Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa đến Việt Nam (1). Đây là lần thứ ba ông Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam với cả hai tư cách như vừa kể (lần đầu năm 2015, lần sau năm 2017). Vài giờ trước khi chiếc phi cơ chở ông Tập Cận Bình hạ cánh ở phi trường Nội Bài, tờ Nhân Dân giới thiệu một bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình, trong đó, ông ta nhấn mạnh, ông ta cảm thấy Việt Nam “vô cùng thân thiết”, đến Việt Nam “giống như đến thăm họ hàng, láng giềng” (2).
Giới lãnh đạo Trung Quốc – vốn từng đề ra “16 chữ vàng” (láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai) và “tinh thần bốn tốt” (láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt) để định hướng cho quan hệ Việt Trung – đang quảng bá “bốn kiên trì” (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành). Trong thư gửi cho tờ Nhân Dân để cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN giúp quảng bá trước chủ trương, đường lối đối ngoại của Trung Quốc, Tập Cận Bình vỗ về người Việt: “Người thân mong người thân tốt, láng giềng mong láng giềng tốt”!
***
Cũng thời điểm này, Stars and Stripes giới thiệu bài tổng kết về va chạm giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Đông trong 2023. Từ đầu năm đến nay, các tàu có vũ trang của Trung Quốc (hải quân, hải cảnh, dân quân biển) đã có năm loại hành động gây hấn đáng chú ý ở khu vực biển Đông: Phóng laser vào tàu công vụ của Philippines khiến thủy thủ đoàn quáng (tháng 2/2023). Vây tàu, vây đảo (tháng 3/2023 và tháng 12/2023). Dùng súng phun nước tấn công tàu công vụ của Philippine (tháng 8/2023 và tháng 12/2023). Lắp đặt chướng ngại vật (hàng rào nổi) để cản trở hoạt động của ngư dân Philippine (tháng 9/2023). Liên tục hăm dọa tàu đánh cá, khiêu khích tàu công vụ của Philippine.
Jonathan Malaya – Phát ngôn viên của lực lượng đặc nhiệm tại biển Đông của Philippine – nhận định: Các hành động của Trung Quốc ở biển Đông cho thấy họ thực sự muốn gia tăng căng thẳng (3). Người Việt, đặc biệt là ngư dân Việt không lạ lẫm gì với những loại hành động này của Trung Quốc. Ít nhất chúng đã xuất hiện và tồn tại trên biển Đông khoảng hai thập niên. Tuy nhiên Philippine khác Việt Nam ở chỗ công bố tất cả các hành động hung hăng của Trung Quốc và vừa kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ bảo vệ chủ quyền, vừa hỗ trợ ngư dân nhằm duy trì “bình thường hóa” di chuyển tại biển Đông.
***
Trong “bốn kiên trì” mà ông Tập Cận Bình vừa sử dụng cơ quan ngôn luận của BCH TƯ đảng CSVN để giới thiệu đường lối, chủ trương đối ngoại của giới lãnh đạo Trung Quốc trong “tình hình mới”, người ta không thấy Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc đề nghị hai bên cùng “kiên trì” về… “chủ quyền” ở biển Đông – yếu tố quan trọng nhất. Nếu chỉ có Trung Quốc “kiên trì” với những yêu sách về chủ quyền thì “bốn kiên trì” (tin cậy lẫn nhau, hài hòa lợi ích, hữu nghị thân thiết, đối xử chân thành) có khác gì bịp bợm?
Nếu trong các cuộc hội đàm riêng biệt giữa Tổng Bí thư đảng CSVN, Chủ tịch Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, Chủ tịch Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam, Thủ tướng Cộng hòa XHCN Việt Nam với ông Tập Cận Bình mà tất cả cùng lờ đi, không “kiên trì” nêu ra để cùng thảo luận một cách rạch ròi, sòng phẳng về “chủ quyền” thì… chẳng lẽ đó là lý do để Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam tự tin đến mức không ngại tuyên bố với báo giới rằng: Quan hệ giữa hai đảng, hai nước là “rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới” (4)?
***
Ngày 8/12/2015, khi gặp gỡ ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng Bí thư đảng CSVN – như đại biểu, đại diện cho cử tri các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm của thành phố Hà Nội tại Quốc hội, nhiều cử tri vốn là cựu viên chức của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam đã nhắc đến những yếu tố (như Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam suốt từ đầu tháng 5/2014 cho đến giữa tháng 7/2014,…) khiến họ cũng như nhiều người Việt khác lo ngại cho chủ quyền quốc gia.
Theo tường thuật của báo chí Việt Nam thì lúc đó ông Trọng khẳng định: Càng ngày càng thấy cách giải quyết vấn đề biển Đông của đảng CSVN là đúng đắn. Thay vì trực tiếp trả lời những cử tri dù lợi ích của cá nhân và gia đình luôn luôn gắn chặt với sự tồn vong của đảng CSVN nhưng không tránh khỏi hoang mang về cách hành xử của đảng CSVN trong quan hệ với Trung Quốc và bảo vệ chủ quyền của Việt Nam tại biển Đông, ông Trọng vặn lại: Nếu để xảy ra đụng độ gì thì tình hình bây giờ bất ổn thế nào, chúng ta có ngồi đây mà bàn việc tổ chức đại hội đảng được không? Ta xử lý mối quan hệ với Trung Quốc, Mỹ, Nhật… vừa qua như thế hợp lý không?
Ông Trọng tỏ ra rất tự tin và tự hào khi tự trả lời câu hỏi do chính ông nêu ra: “Ta” chơi với tất cả mà họ đều phải nể trọng. Không phải vô tình mà vừa qua cùng lúc chúng ta đón ba nguyên thủ lớn cùng đến Việt Nam. Vừa đón ông Tập Cận Bình xuống sân bay lại thay cờ, trang trí ngay để đón Tổng thống Italia… (5). Không rõ ông Trọng quan niệm như thế nào về “nể trọng”, đặc biệt là sự “nể trọng” mà Trung Quốc cũng như ông Tập Cận Bình dành cho Việt Nam và cho chính ông?
Cần nhớ, cho dù ông Tập Cận Bình được Việt Nam tiếp đón trọng thể, được mời trò chuyện với Quốc hội vào ngày 6/11/2015, công khai hứa hẹn sẽ cùng Việt Nam “nhìn về đại cục, hướng về lâu dài, tôn trọng lẫn nhau” (6) nhưng ngay hôm sau (7/11/2015), khi đến thăm Đại học Quốc gia của Singapore, ông Tập Cận Bình khẳng định: Biển Đông của Trung Quốc, một số đảo của Trung Quốc đang bị các nước khác ‘xâm chiếm’, do vậy hoạt động của Trung Quốc tại biển Đông là nhằm bảo vệ chủ quyền (7)! Hi vọng, lần này, ông Trọng và đảng của ông không mắc lỡm vì lý do khiến quan hệ giữa hai đảng, hai nước trở thành “rất đặc biệt và có thể nói là rất hiếm thấy trên thế giới”.
Chú thích
(7) http://www.rfi.fr/vi/chau-a/20151107-tap-can-binh-lai-khang-dinh-bien-dong-la-cua-trung-quoc
Leave a Comment