Lập tượng đài cũng có cái lợi của nó, như lời ông Đào Ngọc Nghiêm thì “tượng đài sẽ là động lực để tạo nên sự phát triển, không thể nói rằng nhiều người còn đói nên để tiền đó mua cơm trước.”
Có lẽ đồng tình nhất với ông Nghiêm là 14 người đều có nguyên quán Nghệ An đang giữ những chức vụ quan trọng của chính quyền lẫn đảng trong số 200 ủy viên của Bộ Chính Trị, đó là các ông bà: Vương Đình Huệ, Phan Đình Trạc, Nguyễn Xuân Thắng, Nguyễn Mạnh Cường, Lê Quốc Minh, Hồ Đức Phớc, Thái Thanh Quý, Trần Sỹ Thanh, Lê Thị Thủy, Nguyễn Đình Trung, Phạm Thị Thanh Trà, Hoàng Thanh Tùng, Nguyễn Đắc Vinh, Bùi Quang Huy.
Mười bốn ông bà này là danh sách họ đang phục vụ trong Bộ Chính Trị đó đồng bào ạ!
Là dân Nghệ An, bây giờ họ âm thầm đưa cao tay đồng thuận lập ông Lênin làm chủ đạo trong thành phố Vinh mà theo Ban Tuyên Giáo Tỉnh Ủy Nghệ An cho biết công trình tượng Lênin tại Vinh tượng trưng tình hữu nghị giữa hai nước Việt-Nga, đồng thời là biểu tượng văn hóa, nghệ thuật, thể hiện tình cảm thiêng liêng của nhân dân hai tỉnh dành cho nhau.
Nói như vậy để lấp liếm mà thôi, lý do quan trọng nhất khiến Nghệ An lập tượng Lênin là cách để 14 ông bà trong Bộ Chính Trị tỏ lòng biết ơn vị thầy vĩ đại của nước Nga nhờ ông ta mà sản sinh ra 14 ông bà này, được ăn trên ngồi trốc trên đầu dân, được toàn quyền sinh sát toàn dân Việt Nam dưới cái mác Lênin mặc dù ông này đã bị bệnh giang mai cất đi từ thời nảo thời nao. Thiếu Lênin thì tiếng nói của Bộ Chính Trị sẽ lạc lõng và thiếu tính đảng ngay lập tức, bởi đảng được lập ra căn cứ trên chủ thuyết Leninist nên trong khi các nước đạp đổ bức tượng này thì Việt Nam chúng mình không thể phản bội vị thầy đáng kính này được.
Ai chống ông ta thì chống nhưng tôi nhất định là không. Không những ủng hộ mà còn kiên quyết nắm chặt tay đưa lên trời tượng trưng cho ý chí sắt đá ấy, bởi nếu không tạc tượng ông Lênin thì khi có một cuộc bể dâu nữa lấy ai mà nhìn vào để ôn lại một thời gian dài sống trong tăm tối dưới cái bộ râu bất hủ của ông này?
Mai mốt muốn lập lại tượng của ông ấy e rằng không có một điêu khắc gia nào làm lại được cái thần thái, vừa kiêu ngạo vừa hung ác vừa mị dân vừa giết dân nhiều vô số như ông ta. Mà nếu có tạc lại y đúc thì lại tốn thêm một lần tiền nữa trong khi đồng bào tôi vừa thoát cái chế độ bạo tàn này.
Không những để dành ông ta lại mà còn phải tạc thêm hàng trăm bức tượng khác trên khắp đất nước này. Những tượng đài mang tính lịch sử có khả năng nhắc nhở bất cứ một chính quyền nào tiếp quản Việt Nam phải nhìn vào đó mà tránh xa khi điều hành đất nước. Những tượng đài lịch sử ấy sống trong lòng dân chúng từ già tới trẻ nhằm nhắc nhở cho họ một thế kỷ bị chà đạp dưới gông cùm cộng sản mà hình ảnh những tượng đài sẽ ghi lại từng chút một.
Phải có tượng của Thủ Tướng Phạm Văn Đồng ngay tại cổng Hữu Nghị Việt Trung nhằm nhắc nhở con em chúng ta về cái công hàm bán nước mà ông này đã ký để giao Hoàng Sa cho Trung Quốc.
Phải có tượng của Chủ Tịch Nước Lê Đức Anh tại Đà Nẵng để nhắc nhở cho con cháu chúng ta cái tên này đã cấm không cho bộ đội Việt Nam dùng súng bắn vào binh lính Trung Cộng khi bọn này đánh chiếm Gạc Ma.
Ngay trong lòng Hà Nội, trước cổng vào làng Đồng Tâm phải có bức tượng ông Lê Đình Kình người bị 4,000 công an, quân đội truy sát và chết một cách tức tưởi trong chính ngôi nhà của mình.
Trước cổng làng Dương Nội chúng ta sẽ dựng tượng gia đình bà Cấn Thị Thêu, cả nhà bị nhốt như tội nhân khi họ chỉ làm một việc “có tôi” duy nhất là ủng hộ đồng bào dân oan của mình.
Trước ngôi nhà bé nhỏ của chị Phạm Đoan Trang là bức tượng chị chống gậy bị công an áp tải vào tù chỉ vì viết sách và cương quyết không chịu bỏ nước ra đi.
Tại Sài Gòn, trước nhà của ông Trần Huỳnh Duy Thức là bức tượng bán thân của ông khi phải bỏ 16 năm trong lao tù cộng sản chỉ vì muốn đất nước này tốt đẹp và phát triển hơn.
Tại Thủ Thiêm là tượng của người dân mất đất vào tay bọn Lê Thanh Hải, Nguyễn Văn Đua cùng các tập đoàn vô lương tâm, đẩy người dân vào đường cùng để cướp đất đai của họ.
Ngay trước cổng chợ Bến Thành là bức tượng bán thân “hoành tráng” của bà Trương Mỹ Lan, một nữ tướng, một mình chém nát $40 tỷ của nhân dân qua sự che giấu, mưu tính của hệ thống cán bộ từ trên xuống dưới.
Chệch xuống miền Tây một chút là tượng của hàng ngàn đồng bào dân oan, mất nhà mất đất vì chính sách “ưu việt” đất đai là tài sản của toàn dân được nhà nước quản lý!
Mỗi tỉnh miền cao phải có tượng của trẻ em vùng sâu vùng xa đói đến nỗi chỉ nghĩ tới cơm thôi là đã kiệt sức làm gì còn hơi mà cắp sách tới trường. Và cũng phải có tượng trẻ em ngồi trong bao nylon bịt kín thả trôi qua sông hay đu dây như khỉ từ bên này sang bên kia sông đi học.
(Theo Người Việt)
Leave a Comment