Hà Nội đã im lặng hành động, thay cho một tuyên bố sắc lạnh, rằng các tổ chức xã hội dân sự và các cá nhân liên kết với nhau sẽ không có giá trị gì với bộ máy đàn áp đang có quá nhiều lợi thế. Trước sự sững sờ của mọi người, ngày 22 tháng 3, công an đã tới viện pháp y tâm thần để đưa quyết định kéo dài thời gian tạm giam thêm đối với bà Nguyễn Thúy Hạnh, và áp giải bà từ nơi điều trị ung thư trở lại Trại tạm giam số 2.
Nhiều người đã tin rằng, câu chuyện giam giữ vô cớ bà Nguyễn Thúy Hạnh sẽ là dữ kiện quan trọng với quốc tế, đặc biệt trước kỳ kiểm định nhân quyền UPR tại Liên Hợp Quốc vào Tháng Năm tới đây, và Hà Nội ắt là sẽ phải nhượng bộ để rửa mặt mình phần nào trước cơn bão chỉ trích của nhiều tổ chức nhân quyền cũng như các viên chức ngoại giao quốc tế.
Thế nhưng, chuyện lại không phải như vậy, và được nhiều người bàn tán về cách hành động tàn bạo này của Tô Lâm, Bộ trưởng Công an.
Chính gia đình của bà Nguyễn Thúy Hạnh cũng bất ngờ với việc công an ngừng cho chữa trị, và áp giải bà về trại giam. Bởi vài tháng trước đó, chính phía công an làm việc với gia đình gợi ý, gia đình nên làm đơn xin, vì nghe đâu ‘ở trên’ cũng chờ thái độ này để có cớ cho bà Hạnh về nhà, bày tỏ sự khoan dung của chính quyền.
Một người trong gia đình, giấu tên, còn cho biết là ít lâu sau khi nhận đơn xin đưa bà Hạnh về nhà để chữa trị, một viên công an khi gặp đã ‘chúc mừng’ gia đình, rằng rồi bà Hạnh sẽ sớm về nhà.
Nhưng rồi, tại sao?
Một nguồn tin chưa được kiểm chứng, từ một người thân cận với ngành công an, giấu tên, nói chính phong trào đòi tự do cho bà Hạnh nổi lên mạnh mẽ, là một trong những lý do khiến ý định trả tự do cho bà Hạnh đã chựng lại.
Có ít nhất là ba đợt thỉnh nguyện thư được phát động, kêu gọi mọi giới trong và ngoài nước cùng tham gia. Tổng cộng những người và tổ chức ký tên, đã vượt con số ngàn, và xuất hiện nhiều nơi trên các trang mạng.
Bên cạnh việc các thỉnh nguyện thư kêu gọi CSVN hãy làm đúng với luật pháp do họ vẽ ra, còn là chuyện chất vấn về tính nhân đạo của một nhà nước đang cố chứng minh sự chính danh của mình trên trường quốc tế.
Điều này nằm ngoài các tính toán của Tô Lâm và đồng bọn: ‘nhân đạo’ lẽ ra phải là thứ được CSVN ban phát và được ca ngợi như một chính quyền có lý, có tình. Thế nhưng làn sóng chất vấn về tính phi nhân của CSVN đang hành hạ một người đàn bà mang 2 căn bệnh nặng, khiến chuyện trả tự do cho bà Hạnh, tựa như là chịu thua áp lực của dư luận.
Nhưng CSVN thì không bao giờ muốn mình thua ai. Họ phải thắng. Đặc biệt với nhân dân là phải luôn thắng toàn diện.
Ngoài ra, sự đoàn kết lan rộng bất ngờ của nhiều người Việt Nam và các tổ chức xã hội trước chuyện đòi tự do cho một người đan bà vô tội, là điều công an chưa tính tới, và trả tự do cho bà Nguyễn Thúy Hạnh, lại giống như tạo cơ hội cho một nhân vật bất đồng chính kiến vào lợi thế có đám đông đang tập trung chung quanh.
Việc công an im lặng không thả bà Hạnh ngay, mà tập trung tỏa ra trấn áp những người ký tên vào các thỉnh nguyện thư là một dấu hiệu, có thể là lời giải thích cho việc tái giam giữ lúc này.
Một trong những người tạo thỉnh nguyện thư là bà Huệ Như, một người hoạt động xã hội bị bỏ tù vì tham gia chống các trạm thu phí bất minh, đã bị công an đe dọa, và buộc bà phải từ bỏ lá thư thỉnh nguyện của bà.
Nhiều người đã ký vào thư kêu gọi của bà Huệ, cũng báo tin cho bà biết là họ bị công an triệu tập và buộc phải rút tên ra khỏi danh sách ủng hộ. Có người còn bị hăm dọa sẽ cho đi tù.
Hành động của CSVN lúc này, trong việc tiếp tục giam vô cớ bà Nguyễn Thúy Hạnh, cũng là một cách thông báo rằng ‘tha hay không’ là do ‘hảo tâm’ của chính quyền, chứ không thể từ áp lực một lực lượng ‘thù địch’ nào khác.
Quyền gieo hy vọng là thủ thuật của nền chuyên chính vô sản, và quyền thản nhiên tước niềm hy vọng của một người hay của đám đông, khi cần, là điều hoàn toàn đơn giản, không cần giải thích, lâu nay đã nằm trong bàn tay của một bộ máy độc tài vẫn đang kiểm soát đất nước, thuần túy bằng bằng bạo lực và nhà tù./.
Leave a Comment