Nguyễn Nam (VNTB)
Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục quảng bá về “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”
Theo di chúc của Nobel, Giải thưởng Hòa bình sẽ được trao cho người trong năm trước đó “đã làm nhiều nhất hoặc tốt nhất cho tình anh em giữa các quốc gia, cho việc bãi bỏ hoặc giảm quân đội thường trực và cho việc duy trì và thúc đẩy hội nghị hòa bình”.
Theo trang mạng lunion.fr, vào ngày 16-10-1973, Ủy ban Nobel Na Uy công bố giải thưởng Nobel Hòa bình được trao chung cho đại diện Phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Lê Đức Thọ và cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Henry Kissinger vì “những nỗ lực của họ trong việc đàm phán ký kết Hiệp định Paris năm 1973, theo đó Mỹ rút quân khỏi Việt Nam”.
Ông Lê Đức Thọ từ chối nhận giải với lý do hòa bình vẫn chưa lập lại tại Việt Nam. Còn những người phản đối chiến tranh Mỹ gây ra ở Việt Nam phản đối việc trao giải cho ông Kissinger.
Đó là chuyện của quá khứ.
Giờ thì với những gì mà Đảng Cộng sản Việt Nam liên tục quảng bá về “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, cho thấy có thể khái quát lên theo nghĩa “đóng góp cho việc phòng chống tham nhũng toàn cầu”, qua đó dự tranh một suất của giải Nobel hòa bình năm 2024.
“Sách của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là tài liệu có giá trị cao về lý luận và thực tiễn và thực sự là kim chỉ nam trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên phát biểu như vậy khi kết luận hội thảo khoa học về phòng chống tham nhũng gắn với thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.
Bí thư Nguyễn Văn Nên chia sẻ Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong những học trò xuất sắc nhất, tấm gương sáng về nhiều mặt, trong đó có việc sống, làm việc noi theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ở mọi cương vị, Tổng bí thư đều làm tốt công việc, trách nhiệm được Đảng giao phó.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM nhìn nhận trong hơn 93 năm qua, Đảng luôn xác định phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc chiến đấu cam go. Việc này phải được tiến hành thường xuyên, kiên quyết, kiên trì, bền bỉ gắn với nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong Đảng, Nhà nước và cho đó là căn bệnh nguy hiểm, giặc nội xâm. Điều này cũng được thể hiện rõ trong cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Ông Nên cho hay từ việc nghiên cứu các quan điểm, tư tưởng trong cuốn sách, TP.HCM vận dụng vào thực tiễn TP một cách hiệu quả nhất. Trong đó, TP xác định việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng yếu, phải tiến hành thường xuyên, liên tục, kiên quyết, kiên trì bằng nhiều biện pháp đồng bộ, từ chính trị, tư tưởng, văn hóa, tổ chức đến hành chính, kinh tế và luật pháp.
Một cuốn sách khác cũng của tác giả Nguyễn Phú Trọng, có tựa “Cả nước đồng lòng, tranh thủ mọi thời cơ, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” đã được ra mắt chiều 20-10 tại Hà Nội.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa – bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương – nói cuốn sách sẽ góp phần quan trọng tạo niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, là niềm khích lệ, cổ vũ, động viên to lớn đối với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục đoàn kết, phấn đấu quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.
Như vậy với những gì được tụng ca, cho thấy các đầu sách của tác giả Nguyễn Phú Trọng có thể được tập hợp lại để đưa ra ý tưởng chung cho đề xuất kiểm soát quyền lực trong phòng, chống tham nhũng, qua đó góp phần gìn giữ trật tự chung của thế giới, chấm dứt nạn bá quyền.
Một Nobel hòa bình cho “tư tưởng Nguyễn Phú Trọng”, tại sao không?
Leave a Comment