Nông Văn Tiềm
Bàn cờ chính trị Việt Nam đang thu hút sự chú ý của dư luận trong và ngoài nước.
Trưa nay, 22-4-2024, Bộ Công an chính thức công bố lệnh khởi tố, bắt giam Phạm Thái Hà, Phó Chánh Văn phòng Quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Tất cả các diễn biến giống hệt bộ phim thể loại hành động kinh điển.
Đến lúc này các quân cờ đều lật ngửa. Trận so găng đỉnh cao, không khoan nhượng, mang tính “một mất một còn” giữa Tô Lâm với Vương Đình Huệ đang dần dần đi đến hồi kết. Cả hai đều là ủy viên Bộ Chính trị hai khóa 12 và 13; đều có học hàm học vị “giáo sư, tiến sĩ” và đều là đại biểu quốc hội khóa 15. Một người đang giữ chức Bộ trưởng Bộ Công an, người kia là đương kim Chủ tịch Quốc hội khóa 15.
‘Quy trình của Bộ Công an
Tháng 12-2022, liên quan đại án “chuyến bay giải cứu” và “test kit Việt Á”, cả hai phó thủ tướng đương chức Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam đều chiến đấu đến cùng để “trụ hạng”. Đến lúc Bộ Công an lần lượt bắt giam hai trợ lý của họ là Nguyễn Quang Linh và Nguyễn Văn Trịnh, thì Phạm Bình Minh và Vũ Đức Đam vội vã “buông súng”, viết đơn xin thôi tất cả các chức vụ.
Tháng 1-2023, tương tự như hai ông Minh và Đam, ban đầu khi bị quy trách nhiệm, ông Nguyễn Xuân Phúc, Uỷ viên Bộ Chính trị ba khóa 11, 12 và 13, đương kim chủ tịch nước, cũng “vùng vằng” không chịu nhận sai, không chịu viết đơn xin “về vườn làm người tử tế”.
Khi Bộ Công an bắt giam Nguyễn Thị Thanh Thuỷ, em họ – con chú ruột của ông Phúc – rồi bắt luôn Nguyễn Bạch Thuỳ Linh, người kinh doanh cùng “công chúa” Nguyễn Thị Xuân Trang – con gái ông Phúc – lại còn đe doạ sẽ “sờ gáy” vợ con ngài chủ tịch nước, thì ông Nguyễn Xuân Phúc mới chịu… buông súng đầu hàng, rút lui để bảo vệ danh dự và sự bình an của gia đình.
Tháng 3-2024, Bộ Công an tiến hành bắt giam Nguyễn Văn Hậu, ông chủ Tập đoàn Phúc Sơn, nhằm “rung cây” cho ông Võ Văn Thưởng, Uỷ viên Bộ Chính trị khóa 12 và 13, phải “nhảy” khỏi ghế chủ tịch nước. Thế nhưng, Thưởng im lặng, không động tĩnh gì.
Bộ Công an đành phải mạnh tay hơn, khởi tố, bắt giam Đặng Trung Hoành, em họ Võ Văn Thưởng, bắn tin cho Thưởng rằng năm 2012 Hoành nhận hối lộ của Phúc Sơn hơn 60 tỷ đồng. Đến nước này, Chủ tịch Võ Văn Thưởng đành phải viết đơn, xin trả “áo mão” Chủ tịch nước, âm thầm cuốn gói về quê.
Tháng 4-2024, Bộ Công an bắt Phạm Thái Hà, Phó Chánh Văn phòng quốc hội, trợ lý Chủ tịch Quốc hội, nhằm mục đích duy nhất là gây sức ép, buộc vị Chủ tịch Quốc Vương Đình Huệ phải viết đơn từ giã chính trường. Tuy nhiên, trái với toan tính của Bộ Công an cùng phe nhóm tấn công, họ Vương không dễ bị bắt nạt và chịu thua một cách dễ dàng như các vị Minh, Đam, Phúc, Thưởng.
Vương Đình Huệ phản công
Vương Đình Huệ là ngôi sao nổi bật trên chính trường Việt Nam. Sinh năm 1957 ở Nghệ An, Huệ được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nâng đỡ, gởi gắm, tin tưởng. Ông Trọng muốn chuyển giao quyền lực, trao cho Huệ vị trí A1. Huệ sẽ đăng quang ngôi vương, khi ông Trọng rút lui vào năm 2026.
Trong hai lần lấy phiếu tín nhiệm gần đây, tại Quốc hội thì Vương Đình Huệ nhận được số phiếu cao nhất bảng và tại Trung ương đảng, Huệ về top 3. Các phe nhóm trong đảng phải thừa nhận, uy tín của Huệ đang lên rất cao.
Nghệ An, tức xứ Hoan Châu xưa, đang hiện diện 14 Uỷ viên Trung ương đảng, 4 Uỷ viện Bộ Chính trị tại khóa 13, nhiệm kỳ 2021-2026. Tất cả đang nín thở trước trận thư hùng có một không hai này.
Thông tin nội bộ cho biết, đến thời điểm này, Phạm Thái Hà vẫn chưa nhận tội, bác bỏ mọi cáo buộc về “lợi dụng chức vụ, quyền hạn” và “nhận hối lộ” mà cơ quan điều tra Bộ Công an đang áp đặt.
Ngày 19-4-2024, Bộ Chính trị nhóm họp khẩn cấp. Ông Vương Đình Huệ kiên quyết phản bác mọi quy chụp trách nhiệm và các đòn tấn công nhắm vào cá nhân ông. Ông Huệ cho rằng, ai sai nấy chịu, luật pháp và điều lệ đảng đã quy định rõ ràng.
Vương Đình Huệ cũng mong muốn Tổng bí thư, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương nhanh chóng vào cuộc điều tra, xác minh để trả lại sự trong sáng cho ông. Đồng thời ông Huệ cũng yêu cầu làm rõ, có hay không một thế lực lộng quyền, tiếm quyền trong đảng, âm mưu hạ bệ ông, thao túng chính trường.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trong và Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai cũng đồng ý, đề nghị trước mắt theo quy trình, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương cùng với Ban Bảo vệ Chính trị Nội bộ Trung ương khẩn trương điều tra mở rộng, báo cáo kết quả cho Tổng Bí thư và Bộ Chính trị, sau đó Ban Bí thư triệu tập hội nghị, xin ý kiến của Ban Chấp hành Trung ương.
Thời gian thẩm tra của Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương đối với đảng viên Vương Đình Huệ là 60 ngày. Diễn biến phức tạp, khó phân định, nhưng với cách phối hợp ra đòn của Bộ Công an và Vụ địa bàn 1A – Uỷ Ban Kiểm tra Trung ương, xem ra Vương Đình Huệ khó có thể lật ngược tình thế. Dù hơi sớm, nhưng có thể nhận định, ông Huệ gần như chắc chắn bị truất phế.
Thất bại của ông Nguyễn Phú Trọng
Người ta nói nhiều về hệ quả chiến dịch “đốt lò” của ông Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã sai lầm khi dùng “tấm gương đạo đức” và “danh dự” để kêu gào, mong đảng viên các cấp thôi không tham nhũng nữa.
Do không răn đe, nghiêm trị bằng luật hình sự, mà lại xử lý theo quy định, quy chế nửa vời của đảng, cộng với “nộp tiền khắc phục” để giảm án, làm cho tham nhũng không hề giảm, ngược lại chúng lộng hành hơn, quy mô hơn, thách thức hơn, vơ vét từ địa phương đến trung ương và lan vào đến “tứ trụ” triều đình.
Ông Trọng rập khuôn, giáo điều, nên không dám cải cách bộ máy lãnh đạo thượng tầng chính trị như Tập Cận Bình. Vì cơ cấu đậm tính “mặt trận” nên lãnh đạo các hội phụ nữ, đoàn thanh niên, các uỷ ban không quan trọng, đều có chân trong Uỷ viên Trung ương. Lực lượng vũ trang như quân đội, công an, vốn là “công cụ bảo vệ chính quyền” lại thọc chân vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Nghịch lý khi Phó thủ tướng chỉ là Uỷ viên Trung ương, trong khi bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Công an lại là Uỷ viên Bộ Chính trị.
Ở các tỉnh, thành, quận, huyện cũng vậy, Phó chủ tịch tỉnh chỉ là Tỉnh uỷ viên, trong khi giám đốc sở Công an và Tỉnh đội trưởng là Uỷ viên Ban Thường vụ.
Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư của đảng, nhưng khi ông đến Bộ Công an, ông là cấp dưới của Tô Lâm. Vì Tô Lâm là Bí thư đảng uỷ Công an Trung ương, còn ông Trọng chỉ là Uỷ viên Ban Thường vụ tại đây.
Quy trình cán bộ lạ lùng này khiến câu đồng dao của lũ chăn bò ngày xưa đã đúng: “Sinh con rồi mới sinh cha. Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”. Thật là tréo ngoe và khôi hài.
Sau khi loại được Nguyễn Tấn Dũng tại đại hội 12, Nguyễn Phú Trọng phát thông điệp “nhốt quyền lực vào lồng luật pháp”. Ông Trọng ném hàng loạt tướng tá công an vào tù, làm Bộ Công an biến mất 6 tổng cục, tinh giảm hơn 60 đơn vị cấp cục. Vô hình chung, quyền lực cả Bộ Công an chỉ nằm trong tay Tô Lâm, chứ không phân quyền như trước năm 2018.
Gần 200 Uỷ viên Trung ương đều đi lên, kinh qua lãnh đạo các sở, uỷ ban nhân dân các cấp, bí thư các tỉnh thành, bộ trưởng các ban ngành. Các quan đó, hầu hết đều có “sân sau”, doanh nghiệp gia đình, đệ tử ruột… với mục đích tham nhũng, rửa tiền.
Bộ máy an ninh dày đặc của Tô Lâm đã nắm thóp tất cả, muốn bắt ai, vào thời điểm nào, đều do Bộ Công an quyết định.
Bài học Chu Vĩnh Khang, Từ Tài Hậu, Phó Chánh Hoa… ở Trung Quốc, bây giờ đang tái hiện ở Việt Nam. Ông Trọng sẽ hành động hay bó tay chịu chết, chỉ mỗi mình ông biết rõ.
Hai nhân tố hàng đầu trong đảng, hai quân bài chủ chốt của ông Trọng là Võ Văn Thưởng và Vương Đình Huệ đã và đang “phơi lưng, lấm bụng” trong sới vật tiền đại hội 14. Hiện tại, ông Trọng được cho là thất bại cay đắng!
Còn chưa đầy hai năm nữa mới khai mạc đại hội 14, nhưng chính trường đã thành chiến trường. Khủng hoảng nhân sự cấp cao đang là đề tài bàn tán sôi nổi trong đảng bộ các cấp. Phe nào thắng trong các trận thư hùng, thì dân chúng cần lao cũng mãi mãi bị đè đầu, cưỡi cổ./.
Báo Tiếng Dân
Leave a Comment