Nguyễn Công Bằng
Không chỉ Việt Nam đang xoay vần trong những cuộc thanh trừng phe nhóm, mà Trung Quốc – quốc gia mà Việt Nam chịu rất nhiều ảnh hưởng, cũng đang trong đợt thay máu để làm hài lòng “Hoàng đế Tập Cận Bình”.
Sau vụ cách chức bộ trưởng quốc phòng vào năm 2023, ít nhất 9 tướng lĩnh và một số lãnh đạo điều hành cấp cao của ngành công nghiệp quốc phòng Trung Quốc, Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) – từng là thế lực chi phối việc bổ nhiệm những vị trí chính trị chủ chốt tại Trung Quốc – một lần nữa bị thanh trừng. Tập Cận Bình đã tuyên bố sẽ “làm phong phú thêm bộ công cụ để trừng phạt các loại tham nhũng mới và tham nhũng ngầm” và tăng cường giám sát cán bộ cấp cao.
Trong bài phát biểu được Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc đưa tin ngày 19/6/2024, ông Tập Cận Bình nói: “Cán bộ các cấp, đặc biệt là cán bộ cấp cao, phải thể hiện sự đoàn kết, dũng cảm gạt bỏ uy tín và vạch trần những khuyết điểm của mình. Họ phải tự suy ngẫm sâu sắc”. Họ phải “sửa sai một cách nghiêm túc và giải quyết tận gốc rễ vấn đề”.[1]
Cuộc thanh trừng phe phái
Văn hoá chính trị của các quốc gia cộng sản luôn “nói một đằng làm một nẻo”. Những cuộc đấu đá, tiêu diệt lẫn nhau đều mang một bình phong nghe có vẻ cao đẹp, ví như chiến dịch chống tham nhũng của Tập Cận Bình.
Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (gọi tắt là Hội nghị Trung ương 3) đã bị hoãn nhiều lần, cuối cùng đã được quyết định tổ chức vào tháng 7 này.[2] Công tác chuẩn bị cho hội nghị này không đi chệch khỏi nguyên tắc từ nhiều năm qua. Đây là dịp để Tập Cận Bình “thanh lọc” khỏi Đảng những mạng lưới mà ông cho là đang đe dọa quyền lực của mình. Giờ đây đến lượt Ngô Anh Kiệt (Wu Yingjie), cựu Bí thư Khu ủy Khu tự trị Tây Tạng đang bị điều tra.[3]
Sau khi Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ công bố bản cáo trạng đối với Ngô Anh Kiệt, một số người nhanh chóng cho rằng ông ta trên thực tế chỉ là nạn nhân mới nhất của cuộc thanh lọc bộ máy quản lý địa phương của khu tự trị. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã bắt giữ Dương Kim Sơn (Yang Jinshan), Le Dake, Trương Vĩnh Trạch (Zhang Yongze), Kỷ Quốc Cương (Ji Guogang), Giang Khiết (Jiang Jie), Đổng Vân Hổ (Dong Yunhu) và Vương Dũng (Wang Yong). Tất cả các quan chức, ngoại trừ Vương Dũng, đều bị khai trừ khỏi Đảng hoặc bị kết án.
Thực chất của việc Ngô Anh Kiệt bị điều tra là do ông ta là cộng sự của cựu Phó Thủ tướng và Ủy viên Bộ Chính trị Hồ Xuân Hoa (Hu Chunhua). Do vậy, trường hợp của Ngô Anh Kiệt có lẽ không phải là ngẫu nhiên. Dường như đó là một phần của chiến lược gây bất ổn định có khả năng nhắm vào cựu Phó Thủ tướng. Tấn công vào các cộng sự của một lãnh đạo cấp cao hơn nhằm làm suy yếu ông ta là một chiến lược khá cổ điển của các cuộc đấu tranh trong Đảng. Sự chú ý đặc biệt tới Hồ Xuân Hoa này, bắt đầu từ rất lâu trước các sự kiện diễn ra trong Đại hội Đảng lần thứ XX, bắt nguồn từ “cuộc điều tra ngược về 20 năm trước”, được phát động ở Nội Mông vào năm 2020. Từ lâu, Tập Cận Bình đã tìm cách làm tổn hại hình ảnh của Hồ Xuân Hoa, một quan chức mà nhiều người xem như là một giải pháp thay thế cho đường lối thiên tả của chính quyền hiện tại. Tập Cận Bình dường như vẫn lo lắng về tiềm năng chính trị của Hồ Xuân Hoa mặc dù về mặt kỹ thuật Hồ Xuân Hoa đã bị tước bỏ quyền lực.
Tập Cận Bình dường như vẫn đang chờ Lý Hy (Li Xi) tìm ra chứng cứ nào đó để buộc tội và làm tổn hại danh tiếng của Hồ Xuân Hoa trước khi Hội nghị Trung ương 3 diễn ra. Nhưng tất cả những nỗ lực này – và những tin đồn về Hồ Xuân Hoa và vụ Evergrande – cho đến nay đều vô ích. Tuy nhiên, trường hợp của Ngô Anh Kiệt có thể trở nên rắc rối hơn đối với Hồ Xuân Hoa vì hai người đã quen biết nhau từ rất lâu. Và ngay cả sau khi rời Tây Tạng, Hồ Xuân Hoa đã nhiều lần quay lại để “thanh tra” khu tự trị. Chẳng hạn, năm 2017, Hồ Xuân Hoa đã tháp tùng Mã Hưng Thụy (Ma Xingrui) trong chuyến thăm đặc biệt tới Tây Tạng. Thậm chí, Ngô Anh Kiệt còn công khai ủng hộ “tinh thần bài phát biểu của Hồ Xuân Hoa” vào năm 2020 sau chuyến thăm của ông. Tất cả sự việc, ít ra là trong mắt Tập Cận Bình, giống như một bè phái chính trị. Và như Đảng không ngừng nhắc nhở: “Không được thành lập bè phái, băng đảng, không được thành lập các nhóm lợi ích hay đổi chác lợi ích”.
Dù thế nào đi nữa, sự “ngã ngựa” của Ngô Anh Kiệt và Trương Vĩnh Trạch không phải là tín hiệu tốt cho Hồ Xuân Hoa trong thời điểm bất ổn này. Là một đảng viên lão thành, Hồ Xuân Hoa phải biết rằng cuộc bao vây này chỉ là một trong các bước dẫn đến việc ông bị cô lập hay thậm chí phải rút lui khỏi chính trường. Tuy nhiên, khó có khả năng Hồ Xuân Hoa sẽ bị truy tố. Có vẻ như Tập Cận Bình muốn làm tê liệt Hồ Xuân Hoa bằng cách vô hiệu hóa các mạng lưới ủng hộ ông. Phần nào giống như điều Tập Cận Bình đã làm với Vương Kỳ Sơn (Wang Qishan).
Sau thông báo họp Hội nghị Trung ương 3 ĐCSTQ – và “chiến dịch giáo dục kỷ luật” tại Hội nghị Bộ Chính trị, cuộc đấu tranh chống những “kẻ lừa đảo chính trị” và “những kẻ phản bội”, “ có tiền án chính trị” đã vạch trần bộ mặt của nhiều quan chức trong giới tinh hoa thuộc cấp Bộ hoặc cấp tỉnh. Kể từ hội nghị này, ít nhất 6 quan chức hàm Thứ trưởng hoặc Phó Chủ tịch tỉnh và 3 quan chức hàm Bộ trưởng hoặc Chủ tịch tỉnh đã rơi vào tay Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ. Ngoài ra, nhiều quan chức khác thuộc cấp bậc tương đương cũng đã bị kết án hoặc bị khai trừ khỏi hàng ngũ của Đảng trong thời gian gần đây. Theo hướng này, dường như Bắc Kinh vẫn quyết tâm dành ưu tiên cho an ninh chính trị hơn là xoa dịu các cuộc đấu tranh nội bộ và thiết lập sự cân bằng trước thềm Hội nghị Trung ương 3. Như vậy, những cuộc tấn công liên tục này của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đã khiến mọi việc trở nên phức tạp hơn đối với Tập Cận Bình, bởi đã từ lâu, ông đã không thể tìm được những quan chức tuyệt đối trung thành, không có toan tính chính trị và sẵn sàng giúp ông ta theo đuổi tham vọng chính trị của mình.
Chính trường Việt Nam chao đảo
Chính trường Việt Nam đang bước vào giai đoạn then chốt để các phe nhóm tiêu diệt hoặc thoả thuận với nhau.
Với việc sức khoẻ ông Nguyễn Phú Trọng suy yếu, có thể dẫn đến những thay đổi chính trị khó lường. Sau khi Chủ tịch nước Tô Lâm thành công trong việc đưa Tướng Lương Tam Quang trở thành Bộ trưởng Công an dù trái với truyền thống trước đây khi ông ta chưa vào được Bộ Chính trị, phe quân đội cũng đang tranh thủ người của mình. Mới đây, Trung tướng Nguyễn Văn Gấu đã được phân công làm Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang. Đích thân Đại tướng Lương Cường – Thường trực Ban bí thư đã đến trao quyết định cho ông Gấu./.
[1] https://asiatimes.com/2024/06/xis-purges-cutting-pla-political-clout-down-to-size/
[2] https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-se-to-chuc-hoi-nghi-trung-uong-3-vao-thang-7-post1092390.vov
[3] https://vov.vn/the-gioi/trung-quoc-dieu-tra-cuu-bi-thu-tay-tang-post1101984.vov
Leave a Comment