Sức khoẻ của nhà hoạt động Trần Văn Bang (còn được gọi là Trần Bang) bị suy giảm nghiêm trọng vì điều kiện giam giữ hà khắc ở Trại giam Bố Lá (huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương).
Ông Bang, sinh năm 1961, bị bắt ngày đầu tháng 3/2022 về cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 của Bộ luật Hình sự. Giữa tháng 5 vừa qua, ông bị kết án tám năm tù giam và ba năm quản chế vì các hoạt động cổ suý dân chủ và nhân quyền.
Sau khi kháng cáo bị bác bỏ trong phiên phúc thẩm cuối tháng 8 vừa qua, ông bị chuyển đến Trại giam Bố Lá ngày 27/9.
Sau khi ông bị đưa đến Bố Lá hai ngày, gia đình ông có đến thăm và tiếp tế cho ông. Một người trong gia đình nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) qua tin nhắn trong ngày 26/10:
“Anh Bang nói đang bị giam ở khu 2 B2, cùng trong một phòng với 90 người khác. Tất cả nằm chen chúc nhau mỗi người chỉ có 60 cm chiều ngang.
Do chật chội nên anh không ngủ được. Thêm nữa, vì phòng đông người nên cửa sổ phải mở cả đêm nên gió lạnh thổi vào khiến cho anh bị viêm họng và xoang mũi nặng.”
Trong lần thăm gặp thứ hai vào ngày 17/10, gia đình nhận thấy sức khoẻ của ông Bang suy giảm rõ rệt.
“Tôi rất bất ngờ khi nhìn thấy anh. Anh gầy rộc đi, giảm 10 cân so với lần trước. Nhìn anh già đi nhiều.
Lần trước, gia đình chỉ được gửi 1,5 cân thức ăn mà vào đó anh lại còn chia sẻ với hai người tù khác, những người không nhận được tiếp tế của gia đình trong nhiều tháng.
Hơn nữa, canteen của trại giam chỉ bán hạn chế tối đa 70.000 đồng/ngày nên anh không mua được nhiều thức ăn bổ sung.”
Người này cho biết hôm 26/10, gia đình lại đến gửi đồ tiếp tế cho ông Bang và lần này thì được trại giam cho gửi nhiều hơn.
Người này còn nói trại giam không phát thuốc mặc dù ông Bang đang bị nhiều bệnh như viêm họng, nghẹt mũi, đau đầu, da ngứa, nhức xương khớp, khô mắt, mắt mờ, và khối u vẫn nằm đâu đó trong cơ thể mà chưa được đi kiểm tra lại.
Phóng viên có gọi điện cho Trại giam Bố Lá để kiểm chứng thông tin do gia đình ông Bang cung cấp, nhưng không có ai nghe máy.
Điều 48 của Luật thi hành án hình sự quy định tù nhân được ở theo buồng giam tập thể và chỗ nằm tối thiểu của mỗi tù nhân là hai mét vuông. Điều 55 của luật này cũng quy định tù nhân bị ốm hoặc bị thương tích thì được khám bệnh, chữa bệnh và điều trị tại trạm y tế của cơ sở giam giữ hoặc tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước nơi gần nhất. Trường hợp tù nhân bị bệnh nặng hoặc thương tích vượt quá khả năng điều trị của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đó thì được chuyển đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh tuyến trên để điều trị.
Một số cựu tù nhân chính trị như các ông Lê Quý Lộc, Ngô Văn Dũng thuộc Nhóm Hiến Pháp từng bị giam ở Bố Lá cho biết đây là cơ sở giam giữ của Bộ Công an cho những tù nhân sau khi có án tù chính thức. Thời gian ở trại giam này khoảng ba tháng trước khi bị chuyển đi trại giam khác để thi hành án.
Họ cho biết tù nhân ở Bố Lá bị đối xử hà khắc tương tự như trong thời gian tạm giam để điều tra. Sau này khi đã được chuyển đi thi hành án ở các trại giam khác, cuộc sống đỡ khó khăn hơn.
Khi mới bị đưa vào Bố Lá, tù nhân bị giam trong khu cách ly khoảng một tuần, sau đó bị đưa đi các khu giam giữ khác nhau cho từng đối tượng. Khu B2 là nơi giam giữ những tù nhân chính trị hoặc phạm tội nguy hiểm.
Tù nhân bị giam trong những phòng lớn mỗi phòng 60-90 người, và có thể hơn phụ thuộc vào số tù nhân mà cơ sở này tiếp nhận. Mỗi tù nhân được một chỗ nằm có kích thước 0.6-0,95 m x 2 m, tuỳ vào số lượng tù nhân.
Mỗi tù nhân chỉ được nhận đồ tiếp tế 2-3 kg/lần thăm gặp hay gửi đồ trong khi canteen của trại giam có bán đồ nhưng chủng loại và số lượng hạn chế với giá đắt gấp nhiều lần so với giá thị trường bên ngoài.
Tuy nhiên, người tù có thể mua thức ăn, thuốc lá hoặc đồ dùng do quản giáo cung cấp trực tiếp, nhưng giá cả vẫn cao hơn nhiều lần so với thị trường.
Ông Bang, cựu quân nhân trong cuộc chiến biên giới phía Bắc với Trung Quốc đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, là một nhà hoạt động nhân quyền và rất tích cực tham gia phản đối Trung Quốc xâm phạm lãnh hải của Việt Nam ở Biển Đông.
Ông là một trong bảy nhà hoạt động và nhà báo tự do bị kết tội “tuyên truyền chống nhà nước” từ đầu năm đến nay. Trong số những người còn lại có Nguyễn Lân Thắng- blogger của RFA, và giảng viên âm nhạc Đặng Đăng Phước.
Trước phiên sơ thẩm và phúc thẩm, nhiều tổ chức quốc tế, trong đó có tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), đã kêu gọi Việt Nam trả tự do cho ông ngay lập tức vì ông chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận được quy định trong Hiến pháp Việt Nam và các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã tham gia ký kết./.
Leave a Comment