Ông Võ Văn Thưởng, người được coi như “thái tử điện hạ” khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng Ba năm 2023 với số phiếu gần tuyệt đối, đã lộ rõ sự thân cận với “bác Trọng” khiến…
Kịch bản ngoài dự tính của ông Nguyễn Phú Trọng
Giới chức Việt Nam thường tự tin và nhấn mạnh một trong những “ưu thế” mà quốc gia cộng sản này có là sự ổn định chính trị, vì đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) là đảng cầm quyền duy nhất, tuyệt đối và chi phối mọi khía cạnh đời sống. Do đó, sẽ không phải lo chuyện biểu tình, đình công hay thay đổi nội các chính phủ chóng mặt như các quốc gia dân chủ khác.
Tuy nhiên, dưới bề mặt phẳng lặng của cái ao tù chính trị nhàm chán đó, những cơn sóng ngầm, lật đổ phía sau hậu trường, thanh trừng đấu đá không kém phần tàn khốc vẫn luôn diễn ra.
Ngày 20 tháng Ba, 2024 vừa qua, ban chấp hành trung ương đảng CSVN khóa 13 tiến hành họp bất thường lần thứ 6 về công tác nhân sự cấp cao của đảng. Theo đó, ông Võ Văn Thưởng, ủy viên bộ chính trị, Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy trung ương, bị “thôi chức”, chỉ sau một 1 năm 18 ngày nắm quyền nguyên thủ. Truyền thông trong nước đưa tin với nội dung vắn tắt:
“…Vừa qua theo báo cáo của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan chức năng, ông Võ Văn Thưởng đã vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Ban Bí thư, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và chịu trách nhiệm người đứng đầu theo các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.”
Như vậy, kể từ 2018, Việt Nam đã có 6 lần thay đổi nguyên thủ sau cái chết bất thường của ông Trần Đại Quang (tính cả hai lần bà Võ Thị Ánh Xuân giữ chức Quyền Chủ tịch). Ông Võ Văn Thưởng cũng là ủy viên Bộ chính trị thứ 4 “rớt đài” sau Trần Tuấn Anh, Nguyễn Xuân Phúc và Phạm Bình Minh trong vòng 1 năm.
Vị trí nguyên thủ của Việt Nam chưa bao giờ bất ổn như hiện nay. Điều này mang những ý nghĩa rất khác nhau. Có thể, công cuộc “đốt lò” quả thực không có “vùng cấm” như ông Nguyễn Phú Trọng cam kết. Nhưng mặt khác, nó cũng cho thấy cuộc đấu đá nội bộ dưới danh nghĩa “đốt lò” ngày càng gay gắt và rất có thể đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của “chủ lò”.
Sau khi Hậu “pháo” – chủ tịch tập đoàn Phúc Sơn, bị khởi tố và bắt giam vào ngày 26 tháng 2 năm 2024, hàng loạt chủ tịch, bí thư đương chức, nguyên chủ tịch, nguyên bí thư của các tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi được cho là có liên quan, đã bị bắt tạm giam… Chưa bao giờ việc bắt giữ các quan chức cấp cao lại dồn dập, trong một thời gian ngắn, đồng loạt như vậy. Nhưng điều đặc biệt là việc bắt tạm giam các quan chức này không thấy có ý kiến của Ủy ban kiểm tra trung ương, Ủy ban phòng chống tham nhũng hay Ban nội chính trước đó. Thường qui trình trước đây đối với các quan chức cấp cao sẽ phải có ý kiến của Ủy ban kiểm tra trung ương “Đồng chí XYZ có khuyết điểm, cần phải kỷ luật, khiển trách” trước khi cho thôi các chức vụ. Nhưng giờ đây, cơ quan điều tra Bộ công an và tòa án đang làm “trọn gói” từ A-Z. So sánh qui trình “xử lý vi phạm” hai Ủy viên Bộ chính trị là ông Võ Văn Thưởng và ông Trần Tuấn Anh, có thể thấy sự khác biệt.
Truyền thông trong nước không nói rõ ông Thưởng có liên quan gì đến những sai phạm của Hậu “pháo” và Tập đoàn Phúc Sơn. Cho dù những đồn đoán về khoản tiền lớn được Nguyễn Văn Hậu hối lộ thông qua cấp dưới của ông Thưởng là có căn cứ đi nữa, thì hãy lưu ý thời điểm diễn ra vụ việc này đã là từ hơn 11 năm trước. Võ Văn Thưởng khi đó vừa từ Đoàn Thanh niên về nhậm chức bí thư Quảng Ngãi. Nếu ông Thưởng có thể đóng vai trò nào đó trong vụ án này thì nhiều khả năng chỉ là vai trò phụ mà thôi. Một quan chức cấp cao mới “chân ướt, chân ráo” đến một địa bàn xa lạ, không ai dễ dàng vồ vập nhận những khoản hối lộ và nhắm mắt ký những chủ trương đầu tư lớn mà không biết rõ đâu là “quân xanh”, đâu là “quân đỏ”. Thông thường là phải có sự “gửi gắm” từ người tiền nhiệm hoặc những người cùng phe với mình ở cấp cao hơn.
Ông Võ Văn Thưởng là “hạt giống Đỏ”, trưởng thành từ môi trường Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh. Được cho là người có nền tảng học vấn và phong cách rất tương đồng với ông Nguyễn Phú Trọng, cả hai đều xuất thân từ giới khoa bảng nghiên cứu chuyên sâu về lý luận, triết học Marx Lenin. Ông Thưởng là ủy viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương Đảng, trưởng ban tuyên giáo TW khi mới 46 tuổi và cũng là Chủ tịch nước, Chủ tịch quân ủy trung ương trẻ tuổi nhất từ trước tới nay ở tuổi 52. Ông được coi là người được lựa chọn để kế vị cho ông Nguyễn Phú Trọng cho kỳ đại hội đảng lần thứ 14, vào năm 2026. Việc ông Thưởng đột ngột bị tước bỏ mọi chức vụ, cùng với 3 ủy viên Bộ chính trị “ngã ngựa” trước đó trong thời gian ngắn, là chỉ dấu rõ ràng về một cuộc khủng hoảng nhân sự cấp cao của đảng CSVN.
Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến uy tín của Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng vì chính ông là người ủng hộ ông Võ Văn Thưởng từ trước tới nay, cũng đồng thời là Trưởng tiểu ban nhân sự Đại hội đảng khóa 12, 13. Việc ông Thưởng bị buộc “thôi chức” báo hiệu quyền lực thực sự của “người đốt lò vĩ đại” đã suy giảm đáng kể.
“Đốt lò” hay đảo chính?
Sau khi ông Thưởng bị buộc “thôi chức” hôm 20 tháng Ba, nhiều thông tin trên mạng xã hội (MXH) cho rằng ông Tô Lâm sẽ ngồi ghế Chủ tịch nước.
Trên thực tế, Chủ tịch nước dù chỉ được coi là chức danh biểu tượng không có thực quyền trong hệ thống quyền lực của nhà nước Việt Nam, nhưng đó vẫn là một ghế trong “Tứ Trụ” với những đặc quyền lớn hơn bất cứ các ủy viên trung ương khác. Cái ghế Chủ tịch nước hay Chủ tịch quốc hội thường là bước đệm tốt cho những cá nhân có tham vọng tiến lên ngôi “cửu ngũ chí tôn” Tổng bí thư hay vị trí béo bở Thủ tướng.
Đối với ông Tô Lâm, việc ông ngồi ghế “tứ trụ” cũng đảm bảo cho ông trở thành một “trường hợp đặc biệt” khác sau ông Trọng, khi vừa là Chủ tịch nước vừa nắm trong tay thực quyền Bộ Công an trong trường hợp tướng Lương Tam Quang hay tướng Nguyễn Duy Ngọc – đều là “đệ tử”, đồng hương Hưng Yên của ông – nắm chức vụ Bộ trưởng. Theo qui định của Đảng CSVN thì người giữ chức Chủ tịch nước phải có ít nhất một nhiệm kỳ trọn vẹn là ủy viên Bộ chính trị. Với qui định đó thì người có thể tiếp nhận cái ghế ông Thưởng để lại, chỉ có thể là một trong bốn người: Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang; Bộ trưởng Công an Tô Lâm: Chánh án tòa án tối cao Nguyễn Hòa Bình và bà Trương Thị Mai – Trưởng ban tổ chức trung ương. Nhưng nổi bật, quyền lực và tham vọng nhất chỉ có ông Tô Lâm.
Tuy vậy, nhiều nguồn tin nội bộ cho biết, đến phút 89, ông Tô Lâm dứt khoát không rời ghế Bộ trưởng bộ Công an theo sắp xếp của Bộ chính trị – cơ quan quyền lực tối cao của đảng CSVN. Cả ba trường hợp còn lại đều không mặn mà gì với vị trí Chủ tịch nước. Điều này khiến cho ông Nguyễn Phú Trọng và Bộ chính trị rơi vào thế lưỡng nan. Cuối cùng, thế “tứ trụ” tạm thời được lập lại bằng việc đưa bà Võ Thị Ánh Xuân một lần nữa nắm Quyền Chủ tịch nước.
Công tác nhân sự cấp cao của Đảng CSVN thực sự có vấn đề. Không những liên tục 4 trong số 18 ủy viên Bộ chính trị bị “ngã ngựa” trong vòng 1 năm mà ngay cả việc tìm nhân sự thay thế cũng rất khó khan.
Ở một khía cạnh khác, điều đó cũng cho thấy, vai trò Chủ tịch nước thực ra… ai ngồi cũng được và không có cũng chẳng sao. Còn Bộ trưởng Công an bây giờ thích ngồi đâu… không còn do Bộ chính trị quyết định.
Nhiều ý kiến cho rằng cái ghế Chủ tịch nước hiện nay bị “mất giá” bởi quan chức cấp cao e ngại cái… “dớp” đen đủi. Mặc dù là theo chủ nghĩa Marx Lenin vô thần, nhưng giới chức Việt Nam rất mê tín. Một vị trí mà thay ngôi đổi chủ tới 6, 7 lần trong vòng hơn 5 năm, với 2 trường hợp bị buộc “thôi chức”, một trường hợp chết vì “bệnh lạ” và một trường hợp bị đột quị chỉ sau 6 tháng nhậm chức thì quả thực là… bất thường.
Quan niệm có phần mê tín trên có lẽ không có tác động gì tới sự lựa chọn của ông Tô Lâm. Điều khiến ông ta phải lo ngại là trong trường hợp rời Bộ Công an và làm Chủ tịch nước thì rất có thể Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc – người xuất thân từ ngành an ninh, có kinh nghiệm phong phú và dày dạn về cả mặt tổ chức Đảng, an ninh và phòng chống tham nhũng – sẽ nắm giữ chức Bộ trưởng Công an. Ông Trạc được đánh giá là người thâm trầm, cơ mưu, có trình độ và đặc biệt nhận được sự ủng hộ của ông Nguyễn Phú Trọng. Một khi ông Trạc nắm Bộ Công an, ảnh hưởng của ông Tô Lâm sẽ nhanh chóng mờ nhạt và rất có thể một kết cục giống như 4 vị Chủ tịch tiền nhiệm trước đây. Đó là lý do tại sao tướng Tô Lâm sẽ không thể buông ghế bộ trưởng cho đến kỳ đại hội 14.
Câu hỏi đặt ra là tại sao tướng Tô Lâm lại chọn thời điểm này để tấn công ông Võ Văn Thưởng và mục đích thực sự của ông Lâm là gì?
Từ trước tới nay, tướng Tô Lâm là thanh kiếm sắc trong tay ông Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc “đốt lò”. Ông ta có lẽ, hoàn toàn tin rằng mình là ứng viên số 1 để kế nhiệm ngôi vị Tổng bí thư. Thế nhưng, điều này đã thay đổi kể từ sự cố “bò dát vàng” năm 2021. Khi hình ảnh “thánh rắc muối” Salt Bae đích thân phục vụ và đút vào miệng tướng Tô Lâm miếng thịt bò dát vàng tràn ngập trên báo chí nước ngoài, ông Trọng đã nóng mặt lẩy câu Kiều “Ngẫm mình phương diện quốc gia. Quan trên nhắm xuống, người ta trông vào”. Rõ ràng với scandal để đời, ông Lâm đã tự để mất điểm trước ông Trọng.
Qui định 214 QĐ/TW về “Khung tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện ban chấp hành Trung ương, Bộ chính trị, Ban bí thư quản lý” ban hành năm 2020 có tiêu chuẩn chung :
Về đạo đức, lối sống: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; là trung tâm đoàn kết, gương mẫu về mọi mặt.
Về năng lực uy tín:… Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao.
Đối với vị trí Tổng bí thư:… Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại…
Ông Tô Lâm là người có nhiều kẻ thù và nhân scandal “bò dát vàng”, không ít ý kiến “lời ra tiếng vào”. Bộ trưởng Công an đã coi đây là một thách thức chính trị tới vị trí của mình. Việc ông ta lập “đại công” phanh phui 2 đại án “Chuyến Bay giải cứu” và “Kit test Việt Á” khiến hàng loạt Ủy viên Bộ chính trị, ủy viên trung ương, bí thư, chủ tịch, bộ trưởng, thứ trưởng mất chức, vô hình chung đã khẳng định quyền uy tuyệt đối trên sân khấu chính trị Việt Nam. Điều này, chắc chắn ông Trọng không thể không nhìn ra. Bộ Công an liên tục mở rộng qui mô, quân số, ngân sách, chế độ đặc quyền và tự áp đặt các chính sách thay đổi giấy tờ, đăng kiểm, mức phạt hành chính, thổi nồng độ cồn… gây ra vô số phiền hà cho nhân dân, rối loạn xã hội, tiêu tốn ngân sách và gây khó khăn cho doanh nghiệp. Tất cả những điều này ông Trọng và Bộ chính trị không thể không hay biết.
Ông Võ Văn Thưởng, người được coi như “thái tử điện hạ” khi trở thành Chủ tịch nước vào tháng Ba năm 2023 với số phiếu gần tuyệt đối, đã lộ rõ sự thân cận với “bác Trọng” khiến Tô Lâm nhận ra mình đã không còn là sự lựa chọn nữa. Nếu như ngồi ghế bộ trưởng đến hết nhiệm kỳ và về hưu, ai sẽ đảm bảo sự an toàn và gia sản của gia tộc trước những phe cánh và quan chức đã bị ông ta triệt hạ? Còn nếu muốn trở thành “trường hợp đặc biệt” thì phải tự tay giành lấy. Nắm trong tay cỗ máy giám sát, trấn áp khổng lồ, hồ sơ sai phạm của tất cả các quan chức đều trong tay tướng Tô Lâm. Điều đó đem đến cho ông ta khả năng vượt trội hơn tất cả. Trong tình huống này, mọi ứng viên của vị trí Tổng bí thư đều có khả năng trở thành mục tiêu công kích tiếp theo. Võ Văn Thưởng chỉ là cái tên đầu tiên trong cuộc đảo chính không tiếng súng núp dưới danh nghĩa “đốt lò”. Điều này sẽ dẫn đến thời kỳ hỗn loạn chính trị và nạn kiêu binh tràn lan của lực lượng Công An./.
Leave a Comment