(Nhân cái gọi là Ngày doanh nhân 13.10)
Xứ này có rất nhiều ngày vinh danh dành cho từng loại đối tượng. Tôi mày mò tìm tra trên Gu gồ, thấy chưa đâu lắm ngày này ngày nọ như nước An Nam ta. Một kiểu tự sướng và khoái màu mè hình thức. Chỉ những anh đội cái bệnh hình thức lên đầu đi ngênh ngang giữa đường mới khoái kiểu vậy. Ngày nghiếc cũng là thứ bệnh, bệnh nặng, cùng khối u với bệnh ưa cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu. Vừa lừa dối, vừa mị dân.
Kể từ năm 2004, ông Phan Văn Khải thay mặt nhà nước ký quyết định chọn ngày 13.10 là ngày doanh nhân Việt Nam. Tới nay đã tròn chẵn 19 năm bởi hôm nay là 13.10.
Thời xưa, lẩu lầu lâu rồi, các cụ xứ ta nhấn đến 4 tầng lớp-hạng người đáng để ý nhất trong xã hội, đời sống, là “sĩ nông công thương”. Khi cộng sản làm cách mạng, họ đặt ra mục đích “trí phú địa hào – đào tận gốc trốc tận rễ” (trí thức, phú nông, địa chủ, cường hào). Chả hiểu sao người ta lại thích số 4 đến thế. Tới khi cướp được chính quyền, phe cách mạng đưa lên ban thờ nhóm ngôi vị độc tôn gồm “công nông binh”, chỉ 3 thành phần thôi, mãi về sau họ giật mình khi nghe thiên hạ, nhất là những anh có chữ có học eo xèo xì xào nên bổ sung “trí” cho thành bộ tứ “công nông binh trí” nhưng bắt trí đứng ở cuối hàng. Những người còn lại trong xã hội chỉ là công dân hạng 2, “bắt phong trần phải phong trần/cho thanh cao mới được phần thanh cao”, đâu có doanh diếc gì.
Có một giai đoạn rất dài dưới sự cai trị của nhà nước công nông, khi khai lý lịch mà khai thành phần gia đình hoặc cha mẹ là buôn bán, tiểu thương, thương nhân, kinh doanh, làm ăn cá nhân… thì không khác chi hạ dấu chấm hết cho tương lai mình. Trong con mắt nhà cai trị, đó là đối tượng, thành phần bóc lột, cùng duộc với bọn tư sản. Cộng sản cực kỳ ghét tư sản, nếu bắn nghìn viên đạn vào đầu thằng tư sản họ cũng bắn, cũng không tiếc đạn. Dẫn chứng chả khó kiếm.
Bà Nguyễn Thị Năm không phải chỉ là địa chủ mà còn là doanh nhân cực kỳ tài giỏi, nổi tiếng khắp trong nam ngoài bắc. Bà đã chết bởi những viên đạn thù của đám khố rách áo ôm nắm quyền bởi chúng ghét người giàu. Gần hơn nữa, thời thập niên 80 còn mấy ai tài giỏi hơn ông Nguyễn Văn Chẩn, được tôn là vua, vua lốp. Giỏi, lại biết làm giàu. Dù ông làm giàu một cách cực kỳ chính đáng, đáng được trân trọng, tôn vinh, nhưng những kẻ ngu muội đã hành ông lên bờ xuống ruộng, bắt giam ông hết đợt này đến lần khác, tịch thu tài sản, tịch biên kê biên nhà xưởng, máy móc. Vua Chẩn tội gì? Không hề phản động, thù địch, chống đối gì sất. “Tội” của ông và gia đình là biết làm giàu, làm ra sản phẩm phục vụ đời sống. Tôi đâu dám kể đơn sai. Con cái ông còn sống sờ sờ ra kia, họ là nhân chứng.
Nếu ai muốn biết thêm, lên mạng tìm đọc ký sự “Vua lốp” của nhà văn Trần Huy Quang (người đã viết những tác phẩm lừng danh, trong đó có truyện ngắn “Linh nghiệm” và ký sự “Lời khai của một bị can”). Làm văn, văn nghiệp phải như Trần Huy Quang, bênh vực con người, phụng sự công lý, đạo lý, chứ không phải xun xoe dùng chữ nghĩa ve vuốt nịnh bợ, viết thứ văn cờ xí khẩu hiệu nhan nhản trong làng văn xứ này. (còn tiếp)
Nguyễn Thông
Leave a Comment