Phiên tòa xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát được truyền thông trong nước đưa tin cho rằng đã chiếm hàng loạt kỷ lục trong ngành tư pháp Việt Nam và có lẽ, cả thế giới đối với một vụ án lừa đảo tài chính đã từng được tòa án xét xử. Số tiền rút ra từ Ngân hàng Thương mại Cổ Phần Sài Gòn (SCB) lên đến hơn 1 triệu tỷ đồng Việt Nam. Số hồ sơ lên đến 2.500 tập với khoảng 1 triệu bút lục. Số người bị xét xử gồm 86 bị cáo được 200 luật sư tham gia bào chữa. Con số ấy tuy nhiều, nhưng vẫn lọt thỏm giữa 2.400 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bị triệu tập đến phiên tòa làm việc.
Tuy vậy, giữa những con số kỷ lục ấy, cùng với danh sách được triệu tập dài dằng dặc đó, chúng ta thử tìm một, và chỉ cần một người trong số hơn 42 nghìn người là khách hàng gởi tiền tại ngân hàng SCB thì lại không thấy ai cả(?!) Điều gì đã xảy ra? Hoặc một vụ án không có bị hại chăng?
Nhìn lại vụ án, tất cả số tiền bị cho là bị bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát chiếm đoạt đều có nguồn gốc là tài sản của hơn 42 nghìn khách hàng gởi vào ngân hàng SCB. Bằng thế lực khuynh đảo của mình chiếm đến 91,5% cổ phần trong ngân hàng SCB, trong vòng 10 năm (từ năm 2012 đến 2022) bà Trương Mỹ Lan và hàng nghìn doanh nghiệp giả danh trong hệ sinh thái tập đoàn Vạn Thịnh Phát đã dùng mọi thủ đoạn gồm 2.500 khế ước vay tiền để rút đến hơn 1 triệu tỷ đồng ra để chiếm đoạt, đến mức độ ngân hàng SCB không còn khả năng chi trả tiền lại khách hàng gởi tiền nữa. Đẩy khách hàng vào tình thế trở thành nạn nhân bị mất tiền một phần hoặc toàn bộ. Khách hàng chỉ có khả năng thu hồi lại một phần rất nhỏ qua các khế ước bảo hiểm tiền gởi được ký kết khi gởi tiền ngân hàng mà thôi.
Thế nên, khách hàng, họ là nạn nhân của ngân hàng SCB, của bà Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Họ là bị hại trong vụ án hình sự đang xét xử tại tòa án. Nhưng khốn thay, không có ai trong số hơn 42 nghìn nạn nhân được triệu tập đến tòa với tư cách bị hại để đưa ra các yêu cầu chính đáng để bảo vệ quyền lợi của mình cả.
Dĩ nhiên, không được tham gia vụ án, họ mất đi cơ hội đưa ra yêu cầu hoàn trả lại số tiền bị chiếm đoạt bất hợp pháp, yêu cầu bồi thường vì thiệt hại về vật chất, lẫn tinh thần… Hoặc ít ra, họ cũng phải được hoàn trả lại một phần số tiền bị chiếm đoạt, thông qua số tài sản các loại gồm tiền mặt, tiền gởi ngân hàng, giá trị cổ phần, cổ phiếu, vốn doanh nghiệp, bất động sản, du thuyền, tàu, ô tô… mà cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên được hoặc ngăn chặn việc chuyển dịch tài sản được. Bao gồm cả khoản tiền khắc phục hậu quả của bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác nộp để mong được giảm án.
Hồ sơ vụ án đã nêu những con số thống kê tài sản mà cơ quan tiến hành tố tụng gồm cả ba giai đoạn, điều tra, truy tố và xét xử đã quản lý, kê biên được rất lớn.
– Về tiền mặt: Thu giữ, phong tỏa hơn 2.500 tỷ đồng và hơn 23 triệu USD.
– Về các tài khoản, sổ tiết kiệm ngân hàng: Cơ quan điều tra đã phong tỏa 42 tài khoản của các bị cáo và các cá nhân đứng tên hộ mở tại các ngân hàng, với tổng số tiền phong tỏa là 1.896.021.813.612 đồng và 8.479.600 USD.
– Về bất động sản: Cơ quan điều tra đã kê biên, ngăn chặn chuyển dịch, lưu giữ các văn tự chủ quyền nhà đất đối với gần 5.000 bất động sản.
– Các loại tài sản khác: 22 tài sản, gồm 1 du thuyền, 2 tàu, 19 ô tô.
…
Đối với những vụ án thông thường, theo quy định pháp luật, thì số tiền, tài sản thu hồi lại được từ các bị cáo (như nêu trên), sẽ được hoàn trả lại hoặc phát mãi (đối với bất động sản) để hoàn trả lại cho những người bị hại theo tỷ lệ số tiền bị chiếm đoạt.
Thế nhưng, đối với vụ án xét xử bà Trương Mỹ Lan và 85 bị cáo khác, hơn 42 nghìn người bị hại là các khách hàng gởi tiền vào SCB đã bị các cơ quan tiến hành tố tụng loại ra khỏi tư cách tố tụng ngay từ khi khởi tố vụ án một cách hữu ý. Không ai trong số họ có quyền lên tiếng gì về quyền lợi của mình trong vụ án cả, trong khi, chính họ mới vốn là nạn nhân trực tiếp.
Do đó, số tài sản tài sản thu hồi lại từ bà Trương Mỹ Lan và các bị cáo có khả năng sẽ bị xem như là tang tài vật của vụ án. Theo đó, mặc nhiên tòa án sẽ tuyên tịch thu, sung công quỹ.
Chế độ đã từng có án lệ như thế. Cách nay chưa lâu, tháng 07/2023, hàng nghìn nạn nhân bị “trấn lột” trong vụ án “Chuyến bay giải cứu” cũng đã từng bị các cơ quan tiến hành tố tụng tước bỏ tư cách bị hại của họ. Hậu quả từ phiên tòa “Chuyến bay giải cứu đó”, tất cả số tài sản thu được từ các bị cáo đều đã bị xem là tang tài vật và tòa án tuyên tịch thu, sung công quỹ. Trong bản án, tòa án đã “chiếu cố” cho hàng nghìn nạn nhân bằng chiếc bánh vẽ: Họ có quyền khởi kiện các bị cáo để đòi lại tiền bị “trấn lột”. Thế nhưng, trong hoàn cảnh các bị cáo đang bị đi tù, tài sản bị tịch thu, thì sẽ kiện làm sao? Và đòi tiền làm sao?
Án lệ từ vụ án “Chuyến bay giải cứu” đã được làm khuôn mẫu trong vụ án Vạn Thịnh Phát, bắt đầu bằng việc loại bỏ tất cả 42 nghìn nạn nhân ra khỏi tư cách bị hại trong vụ án.
Và dĩ nhiên, bất luận kết quả xét xử vụ án Vạn Thịnh Phát như thế nào đi nữa, thì ai sẽ gọi đó là công lý?
Và ngẫm xem, cuối cùng thì ai mới là kẻ cướp của nhân dân?
DC, ngày 08/03/2024
LS Đặng Đình Mạnh
Leave a Comment