Tình trạng tham nhũng tràn lan, không thể khống chế, cán bộ, đảng viên tha hóa, hành xử vô văn hóa, mất tính người, trí thức đảng viên trở nên hèn yếu, bạc nhược và xảo quyệt, thầy thuốc trở nên gian manh, nhà văn, nghệ sĩ trở nên xu nịnh, sợ sệt… là tình trạng báo động đỏ tại Việt Nam hiện nay. Và, nhìn theo góc độ nào cũng thấy mối nguy. Nhưng, thử mổ xẻ vấn đề do đâu lại là câu chuyện hết sức oái ăm. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng càng đốt lò chống tham nhũng bao nhiêu thì lò càng rực cháy và tình trạng “bội thực củi” hiện ra trước mắt. Vì sao? Vì chính mâu thuẫn nội tại của đảng lãnh đạo.
Chính sách trồng người lấy tiêu chí hồng và chuyên của đảng Cộng sản mấy mươi năm nay là một chính sách sai lầm, bởi nó đi từ mâu thuẫn này sang mâu thuẫn khác. Từ mâu thuẫn nội tại giữa đảng viên hạt giống đỏ với đảng viên trí thức cho đến mâu thuẫn xã hội giữa đảng viên và trí thức. Và một khi mâu thuẫn này phát sinh thì các hình thức tội phạm hình thành trên cơ sở lợi ích nhóm.
Về khía cạnh mâu thuẫn nội tại giữa đảng viên hạt giống đỏ, nói nôm na là ‘thái tử đảng” với trí thức đảng, có lẽ đến lúc này, các trí thức không phải hạt giống đỏ được cất nhắc lên các chức vị tương đối cao trong hệ thống cũng đã nếm quá đủ mùi ê chề của thân phận không phải hạt giống.
Trong chủ trương chung của đảng Cộng sản là nâng cao dân trí, nâng cao trình độ của các đảng viên và rộng hơn là nâng cao trình độ của hệ thống, tức phổ cập nhật học, nâng cao mặt bằng tri thức và trình độ của hệ thống.
Cho đến lúc này, có thể nói mặt bằng trình độ của hệ thống tương đối cao, hầu hết thành viên hệ thống có bằng thạc sĩ, tiến sĩ, có học hàm giáo sư hoặc phó giáo sư. Tuy nhiên, có bao nhiêu phần trăm trong hệ thống là bằng thật, có thực học là chuyện hết sức tế nhị.
Và, điều đáng nói nữa là trong chủ trương chung để phát triển đất nước mà đảng lãnh đạo đã đề ra, vấn đề kinh tế tri thức được đặt lên hàng đầu, sau đó là các hạng mục dịch vụ tùy vào từng mô hình và quy mô khác nhau.
Thế nhưng một khi trí thức được sử dụng để cống hiến, để tạo ra sức mạnh khoa học, kinh tế trong phát triển, nghiệt nỗi, họ được tận dụng như một công cụ và được vắt rất kĩ chất xám nhưng lại không được trao quyền lực tương thích. Những hạt giống đỏ sẽ lên nắm quyền lãnh đạo các cơ quan đầu não, các cơ quan khoa học và các cơ sở giáo dục. Người trí thức mãi mãi là công cụ mặc dù họ có thể được kết nạp đảng và được xếp vào “vừa hồng vừa chuyên” nhưng cơ hội lãnh đạo của họ là con số zero tròn trịa. Những trí thức này phải chịu sự quản lý của các hạt giống đỏ.
Nghiệt ngã hơn là các hạt giống đỏ có thể có nhiều bằng cấp và học vị cao hơn các trí thức. Nhưng hầu hết học vị, học hàm họ có được là một sự hợp thức hóa quyền lực chính trị, để họ có thể đe nẹt các trí thức dễ hơn, sai khiến dễ hơn. Và gần đây, các trí thức bị chụp mũ chính trị ngày càng nhiều, điều này vô hình trung gây xung đột nội tại ở chính các cơ quan nhà nước với nhau. Các trí thức thực học có thể chấp nhận vì chén cơm manh áo mà chịu sai khiến chứ trong sâu thẳm họ “bằng mặt mà không bằng lòng”. Khi sự chịu đựng đến đỉnh điểm, các trí thức thực thụ có thể tự diễn biến thành một loại cừu chính trị, nhưng họ là một loại cừu có suy nghĩ và biết nuốt hận, biết chờ đợi và biết cơ hội.
Trong đó, cơ hội trả thù, rửa hận duy nhất họ có được không phải là thăng tiến để dìm đối phương mà là đưa đối phương vào lò, chính vì vậy, thời gian ngắn mà lò của Tổng Bí thư Trọng luôn ngùn ngụt lửa, toàn củi to, đây là những cây củi được phát hiện bởi các trí thức không phải hạt giống đỏ. Nhưng, nếu nói sâu xa, mâu thuẫn vẫn chưa bao giờ chấm dứt ngay trong các cơ quan nhà nước, chính phủ, đảng. Bởi người trí thức chưa bao giờ có tiếng nói của họ mặc dù họ là những người cống hiến nhiều nhất. Chính cái cơ chế tréo ngoe này đã nhanh chóng đẩy đất nước đến chỗ thi đua bằng cấp, tranh nhau ghế quyền lực và kéo dài bất kì dự án khoa học nào để kiếm ăn. Bởi cơ hội kiếm ăn của người trí thức thực thụ trong cơ chế này chỉ có vậy, tức vẽ vời cái mà lãnh đạo không biết, không làm được để kiếm ăn, mọi thứ càng kéo dài càng tốt. Bởi nếu có rút ngắn thì kẻ được lợi là các hạt giống đỏ chứ nhân dân cũng chẳng được gì ngoài những cục xương đã qua quá nhiều bộ răng trong hệ thống.
Đó là mâu thuẫn trong nội bộ cơ quan đảng, nhà nước và chính phủ, về mặt mâu thuẫn ngoài xã hội thì thiên hình vạn trạng. Đơn cử ví dụ từ cơ quan chính quyền thấp nhất là thôn, xã và phường. Cán bộ thôn là ai, đến giờ này, chắc không cần nói thêm, dân có bầu họ không? Có chứ, đảng và chính quyền vẫn tổ chức bầu cử cho họ theo định kì nhưng ứng cử viên duy nhất là trưởng thôn đương chức và nhân dân/cử tri chỉ đến để ghi vào thống nhất cho ông/bà ta tiếp tục giữ chức. Như vậy là một kịch bản hợp thức hóa, coi thường nhân dân. Đừng hỏi vì sao nhân dân không tin vào loại cán bộ này.
Riêng về cán bộ xã, phường, họ là ai? Họ là những người bám đuôi phong trào địa phương, có nhiều thanh niên suốt nhiều năm thi rớt đại học, tham gia sinh hoạt đoàn, dựa vào lý lịch và quan hệ gia đình là hạt giống đỏ, bỗng chốc được đề cử vào hội đồng nhân dân, và chẳng bao lâu trở thành chủ tịch hội đồng nhân dân. Các chức danh khác trong hệ thống cán bộ xã, phường cũng vậy, hầu hết là thi rớt đại học hoặc học ở một trường trung cấp nào đó rồi về bám đuôi phong trào hoặc bám ghế cán bộ dựa vào lý lịch. Điều này dễ dàng nhận thấy qua việc công an xã, phường được đào tạo chính qui họ rất coi thường cán bộ xã, phường, kể cả lãnh đạo ở đó.
Điều đáng nói hơn là tuy thi rớt đại học liên tục, nhưng khi lên nắm quyền, nắm ghế thì lý lịch lại đầy đủ bằng cấp, thậm chí bằng cao học. Thử hỏi, với thể loại cán bộ lãnh đạo như vậy, chỉ dựa vào gốc gác và bằng trung cấp/cao cấp lý luận chính trị Mác – Lê, dựa vào những tấm bằng không có thực học để lãnh đạo thì làm sao các doanh nghiệp hay các trí thức trong địa phương có thể phục họ, đó là chưa muốn nói các trí thức thực thụ dễ dàng qua mặt họ, thiết lập riêng cho giới có chữ của họ với nhau một hệ thống ngầm trong làm ăn.
Về các lãnh đạo, họ lên ghế lãnh đạo ngồi một cách bất chấp với mục đích vụ lợi rõ ràng, họ mượn quyền lực chính trị để lấn chiếm đất đai, hợp thức hóa tài sản, biến đất ruộng thành đất ở, mở các loại dịch vụ kinh doanh bẩn cho người trong nhà đứng tên (vợ, con, anh chị em…) và toàn bộ tiền bạc, các suất vay lãi suất thấp của người nghèo cũng bị họ thâu tóm, biến thành vốn làm ăn của gia đình họ. Chuyện này diễn ra nhan nhản khắp đất nước, nhân dân biết, nhân dân lắc đầu, bĩu môi khinh bỉ nhưng nhân dân không dám lên tiếng vì sợ bị trả thù, bị hại… Đó là sự thật.
Thử nghĩ, lực lượng trí thức không nắm quyền lực trong tay nhưng có nhận thức xã hội đang thất nghiệp, đang chạy xe ôm, chạy Grab, lái taxi, làm phụ hồ hay may mắn lắm thì mở được cơ sở kinh doanh hoặc doanh nghiệp… sẽ nghĩ gì, nhìn vào hệ thống quyền lực bằng con mắt nào? Một khi ở tại cơ sở địa phương, mâu thuẫn xã hội giữa giới có chữ nhưng trắng tay với giới lãnh đạo leo beo vài ba tấm bằng thật còn lại hầu hết là bằng hợp thức hóa như vậy thì câu chuyện phát triển địa phương – đất nước sẽ đi đến đâu?!
Và mâu thuẫn xã hội, mâu thuẫn nội bộ đã tồn tại quá lâu trong cơ thể chế độ, nó như ung nhọt có thể bùng vỡ bất kì giờ nào nếu trái gió trở trời như vậy thì đất nước sẽ ra sao?!
Và, tiến trình trồng người toàn hạt giống đỏ, hay nói khác đi trồng rừng nhưng lại sử dụng rừng qui hoạch, rừng toàn những cây củi và bỏ qua những cánh rừng tự nhiên, rừng gỗ quí như vậy thì liệu đốt bao giờ cho hết củi trong rừng.
Mâu thuẫn lớn nhất của mấy mươi năm nay chính là đảng Cộng sản đã có một sự nghiệp trồng rừng toàn củi đỏ nhưng lại ủi bỏ những cánh rừng gỗ quí tự nhiên hoặc đưa nó vào danh sách rừng để khai thác và chưa bao giờ có sự trân trọng, bảo vệ đúng mức. Nên hệ quả của lựa chọn này là thực tại lúc nhúc quan tham và kẻ dốt nhưng biết cơ hội và đầy thủ đoạn trong hệ thống đảng./.
Leave a Comment