Khi công an nhân dân càng ngày càng… “vững mạnh” và càng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tô Lâm “muốn gì được đó”, thậm chí “muốn gì làm đó”…
Quốc hội khóa 15 vừa thông quan Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Theo đó, từ 1 tháng 7 năm tới, bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách và đội trưởng, đội phó dân phòng sẽ trở thành “người nhà nước” (hưởng lương từ công quỹ, được thanh toán chi phí bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) – chính xác là trở thành nhân sự do Bộ Công an Việt Nam tuyển dụng và sử dụng. Nhờ luật này, Bộ Công an sẽ được cấp thêm tiền để mua sắm đồng phục, phương tiện, trang bị,… cho lực lượng này (1).
Nhìn một cách tổng quát, Quốc hội khóa này “sáng suốt” hơn Quốc hội khóa trước (khóa 14). Hồi tháng 11/2020, tại Kỳ họp thứ 10 của Quốc hội khóa 14, các đại biểu quốc hội (ĐBQH) khóa 14 đã thẳng tay bác bỏ đề nghị của Bộ Công an, bỏ phiếu biến Dự luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thành luật vừa vì chưa cần thiết, vừa vì nhiệm vụ của lực lượng này chưa rõ ràng và tạo ra gánh nặng tài chính cho quốc gia (2).
Dùng luật để thống nhất ba lực lượng: Công an bán chính quy, Bảo vệ dân phố, Dân phòng trên toàn quốc là sáng kiến của ông Tô Lâm. Tuy nhiên việc có tới 73,7% đại biểu nhất trí bác bỏ đề nghị thông qua dự luật cho thấy hơn một nửa ĐBQH không tin ông Tô Lâm nói thật: Nếu có luật, thống nhất ba lực lượng có thể giảm được 500.000 người!
Song đó chưa phải là điểm đáng chú ý nhất. Góp ý của hai ông tướng quân đội, khi đó cùng là ĐBQH, mới đáng bận tâm. Tướng Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh Quân khu 2), Ủy viên Ủy ban Quốc phòng An ninh (UB QPAN) Quốc hội khóa 14, nhắc ông Tô Lâm rằng: Lực lượng công an đã quá đông. Mỗi tỉnh ít nhất cũng có 3.000, tỉnh to thì 4.000 công an chính quy. Đông như thế mà còn thêm nhiều lực lượng nữa, chẳng lẽ lực lượng chính quy không đủ khả năng để chúng ta nắm tình hình, xử lý tình hình?
Còn tướng Nguyễn Mai Bộ (Phó Chánh án Tòa Quân sự Trung ương), cũng là Ủy viên UB QPAN của Quốc hội khóa 14, nhấn mạnh rằng ông tin là: Thống nhất ba lực lượng không những không thể giảm 500.000 người mà còn khiến ngân sách phải gánh thêm lương cho chừng 800.000 người (126.000 công an xã bán chuyên trách, 70.000 bảo vệ phường – xã, 500.000 phòng cháy chữa cháy), chưa kể chi phí cho trụ sở, hoạt động,… và các địa phương sẽ không còn tiền đầu tư cho phát triển, an sinh xã hội (3).
Tiếc rằng sau đó, ông Tô Lâm tiếp tục là Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an và ĐBQH và khác với khóa trước, Chủ nhiệm UB QPAN của Quốc hội là ông Võ Trọng Việt – tướng quân đội, Chủ nhiệm UB QPAN của Quốc hội khóa này là ông Lê Tấn Tới – tướng công an nên chẳng có gì lạ khi ông Tới khẳng định: UB QPAN cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải có luật về Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở (4)!
Cho dù chỉ có 78,14% ĐBQH nhất trí biến Dự Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thành luật nhưng đó vẫn là… “đa số tán thành”. Chuyện trước mắt, nhân dân phải đóng góp, chu cấp thêm cho khoảng 300.000 thành viên của “lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở” và những người chịu trách nhiệm cắt đầu này, gọt đầu kia của những khoản chi cho an sinh xã hội, phúc lợi công cộng để có ít nhất 3.500 tỉ nuôi lực lượng mới của ngành công an rõ ràng không phải chuyện của ĐBQH.
Trong bối cảnh cán bộ, đảng viên nào cũng là “ứng cử viên” cho tiến trình xem xét, xử lý kỷ luật vì rờ vào đâu cũng đụng sai phạm, thậm chí “ai cũng có thể trở thành bị can, bị cáo”, các ĐBQH vừa bày tỏ sự nhất trí với ông Tô Lâm không những không mất gì mà còn tạo được thiện cảm với đồng chí Tô Lâm nói riêng và Bộ Công an nói chung. Đó là bằng chứng cho thấy, tại Quốc hội hiện có 78,14% đại biểu hết sức “sáng suốt”.
Dẫu đảng, quốc hội, nhà nước, chính phủ chưa bao giờ báo cáo để dân chúng Việt Nam biết rằng họ phải “thắt lưng, buộc bụng”, nhịn nhiều loại phúc lợi lẽ ra phải được hưởng để nuôi bao nhiêu “cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân” nhưng dựa vào phát biểu của tướng Sùng Thìn Cò hôm 17/11/2020 thì có thể tạm ước đoán, lực lượng công an các tỉnh, thành không dưới 200.000 người, đó là chưa kể nhân sự của các cục chính trị, tình báo, an ninh, cảnh sát, hậu cần – kỹ thuật, thi hành án hình sự – hỗ trợ tư pháp, các trung đoàn cảnh sát cơ động,… trực thuộc Bộ Công an. Giờ thêm 300.000 người nữa, nhân số của Công an nhân dân Việt Nam chắc chắn là vượt xa mức nửa triệu.
Khi công an nhân dân càng ngày càng… “vững mạnh” và càng ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy ông Tô Lâm “muốn gì được đó”, thậm chí “muốn gì làm đó”, sử dụng tư cách “đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân”, công khai bày tỏ sự ủng hộ đồng chí Tô Lâm vô điều kiện chẳng phải là… “sáng suốt gấp đôi” đó sao? Bảo đảm an sinh xã hội, an ninh trật tự vốn chỉ là khẩu hiệu, trong công cuộc “tự chỉnh đốn”, khi đảng chọn đốn ai người đó chịu, an toàn cá nhân rõ là chuyện lớn!
Chú thích
Leave a Comment