Trần Hiếu Chân (RFA)
Suốt mấy tuần lễ Tổng bí thư vắng mặt trước và sau Tết, sân khấu chính trị Ba Đình căng như một dây đàn, nhưng thứ dân thì vẫn thờ ơ, trơ lì trước mọi biến động của thời thế mà không hề chờ đợi, không hề hy vọng bất cứ điều tốt lành nào.
_______________________
Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng ốm yếu phải ra ra vào vào bệnh viện nay không còn là tin nhậy cảm. Sau thời gian vắng mặt dài, ông xuất hiện trở lại Quốc hội. Sáng 15/1/2024 ông đã dự lễ khai mạc kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khoá 15, dập tan những nghi vấn về sức khoẻ của ông những ngày cuối năm (1). Liền kề, ông lại “bốc hơi” thêm hơn hai tuần lễ liền. Chiều 31/1/2024, tại hội nghị Trung ương bất thường, ĐCSVN đã quyết định cho Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, được hạ cánh an toàn, nhưng tin tức chính thức không khẳng định mà cũng không bác bỏ ông Trọng có hay vắng mặt tại cuộc họp này.
Theo các nguồn nội bộ không muốn tiết lộ danh tính, sau lần “giả chết bắt quạ” trước Tết của TBT, các thế lực bước đầu đã “biểu dương” lực lượng. Sáng 10/1/2024, tại Hà Nội, Bộ trưởng Công an – Đại tướng Tô Lâm tiếp Thứ trưởng Công an Trung Quốc Trần Tư Nguyên; nêu rõ đây là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo Bộ Công an sau chuyến thăm của ông Tập Cận Bình và đây cũng là đoàn đại biểu cấp cao nước ngoài đầu tiên mà Bộ Công an đón tiếp trong năm mới; nhấn mạnh “hợp tác quốc phòng – an ninh thực chất hơn” giũa hai nước (2).
Và rồi ông Trọng một lần nữa tái xuất hiện. Sáng 7/2/2024 (tức 28 tháng Chạp), ông đã đến dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại nhà 67, Khu di tích Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch (3). Bách tính thấy ông lầm rầm khấn vái, không rõ ông nói những gì, nhưng đây là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trút hơi thở cuối cùng. Kế đó, sáng 13/2/2024, Tổng bí thư lại đến dâng hương tỏ lòng thành kính các bậc tiên đế tại Điện Kính Thiên, khu di tích Hoàng thành Thăng Long (4).
Thắp hương khấn vái ngay trên vùng đất phủ lấp bao đời vua, không rõ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có suy nghĩ gì về sự hưng phế của các triều đại, và cũng không biết ông có những dự cảm gì, khi thấy mình chỉ vừa mới vắng mặt thời gian ngắn mà các “thủ túc” rục rịch ra quân, còn giới truyền thông thì “bình loạn” nhiều phương án quá! Ông Trọng có chạnh lòng nhớ đến Vua Tự Đức năm xưa? Không con nhưng có đến ba người con nuôi mà không biết nhường ngôi cho ai? Chính xác hơn, khó biết ai trong số mình chấm sẽ là người trung thành khi ông Tổng rời cõi tạm để đi gặp các Cụ Mác – Lê – Hồ?
Các triều đại xưa, quân chủ chuyên chế hay phong kiến tập quyền chỉ thuộc về một dòng họ duy nhất. Ngày nay, dưới triều đại “Đảng chủ” và “Vua Tập thể” (từ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dùng một thời) thì sự phân quyền có khác (5). Nhưng khác hay giống với ngày xưa thì ở đây đều có một mẫu số chung. Đó là con dân xứ Đông Lào ngày nay vẫn bị bỏ rơi trong các cuộc “chia quả thực” thời 4.0…
Mà con dân nước Việt thời nào cũng vậy. Xưa thì “đầu tắt mặt tối”,“bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, vất vả suốt ngày đêm. Nay thì “đổ mồ hôi sôi nước mắt” trong cuộc mưu sinh hàng ngày, hoặc phải bán sức lao động, kể cả đi ở đợ, làm gái bên xứ người. Bị vắt kiệt sức lực bởi các loại tư bản “loang lổ”, không riêng gì “đỏ” hay “vàng”. Không giống hàng trăm quốc gia dân chủ khác trên thế giới, tất cả “thần dân” xứ này hiển nhiên đều bị loại khỏi “trò chơi vương quyền” một cách không thương xót.
Quan niệm của người dân giờ đây đối với giới chóp bu đa phần hầu như không còn mấy lòng tin vào bất cứ một “thế tử” nào trong đám cầm quyền. Phe phái nào lên thì đều “vũ như cận” đối với họ. Câu cửa miệng hiện nay là cóc nào chẳng là cóc, dù là “tía” hay “nâu”, phần lớn đều là hiện thân của lòng tham và tội ác. Ngoại trừ một phạm vi hẹp trong giới quan sát, còn phần đông người dân đều thờ ơ, không mấy quan tâm đến thời cuộc. Đối với đám được hưởng lợi trực tiếp hoặc gián tiếp từ sự chia chác nói trên, họ thích tụng ca bài “đất nước này là của chúng mình”, thả sức tùy ý “cuốc ngang hay bổ dọc”.
Suốt mấy tuần lễ Tổng bí thư vắng mặt trước và sau Tết, sân khấu chính trị Ba Đình căng như một dây đàn, nhưng thứ dân thì vẫn thờ ơ, trơ lì trước mọi biến động của thời thế mà không hề chờ đợi, không hề hy vọng bất cứ điều tốt lành nào. Còn các phe phái, sau khi tuốt gươm cũng đã kịp nhận ra, cơ hội tỉ thí chưa tới. Dàn xếp để Võ Văn Thưởng chúc Giao Thừa “bá tánh” xong, các bên tra gươm vào vỏ, tạm lui binh, sau khi thỏa thuận được với nhau phương án “quả thực” đầu năm (6).
Đã có nhiều những đồn đoán về việc sắp xếp trong “Tứ trụ” một khi ông Trọng ra đi. Các ứng cử viên còn lại trừ vị trí Chủ tịch nước của ông Võ Văn Thưởng, bao gồm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Bộ trưởng Công an Tô Lâm chia nhau các ghế Tổng bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch Quốc hội. Cũng có nguồn tin chưa xác định cho rằng ông Phạm Minh Chính sẽ ngồi vào ghế Tổng bí thư và để hai ghế còn lại cho ông Huệ và ông Tô Lâm, nhưng cũng có bình luận khác nhận định rằng thỏa hiệp này chỉ là tạm thời cho đến năm 2026 (năm của Đại hội 14).
Nhưng theo một số đánh giá khác thì cuộc “chia quả thực” đầu năm này trong biến động của bước đường cùng là chắc chắn, gần như mặc định và sẽ không thay đổi giữa chừng nữa. Nhưng việc chia chác này, khỏi phải mổ sẻ nhiều, sẽ có những tác động rất tiêu cực đối với mọi sinh hoạt kinh tế và xã hội của đất nước.
Trong bộ máy quyền lực sắp xếp như trên, xu hướng chuyên chế, đàn áp sẽ vượt trội hơn so với thời kỳ trước đây. Hơn một nửa của “Tứ trụ” vẫn là công an và an ninh tư tưởng (Chính, Tô Lâm và Thưởng). Nhưng từ nay họ sẽ không phải dè chừng để kiếm phiếu, hẳn nhiên bộ máy sẽ tăng cường trấn áp, bắt bớ và toàn xã hội sẽ tiếp tục bị bóp nghẹt…
Cũng phải nói thêm, việc “chia quả thực” đầu năm nói trên còn cần được chính thức hóa (một cách hình thức) tại phiên họp Trung ương đặc biệt và phải được sự “chuẩn thuận” từ phía bên kia biên giới. Có điều Tập Cận Bình cũng đang vào hồi rối ren, nên khi thấy ở “thuộc quốc”, các phe phái thỏa hiệp được với nhau thì nhiều phần Bắc triều rồi cũng sẽ chấp nhận để cho con thuyền “cùng chung vận mệnh” (CCD) bớt tròng trành.
Tuy nhiên, vẫn tiểm ẩn một phương án có khả năng đe dọa “bàn cỗ” đầu năm. Đó là “những con ngựa ô” đang náu mình, chưa xuất hiện công khai. Lực lượng này tuy không mạnh bằng “Tứ trụ” đương quyền, nhưng họ đại diện cho khát vọng muốn thay đổi trên nhiều lĩnh vực. Màn “chia quả thực” đầu năm chỉ là biến động trước bước đường cùng, và về thực chất đó chỉ là “sự đánh tráo” các vị trí. Mục đích là để duy trì nguyên trạng.
Khát vọng muốn thay đổi của “phái ngựa ô” hẳn nhiên sẽ có sức cuốn hút đối với đa số từ hơn 200 Ủy viên Trung ương, những người đang đối mặt với sóng gió của nền kinh tế, muốn có đột phá sau trì trệ hiện nay. Phái này có lợi thế tiềm năng mà “Tam” trong “Tứ trụ” không thể có được, đó là khuôn mặt họ còn tương đối “sạch nước cản”, hoặc ít ra cũng đỡ lem luốc hơn và không bị giới hạn bởi độ tuổi. Vì vậy, “phái ngựa ô” này có khuynh hướng chấp thuận việc “chia quả thực” đầu năm chỉ là tạm thời. Tất cả phải chờ đến Đại hội 2026. Cho đến lúc đó, cả “Tam trụ” khó dành được các “giải đặc biệt” về tuổi tác như Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng thời Đại hội 13.
Và khi cuộc chia chác được đưa ra Đại hội thì câu chuyện có thể sẽ lại chuyển theo hướng khác. Ra Đại hội thì “bống có gan bống, bớp có gan bớp”, mỗi vùng miền và mỗi phái đều có thế mạnh riêng, không thể xem thường nhau được. Châu Thị Thu Nga hai lần xin được khai báo trước Tòa việc chạy 1,5 triệu đôla để vào đại biểu Quốc Hội… (7). Sự tỉ thí lần này giữa các phe phái của hơn hai trăm Ủy viên Trung ương chắc chắn sẽ phải “chi” nặng hơn. Chung cuộc sẽ được quyết định bởi “mạnh vì gạo, bạo vì tiền”. Cho đến lúc đó, mọi sự dàn xếp sau hậu trường chưa có gì là chắc chắn!
Tham khảo:
Leave a Comment