Quảng Cáo

Đặt tên đường Đỗ Mười, Lê Đức Anh là sỉ nhục dân Sài Gòn

Quảng Cáo

Tin TP.HCM đề nghị đặt tên đường cho các ông Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải không còn làm cho người Sài Gòn nào để ý đến nữa, mặc dù Sài Gòn vẫn là nơi chôn nhau cắt rốn của họ.

Mọi vấn đề có liên quan đến nó lẽ ra phải quan tâm lo lắng hay tối thiểu cũng dấy lên chút bất mãn nào đó, nhưng tuyệt nhiên không. Người ta đang bận chú ý tới cái gánh hát trung ương đang diễn tới hồi kết khi sự về vườn của ông Vương Đình Huệ, chủ tịch Quốc Hội, chưa phải là người cuối cùng, hay có lẽ sự quan tâm đến vấn đề văn hóa xã hội đã trở nên xa xỉ trước cơn lốc kinh tế gia đình.

Đã gần 50 năm, khi cái tên Sài Gòn bị lột xuống để thay vào đó là Thành Phố Hồ Chí Minh thì mọi thứ xem như đã là quá khứ. Không chỉ là Sài Gòn thôi mà 61 tên đường khác bị kéo ra khỏi trí nhớ của người dân tại vùng đất hòn ngọc viễn đông này.

Hà Nội tỏ ra thù ghét tới tận xương những gì thuộc về nhà Nguyễn đã đành, mà những ông vua trị quốc nổi danh của dân tộc khác cũng bị “xét lại” theo quan điểm của những kẻ tôi trung mù quáng. Nếu Trần Phú nghiễm nhiên thay thế cho Nguyễn Hoàng thì Thích Quảng Đức cũng không ngại ngùng gì mà không nhảy tót lên thay con đường của Nguyễn Huệ, tức ngài Quang Trung đại đế.

Nếu Hiền Vương nói được thì đã la làng vì bị Võ Thị Sáu ngắt một cành bông làm duyên trước khi bị bắn. Tôn Đức Thắng chọn Cường Để không phải không có lý do vì bản thân ông ta chỉ là kẻ làm bệ đỡ cho Hồ Chí Minh lên ngai vàng mà thôi còn tài cán thì có gì mà ầm ĩ?

Nếu giặc phương Bắc từng thù hận ải Chi Lăng ra sao thì sau 30 Tháng Tư hàng trăm văn nghệ sĩ miền Nam sẽ biết mùi Phan Đăng Lưu như thế nào. Trần Quốc Toản khi cầm cờ “phá cường địch, báo hoàng ân” sẽ không biết tại sao mình trở thành cái ngày 3 Tháng Hai quái quỷ.

Đến như Võ Văn Kiệt được ủng hộ là thế cũng ngang tàng chiếm một lúc hai nơi để chèo ghe dạo mát là Bến Hàm Tử và Bến Chương Dương thì nói chi tới những cái tên vô danh tiểu tốt mà lịch sử Việt Nam chưa bao giờ nhắc đến.

Lịch sử đối với đảng Cộng Sản Việt Nam chỉ là vài tờ giấy trắng để kẻ mạnh vẽ vời lên đó rồi ra sao thì ra. Nhân dân vốn cho rằng tên đường phải đặt tên của những danh nhân có công với đất nước và thời gian phải đủ dài để lịch sử phán xét công hay tội của nhân vật đó.

Miền Nam Việt Nam đã có 20 năm xây dựng đất nước nhưng tên đường mà họ đặt không hề phản bác lại lịch sử. Không có con đường nào mang tên Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu nói chi tới Bảo Đại hay Cao Văn Viên. Tôn trọng lịch sử không những là nét văn hóa đặc thù mà còn là công lý khi lấy tên một con người nào đó làm ánh sáng cho người dân tại nơi họ sống được đặt tên đường.

Trong ý nghĩa này chúng ta không phản đối Huế có tên đường Trịnh Công Sơn nhưng người dân Sài Gòn có quyền yêu cầu bình đẳng khi phải đặt tên Phạm Duy cho một con đường nào đó tại Sài Gòn.

Cũng trong tinh thần tôn trọng lịch sử thì mảnh đất Sài Gòn sẽ bị sỉ nhục khi lấy tên Đỗ Mười để đặt tên cho cái tội cải tạo công thương nghiệp hay đánh tư sản mại bản. Đỗ Mười từ Thành Đô về Việt Nam mang theo mật ước gì thì lịch sử sẽ phán xét nhưng cái “công” đày ải hàng trăm ngàn người Sài Gòn lên vùng kinh tế mới cũng như tịch thu tài sản, nhà cửa của hàng trăm ngàn người khác thì người Sài Gòn nào cũng biết. Với cách lấy máu lập công đó thì cái tên Đỗ Mười nằm trên bất cứ con hẻm nào của Sài Gòn cũng bị nguyền rủa nói chi tới con đường chính yếu.

Lê Đức Anh cũng vậy. Nếu Gạc Ma còn vấy máu của bộ đội công binh bao nhiêu thì mảnh đất của Việt Nam ngoài khơi xa vẫn còn kêu gào lịch sử lên án cho một tên bộ trưởng Quốc Phòng lại ra lệnh không nổ súng vào quân thù Trung Quốc. Trung Tướng Lê Mã Lương là một anh hùng lực lượng vũ trang không thể nói mà không bằng chứng khi xác định sự thật lịch sử này. Thử hỏi với tội danh tương đương bán nước như thế liệu tên của Lê Đức Anh đặt vào con đường nào cho đúng chỗ? Ngay cả con kênh dơ bẩn nhất của Sài Gòn cũng không xứng đáng, vì dơ bẩn của rác còn tẩy sạch bằng công nghệ tiên tiến được nhưng dơ bẩn của tội bán nước thì làm sao rửa sạch đây?

Ngay cả không phải là tội đồ dân tộc như Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải cũng không xứng đáng để được được đặt tên đường. Những bước chân cách mạng của họ không hề nổi danh với núi sông mà cũng chẳng làm cho dân tình nể nang kính trọng. Lê Khả Phiêu và Phan Văn Khải chỉ là những hạt giống đỏ mà đảng gieo cho chính sách cai trị hà khắc bạo tàn. Phan Văn Khải được báo chí lên dây cót là kỹ trị và can đảm khi từ chức trước khi mãn nhiệm nhưng thử tính sổ mà xem ông ta làm được gì cho cái đất Sài Gòn đầy khó khăn cả kinh tế lẫn chính trị trong suốt thời gian ông ta làm thủ tướng?

Còn Lê Khả Phiêu, nếu tính công trong suốt chặng đường hoạt động cách mạng của ông ta có lẽ công đầu thuộc về câu “danh ngôn” 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” mà trong chuyến thăm Trung Quốc năm 1999  ông và Giang Trạch Dân đồng sáng tác vẫn còn di hại tới ngày nay.

Những cái tên đường luôn là kỷ niệm của người dân sống trên con đường đó. Thử đặt trường hợp tên đường Đỗ Mười sẽ bị dân chúng thù ghét thế nào khi những thân nhân thế hệ thứ hai hay thứ ba là nạn nhân của ông ta trong cuộc đánh tư sản sẽ có tâm lý bị phản bội khi cứ phải nhắc đến tên của một kẻ tàn ác trong suốt cuộc đời mình. Rồi gia đình con cháu của 64 chiến sĩ Gạc Ma sẽ sống ra sao khi suốt ngày cứ chạy tới chạy lui trên con đường Lê Đức Anh, cái tên kẻ thù của họ?

Nói tới tên đường, người Sài Gòn luôn truyền tụng cho nhau “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý, Đồng Khởi lên rồi mất Tự Do” để nhắc nhau đừng quên một sự thật vĩnh cữu: Người Cộng Sản căm ghét Công Lý và Tự Do đến nỗi hai con đường mang những cái tên tuyệt vời như vậy cũng bị gạch sổ để thay vào đó những cái tên làm ám ảnh cả một dân tộc nói chi tới cái thành phố nhỏ bé Sài Gòn.

(Theo Người Việt)

Quảng Cáo
Bài Liên Hệ
Leave a Comment
Quảng Cáo
WordPress Appliance - Powered by TurnKey Linux