Rừng khuya rồi sẽ sáng. Không hôm nay thì ngày mai. Bởi vì, ‘bao giờ mai cũng sẽ là một ngày mới’ (After all, tomorrow is another day). Xã hội dân sự là quá trình tiệm tiến và phi bạo lực. Sứ mệnh cao cả của ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ chính là thắp sáng niềm tin từ đêm dài toàn trị…
Đinh Hoàng Thắng
Ngày 24/2/2024, ‘Bố cáo nhân mười năm ra đời của Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ (CLB LHĐ) xuất hiện như một đốm lửa, như một ngọn nến giữa rừng khuya của chế độ.
Chế độ ấy giờ đây chỉ còn cộng sản ở cái tên, chỉ cộng sản trên danh xưng nên lại càng sắt máu. Trong lịch sử, khi người Pháp thốt lên ‘cách mạng ăn thịt chính những đứa con của mình’ (la révolution mange ses enfants), tức là họ đã cảnh báo trước nguy cơ ‘quyền lực bị tha hóa’, có nghĩa là cuộc đổi đời nào cũng dễ bị phản bội.
Đó chính là lý do vào phút cuối trên giường bệnh, trước khi nhắm mắt lìa đời, Lê Hiếu Đằng đã nhận thức ra, và dám kêu gọi hành động để chứng tỏ sự ‘phản tỉnh hoàn toàn’ của mình. Ngọn cờ thiêng ngày nào nhưng tay những người phất cờ giờ đã bị hoen ố.
Trong đêm trường của thể chế công an trị, đốm lửa của tổ chức dân sự có tên ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng’ vẫn không tắt. Những tia lửa ấy lấp lánh xuyên màn đêm.
Bằng chứng là Câu lạc bộ đã ra đời từ mười năm trước nhưng cam kết trong ‘Bố cáo’ mới đây vẫn khẳng định: ‘Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng (CLB LHĐ) tiếp tục kiên trì, bền bỉ thực hiện sứ mệnh của mình’, cùng với các tổ chức XHDS khác như CLB Phan Tây Hồ, Diễn đàn Xã hội Dân sự…” (1).
‘Như đứa trẻ sinh nằm trên cỏ’ (Tố Hữu), vừa ra đời, CLB LHĐ bị mắc kẹt ngay giữa hai làn đạn. Một số anh chị em từ hải ngoại đã công kích, coi những người khởi xướng CLB muốn noi gương Lê Hiếu Đằng, nhưng lại không vượt qua nỗi sợ hãi, thay vì thành lập ngay một chính đảng đối lập với đảng CSVN giống với Đảng Dân chủ Xã hội, như ước muốn chưa đạt của người đã khuất, các anh chỉ thành lập ‘Câu lạc bộ mang tên Lê Hiếu Đằng’.
‘Phản pháo’ từ Đảng Cộng sản và chính quyền trong nước cũng kịch liệt không kém, đã quy kết cho xã hội dân sự (XHDS) nói chung và bản thân CLB Lê Hiếu Đằng nói riêng ‘được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng nhằm thực hiện mưu đồ chuyển hóa chế độ chính trị ở Việt Nam’. Vẫn theo lập luận của Tuyên giáo, sau thất bại trong hoạt động chống phá Việt Nam ở các giai đoạn trước, hiện nay, các thế lực thù địch xem việc củng cố và thúc đẩy ‘XHDS’ theo mô hình phương Tây là một hướng đi mới, là một trong những phương thức tác động cơ bản của chiến lược ‘diễn biến hòa bình’, với mưu đồ xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam. Mục đích bị tố giác ở đây là ‘lợi dụng vấn đề XHDS để tìm cách thúc đẩy sự xuất hiện các lực lượng, tổ chức chính trị đối lập, làm suy yếu sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa, xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam’ (2).
Án tại hồ sơ! Nếu chiểu theo các điều 117 và 331 của Bộ Luật hình sự thì tất cả những ai đến với CLB đều có thể vào “nhà đá.”
Nhưng rồi CLB LHĐ vẫn cứ ra đời, vẫn cứ an nhiên tồn tại và phát triển liên tục suốt hơn mười năm qua! Đơn giản là bởi vì, sứ mệnh của CLB không phải như anh em bên ngoài tưởng tượng, mà cũng chẳng giống với các điều tra bên an ninh Bộ Công an quy kết. Như ‘Bố cáo’ đã chỉ rõ, mục đích và sứ mệnh của CLB là ‘truyền bá và thực hành tư tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh: Góp phần ‘KHAI DÂN TRÍ, CHẤN DÂN KHÍ, HẬU DÂN SINH’ một cách ôn hòa, bất bạo động; Từ đó mong muốn hình thành nên xã hội dân sự, góp phần thúc đẩy dân chủ hoá, tiến bộ xã hội. Bởi lẽ, đấy là chiều hướng phát triển tất yếu của thực tiễn và lịch sử Việt Nam, đồng thời hoàn toàn phù hợp với các xu thế thời đại: toàn cầu hóa chính trị (dân chủ hóa), toàn cầu hóa kinh tế (tự do hóa thị trường) và kiến tạo một chế độ do dân, vì dân (nhà nước pháp quyền). Sự hình thành ‘tam vị nhất thể’ này là xu hướng không thể đảo ngược. Để thực hiện tôn chỉ mục đích của mình, CLB chủ trương đấu tranh cải thiện tình hình từng bước một, dù kết quả ban đầu còn khiêm tốn thì vẫn hơn các hoạt động lật đổ. Đối lập chưa bao giờ đồng nghĩa với lật đổ!
Với những chủ trương như thế, thiết nghĩ tất cả anh chị em cả trong nước lẫn hải ngoại, đều đồng lòng nhất trí. Với quá trình chắt lọc, chuyển hóa chế độ độc tài, tích lũy cho đủ ‘lượng dân chủ’ để chuyến hóa ách ‘độc tài’ thông qua tiến trình ‘dân chủ hóa’. Giống như hiện tượng nước sôi ngưỡng 100 độ thì mới bốc hơi; hay giống như thời gian cần và đủ cho con ngài ‘lột xác’ thành bướm. Đấy là qui luật khách quan mà ý chí chủ quan của con người không ai có thể cưỡng lại được, không một thế lực nào dù chuyên chế đến mấy cũng không thể ngăn chặn nổi. Chính những người ban đầu phê phán CLB về sau hẳn cũng sẽ đồng ý như thế! (3) Sự nghiệp Đổi mới càng diễn tiến, Việt Nam ngày càng đi vào giai đoạn của sự cởi mở tương đối, bao gồm cả xã hội dân sự. Một trong những đỉnh cao đáng ghi nhớ là năm 1995, sau khi Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, ký Hiệp định khung với EU và gia nhập ASEAN. Từ đấy, các nguồn đầu tư nước ngoài bắt đầu gia tăng, số lượng đáng kể các tổ chức phi chính phủ (NGO) bắt đầu hoạt động trong nước. Cục diện địa-chính trị và địa-kinh tế của Việt Nam từ 2023 càng mở ra một số hứa hẹn…
Mười năm chỉ là một chặng. So với toàn bộ cuộc tiến hóa, con đường phía trước không kém phần chông gai và thách thức. Nhưng sự vật rồi sẽ không phải phát triển theo cấp số cộng, chúng sẽ tiến hóa theo ‘phép lũy thừa’ một khi bắt đầu có sự chuyển động. Cho nên hãy tạo các cơ sở nền tảng để sự vật tự nó vận động và phát triển. Cộng đồng người Việt trong và ngoài nước có nhiều quan điểm khác nhau về đánh giá tình hình là chuyện bình thường. CLB lắng nghe tất cả, vì quan điểm thì không thể nói đúng hay sai, đó chỉ là quan điểm. Đúng hay sai phải có thời gian kiểm nghiệm. Nhưng những người trên thực địa, thông qua trải nghiệm đấu tranh từ chính cuộc đời của họ, bao giờ cũng có cách nhìn gần sát với thực tế. Bàn về quá trình tiến hóa để đi đến dân chủ, ở Việt Nam hiện đang sôi động một cuộc thảo luận về ‘con đường Phan Châu Trinh’. TSKH Nguyễn Quang A có một tiểu luận đi tìm trả lời cho câu hỏi: ‘Vì sao Phan Châu Trinh chưa thành công?’
Sau khi nêu sáu tư tưởng của Phan Châu Trinh, TSKH Nguyễn Quang A cho rằng, công cuộc hiện đại hóa không nhất thiết dẫn đến dân chủ, nó tạo ra một số điều kiện cần nhưng chưa đủ cho quá trình dân chủ hóa (chẳng hạn các nước rất giàu ở Vùng Vịnh, hay sự phát triển về kinh tế, khoa học công nghệ, hiện đại hóa của Trung Quốc đã không trực tiếp dẫn đến dân chủ). Nhưng điều tuyệt vời là, theo nghiên cứu của TSKH Quang A, lý thuyết dân chủ hóa toàn diện nhất hiện nay – được công bố năm 2013 – lại minh chứng rất rõ ràng cho các tư tưởng chủ đạo mà Phan Châu Trinh đã đưa ra hơn một trăm năm trước đây (4). Tiếc thay Phan Châu Trinh mất quá sớm, tư tưởng của Cụ chưa thâm nhập sâu vào các tầng lớp nhân sĩ trí thức và quần chúng nhân dân, trong khi tình hình thế giới thì chuyển biến quá mau lẹ. Vì thế, quan điểm bạo lực cướp chính quyền áp đảo quan điểm cải tạo ôn hòa. Việc cải tạo ôn hòa đòi hỏi phải có thời gian dài đấu tranh chuyển hóa sự vật từng bước một.
Ngày nay chúng ta tiếp tục thực hành tư tưởng của chí sĩ Phan Châu Trinh như thế nào có thể tìm thấy tại các kết luận của tiểu luận. Nội dung các kết luận ấy ‘update’ kiến thức mới của thời đại, xứng đáng được bàn luận rộng rãi trong nhiều giới, nhằm đạt tới những suy nghiệm nghiêm túc để hành động trong tình hình hiện nay. Ở đây, chỉ nhấn mạnh một trong những kết luận quan trọng nhất, Phan Châu Trinh chưa thành công, bởi vì người Việt thời bấy giờ chưa hiểu hết các ý tưởng của Cụ. Thậm chí, các nhà cầm quyền ở Việt Nam từ bấy đến nay hầu như đều làm ngược lại tư tưởng của Cụ, đặt nặng duy nhất vào phương pháp bạo động, vọng ngoại, không chú ý đến việc xây dựng các nguồn lực hành động của nhân dân, thậm chí có những lúc còn hủy hoại chúng (cải tạo công thương, tiêu diệt khu vực kinh tế tư nhân, ngăn sông cấm chợ gây khó khăn cho phát triển kinh tế, cho các nguồn lực vật chất; ngăn cản sự phát triển lành mạnh của xã hội dân sự gây hại cho nguồn lực kết nối; đàn áp khốc liệt các phong trào xã hội) (5). Muốn phát triển đất nước, chúng ta cần tiếp tục bổ sung và làm phong phú thêm các tư tưởng của Cụ Phan và thực hiện chúng ngay trong hiện tại và tương lai để tiếp tục ‘con đường của Phan Châu Trinh’.
Tham khảo:
(1) https://baotiengdan.com/2024/02/25/bo-cao-nhan-10-nam-ra-doi-cua-cau-lac-bo-le-hieu-dang/
(4 và 5) https://www.luatkhoa.com/2024/02/vi-sao-phan-chau-trinh-chua-thanh-cong/
Leave a Comment