Trong một thành phố được giám sát chặt chẽ, làm sao những kẻ khủng bố ISIS có thể giết người trong hơn một giờ, rồi bỏ đi, mà cảnh sát và an ninh vũ trang vẫn chưa đến?
Ông Garry Kasparov, người đồng sáng lập Đại hội Tự do Thế giới và còn là chủ tịch tổ chức Sáng kiến Đổi mới Dân chủ, trong bài xã luận mang tựa đề ‘Moscow Attack: Don’t Believe the Kremlin’, phân tích sự kiện: “tại một trong những thành phố được giám sát an ninh chặt chẽ nhất trên trái đất, nơi bạn có thể bị bắt trong 30 giây vì đã thì thầm khẩu hiệu ‘không chiến tranh’, thì những kẻ khủng bố lại có thể tiếp tục cuộc tấn công trong hơn một giờ rồi đơn giản lái xe đi”.
Những sự thật có liên quan đến vụ thảm sát Moscow:
◉ Putin bác bỏ cảnh báo từ các nhà ngoại giao Mỹ
Đầu tháng này, tình báo Mỹ đã có thông tin về một cuộc tấn công khủng bố đã được lên kế hoạch ở Moscow – có khả năng nhắm vào các cuộc tụ họp lớn, bao gồm cả các buổi hòa nhạc – khiến Bộ Ngoại giao phải đưa ra lời khuyên công khai cho người Mỹ ở Nga.
Đại sứ quán Mỹ tại Nga vào ngày 7 tháng 3 đã đăng một “Cảnh báo an ninh: Tránh tụ tập đông người trong 48 giờ tới”, cho biết: “Đại sứ quán đang theo dõi các báo cáo rằng những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch nhắm mục tiêu vào các cuộc tụ tập lớn ở Moscow, bao gồm cả các buổi hòa nhạc, và công dân Hoa Kỳ nên được khuyến cáo tránh các cuộc tụ tập lớn trong 48 giờ tới”.
Người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng, Adrienne Watson, cho biết: “Chính phủ Hoa Kỳ cũng chia sẻ thông tin này với chính quyền Nga theo chính sách ‘nghĩa vụ cảnh báo’ lâu nay của nước này”. Điều đó cho thấy Nga đã nhận được thông tin từ Mỹ về một vụ khủng bố có thể xảy ra ở Moscow.
Tuy nhiên, nhà lãnh đạo độc tài Nga Vladimir Putin là người bác bỏ cảnh báo từ các nhà ngoại giao Mỹ.
Ngày 19 tháng 3, Putin đã gọi những cảnh báo này là “sự tống tiền trắng trợn” của phương Tây và là một nỗ lực nhằm “đe dọa và gây bất ổn cho xã hội của chúng ta”.
Phản ứng của Putin, ở mặt nổi, cho thấy ông ta dường như không tin các cảnh báo của Mỹ. Tuy nhiên, Putin khét tiếng là một ông trùm mật vụ điếm đàng nhất KGB, một kẻ có thể có được thông tin về kế hoạch tấn công khủng bố của ISIS, và ở dưới mặt chìm, đang sắp xếp một kịch bản thuận lợi cho ông ta.
◉ Ai đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố ở Moscow?
Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo, nói cụ thể hơn là chi nhánh Khorasan của Nhà nước Hồi giáo (ISIS-K), là nhóm tuyên bố rằng họ đã đứng đằng sau vụ tấn công khủng bố chết người tại phòng hòa nhạc của Tòa thị chính Crocus, cách Điện Kremlin khoảng 20km.
Khorasan là một thuật ngữ cũ để chỉ một khu vực bao gồm các phần của Iran, Turkmenistan và Afghanistan. Chi nhánh này đã nổi lên ở miền đông Afghanistan vào cuối năm 2014, đứng đằng sau vụ tấn công tự sát chết người tại đại sứ quán Nga ở Kabul vào tháng 9 năm 2022 và một lịch sử khủng bố ngay cả bên ngoài Afghanistan.
Hãng thông tấn Amaq của Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố ngay lập tức trên Telegram sau vụ xả súng chết người, nói rằng các chiến binh của họ đã tấn công ở ngoại ô Moscow, “làm hàng trăm người thiệt mạng và bị thương và gây ra sự tàn phá lớn cho nơi này trước khi chúng rút lui về căn cứ an toàn”.
Murat Aslan, một đại tá quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nghỉ hưu và là nhà phân tích quân sự, cho biết ISIS-K có mục tiêu trải rộng trên toàn cầu chứ không chỉ ở Trung Á.
“Trước đây, họ đã ở Iran. Bây giờ họ đang ở Moscow”, Aslan nói với phóng viên của hãng tin Al Jazeera. “Chúng ta có thể sẽ chứng kiến nhiều cuộc tấn công hơn ở các thủ đô khác”.
Ông Aslan cho biết thêm rằng: nhóm này có thể nhắm mục tiêu vào Moscow một phần vì sự can thiệp của Nga vào Syria, nơi Moscow ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad chống lại Nhà nước Hồi giáo. Chi nhánh ISIS-K “coi những quốc gia như vậy là thù địch”.
Bốn kẻ tấn công chính, trong số 11 người bị lực lượng an ninh Nga bắt giữ đều đến từ Tajikistan. Công dân của Tajikistan chiếm tỷ lệ lớn trong số thành viên của ISIS-K.
◉ An ninh lỏng lẻo
Mặc dù an ninh lỏng lẻo được coi là một trong những nguyên nhân khiến vụ tấn công vào đêm thứ Sáu, nhưng các nhà phân tích cho rằng không thể loại trừ một khả năng thậm chí còn đen tối hơn. Họ chỉ ra những lợi ích chính trị tiềm tàng đến với Putin từ các vụ thảm sát.
Hai mươi lăm năm trước, Putin lúc đó cần một nền tảng cho chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Một loạt vụ đánh bom khủng bố vào các căn hộ ở Nga mà ông Garry Kasparov cho rằng đó là những cuộc tấn công giả mạo do Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) dàn dựng để Putin có thể phát động Chiến tranh Chechnya lần thứ hai.
“Đó là một hành động gây sốc đến mức khó có thể tin được – cho đến khi bạn nhận ra Putin là loại người như thế nào”, ông Kasparov nói.
“Ông ta [Putin] không dị ứng với máu, máu Nga hay bất kỳ loại nào khác, nếu làm đổ nó sẽ giúp ông ta đạt được mục tiêu”.
Putin đã từng nắm quyền bằng cách thực hiện hành vi giết người hàng loạt ở Chechnya. Ngày nay, Putin đang phạm tội giết người hàng loạt ở Ukraine, và có thể làm bất cứ chuyện gì với hy vọng duy trì quyền lực.
◉ Putin tìm cách đổ tội cho Ukraine
Mặc dù các lực lượng cảnh sát và an ninh Nga đã làm ngơ trong việc kiểm soát an ninh của buổi hòa nhạc tại Tòa thị chính Crocus, nhưng cơ quan FSB lại nhanh chóng tìm cách liên kết Ukraine với vụ tấn công khủng bố, bất chấp tuyên bố trách nhiệm của chi nhánh Nhà nước Hồi giáo ISIS-K.
Một điểm đáng chú ý là FSB biết rõ tuyến đường rút lui của nhóm khủng bố, đi về hướng thị trấn Khatsun ở vùng Bryansk của Nga, nằm gần biên giới Belarus và Ukraine.
Trong khi các cơ quan đặc biệt của Belarus đã giúp FSB ngăn chặn những kẻ khủng bố vượt biên giới Nga và Belarus, theo lời Đại sứ Belarus tại Moscow Dmitry Krutoy nói với truyền thông nhà nước BelTA, nhưng các quan chức Nga vẫn cố liên kết nhóm khủng bố Nhà nước Hồi Giáo với biên giới của Ukraine.
Hơn 19 giờ sau vụ thảm sát, trong bài phát biểu với quốc dân, Putin cho rằng Nga đã bắt giữ tất cả những người chịu trách nhiệm về vụ tấn công buổi hòa nhạc ở Moscow. Ông ta cũng lặp lại những tuyên bố trước đó của FSB cho rằng những kẻ tấn công đã cố gắng “trốn” sang Ukraine.
“Tất cả những kẻ bắn chết người đều bị phát hiện và giam giữ; họ đang tiến về phía Ukraine, nơi đã chuẩn bị sẵn một “cửa sổ” bên phía Ukraine để vượt biên giới”, Putin nói.
Các nhà phân tích cho rằng đó là một trong những thủ đoạn của Putin nhằm đổ tội của ISIS-K sang phía Ukraine.
◉ Phản ứng của Ukraine
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy, trong bài nói chuyện trực tuyến đêm thứ Bảy cho rằng: “Putin và những kẻ cặn bã khác đang cố đổ lỗi cho người khác”.
“Họ đến Ukraine, họ đốt cháy các thành phố của chúng tôi và họ đang cố đổ lỗi cho Ukraine”, ông Zelenskyy nói.
Người Đà Lạt Xưa
March 26, 2024
Leave a Comment