Nguyễn Công Bằng
Chiều ngày 18/5, sau khi bế mạc Hội nghị Trung ương 9, báo chí Việt Nam đã cho biết “Trung ương giới thiệu ông Tô Lâm để bầu làm Chủ tịch nước, ông Trần Thanh Mẫn bầu làm Chủ tịch Quốc hội”.[1] Như vậy, có thể nói rằng, các phe phái của Bộ Chính trị đã bắt đầu có thoả hiệp, tạm giảm nhịp độ trận đấu, để tất cả các bên cùng duy trì lợi ích của mình.
Bàn cờ chính trị lần này đã có một số thay đổi. Rốt cuộc Tô Lâm cũng phải chấp nhận ghế Chủ tịch nước, cho dù chưa biết ai sẽ nắm giữ ghế Bộ trưởng Công an? Hai cánh tay đắc lực của ông Tô Lâm là Lương Tam Quang và Nguyễn Duy Ngọc (cả hai đều là Thượng tướng, Thứ trưởng Bộ Công an và đều quê Hưng yên, đồng hương của ông Tô Lâm) đều không nằm trong danh sách bầu bổ sung vào Bộ Chính trị, chưa kể có nguồn tin cho biết là Bộ Chính trị đã quyết định là chỉ bầu bổ sung 4 người vào Bộ Chính trị lần này, và sẽ không tăng thêm số lượng uỷ viên Bộ Chính trị trong thời gian này nữa.
Như đã trình bày trong các số báo trước, chúng tôi có phân tích rằng, với những “ân oán giang hồ” mà ông Tô Lâm đã gây ra, thì khi ông ấy rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Công an, mà Bộ trưởng Công an mới không là người tâm phúc của ông Tô Lâm, thì khả năng “Lâm giáo đầu” (cách gọi của dân Hà Nội chỉ ông Tô Lâm) sẽ bị tấn công là rất lớn. Chính vì vậy, đã mấy lần Lâm giáo đầu đã từ chối nhận chức vụ Chủ tịch nước mà cố thủ giữ chức Bộ trưởng Công an.
Tuy nhiên, lần này thì Lâm giáo đầu đã chấp nhận vị trí Chủ tịch nước, cho dù người của ông ta chưa biết có tiếp quản được cái ghế Bộ trưởng mà ông ta để lại hay không? Điều này có thể có mấy khả năng xảy ra như sau:
Thứ nhất, theo một kịch bản lạc quan, thì có thể tướng Lương Tam Quang sẽ tiếp quản vai trò Bộ trưởng Công an, và nếu ông ta đã trở thành người đứng đầu cơ quan đầy quyền lực này, đến Đại hội Đảng lần thứ 14, đương nhiên ông ta sẽ bước vào Bộ Chính trị. Và có lẽ với cam kết được dàn xếp như vậy, đã khiến Lâm giáo đầu an tâm vui vẻ nhận chức Chủ tịch nước. Mặc dù cái ghế Chủ tịch nước hữu danh vô thực, nhưng ít nhất cũng là “kim bài miễn tử” cho Lâm giáo đầu thoát khỏi việc bị tù tội.
Tuy nhiên, một kịch bản thứ hai có thể xảy ra với xác suất lớn hơn nhiều so với kịch bản đầu tiên, đó là ông Nguyễn Phú Trọng vẫn nhất quyết muốn giành cái ghế Bộ trưởng Công an cho một trong các thành viên trong Phe Đảng, vốn được ông Trọng tin tưởng vì đã thể hiện lòng trung thành với ông Trọng, đó chính là đương kim Trưởng ban Nội chính Trung ương, Uỷ viên Bộ chính trị Phan Đình Trạc. Mặc dù Lâm giáo đầu không muốn rời bỏ chức vụ Bộ trưởng Công an, nhưng dưới sự “tín nhiệm” (thực ra là sự ép buộc) của Bộ Chính trị và Ban chấp hành Trung ương, ông Tô Lâm không thể từ chối vị trí được “Đảng” của ông ta giao phó. Nếu kịch bản như vậy xảy ra, thì có lẽ đây sẽ là cái kết cho vai trò đầy quyền lực, hét ra lửa một thời của Lâm giáo đầu. Nếu ông Trạc nắm giữ Bộ Công an, thì có lẽ cuộc chiến đầy máu lửa được nhân danh là cuộc chiến chống tham nhũng sẽ chuyển sang một giai đoạn khác.
Trường hợp Lương Cường vốn là Đại tướng, Chủ nhiệm Tổng cục chính trị của Quân đội nhân dân Việt Nam, thay thế bà Trương Thị Mai nắm giữ chức vụ Phó Tổng bí thư (Thường trực Ban Bí thư) thì sẽ có hàm ý gì?
Khi ông Nguyễn Phú Trọng lên nắm giữ chức vụ Tổng Bí thư lần đầu năm 2011, ông Trọng đã ấp ủ một kế hoạch đầy tham vọng. Tuy nhiên, Thủ tướng lúc đó là ông Nguyễn Tấn Dũng lại là nhân vật đầy quyền lực. Ông Dũng xuất thân từ dân công an cho nên ông đã nắm được những cơ quan quyền lực nhất trong chính trị Việt Nam, đó là Bộ Công an và Bộ Quốc phòng. Chính vì vậy, để tiêu diệt ông Dũng, ông Trọng không thể dùng nhóm nhân sự trong Chính phủ, vì đã bị ông Dũng thao túng. Năm 2012, ông Trọng đã thất bại trong việc hạ bệ ông Dũng và phải bật khóc trước kỳ họp Ban chấp hành Trung ương. Sau đó, ông Trọng đã tìm ra biện pháp, đó là ông học theo Tập Cận Bình, giương lên ngọn cờ chống tham nhũng, thực chất là dùng các cơ quan Đảng để trừng phạt những người không theo phe cánh của ông Trọng, trong đó nổi bật là việc ông Trọng sử dụng Uỷ ban Kiểm tra Trung ương để kết luận về các sai phạm của các nhân vật chóp bu, từ đó mới có thể hạ bệ được những nhân vật này.
Cũng từ sau sự thất bại năm 2012, với sự phản phé của nhóm quân đội và công an, ông Trọng chỉ tin dùng những nhân vật thuộc Phe Đảng mà ông ta tin tưởng. Chính vì vậy, ông Ngô Xuân Lịch, cũng là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị của quân đội, một nhân vật thuộc Phe Đảng, đã được ông Trọng đưa lên nắm giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng. Ông Trọng cũng đã chuẩn bị cho ông Lương Cường, vốn là người cũng đang giữ chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị giống như ông Ngô Xuân Lịch, sẽ có thể trở thành Bộ trưởng Quốc phòng sau khi ông Lịch mãn nhiệm.
Tuy nhiên, giới quân đội, vốn không ưa những tay xuất thân Chính trị viên hay Chính uỷ, vì những tay này chỉ biết nói mồm mà không quen trận mạc. Năm 2019, trong một toạ đàm tại Hà Nội, Thiếu tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Lê Mã Lương đã phát biểu mạnh mẽ rằng “lãnh đạo Bộ Quốc phòng còn không biết đọc bản đồ chiến đấu”. Sau phát biểu ấy, ông Ngô Xuân Lịch đã chỉ đạo Tổng cục Chính trị Bộ Quốc phòng tìm cách tấn công để trả thù và cô lập ông Lê Mã Lương. Tuy nhiên, đây không chỉ là phát biểu ngẫu hứng của ông Lê Mã Lương mà là phản ứng của hầu hết các quân nhân đã trải qua thực chiến, hy sinh máu xương trên chiến trường. Kết quả là cho dù ông Lương Cường năm 2019 đã được phong là Đại tướng, năm 2021 được bầu vào Bộ Chính trị, nhưng vẫn không thể nắm chức Bộ trưởng Quốc phòng, mà Thượng tướng Phan Văn Giang – Tổng tham mưu trưởng quân đội Việt Nam đã giành được chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng đầy danh giá và quyền lực.
Từ khi vào Bộ Chính trị năm 2021, ông Lương Cường ngồi im lìm, mãi chỉ khi gần đây, khi một loạt nhân sự cao cấp của Việt Nam bị ngã ngựa, gồm ông Nguyễn Xuân Phúc, ông Võ Văn Thưởng, ông Vương Đình Huệ và bà Trương Thị Mai, nhân sự của Bộ Chính trị bị thiếu hụt trầm trọng, ông Trọng đã chọn ông Lương Cường vào vị trí Thường trực Ban Bí thư, vốn là chức vụ gần gũi và thân thiết với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Lương Cường lên làm Thường trực Ban Bí thư, thì nhiều người đã dự báo khả năng ông ta sẽ có thể tiếp quản chức vụ Tổng Bí thư sau ông Trọng. Trong lịch sử đã có ông Nguyễn Văn Linh, từ vị trí Thường trực Ban Bí thư lên làm Tổng Bí thư năm 1986. Đặc biệt, ông Lê Khả Phiêu cũng đã từng là Thượng tướng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị như ông Lương Cường, đã trở thành Tổng Bí thư khoá 8. Đây có thể là tiền lệ để ông Lương Cường có thể đi theo.
Do số chữ trong một bài chỉ có hạn nên chúng tôi xin dành phân tích về ông Lê Minh Hưng trong số báo sắp tới. Mong quý độc giả tiếp tục theo dõi và ủng hộ.
[1] https://baochinhphu.vn/dai-tuong-to-lam-va-dong-chi-tran-thanh-man-duoc-trung-uong-thong-nhat-gioi-thieu-de-bau-lam-chu-tich-nuoc-chu-tich-quoc-hoi-102240518170008521.htm
Leave a Comment