Tui là Phật tử, bổn phận của Phật tử là phải có tu, có hành. Tu hành siêng năng thì gọi là tu “tinh tấn”, tu/ hành bữa đực bữa cái gọi là “giãi đãi”.
Không phải xuất gia vô chùa mới là tu, không phải đọc thiên kinh vạn quyển sách của đạo Phật là tu. Người đọc kinh sách nhiều mà không tu không hành thì chỉ là “học giả”. Người có tu có hành là “hành giả”. Người trên bước đường tu học nếu muốn học hỏi ai đó thì chỉ nên học và hỏi ở hành giả, đừng nên nghe lời của học giả. Đọc kinh sách không hiểu mà đi nghe lời giải thích của học giả thì chỉ thêm vô minh mà thôi!
SƯ MINH TUỆ là một hành giả tuyệt đối HÀNH đúng chánh pháp. Nhờ ngài Minh Tuệ mà tôi biết thêm nhiều điều.
Tôi đọc kinh sách, biết Y cà sa thời Phật là được chắp vá từ những mảnh vải vụn bỏ đi (lượm ngoài nghĩa địa). Biết vậy nhưng nghĩ thời Phật thì vậy chứ giờ sao làm được, sư bây giờ đắp y vàng cũng có may ráp nối tượng trưng. Y của sư ngày nay rất đẹp, bằng vải tốt, Có cái y các đường ráp nối bằng chỉ bạc lấp lánh sang trọng. Giờ sư Minh Tuệ với cái y phấn tảo đã mở mắt cho tôi biết rằng, dù không phải thời Phật nhưng y phấn tảo vẫn là có thật!.
Phật sau khi tu KHỔ HẠNH sáu năm thì ngài bỏ con đường đó và đi đường TRUNG ĐẠO, không sướng không khổ. Tu khổ hạnh của Phật là ép xác quá mức đến sắp chết. Sau khi Phật thành đạo, ngài không “khổ hạnh” nhưng vẫn thọ thực ngày một bữa trước ngọ. Gia tài ba y một bát, không có trú xứ nhứt định (chú ý: không có trú xứ NHỨT ĐỊNH chứ không phải là không có trú xứ.) Chuyện ngủ nghỉ phải tiết chế đến mức tối thiểu. Pháp tu đại thừa không đi khất thực thì các sư cũng không ăn sau giờ ngọ. Đường TRUNG ĐẠO của Phật đối với đa số phàm nhân chúng ta vẫn là khổ hạnh khó thực hiện. Vậy nên nếu tôi nói đi tu là khổ hạnh tức là ý này, chứ không phải nói về lối khổ hạnh mà Phật thực hành trong sáu năm.
Gia tài của một vị sư chỉ “ba y một bát”, một bát là một bình bát đựng thức ăn. “Ba y” trước đây tôi cứ ngỡ là ba bộ y để thay đổi. Giờ qua sư Minh Tuệ tôi mới biết ba y thực chất là một bộ. Y thượng là áo trong, y hạ là quần, y lớn là tấm y quấn ngoài. Đường trung đạo ba y một bát của Phật đâu dễ thục hiện!
Sư MINH TUỆ đi đầu trần chân đất, đi dưới nắng tháng tư, trên đường nhựa có thể làm nóng phỏng bất cứ bàn chân nào, vậy mà sư vẫn đi bình thản. Có người hỏi sao sư không mang giày dép thì ngài trả lời “đi chân trần dễ chánh niệm hơn”. Tôi thấy rằng nếu không có đủ định lực thì đi chân trần tâm trí sẽ bị cái nóng, cái đau làm cho giằng xé, khó mà chánh niệm được. Vậy nhưng sư vẫn đi rất an nhiên tự tại, nét mặt rất an lạc khoan hòa. Điều này phàm nhân khó làm được.
Hạnh ngủ ngồi không phải muốn là làm được, không phải tập luyện lâu ngày là làm được. Ngồi thiền ngày 10 tiếng là chuyện khó không phải hành giả nào cũng làm được. Ngày bộ hành đêm thiền định lại càng khó hơn. Ngài Minh Tuệ có trả lời với một người vấn pháp (tôi không nhớ nguyên văn), rằng khi tâm buông xả nhẹ nhàng thì mới ngủ ngồi được (mà không bị đổ, gục).
Hạnh Đầu Đà là pháp tu khó, để xả bỏ rốt ráo tham sân si. Sư Minh Tuệ tu hành không chùa chiền, không có gì riêng tư. Những pháp hành của ngài hiển hiện trước mắt mọi người, đều chân thật. Đây là lý do khiến ngài được kính ngưỡng.
Tôi là Phật tử tại gia, chỉ giữ năm giới mà còn bị phạm giới. Khi biết ngài Minh Tuệ, tôi đã phải tự mình nhìn lại mình, tự nhắc nhở mình phải luôn tinh tấn, không được giãi đãi.
(Còn tiếp: vì sao “người hâm mộ” đi theo ngài Minh Tuệ)
Leave a Comment