Nguyễn Công Bằng
Những tin tức về chính trị quốc tế với những căng thẳng và xung đột đang lấn át những chú ý của người dân Việt Nam đối với chính trường trong nước. Tuy vậy, nhưng đấu trường chính trị Việt Nam vẫn còn đầy khốc liệt, để tranh giành quyền lực cho Đại hội Đảng lần thứ 14 sắp tới.
Tô Lâm vừa qua đã nắm thế thượng phong, khi giữ chức Chủ tịch nước nhưng vẫn thiết kế cho đàn em Lương Tam Quang nắm giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an, cho dù Tam Quang chưa phải là Uỷ viên Bộ Chính trị như truyền thống của chính trị Việt Nam trước đây.
Một đàn em khác cũng cùng quê Hưng Yên của Tô Lâm là Nguyễn Duy Ngọc cũng đã được chuyển qua làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng, thay thế cho Lê Minh Hưng (mới vào Bộ Chính trị và hiện giữ chức Trưởng ban tổ chức Trung ương). Tuy nhiên, liệu Nguyễn Duy Ngọc sẽ trở thành tai mắt để kiềm chế các kế hoạch của Nguyễn Phú Trọng hay là ngược lại, bị Nguyễn Phú Trọng kềm toả thì chúng ta vẫn chưa chắc được. Chắc chắn là cả phe ông Trọng lẫn phe ông Tô đều muốn giám sát bên đối thủ, nhưng thực sự bên nào thắng thì chưa rõ được.
Qua chuyến thăm của tên đồ tể Putin vừa qua mới sang Hà Nội, chúng ta đã thấy một hình ảnh bệ rạc, yếu ớt đến thảm hại của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông ta không thể đứng được, thậm chí đọc tờ giấy mà cũng ê a, ngắc ngứ. Nhìn hình ảnh đó, chắc khó ai có thể nghĩ được là ông Trọng đủ sức khoẻ để làm thêm một nhiệm kỳ nữa như đã có ai đó đồn đoán.
Những tưởng rằng, khi ông Tô Lâm lên Chủ tịch nước, Lương Tam Quang lên Bộ trưởng Công an, thì những đấu đá, bắt bớ sẽ tạm thời lắng xuống, do ông Tô đã cảm thấy an tâm cho tương lai của mình. Tuy nhiên, các vụ bắt bớ và thanh trừng lẫn nhau vẫn cứ tiếp tục diễn ra.
Đầu tháng 6, báo chí chính thức thông tin là công an đã bắt ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển.[1] Ông Trương Huy San còn có bút danh là Huy Đức hoặc/và Ô sin. Ông ta đã từng là phóng viên kỳ cựu chuyên mảng chính luận của nhiều báo lớn ở Việt Nam. Ông Trương Huy San cũng là người có mối quan hệ thân thiết gần gũi với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Cựu Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Ông Trần Đình Triển là Tiến sĩ luật, trước đó có tốt nghiệp đại học an ninh. Theo lời công an Việt Nam thì: “bị can Trương Huy San và bị can Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bị can Trương Huy San và bị can Trần Đình Triển đã phạm vào tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại Khoản 2, Điều 331 Bộ luật hình sự.”
Cả hai ông này có lẽ đã bị vướng vào những đấu đá giữa các phe phái trong đảng cộng sản. Các tội danh mà hai ông bị cáo buộc là những tội danh hết sức mơ hồ, việc có tội hay không hoàn toàn do bên công an đưa ra, chứ toà án không có chức năng gì ở đây, có chăng chỉ là hợp pháp hoá thủ tục bằng một bản án đã soạn sẵn, do Ban Nội chính chỉ đạo.
Sau đó là việc kỷ luật ông Nguyễn Văn Yên – Phó Ban Nội chính Trung ương. Chắc quý vị còn nhớ trong một bài báo trước chúng tôi có phân tích khả năng một trong các ứng viên cho chức Bộ trưởng Công an là ông Phan Đình Trạc – Trưởng Ban Nội chính Trung ương. Ông Trạc và ông Tô Lâm là hai người đối thủ của nhau. Nếu ông Trạc giành được chức Bộ trưởng Công an thì chắc chắn người gặp rắc rối đầu tiên sẽ là người của ông Tô Lâm và chính ông Tô. Chính vì vậy, khi giành được chức Bộ trưởng Công an, phe ông Tô đã ra tay để ngăn ngừa hậu hoạ, và thế là Nguyễn Văn Yên đã bị nêu tên. Do ông Yên là Phó ban, nên khi ông ta vi phạm thì người đứng đầu cơ quan đảng ở đó sẽ phải bị trách nhiệm liên đới, nên đây là một đòn để hạ uy tín ông Trạc.
Cùng với ông Nguyễn Văn Yên, Bí thư Hà Nội Đinh Tiến Dũng (Nay đã là cựu bí thư) cũng đã bị gọi tên. Việc ông Đinh Tiến Dũng sẽ phải ra đi đã được dư luận đồn đoán khá lâu trước đây. Nhưng cũng có nguồn tin cho rằng, do ông Đinh Tiến Dũng khá thân thiết với ông Tô Lâm, cho nên ông Đinh Tiến Dũng. Trong thông cáo báo chí chỉ nhắc: “ông chịu trách nhiệm chính trị của người đứng đầu khi để xảy ra nhiều vi phạm tại Bộ Tài chính; thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo để Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, Bộ Tài chính và một số tổ chức, cá nhân có nhiều vi phạm, khuyết điểm, gây hậu quả nghiêm trọng, dư luận xấu, làm giảm uy tín của tổ chức đảng và cơ quan quản lý nhà nước.”[2]
Tuy nhiên, giới thạo tin ở Hà Nội cho biết là ông Đinh Tiến Dũng có liên quan trực tiếp đến rất nhiều hoạt động của Trương Muội (Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát).
Chưa bao giờ mà chính trường Việt Nam có nhiều Uỷ viên Bộ chính trị, Uỷ viên Trung ương đảng bị kỷ luật, buộc về vườn và bị bắt giữ nhiều như lần này. Trước khi ông Nguyễn Phú Trọng thực hiện công cuộc đốt lò, thì dường như các Uỷ viên Bộ Chính trị là bất khả xâm phạm ở Việt Nam.
Vậy liệu cuộc đốt lò của ông Trọng sẽ giúp làm cho trong sạch bộ máy chính trị Việt Nam? Câu trả lời là không.
Thứ nhất, thực chất của cái gọi là cuộc chiến chống tham nhũng ở Việt Nam chỉ là cuộc đấu đá để tiêu diệt đối thủ, phe nhóm mà thôi. Có thể nói rằng ở Việt Nam, không có một quan chức nào mà không dính líu đến tham nhũng cả, dù chức to hay chức bé. Chính vì thế, nhiều người đổ cho “lợi ích nhóm”, “lỗi hệ thống”, nhưng sự thật là Bộ Chính trị và Đảng Cộng sản Việt Nam là các nhóm lợi ích lớn nhất, tham nhũng nhiều nhất. Các quan chức từ chức và bị kỷ luật, bị bắt vừa qua chính là những minh chứng rõ nét nhất cho chuyện này.
Thứ hai, người đốt lò quan trọng nhất là ông Trọng thì nay không biết còn đủ sức khoẻ để sống thêm bao nhiêu ngày? Mặc dù đã có nhiều bác sĩ Trung Quốc sang tận nơi để điều trị cho ông ta, nhưng với thể chất già yếu, bệnh tật thì cũng khó mà vượt qua ông Trời được. Nếu ông Trọng chết đi, chắc chính trường Việt Nam sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn. Và lúc ấy, chắc chả ai nghĩ tới chuyện đốt lò nữa./.
[1] https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/vi-sao-truong-huy-san-va-tran-dinh-trien-bi-khoi-to-bat-tam-giam-119240608095458402.htm
[2] https://tuoitre.vn/ong-dinh-tien-dung-thoi-chuc-uy-vien-bo-chinh-tri-uy-vien-trung-uong-dang-2024062114400491.htm
Leave a Comment