Trân Văn
Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố.
Quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam vừa công bố kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 44 cá nhân từng được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa này (khóa 15) bầu hoặc phê chuẩn. Đây là những cá nhân đang đảm nhận vai trò lãnh đạo: Nhà nước (Chủ tịch, Phó Chủ tịch), quốc hội (Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ, Tổng Thư ký, Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban của quốc hội), chính phủ (Thủ tướng, các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng), Tòa án Tối cao, Viện Kiểm sát Tối cao, Tổng Kiểm toán. Theo “Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm” thì tất cả các cá nhân cần được các ĐBQH Cộng hòa XHCN Việt Nam xem xét – xác định về mức độ tín nhiệm của họ đều đạt yêu cầu (1).
Đây là lần thứ tư quốc hội Cộng hòa XHCN Việt Nam bỏ phiếu tín nhiệm đối với những cá nhân mà họ từng bầu hoặc phê chuẩn (ba lần trước diễn ra vào các năm 2018, 2014, 2013). So với ba lần trước, lần này, việc bỏ phiếu tín nhiệm được quảng bá là khác hơn, mới hơn. Dựa trên quy định mới nhất của Bộ Chính trị về việc tổ chức “lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị” (Quy định số 96-QĐ/TW) được ban hành hồi đầu tháng hai năm nay (2), tháng sáu vừa qua, quốc hội khóa này ban hành nghị quyết “về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn” (Nghị quyết số 96/2023/QH15) [3].
Nhìn một cách tổng quát thì Nghị quyết số 96/2023/QH15 là bản sao của Quy định số 96-QĐ/TW! Còn Quy định số 96-QĐ/TW thì chẳng khác gì mấy so với Quy định số 262-QĐ/TW cũng do Bộ Chính trị ban hành vào tháng 10/2014 và cũng về việc lấy phiếu tín nhiệm. Tương tự, lý do dẫn đến sự ra đời của của Nghị quyết số 96/2023/QH15 của quốc hội khóa này cũng chẳng khác gì lý do khai sinh Nghị quyết số 85/2014/QH13 của Quốc hội khóa 13 hồi tháng 11/2014 – vừa để minh họa, vừa phụ họa cho quy định của Bộ Chính trị về lấy phiếu tín nhiệm! Tất cả đều xác định việc bỏ phiếu tín nhiệm phải dựa trên “phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật” và “kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao” của đương sự.
Có nên tín nhiệm việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm và kết quả không?
***
Tuần trước, công an Việt Nam đề nghị truy tố ba người từng là cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa. Đây là lần thứ ba những viên chức này bị đề nghị truy tố. Hai lần trước họ đã bị đưa ra xét xử, bị phạt tù vì hàng loạt bán công thự, công thổ trái phép và việc truy cứu trách nhiệm hình sự của họ chưa ngừng ở đây, bởi trong thời gian đảm trách vai trò Chủ tịch, Phó Chủ tịch tỉnh Khánh Hòa họ bán rất nhiều công thự, công thổ trên địa bàn tỉnh này (4). Tuy nhiên hành vi phạm pháp của họ không phải là chuyện để bàn ở đây vào lúc này. Điểm cần chú ý là những ông như Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh, Đào Công Thiên đều đã từng được đưa ra lấy phiếu tín nhiệm khi còn tại chức và tất cả đều vô sự, thậm chí năm 2014, ông Vinh không có phiếu “tín nhiệm thấp” nào (5)!
Tổ chức lấy phiếu tín nhiệm làm gì khi điều đó chỉ giúp những người như các ông cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa tiếp tục phát huy cơ hội làm giàu nhờ… phiếu tín nhiệm? Có đáng tín nhiệm những người bỏ phiếu tín nhiệm và các lá phiếu tín nhiệm khi những người có tư cách bỏ phiếu tín nhiệm vẫn xác định sự tín nhiệm đối với những “công bộc” mà giá trị tài sản phải tính bằng những trăm tỉ và những trăm ngàn Mỹ kim? Theo các qui định của Bộ Chính trị và nghị quyết của quốc hội, những cá nhân thuộc diện cần phải được đưa ra để lấy phiếu tín nhiệm phải báo cáo về thành quả công vụ, giải trình về tài sản, tại sao những người bỏ phiếu tín nhiệm các cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa lại xem sự càn rỡ và sự giàu có của những ông này (6) là bình thường?
Ba cựu chủ tịch, cựu phó chủ tịch tỉnh Khánh Hòa chỉ là số lẻ trong vô số trường hợp được phiếu tín nhiệm tạo điều kiện để phá mạnh hơn, đục khoét nhiều hơn. Cũng tháng này, dư luận rúng động khi ông Lê Đức Thọ – Ủy viên BCH TƯ đảng khóa này kiêm Bí thư Bến Tre bị “tước bỏ tất cả các chức vụ trong đảng” vì “Vi phạm nghiêm trọng quy định của đảng, pháp luật của nhà nước, Quy định những điều đảng viên không được làm và trách nhiệm nêu gương trong việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập’ giải trình nguồn gốc và biến động tài sản không trung thực, không đúng quy định. Vi phạm mang tính hệ thống, kéo dài trong nhiều năm, đã gây hậu quả rất nghiêm trọng, dư luận xấu, bức xúc, ảnh hưởng đến uy tín của đảng, mất uy tín cá nhân” (7).
Tuy BCH TƯ đảng chỉ đề cập chung chung như thế nhưng theo một số nguồn được xem là thạo tin thì tài sản của ông Thọ là rất lớn. Những nguồn này bảo rằng, trong đảng, giàu có tới mức đó vốn được xem là bình thường nên hoạn lộ của ông Thọ mới hanh thông như đã biết. Ông Thọ gặp nạn chỉ vì đang vận động để được quy hoạch vào vị trí cao hơn trong BCH TƯ đảng khóa tới (8). Dẫu không thể khẳng định những nguồn vừa đề cập chính xác đến mức nào nhưng rõ ràng, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam không thiếu những cá nhân xem vài trăm ngàn Mỹ kim như giấy lộn mà ví dụ gần nhất là ông Chu Ngọc Anh (9). Ở đợt bỏ phiếu tín nhiệm hồi cuối năm 2018, ông Anh chỉ có 7% phiếu tín nhiệm thấp (10) nên ông mới có điều kiện gây họa lớn hơn!
Chú thích
(5) https://thanhnien.vn/chu-tich-tinh-khanh-hoa-co-phieu-tin-nhiem-thap-cao-nhat-185435223.htm
(7) https://vnexpress.net/bo-chinh-tri-de-nghi-ky-luat-bi-thu-ben-tre-le-duc-tho-4644114.html
(8) https://baotiengdan.com/2023/08/19/chuyen-bi-thu-tinh-uy-ben-tre-co-ngan-ty-o-nha-bank/
Leave a Comment