Phần đáng đọc nhất.
Cuộc chiến tranh do Trung Quốc gây ra mở màn hôm 17.2.1979 nhìn dưới góc độ của người Việt tử tế, đó là cuộc chiến tranh xâm lược. Kẻ đem quân đi đánh nước khác ngay trên đất nước ấy, không là chiến tranh xâm lược thì là gì? Bản thân nhà cầm quyền Trung Quốc thừa hiểu điều đó nhưng nó cố tránh, gọi trẹo đi thành “dạy cho Việt Nam một bài học”. Lạ ở chỗ, có những người Việt Nam lại cố tình không hiểu, cũng tìm cách gọi trẹo như Trung Quốc. Hệt như lúc này, người ta vì lý do khốn nạn nào đó không dám gọi bọn Nga xâm lược Ukraine là bọn xâm lược, chỉ dám rụt rè thập thò bằng “chiến dịch quân sự đặc biệt”. Ông hàng xóm nhà tôi bảo chiến dịch chiến dịch cái mả bà nhà chúng nó.
Xin hỏi nhà cầm quyền xứ này, vậy đó là “cuộc chiến tranh biên giới phía bắc”, “chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc”, hay “cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc”? Xin nhớ, xét về bản chất, về quy mô, nội hàm, thì biên giới với tổ quốc khác nhau một trời một vực.
Đây là cuộc xâm lược quy mô cực kỳ lớn, có thể nói là lớn nhất từ xưa đến nay, trong một thời gian rất ngắn. Trung Quốc huy động tới 600.000 quân (hơn nửa triệu quân), huy động cùng lúc, đánh đồng loạt, mục đích đánh sâu vào nội địa rõ ràng, thậm chí còn hô hào đánh tận Hà Nội, chứ không phải là cuộc gây sự, quấy rối, lấn đất. Chính quyền hiện tại và các nhà chép sử cần công khai làm rõ điều: Đây là cuộc xâm lược (của Trung Quốc), cuộc chiến tranh chống xâm lược, bảo vệ tổ quốc (của Việt Nam) hay chỉ là “cuộc chiến tranh biên giới, “chiến tranh bảo vệ biên giới”? Xin nhớ, nó kéo dài suốt 10 năm trời, từ đầu năm 1979 tới cuối năm 1989, chứ không phải chỉ có 1 tháng (từ ngày 17.2 tới 16.3.1979) như bị nhà nước giấu nhẹm đi.
Muốn biết cuộc chiến đấu của Việt Nam chống Trung Quốc những năm đó là “chiến tranh biên giới phía bắc” hay “chiến tranh bảo vệ tổ quốc”, có lẽ cần lật giở… từ điển, chứ đừng đợi ở các nhà sử học và chính quyền.
Theo “Từ điển Hán Việt” của cụ Đào Duy Anh, “biên” là bên cạnh, chỗ giáp giới với nước khác, vùng đất khác; “giới” là hạn, nơi quy định không thể vượt qua. “Biên giới” là chỗ giáp giới giữa hai nước. “Từ điển tiếng Việt” của Viện Ngôn ngữ học cũng giải nghĩa “biên là phần sát cạnh của một bề mặt (một nước, sân bóng, khu đất…). Từ đó, ta có thể hiểu, đường phân định lãnh thổ giữa hai nước gọi là đường biên. Biên ải là cửa ải nơi biên giới, lối để sang nước khác. Biên giới là chỗ hết phần đất của nước này để sang nước khác. Biên cương là vùng núi giáp giới hai nước (cương là sườn núi, sống núi, dải núi). Biên phòng là phòng thủ, giữ gìn, bảo vệ biên giới, ranh giới quốc gia, không để kẻ bên ngoài xâm phạm. Bộ đội biên phòng là lực lượng thực thi nhiệm vụ ấy.
Dài dòng thế, để nói rằng những điều liên quan tới biên giới, tuy là vấn đề mang tính quốc gia, nhưng trong phạm vi hẹp chỉ của vùng đất chứ không phải tổ quốc. Trung Quốc kéo hơn 60 vạn quân sang đánh ta là hành vi xâm lược chứ không phải chỉ quấy rối biên giới, lấn chiếm đất theo kiểu tham đất của những hàng xóm láng giềng, nay lấn bờ này, mai lấn khúc nọ. Chiến đấu chống lại chúng nó, đánh đuổi chúng nó là cuộc chiến đấu chống xâm lược bảo vệ tổ quốc chứ không phải chỉ trong phạm vi biên giới. Phải rõ ràng, chính xác như thế. Đừng có mập mờ, xóa nhòa đi, vừa làm mờ đi khuôn mặt kẻ xâm lược, che giấu tội ác của chúng, vừa hạ thấp mình, tự đánh mất chí khí, bản lĩnh mà tiền nhân để lại “Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm/Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư” (quân giặc cớ sao sang xâm lược/chúng bay sẽ thấy bị đánh tơi bời”.
Gọi chính xác tên một cuộc chiến tranh là trách nhiệm của mọi người, nhất là nhà cầm quyền và những người mang danh “sử học”. Đừng để lịch sử bị méo mó, sau này các thế hệ con cháu coi thường, xem như một vết nhơ trong lịch sử nước nhà.
Đừng để năm mười năm nữa lại phải ra một sách trắng bóc trần, kiểu cuốn “Sự thật về mối quan hệ Việt Nam – Trung Quốc” như năm 1979.
Lạ là, cả chính quyền lẫn dân chúng xứ này rất sốt sắng tranh luận về sự đúng sai của những chữ nghĩa đời thường như “bến, ga, cảng” nhưng lại cực kỳ thờ ơ với danh dự dân tộc, quốc gia, mà cách gọi tên cuộc chiến tranh chống Trung Quốc xâm lược là ví dụ rõ nhất.
Nguyễn Thông
Ảnh: Rất nhiều người biết bức ảnh này, nhưng không biết người chụp nó. Tác giả ảnh là nhà báo Thái Sơn, phóng viên báo Thanh Niên. Ảnh được đăng lần đầu tiên trên báo Thanh Niên năm 2009 nhân kỷ niệm 30 năm cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc xâm lược. Anh Thái Sơn cũng là cộng sự đắc lực của nhà báo Nguyễn Việt Chiến trong vụ phanh phui tham nhũng PMU18. Một thời oanh liệt.
Leave a Comment