TS Phạm Đình Bá (VNTB)
Theo các nhân viên cũ, cách làm việc của VinFast là quan liêu, nặng phần kiểm soát và phân cấp trong một tổ chức kém, môi trường làm việc với bầu không khí tồi tệ và nền văn hóa độc hại…
Văn hóa công ty là tập hợp chung các niềm tin, giá trị, thái độ, tiêu chuẩn, mục đích và hành vi tại nơi làm việc. Nó phản ánh cả các quy tắc thành văn và bất thành văn mà mọi người trong một tổ chức tuân theo. Văn hóa tổ chức của bạn là tổng hòa của tất cả những gì bạn và đồng nghiệp nghĩ, nói và làm khi làm việc cùng nhau.
Ví dụ hãng xe điện Tesla nổi tiếng với cách phát triển và sản xuất xe tiên tiến, thúc đẩy một môi trường làm việc khuyến khích sự đổi mới và cống hiến của nhân viên. Tesla thường áp dụng cách tiếp cận linh hoạt về giờ làm việc, đánh giá nhân viên dựa trên kết quả họ đóng góp thay vì dựa trên những lịch trình cứng nhắc.
Thế thì văn hóa của hãng VinFast ra sao khi họ muốn cạnh tranh với Tesla?
VinFast đã phát triển, sản xuất và bán xe điện trong vòng 5 năm. Tuy nhiên vào năm 2023, quá trình mở rộng của công ty đã gặp khó khăn, phải đảo ngược chiến lược và thay thế hàng lãnh đạo – ngay cả khi công ty vẫn bám sát kế hoạch phát hành và bán cổ phiếu cho các nhà đầu tư và triển khai thị trường cho xe Vinfast tại Hoa Kỳ. [1]
Một số cựu nhân viên đến từ Ấn Độ và Việt Nam mô tả một môi trường làm việc ở công ty VinFast ở Hải Phòng là thường xuyên với áp lực cao, nơi nhân viên và mục tiêu liên tục thay đổi. “Họ sẽ thay đổi thông số kỹ thuật, họ sẽ thay đổi mục tiêu. Vì vậy không có gì ổn định cả,” một cựu kỹ sư nói với phóng viên của một tập chí kỹ thuật. [1]
Ví dụ, khi James (không phải tên thật) gia nhập đội ngũ tiếp thị của VinFast năm 2022, công ty đang sa thải nhân sự nhanh chóng. Michael Lohscheller kỳ cựu trong ngành ô tô đã từ chức Giám đốc điều hành của công ty chỉ 5 tháng sau khi gia nhập và ít nhất bốn giám đốc điều hành hàng đầu khác – bao gồm cả Phó Giám đốc điều hành phụ trách bán hàng toàn cầu, Emmanuel Bret – đã liên tiếp rời đi.
Vào thời điểm đó, VinFast đang theo đuổi tham vọng toàn cầu, với những thông báo rầm rộ bao gồm trụ sở mới ở châu Âu và một nhà máy trị giá hàng tỷ đô la ở Mỹ. Trong những tháng làm việc tại công ty, James cũng chứng kiến nhiều đồng nghiệp nước ngoài của mình nghỉ việc hoặc bị sa thải.
James nói: “Tôi chắc chắn rằng tôi sẽ không qua hết hợp đồng của mình. Ban đầu, tôi giai nhập vì đó là một cơ hội tuyệt vời để làm việc cho một công ty sản xuất xe điện đầu tiên bên ngoài Châu Âu và Châu Mỹ.”
Ông Thao, cựu quản lý cấp trung của VinFast, đã chứng thực kinh nghiệm của James. “Nhiều ông chủ phương Tây đã rời đi,” ông nói. “Có rất nhiều người đã ra đi, có rất nhiều người đến và đi. Ai không làm được thì bỏ đi”.
Vào tháng 3/2023, cuộc ra đi tiếp tục diễn ra: ba giám đốc điều hành hàng đầu của chi nhánh ở Mỹ đều rời đi trong cùng một tuần. Vào tháng 7/2023, Phó Giám đốc điều hành sản xuất toàn cầu của VinFast, Michael Johnson, đã xác nhận rằng ông cũng đã rút lui và “không còn giám sát các hoạt động hàng ngày ở Việt Nam hoặc Mỹ”, tuy ông vẫn còn ở trong ban giám đốc.
Làm việc tại VinFast không thể dành cho người yếu tim, theo lời kể của 9 cựu nhân viên, những người đã nói chuyện với tạp chí kỹ thuật. Họ cho biết, từ những mục tiêu luôn thay đổi cho đến những hình phạt khắc nghiệt, Vinfast thúc đẩy văn hóa làm việc áp lực cao – một nền văn hóa giúp bình thường hóa tình trạng sa thải và kiệt sức. [1]
Một nền văn hóa tương tự được cho là đã xây dựng tập đoàn mẹ của VinFast, với trị giá hàng tỷ đô la, thành một thực thể hùng mạnh ở Việt Nam. Nhưng nó gây ra rủi ro nguy hiểm cho công ty con chuyên về xe điện, vốn đang cố gắng quản lý sự mở rộng toàn cầu một cách không ổn định và có phần hỗn loạn.
Trong thư trả lời các câu hỏi qua email, VinFast cho biết: “Giống như bất kỳ công ty nào, VinFast đôi khi buộc phải sa thải những nhân viên không đạt được thành tích như mong đợi. Mỗi quyết định được đưa ra tùy từng trường hợp, nhưng mục tiêu của chúng tôi là giúp tất cả nhân viên thành công tại VinFast và chúng tôi luôn nỗ lực tạo cơ hội cho nhân viên thực hiện điều đó.”
Năm 2022, VinFast đặt mục tiêu xây dựng nhà máy đầu tiên của Mỹ tại Bắc Carolina, đầu tư 4 tỷ đô la để tạo ra hơn 7.000 việc làm, theo tuyên bố của chính Tổng thống Joe Biden.
Để thúc đẩy tham vọng của mình, công ty đã thu hút nhân tài người nước ngoài đến Việt Nam, đưa ra mức lương và phúc lợi cạnh tranh, cũng như chi phí sinh hoạt thấp. Martin Schröder, giáo sư tại Đại học Ritsumeikan, người nghiên cứu về ngành công nghiệp ô tô tại Việt Nam nói rằng: sự phụ thuộc của công ty vào nhân viên nước ngoài là “khá lớn”. “Hầu hết các nhà quản lý cấp cao dường như đều là những người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành đến từ nước ngoài.”, và “… điều này cũng đúng đối với lãnh đạo ở nhà máy”.
Theo Akshay, một kỹ sư Ấn Độ từng làm việc tại văn phòng ở Hà Nội của công ty trong khoảng hai năm, nhiều kỹ sư Ấn Độ đã được thu hút đến Việt Nam với mức lương hấp dẫn. Ông nói: “Ở Ấn Độ, nếu họ được trả 1.000 đô mỗi tháng, VinFast sẽ trả cho họ số tiền gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba”.
Nhưng không có gì chắc chắn về thời gian làm việc được trả lương cao này có thể kéo dài bao lâu. Akshay cho biết các vụ sa thải là rất phổ biến. Trong thời gian làm việc của mình, một nhân viên công nghệ thông tin đã bị sa thải đột ngột chỉ vì đến cuộc họp muộn 5 phút, ông chia sẻ.
James – người đến từ Mỹ, mô tả đồng nghiệp của mình là những người thông minh nhất trong ngành, nhưng James tin rằng ý tưởng của họ không bao giờ được khuyến khích. Ông nói: “Bạn có thể tưởng tượng, điều này rất khó chịu đối với những người đến từ môi trường làm việc nơi họ thực sự được khen ngợi vì đã đưa ra các ý tưởng mới”.
Anh Luân, một kỹ sư người Việt đã làm việc tại VinFast trong 5 năm qua, cho biết người nước ngoài được đưa đến để “nuôi dưỡng và xây dựng các kỹ sư Việt Nam” và nhiệm vụ chung là “học hỏi từ họ nhanh nhất có thể để bạn có thể tiếp tục khi họ không còn ở VinFast nữa.” Anh Luân cho biết, anh làm việc nhiều giờ, lên tới 50–60 giờ một tuần, thường xuyên ăn ngủ tại nhà máy.
Một số nhân viên cũ nói về những quy định có vẻ tùy tiện và không được nêu ra cho đến khi họ gia nhập công ty. “Đó là một số thứ qui định tùy tiện. Một trong số đó là nhân viên phải mặc áo sơ mi và đeo cà vạt có màu nhất định khi đến văn phòng, nếu bạn không tuân theo điều đó, bạn có thể gặp rắc rối”, Akshay nói. (Quy tắc này sau đó đã được nới lỏng; ngày nay, nhân viên thậm chí có thể mặc quần jean.) [1]
Việc xem xét và kỷ luật cũng áp đặt lên cách nhân viên di chuyển trong các tòa nhà. James nói: “Tại tòa nhà văn phòng chính nơi tôi làm việc, nếu bạn phải đi lên hoặc xuống hai hoặc ba tầng, bạn sẽ không được phép sử dụng thang máy”. “Nếu họ bắt được bạn làm điều đó, lương của bạn sẽ bị trừ.”
Ông Minh, cựu quản lý của Tập đoàn VinFast, lưu ý chỉ có ô tô VinFast mới được phép đậu trong bãi đậu xe của công ty. Tất cả các loại xe khác dự kiến sẽ phải đậu ở bãi đậu xe của các tòa nhà gần đó.
Trong phản hồi qua email, VinFast thừa nhận quy định không sử dụng thang máy đã được áp dụng khoảng 10 năm tại Tập đoàn mẹ VinGroup, nhưng khẳng định rằng “nhân viên rất ủng hộ” vì quy định này được đưa ra nhằm tăng cường sức khỏe của nhân viên và bảo vệ môi trường.
Công ty cũng xác nhận quy định về đậu xe chỉ dành cho VinFast, đồng thời cho biết thêm rằng họ cung cấp “chương trình khuyến khích hấp dẫn” cho nhân viên mua xe của công ty “để có phương tiện giao thông xanh”. Dịch vụ xe buýt điện của VinFast cũng đã có sẵn.
“Công ty đặt ra mục tiêu. Nhưng sau đó họ liên tục thay đổi mỗi ngày.”
Một số nhân viên cũ cho biết họ phải vật lộn với các kế hoạch và mục tiêu luôn thay đổi của công ty. Akshay cho biết anh đã làm việc với sáu kỹ sư trưởng khác nhau trong gần hai năm làm việc. “Công ty đặt ra mục tiêu. Nhưng rồi chúng cứ thay đổi hàng ngày. Họ sẽ thay đổi thông số kỹ thuật, họ sẽ thay đổi mục tiêu. Vì vậy, không có gì ổn định cả”, ông nói.
Hải, một kỹ sư người Việt từng làm việc tại VinFast 4 năm trước, đã xin nghỉ việc sau vài tháng vì cho biết công ty đã chuyển anh sang một đội khác mà anh cảm thấy không phù hợp với mình.
Hoa, một cựu nhân viên hậu cần đã làm việc tại VinFast gần hai năm, đồng ý rằng tỷ lệ nghỉ việc cao là bình thường – trừ khi một nhân viên có thể đảm nhận nhiều loại công việc khác nhau, nếu không công việc của họ sẽ không an toàn. Bà nói: “Chúng tôi nói với nhau rằng môi trường làm việc tại VinFast và VinGroup là môi trường đào tạo bằng cách sa thải, đòi hỏi nhân viên phải có nhiều kỹ năng chứ không chỉ giỏi chuyên môn”.
VinGroup thường đóng cửa hoặc bán bớt các dự án kinh doanh mới được cho là kém hiệu quả ngay khi chúng được thành lập. Được ca ngợi là một công ty mà bạn có thể làm việc từ khi còn trong nôi cho đến khi chết, VinGroup đã bán chuỗi siêu thị Vinmart, đóng cửa trang thương mại điện tử Adayroi và nhà sản xuất điện thoại thông minh Vinsmart, cùng một số thương hiệu khác mà VinGroup đã sở hữu.
Năm 2021, VinFast đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Australia, nơi đã tuyển dụng gần 100 người. VinFast cũng rao bán một đường thử nghiệm mà họ đã mua với giá hơn 20 triệu đô la Mỹ vào năm 2020.
Trong cuộc phỏng vấn trước đó, CEO VinFast Lê Thị Thu Thủy cho biết, sự thay đổi là vốn có trong văn hóa của Tập đoàn VinFast. “Chúng tôi thay đổi bất cứ thứ gì không phù hợp thay vì chỉ ngồi đó chờ nó chết”, bà Thủy từng nói vào tháng 1/2023. “Khả năng thay đổi và thích ứng để tăng trưởng tốt hơn là rất quan trọng.” [1]
Tuy nhiên, Akshay nói rằng sự thay đổi liên tục có nghĩa là nhân viên luôn có bầu không khí lo lắng, khiến họ khó tập trung vào công việc. “Tôi cảm thấy Việt Nam, với tư cách là một quốc gia, có rất nhiều điều thú vị. Nhưng khi làm việc với VinFast, bạn không biết ngày mai sẽ ra sao. Họ có thể sa thải bạn trong một ngày,” ông nói.
James, người đã rời VinFast gần đây, cho biết công ty được coi như một “cỗ máy” nơi nhân viên được đưa vào và dự kiến sẽ được giao việc và hoàn thành ngay. Ông nói: “Nếu gặp trở ngại, họ sẽ thay thế nhân viên như một bộ phận mới.”
Ngược lại với những người nước ngoài tuyển dụng, các cựu nhân viên người Việt cho biết họ có cảm giác tự hào dân tộc khi làm việc cho VinFast và nỗ lực hướng tới tầm nhìn của Chủ tịch công ty về việc xây dựng một tập đoàn xe điện có vị thế lãnh đạo toàn cầu tại Việt Nam. Đối với họ, điều nầy miễn trừ một số yêu cầu khắt khe của nơi làm việc.
“Tôi là một người yêu nước. Tôi lớn lên gần một nhà máy lắp ráp ô tô. Tôi đã chứng kiến nhiều công ty tuyển người, tuyển nhân viên rồi phá sản. Tôi muốn thấy một lĩnh vực sản xuất phát triển mạnh mẽ”. Tiến – cựu nhân viên bộ phận xe tay ga điện tử của VinFast nói: “VinFast cần bắt kịp các quốc gia đã có thời gian phát triển sản phẩm của mình. Thức cả ngày lẫn đêm là chuyện bình thường.” [1]
Tuy nhiên, trong hai năm qua, hình ảnh của công ty từng được tôn vinh là một công ty khởi nghiệp địa phương, tuy yếu ớt nhưng thành công, hiện đang bị phản biện qua nhiều mặt. Vào tháng 5/2023, VinFast đã thu hồi toàn bộ 999 chiếc SUV điện đã xuất khẩu sang thị trường Mỹ do “lỗi phần mềm”, khiến màn hình bảng điều khiển chính bị xóa, khiến các thông tin an toàn quan trọng không thể hiển thị.
Bất chấp nhiều lần trì hoãn trong kế hoạch phát hành và bán cổ phiếu tại Hoa Kỳ, công ty đã thực hiện kế hoạch này thông qua SPAC mà tại một thời điểm, công ty được đánh giá ở 23 tỷ đô la. Một hồ sơ pháp lý gần đây tiết lộ rằng khoản lỗ ròng của VinFast đã lên tới 599 triệu đô trong quý 1 năm 2023.
VinFast đã phải đối mặt với những thách thức đáng kể trong suốt năm 2023, nhưng theo Kevin Riddell, giám đốc cấp cao của công ty tư vấn GlobalData có trụ sở tại London, đây là một công ty trẻ và những điều này cần có thời gian. Ông nói: “Nhiều thách thức trong số này, bao gồm cả việc thu hồi và các vấn đề về chất lượng, có thể được giải quyết”. [1]
Sau khi bán được 7.400 xe điện trên toàn cầu vào năm 2022, VinFast đặt mục tiêu bán được từ 40.000 đến 50.000 xe điện trong năm 2023. Bất chấp sự hoài nghi từ cả bên trong công ty và giới quan sát công chúng, công ty vẫn chưa có dấu hiệu bỏ cuộc. Họ thậm chí còn thông báo rằng họ sẽ bắt đầu xây dựng nhà máy xe điện ở Bắc Carolina trong cuối năm 2023.
Vào năm 2016, ông Phạm, ông chủ của Tập đoàn VinGroup, đã có bài phát biểu dự đoán một số khó khăn hiện tại của công ty. “Có lẽ, chỗ này chỗ kia, có thể có những điều không hoàn hảo, chưa tốt. Không sao đâu,” ông nói. “Nếu chúng tôi sai, chúng tôi sẽ sửa nó. Nếu chúng ta bị vùi dập, chúng ta sẽ lớn lên khôn ngoan hơn. Đó là hiển nhiên.” [1]
Thế nhưng theo các nhân viên cũ, cách làm việc của VinFast là quan liêu, nặng phần kiểm soát và phân cấp trong một tổ chức kém, môi trường làm việc với bầu không khí tồi tệ và nền văn hóa độc hại. Các dự án có thời hạn gấp rút, nếu nhân viên mắc lỗi họ sẽ bị phạt rất nhiều, không có cơ hội sửa lỗi để hoàn thiện cách làm việc. [2]
Công ty lập kế hoạch không đúng, đầu tư vô ích, không nắm rõ quy trình thị trường, không sẵn sàng chấp nhận khi không biết, né tránh ý tưởng mới, không có cơ hội để chuyên gia xử lý, không sẵn sàng đào tạo, không chịu học hỏi các chuyên gia và công ty có khuynh hướng tìm kiếm các lối tắt để có kết quả tốt tạm thời. [2]
Công ty chưa sẵn sàng thực hiện theo kế hoạch thời gian, mọi hoạt động và quy trình thường chỉ bắt đầu khi quá trễ. Công ty làm việc theo phong cách quản lý từ trên xuống và hầu như không chú ý đến việc phát triển nhân lực, không chịu tạo dựng một nền văn hóa về cách làm việc, cũng như cân bằng về công việc và cuộc sống cho nhân viên. [2]
__________
Nguồn:
- Adnan Bhat. Endless pivots and mass departures: Inside VinFast’s chaotic U.S. expansion. Rest of World 26/07/2023; Available from: https://restofworld.org/2023/vinfast-ev-ipo-us-rollout-trouble/.
2. reviewers. VinFast Reviews based on 21 reviews. Accessed 03/03/2024; Available from: https://www.ambitionbox.com/reviews/vinfast-reviews.
Leave a Comment