Ngày 17/2/1979, Trung Quốc mở chiến dịch biên giới tấn công Việt Nam. Cuộc chiến đã nhanh chóng kết thúc ở quy mô đánh chính quy sau khoảng một tháng nhưng thật ra những xung đột vẫn tiếp diễn trong suốt 10 năm sau đó ở xung quanh khu vực biên giới. Chỉ cho đến khi Liên Xô sụp đổ và chứng kiến làn sóng dân chủ hoá diễn ra ở khắp Đông Âu, giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam mới hoảng sợ vì mất chỗ dựa nên đã chọn quay lại quy phục Trung Quốc hoàn toàn ở Hội nghị Thành Đô.
Cuộc quy phục đó là lý do mà ngày nay Việt Nam đã trở thành một phiên bản mờ nhạt của Trung Quốc, các cán bộ chính trị cao cấp của Việt Nam được gửi sang Trung Quốc để huấn luyện, hàng hoá Trung Quốc ngày nay tràn ngập Việt Nam và một diện tích đất rất lớn của Việt Nam ở khu vực biên giới đã mất vĩnh viễn hoàn toàn.
Giới lãnh đạo ở Việt Nam đã luôn cố quên đi ngày này. Họ có lý do của họ.
Thứ nhất, lịch sử của đảng Cộng sản được viết bởi những sử gia của chế độ phải luôn là những cuộc chiến thần thánh, luôn thắng, không thua. Trong cuộc chiến tranh biên giới này, Việt Nam đã chịu một thiệt hại lớn về người, các thành phố vùng biên giới đã bị phá huỷ, và một sự mất mác rất lớn về diện tích đất. Đó là một sự thất bại hoàn toàn.
Lý do thứ hai, như đã đề cập ở trên, đó là giới lãnh đạo đảng Cộng sản đã chọn quy phục hoàn toàn Trung Quốc. Cuộc chiến biên giới là một phần của hậu quả mà ở đó giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam đã phản bội lại tình cảm và sự trợ giúp của những người đồng chí cộng sản từ Trung Quốc cho họ. Giới lãnh đạo đảng Cộng sản của Việt Nam đã tranh thủ nhận viện trợ từ cả Trung Quốc và Liên Xô cho cuộc chiến chống Mỹ. Nhưng khi cuộc chiến kết thúc, giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam đã chọn đứng về phía Liên Xô để chống lại Trung Quốc. Đó là lý do mà Đặng Tiểu Bình tuyên bố sẽ dạy cho Việt Nam một bài học — bài học về sự trung thành, về tình đồng chí, tình bạn. Ngày nay, chấp nhận khấu đầu trước đảng Cộng sản Trung Quốc, lẽ dĩ nhiên những lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam chẳng lấy gì làm hay ho về sự phản trắc của mình trong quá khứ cho nên đã chọn cách im lặng trước sự kiện lịch sử này.
Lý do thứ ba đó là đáng lẽ ra cuộc chiến này đã không xảy ra nếu giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam khôn ngoan hơn trong đối ngoại và đối nội.
Sau khi chiến thắng trong cuộc chiến, giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam rất huênh hoang và ngạo mạn, tự xem mình ở vị trí mà những nước láng giềng phải thần phục. Hãy xem nội dung buổi đối thoại giữa thủ tướng Việt Nam lúc bấy giờ với thủ tướng Lý Quang Diệu của Singapore là một ví dụ. Lý Quang Diệu đón chờ Phạm Văn Đồng tới để thực hiện các trao đổi thương mại. Ngược lại, ông Đồng tới để yêu cầu Singapore phải có bổn phận hỗ trợ Việt Nam tái thiết đất nước với lý do là Singapore là nước hưởng lợi từ cuộc chiến Việt Nam mặc dù ông Diệu có giải thích rằng Singapore chẳng hưởng lợi được bao nhiêu vì các công ty xăng dầu đều là của Mỹ hết, Singapore hưởng lợi không đáng kể. Cách nói chuyện và yêu cầu giống như là một đàn anh có sứ mệnh đem tư tưởng xã hội chủ nghĩa đi gieo rắc khắp khu vực Đông Nam Á và sẵn sàng đe doạ các nước láng giềng.
Tâm lý đó giải thích lý do Việt Nam dưới sự lãnh đạo của giới lãnh đạo đảng Cộng sản lúc bấy giờ đã không muốn vội vàng cải thiện và bình thường hoá quan hệ với phía Mỹ. Đối với người Mỹ, Việt Nam lúc này đã không hợp tác để tìm kiếm người Mỹ mất tích và thậm chí đòi bồi thường và hỗ trợ tái thiết từ phía Mỹ.
Chiến thắng Việt Nam Cộng Hoà đã khiến cho giới lãnh đạo đảng Cộng sản Việt Nam trở nên tự tin. Vì lý do đó mà họ đã không ngại ngần đưa quân vào Campuchia để đánh Polpot và quyết định ở lại đó 10 năm trời. Việc phải tấn công Polpot để bảo vệ đất nước là đúng nhưng việc chiếm đóng kéo dài nó đã gây ra một hệ quả to lớn là Việt Nam khó có thể biện minh cho hành động đóng quân lâu dài của mình ở Campuchia trước các cáo buộc xâm lược. Hậu quả là Việt Nam bị cô lập; cô lập ngay trong chính các nước Đông Nam Á và cô lập ngay cả trên trường thế giới.
Bên cạnh đó, việc tiếp tục các trại cải tạo, việc trấn áp người Hoa và làn sóng thuyền nhân đã khiến thế giới bắt đầu nhìn lại thái độ của mình đối với giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam.
Khi chọn đứng về phía Liên Xô, ngay lập tức Việt Nam đã trở nên bị cô lập bởi thế giới phương Tây trong cuộc Chiến tranh Lạnh. Nhưng những chính sách cả đối ngoại và đối nội sau đó của giới lãnh đạo đã đưa Việt Nam trở nên cô lập hơn và trở thành một cái gai trong mắt các nước thuộc thế giới tự do.
Cuộc chiến biên giới do đó diễn ra khi Trung Quốc biết rằng Việt Nam không có bạn và một cuộc chiến như vậy thì Trung Quốc chắc chắn sẽ thắng vì họ lớn và mạnh hơn. Những yếu tố khác như Đặng Tiểu Bình muốn củng cố quyền lực, bảo vệ người Hoa hay bảo vệ đồng minh Polpot để tiến hành cuộc chiến chỉ là những lý cớ. Bởi vì nếu Trung Quốc lúc bấy giờ thấy rằng họ sẽ không thể thắng Việt Nam vì Việt Nam có nhiều đồng minh và bạn bè, và Việt Nam là một đối tác hữu nghị và thân thiện với tất cả các láng giềng thì không có lý do gì họ lại tiến hành một cuộc chiến vì nó tốn kém, vô bổ, và hại nhiều hơn lợi.
Chính sách đối ngoại và đối nội mang nặng tính côn đồ của giới lãnh đạo cộng sản thời Lê Duẩn đã chỉ đem lại cho Việt Nam chiến tranh, cô lập, đói nghèo, và vô vọng. Các thế hệ lãnh đạo sau Lê Duẩn đã hiểu đời và hiểu vị thế của mình hơn nhưng không có bản lĩnh nên đã quyết định quy phục Trung Quốc.
Ngày nay, những kinh nghiệm xương máu ở trên đã làm thức tỉnh giới lãnh đạo đảng Cộng sản và mở đường cho chiến lược đa phương hoá. Tuy vậy, với chính sách ngoại giao cây tre ở bên ngoài còn quy phục đảng Cộng sản Trung Quốc bên trong, Việt Nam thật sự không có bạn một khi diễn ra một cuộc chiến biên giới lần tới.
Nguyễn Huy Vũ
Leave a Comment