“Hội nghị Mỹ – Việt’ ngày 23/01/2024 tại Washington, D.C dường như muốn truyền đi thông điệp của giới think-tank từ cả hai phía: Có rất nhiều vấn đề then chốt và cấp bách đòi hỏi phải làm nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa cho mối quan hệ ‘đầy lôi cuốn’ đang chuyển đoạn, bước vào ‘tuổi trưởng thành’.
Sốt ruột nhưng vẫn hấp dẫn
Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Dũng khi được cử tọa đặt câu hỏi giả định, nếu giờ đây gặp Tổng thống Biden, Đại sứ sẽ nói gì? ‘Thưa Tổng thống, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả lớn lao, nhưng còn phải làm nhiều hơn nữa cho quan hệ Việt – Mỹ, vì thời gian không chờ đợi chúng ta’, ông Dũng trả lời.
Tại sao Đại sứ Việt Nam tỏ ra sốt ruột? Ông Dũng kêu gọi Washington chấm dứt việc gắn nhãn ‘nền kinh tế phi thị trường’ đối với Hà Nội, cảnh báo rằng việc duy trì các mức thuế trừng phạt đối với hàng hóa Việt Nam là điều có hại cho mối quan hệ song phương đang ngày càng thân thiết hơn (1). Còn bà Lindsey Ford, Phó Trợ ý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ ngược lại, tỏ ra lạc quan hơn khi bà nói: ‘Năm vừa qua là thời điểm thực sự hấp dẫn’ với việc hai nước nâng cấp mối quan hệ song phương lên ‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’ (CSP). Năm 2023 ‘không giống bất cứ điều gì tôi từng thấy, và tôi nghĩ, từ quan điểm của chúng tôi tại Bộ Quốc phòng, nó mang đến cho chúng ta một cơ hội thực sự thú vị để tiếp tục phát triển dựa trên sự hợp tác rất hứa hẹn mà chúng ta đã thực hiện trong nhiều thập kỷ’, bà đã nhấn mạnh như thế và tuy là một quan chức từ Bộ Quốc phòng, nhưng bà quan tâm đến bức tranh toàn cảnh của quan hệ Việt – Mỹ (2).
Thái độ bức xúc của Đại sứ Dũng tại Hội nghị phải chăng do ông thấy các trụ cột của CSP chưa được đẩy nhanh như nó phải có. Nếu thế, ông Dũng hẳn phải cám ơn Thượng Nghị sỹ Jeff Merkley (Dân chủ) khi ông TNS này phát biểu tại tiệc trưa 23/1: ‘Thật tuyệt vời khi nhìn thấy trình độ của một số doanh nghiệp kinh tế ở Việt Nam. Số lượng cơ sở hạ tầng đã được xây dựng chỉ trong vài thập kỷ; khu vực kinh tế thị trường được mở rộng; chắc chắn là một lĩnh vực sản xuất đang phát triển mạnh mẽ. Có rất nhiều cơ hội cho các công ty Hoa Kỳ đang hoạt động ở Trung Quốc nhưng nay lại muốn đặt chân ra ngoài Trung Quốc, do tình hình phức tạp trong mối quan hệ giữa chúng ta với Bắc Kinh, và Việt Nam có thể là một nơi thay thế. Ngoài ra, còn có cơ hội cho các công ty đang tìm kiếm chuỗi cung ứng muốn được phát triển bằng năng lượng tái tạo nhằm phát triển quan hệ đối tác với Việt Nam để – khi năng lượng tái tạo mở rộng ở Việt Nam – có thể xây dựng nền sản xuất ‘zero-carbon’ hoặc ít carbon hơn. Đây là cơ hội cho Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào than đá sang nền kinh tế năng lượng sạch tái tạo như là điểm đến cho thế kỷ 21. Đây là một cơ hội rất thực tế’ (3).
Trong một diễn biến liên quan tuy xảy ra bên ngoài khuôn khổ Hội nghị, nhưng cũng đáng khích lệ. Chiều 25/1, tại Hà Nội, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Jose Fernandez, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách tăng trưởng kinh tế, môi trường và năng lượng, đang thăm và làm việc tại Việt Nam. Thứ trưởng Jose Fernandez cho biết, có khoảng 15 doanh nghiệp Mỹ đang mong muốn đầu tư ngay vào Việt Nam, với trị giá khoảng 8 tỷ USD trong lĩnh vực năng lượng sạch, đề nghị Việt Nam tiếp tục tháo gỡ các vấn đề liên quan đến thủ tục pháp lý. Đánh giá cao cam kết của Hà Nội về giảm phát thải ròng, rất nhiều doanh nghiệp của Mỹ sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng sạch. Do đó, ngoài mong muốn Việt Nam tiếp tục tháo gỡ các vấn đề về thủ tục pháp lý, phía đại diện Mỹ còn đề xuất tổ chức đối thoại giữa hai bên về các lĩnh vực kinh tế quan trọng như lĩnh vực bán dẫn, chuyển đổi năng lượng sạch và khoáng sản thiết yếu (4).
Những tình trạng khó xử của Việt Nam
Hợp tác an ninh Việt – Mỹ là một trụ cột then chốt trong CSP Mỹ – Việt. Theo TS. Nguyễn Hùng Sơn, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao, bắt đầu từ những năm 1980, triết lý về sức chống chịu của Việt Nam trước hết là xây dựng nền kinh tế mạnh, mở cửa đất nước về ngoại giao và cuối cùng mới là xây dựng nền quốc phòng mạnh. Ông Sơn cũng cho rằng, cả Hà Nội lẫn Washington đều có cùng quan điểm về trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và chống lại ‘những vi phạm rõ ràng về luật pháp quốc tế trên Biển Đông’. Nhưng ‘là láng giềng ngay sát Trung Quốc, mối nguy của hành động sai lầm đối với Việt Nam là cao hơn nhiều so với Mỹ,’ ông nhận định. ‘Cho nên Hà Nội rất thận trọng trong cách xử lý quan hệ với Trung Quốc’. Nếu như Washington nhìn nhận mối quan hệ CSP với Việt Nam dưới góc độ ‘răn đe’ Trung Quốc, thì dưới cái nhìn của Hà Nội, mối quan hệ này giúp mình ‘tăng cường sức chống chịu’ trước những rủi ro về kinh tế và chính trị, ông Nguyễn Hùng Sơn nhấn mạnh trong phát biểu (5).
Đánh giá chung của các nhà quan sát về ‘Hội nghị Mỹ – Việt’ vừa qua là tích cực. Tuy nhiên, các phân tích về các vấn đề nêu ra tại Hội nghị vẫn bị đặt dấu hỏi bởi tính hiệu quả của chúng. Bởi vì, các kiến nghị từ think-tank – một ‘kho ý tưởng’ – kiểu này vẫn khó có tác động trực tiếp đối với ĐCS và chính quyền trong nước.
Từ nay đến Đại hội 14 ĐCSVN, dường như mọi động thái về chính sách đối ngoại và an ninh quốc phòng càng bị kềm tỏa dưới ảnh hưởng của ‘các kênh bên Đảng’, đặc biệt là các hoạt động ngoại giao. Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn chỉ gửi đến Hội nghị một video clip, như một thao tác lễ tân, hơn là như những gợi ý thảo luận các vấn đề thực chất. Ngoại giao từ nay chịu sự chỉ đạo trực tiếp hơn của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mà ‘người gác cửa cho ông’ là Lê Hoài Trung, Ủy viên Ban Bí thư, có vị trí cao hơn hẳn một bậc so với Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn.
Dưới tầm nhìn của ĐCSVN, nhất là trong bối cảnh hỗn loạn hiện nay trên thế giới, Việt Nam vẫn khó có lòng tin chiến lược đầy đủ vào chính sách của Mỹ tại khu vực, nhất là trước cuộc bầu cử ‘kỳ lạ’ đang ngày càng nóng lên trên đất Mỹ.
Tình trạng khó xử (dilemma) của Việt Nam giữa CSP và Cộng Đồng Chung Vận Mệnh (CCD) là một rủi ro đáng kể. Tuy Việt Nam chỉ cam kết ‘chia sẻ tương lai’ với ĐCS Trung Quốc, nhưng trên thực chất là ĐCSVN dường như đã đặt một chân vào trật tự ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, và có thể bị ép ‘xếp hàng’ vào trục Trung – Nga – Bắc Hàn…
Nhìn toàn cục, chưa có gì đảm bảo CSP với Mỹ có thể ‘giải cứu’ Việt Nam khỏi bết bát về kinh tế, bế tắc về xã hội. Cũng như CCD với Trung Quốc có giải tỏa được thế ‘tứ bề thọ địch’ hiện nay của Việt Nam hay không cũng là câu hỏi lớn. Dù ĐCSVN ít nhiều tiên lượng được các bước ‘đại nhảy hụt’ về đối nội lẫn đối ngoại của Chủ tịch Tập Cận Bình, nhưng Đảng có nhận thức được đây là thời cơ để đẩy mạnh kết nối thực chất hơn với không gian ‘Ấn Thái Dương tự do và rộng mở’ (FOIP) hay không, thì vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ (6). Theo rò rỉ từ nội bộ, càng ngày ĐCSVN càng nhận ra rằng, tiếp tục ‘đi hàng hai’ giữa FOIP và CCD là một thách thức đầy rủi ro cho Việt Nam.
Chuyển đoạn ‘lôi cuốn’ đối với CSP Việt – Mỹ
Chuyển đoạn ‘lôi cuốn/ đam mê’ đối với CSP Việt – Mỹ tới đây đòi hỏi những gì? Muốn thực sự để có một ‘thời kỳ đam mê’ như bà Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Lindsey Ford cổ súy trong Hội nghị, Việt Nam phải vượt lên được chính mình, trước hết là về nội trị. Không ‘giải cứu’ được bệnh ‘liệt kháng’ về nội trị thì đối ngoại vẫn chưa hết bế tắc, dẫu đã có CSP với Hoa Kỳ.
Gần 40 năm trước, vào năm 1986, từng có một Tổng bí thư biết ‘vượt lên chính mình’, đó là ông Trường Chinh. Một nhà lý luận được dán nhãn ‘mao-ít’ cứng rắn nhất trong Bộ Chính trị, nhưng khi ‘thời cơ đến’, ông đã phất lên ngọn cờ ‘Đổi mới’, bỏ hẳn nền kinh tế kế hoạch hóa. Ngày nay, Nguyễn Phú Trọng cũng là một nhà lý luận ‘mác-xít chân truyền’, nhưng qua ‘cuộc đốt lò’ vĩ đại, hình như ông vẫn chưa nhận ra được ‘lỗi hệ thống’ là một loại khiếm khuyết không thể vá víu trong cấu trúc nội tại của nó, nên hầu như ông vẫn bế tắc suốt ba nhiệm kỳ. Bằng chứng là cho đến cuộc họp Trung ương đột xuất gần đây, Đảng vẫn chưa giải quyết nổi vấn đề ‘kế vị quyền lực’ (7). Trong bối cảnh ấy, không phải không có nguy cơ các phe phái sẽ dùng lý cớ đối ngoại để ‘làm khó nhau’, dù rất hy vọng, CSP sẽ không trở thành nạn nhân của CCD theo một cách nào đó.
Khó tìm được một lý do chung nào để giải thích tại sao nền dân chủ vốn đã yếu ớt ở Đông Nam Á vẫn tiếp tục bị suy thoái nhiều hơn trong những năm qua cũng như thời gian tới. Đấy là điềm xấu cho quan hệ CSP Việt – Mỹ. Nếu không có sự cải thiện nào về dân chủ, nhân quyền và tôn giáo ở Việt Nam những năm trước mắt, thì thật khó để nói tới sự hợp tác hiệu quả Mỹ – Việt trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và đào tạo. Giống như nhiều tập đoàn lãnh đạo ‘phi dân chủ’ khác, chính quyền Việt Nam sẽ tiếp tục củng cố quyền lực chuyên chế bằng mọi cách họ có được sau khi ông Trọng cho Bộ Công an tiêu diệt hầu hết các ‘đối thủ’ trong nội bộ và các tiếng nói phản biện ngoài xã hội. Ngày 5/1/2024, tại cuộc họp báo định kỳ, Trung tướng công an Tô Ân Xô tuyên bố: ‘Bộ Công an chủ trương làm một vụ để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực…’ Bộ Công an dựa vào đâu để đưa ra ‘chủ trương’ như thế khi phạm vi trách nhiệm của công an chỉ là bảo vệ và thực thi pháp luật một cách khách quan, nghiêm cẩn? (8). Đại sứ Nguyễn Quốc Dũng hơn ai hết hiểu rằng, khó để đòi hỏi Mỹ công nhận một nền kinh tế thị trường trong một xã hội chuyên chế và công an trị như thế!
Tham khảo:
(3) https://www.csis.org/events/us-vietnam-conference-2024
(7) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/how-deep-is-the-power-void-01302024115024.htm
Leave a Comment