Trong thời gian đó (01.1974), báo chí Hà Nội không loan một tin tức gì về vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa.
Ngày 19 tháng Giêng là ngày giỗ 75 chiến sĩ Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã bỏ mình bảo vệ Hoàng Sa chống cuộc tấn công của Hải quân Trung Quốc. Trong đó có Thiếu tá Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và các chiến sĩ trên hộ tống hạm HQ-10. Sau khoảng 15 phút giao chiến, HQ-10 bị hư khẩu pháo chính 76 li trước mũi tàu; tàu bị bắn xối xả, bốc cháy tại chỗ. Đại úy Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng vẫn cố điều khiển HQ-10 húc vào tàu đối phương, cho thủy thủ ngảy xuống biển trước khi ông qua đời.
Năm 1971, Hải quân Trung Quốc và Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã nhiều lần chạm súng trong hải phận Hoàng Sa. Sau đó, vì chiến trường trên đất liền đòi hỏi, thủy quân lục chiến Việt Nam đóng tại Hoàng Sa được đưa về, chỉ còn một trung đội địa phương quân trấn giữ trên nhóm đảo Nguyệt Thiềm (Lưỡi Liềm).
Sau này mới biết chính Mao Trạch Đông ra lệnh Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình mở tấn công.
Ngày 16 tháng 1 năm 1974, một phái đoàn của Quân lực Việt Nam Cộng hòa thăm dò một số đảo ở quần đảo Hoàng Sa để chuẩn bị thiết lập một phi trường trên đảo Lưỡi Liềm, đến nơi mới thấy đã bị quân Trung Cộng chiếm cứ.
Ngày 17 tháng 1, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) chở theo một toán người nhái và một đội hải kích đổ bộ lên ba hòn đảo, nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam Cộng hòa. Đó là các đảo Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh thuộc Nhóm Lưỡi Liềm, nằm về phía tây quần đảo, gần đất liền Việt Nam.
Báo Giáo Dục Việt Nam, trong một bài báo nói về một bài báo trên Tân Hoa Xã, thuật lại, đêm hôm đó Chu Ân Lai biết tin, cùng với Diệp Kiếm Anh viết báo cáo gửi Mao Trạch Đông đề nghị trả đũa. Mao Trạch Đông phê: “Đồng ý!” và nói: “không thể không đánh”. Mao cho Diệp Kiếm Anh và Đặng Tiểu Bình trực tiếp chỉ huy. Đặng Tiểu Bình mới được phục chức sau 7 năm bị đày đi “cải tạo,” được Diệp Kiếm Anh ở tỉnh Quảng Đông bảo vệ.
Chu Ân Lai họp Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc và lập ra một ban chuyên trách năm nhân vật quan trọng gồm Diệp Kiếm Anh làm chủ nhiệm, với Đặng Tiểu Bình, Trần Tích Liên và Vương Hồng Văn, Trương Xuân Kiều (hai người thân tín của Giang Thanh, vợ Mao), quyết định tấn công hạm đội Việt Nam Cộng hòa.
Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng hòa đã được của Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn cho biết radar Đệ thất Hạm đội thấy một số tàu chiến Trung Cộng từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Phó Đô đốc Hải quân Hồ Văn Kỳ Thoại phải quyết định rút lui khi biết 17 chiến hạm của Trung Quốc trong đó có 4 tàu ngầm đang hướng tới vùng này, và có thể phi cơ phản lực từ đảo Hải Nam sẽ bay tới. Việt Nam Cộng hòa chỉ có phi cơ khu trục F-5 thuộc Sư đoàn 1 Không quân, không đủ sức tiếp viện vì không thể tiếp tế xăng trên trời. Sau này, Đại tá chỉ huy Hà Văn Ngạc kể rằng Trung Cộng có tới 11 tàu chiến, bao gồm cả những tàu Osa mang tên lửa chống chiến hạm.
Theo Hải Chiến Hoàng Sa của Bão biển Đệ Nhị Hải Sư, tác giả xuất bản, Australia, 1989, trang 101, được Wikipedia dẫn lại, Hải quân Việt Nam yêu cầu Hạm đội 7 trợ giúp, nhưng bị từ chối. Năm 1970, Đô đốc Tham mưu trưởng Hải quân Elmo Zumwalt tuyên bố tại Guam rằng Hoàng Sa và Trường Sa không nằm trong chiến lược phát triển các hải đảo của Đệ thất Hạm đội. Sau đó, họ còn từ chối không cứu các thủy thủ tàu HQ-10 lênh đênh trên biển. Ngày 27 tháng 2 qua trung gian của Hồng Thập Tự quốc tế, tại Hồng Kông, Trung Cộng trao trả 48 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa bị bắt.
Trong thời gian đó, báo chí Hà Nội không loan một tin tức gì về vụ Trung Quốc chiếm Hoàng Sa. Cộng sản Việt Nam há miệng mắc quai vì một bức thư Phạm Văn Đồng gửi Chu Ân Lai từ năm 1958. Năm 1980, Bộ Ngoại giao Trung Cộng nhắc lại rằng báo Nhân Dân ở Hà Nội in toàn văn tuyên bố về hải phận của Trung Quốc ở trang đầu, ngày 6 tháng 9 năm 1958, trong đó có đoạn nói về Nam Sa và Tây Sa thuộc Trung Quốc, mà không viết một lời phản đối hoặc cải chính nào cả. Đó chính là các quần đảo người Việt đặt tên là Trường Sa và Hoàng Sa. Họ công bố cả bức công hàm của Phạm Văn Đồng tuyên bố ủng hộ quan điểm của Chu Ân Lai; cùng với một bản đồ thế giới do Cục Đo đạc và Bản đồ thuộc Phủ Thủ tướng Việt Nam [Dân chủ Cộng hòa] xuất bản tháng 5 năm 1972 trong đó ghi nhận các quần Tây Sa và Nam Sa tên gọi của Bắc Kinh.
Đài BBC ngày 20.1.2014 cho biết Trung Cộng còn tiết lộ trong một cuộc gặp gỡ ngày 6 tháng 9 năm 1958, Thứ trưởng Ngoại giao miền Bắc Ung Văn Khiêm đã nói với Đại diện Trung Cộng Lý Chí Dân rằng: “Theo dữ liệu của Việt Nam, quần đảo Tây sa và quần đảo Nam Sa về mặt lịch sử là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.” Họ cũng viện chứng cớ là các bản đồ thế giới của Bắc Việt in năm 1960 và 1972 đều công nhận chủ quyền Trung Quốc đối với hai quần đảo.
Cuốn Security Flashpoints: Oil, Islands, Sea Access and Military Confrontation, do Jianming Shen và hai tác giả khác biên tập một cuộc hội thảo ở New York năm 1997, Martinus Nijhoff Publishers xuất bản năm 1998, trang 142 cho biết vào năm 1965, Hà Nội lên án vị tổng thống Mỹ, cũng viết rằng: “Tổng thống Lyndon Johnson đã chỉ định… một phần lãnh hải của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong quần đảo Tây Sa làm ‘vùng chiến sự’ của lực lượng vũ trang Hoa Kỳ.” Ngôn ngữ này hoàn toàn theo cách gọi tên của Bắc Kinh. Năm 1974, họ in một sách giáo khoa môn địa lý lớp 9 phổ thông của Nhà xuất bản Giáo dục tại Hà Nội. Trong sách, bài về địa lý Trung Quốc viết một câu: “Vòng cung đảo từ các đảo Nam sa, Tây sa, đến các đảo Hải nam, Đài loan, quần đảo Hoành bồ, Châu sơn… làm thành một bức ‘trường thành’ bảo vệ lục địa Trung quốc.”
Với những lý do trên, Cộng sản Việt Nam phải ngậm miệng khi Trung Cộng đánh chiếm Hoàng Sa. Nhiều thế hệ ông bà chúng ta đã khai phá các hòn đảo thuộc Hoàng Sa và Trường Sa cho con cháu thừa hưởng. Rất nhiều chứng tích lịch sử đã ghi nhận công ơn tổ tiên.
Cuốn Sách Trắng về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, Bộ Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa, in năm 1975 ghi nhận các sự kiện sau đây:
Từ thế kỷ 17, các chúa Nguyễn đã cử các hải đội ra khảo sát, khai thác hải sản Năm 1816, vua Gia Long sai quân ra cắm cờ trên quần đảo Hoàng Sa. Thời Minh Mạng đã có bản đồ vẽ dải Vạn Lý ở Trường Sa. Trong thời thuộc địa, năm 1933, Pháp tách quần đảo Hoàng Sa ra khỏi tỉnh Nam Nghĩa và đặt vào tỉnh Thừa Thiên và đưa quân ra đóng. Năm 1950 Pháp chính thức chuyển giao Hoàng Sa cho chính phủ Bảo Đại. Năm 1951, tại Hội nghị San Francisco về Hiệp ước Hòa bình với Nhật Bản, Thủ tướng Quốc gia Việt Nam Trần Văn Hữu tuyên bố cả hai quần đảo Trường Sa và quần đảo Hoàng Sa đều thuộc lãnh thổ Việt Nam, 51 nước tham dự hội nghị đều chấp thuận. Đại biểu Liên xô đề nghị trao Hoàng Sa, Trường Sa cho Trung Quốc, nhưng bị bác bỏ với 46 phiếu chống,
Tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, Hà Nội, ngày 25 tháng 7 năm 2012 loan tin Viện Bảo Tàng Lịch Sử ở Hà Nội đã được tặng một bản đồ do Nhà Thanh, Trung Quốc, được vẽ từ đời vua Khang Hy và xuất bản năm 1904, ở Thượng Hải. Khuôn khổ tấm “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ” này đến đảo Hải Nam thì chấm dứt, chứng tỏ họ không ghi nhận các quần đảo trong Biển Đông nước ta. Người tặng tấm bản đồ là Tiến sĩ Mai Ngọc Hồng, nguyên Trưởng phòng Tư liệu thư viện – Viện Hán Nôm.
Các chiến sĩ Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh chiến đấu bảo vệ chủ quyền đất nước. Mỗi năm đến ngày 19 tháng 1, người dân Việt sẽ ghi nhớ mãi mãi./.
Leave a Comment