích của Việt Nam, Bắc Kinh cuối cùng có thể đe dọa Việt Nam từ cả phía bắc và phía nam./.
[1] https://www.rand.org/pubs/research_reports/RRA1800-2.html??cutoff=true&utm_source=AdaptiveMailer&utm_medium=email&utm_campaign=701QK00000BNiLPYA1&utm_term=00vQK000007sYn3YAE&org=1674&lvl=100&ite=287622&lea=3208866&ctr=0&par=1&trk=a0wQK000004UzF3YAK
[2] https://foreignpolicy.com/2023/07/27/china-military-naval-bases-plan-infrastructure/
[3] https://amti.csis.org/first-among-piers-chinese-ships-settle-in-at-cambodias-ream/
[4] https://www.khmertimeskh.com/501495926/the-golden-dragon-2024-naval-exercise-concludes-successfully/#google_vignette
[5] https://media.defense.gov/2021/Nov/03/2002885874/-1/-1/0/2021-CMPR-FINAL.PDF
[6] https://asia.nikkei.com/Politics/International-relations/Chinese-warships-at-Cambodian-base-for-months-CSIS-analysis-shows
[7] https://www.scmp.com/week-asia/politics/article/3262946/cambodia-cant-admit-chinas-navy-using-ream-base-it-sure-looks-lot-it
[8] https://edition.cnn.com/2023/12/07/asia/cambodia-ream-naval-base-chinese-warships-us-analysis/index.html
Leave a Comment